Nhận được thông tin từ người dân, Ban quản lý Vườn quốc gia Vũ Quang lập 3 tuyến để điều tra, khảo sát vàphát hiện được 3 vị trí có dấu chân và phân voi. Qua việc khảo sát dấu chân, cán bộ vườn quốc gia nhận định có khoảng 3-4 cá thể voi từng xuất hiện ở đây.
Bẫy ảnh mà cán bộ vườn đặt cũng ghi lại được một số hình ảnh về voi ở tại khu vực từ Trạm Kiểm lâm Hòa Hải (xã Hòa Hải, huyện Hương Khê) dọc theo đường dông các tiểu khu 191B, 192; khu vực từ khe Bì Bùng vào trung tâm tiểu khu 149A và khu vực khe Tran, tiểu khu 149C, đều thuộc địa phận thị trấn Vũ Quang (huyện Vũ Quang).
Dấu chân voi rừng tại Vườn quốc gia Vũ Quang. Ảnh: VQGVQ
Trước đó, cán bộ bảo tồn của Vườn quốc gia Vũ Quang cũng đã tổ chức 5 đợt bẫy ảnh tự động và đã ghi lại được hình ảnh 2 cá thể voi cái trưởng thành trong khu vực rừng hỗn giao gỗ giang nứa.
Ông Thái Cảnh Toàn, cán bộ Phòng khoa học và hợp tác quốc tế Vườn quốc gia Vũ Quang cho biết, trước đây,đoàn nghiên cứu của vườn cũng đã phát hiện nhiều dấu vết của voi để lại nhưng chưa chụp được hình ảnh trực tiếp. Vừa qua, khi đoàn thực hiện dự án bảo tồn khẩn cấp voi của Tổng cục Lâm nghiệp, đơn vị được cấp máy chụp, bẫy ảnhnên mới ghi lại được hình ảnh của đàn voi này.
Cũng theo ông Toàn, hiện tại do lòng hồ thủy lợi Ngàn Trươi-Cẩm Trang đã bắt đầu hình thành khiến sinh cảnh của đàn voi bị thu hẹp và chia cắt. Do đó, các cơ quan chức năng cần vào cuộc nhằm bảo vệ sinh cảnh sống còn lại của voi.
Vị trí Vườn quốc gia Vũ Quang, nơi phát hiện đàn voi rừng.Ảnh: Google map
Trong thời gian tới, Vườn Quốc gia Vũ Quang sẽ tiếp tục điều tra chính xác thành phần, số lượng voi và các loài động vật nguy cấp, quý hiếm khác tại khu vực này để xây dựng các giải pháp bảo tồn.