Phan Thị Bạch Vân (1903-1980) là nữ nhà báo, nhà văn xuất sắc ở Nam Kỳ trong những năm đầu thế kỷ XX. Tuy nhiên, do chính sách cấm đoán của chính quyền thuộc địa, tác phẩm của bà và do bà tổ chức in ấn bị thất lạc nhiều, khiến cho người đời sau không rõ hình dung về một gương mặt nữ quyền tiêu biểu ở khởi đầu của phong trào phụ nữ Việt Nam.

Cự tuyệt tiểu thuyết nhảm nhí thuộc về tình ái dâm phong, giác ngộ và cổ động phụ nữ biết phấn đấu vì quyền lợi và nghĩa vụ của mình

Theo tìm hiểu của nhà nghiên cứu Võ Văn Nhơn (1), bà tên thật là Phan Thị Mai, quê làng Bình Trước, tổng Phước Vĩnh Thượng, tỉnh Biên Hòa, là con thứ năm trong một gia đình quan lại suy vi vì người cha làm tri huyện chẳng may mất sớm, để lại vợ và bẩy người con. Năm 17 tuổi bà lập gia đình nhưng cuộc tình duyên này sớm tan vỡ. Đến năm 25 tuổi, bà bắt đầu viết báo, viết văn và nhờ duyên văn mà bà kết hôn lần nữa, trở thành vợ lẽ của ông chủ thương hiệu thuốc Võ Đình Dần nổi tiếng ở Nam Kỳ lúc bấy giờ. Năm 1928, bà theo chồng về sống ở Gò Công (Mỹ Tho, Tiền Giang), và ở đây, nhờ sự hậu thuẫn của chồng, bà sáng lập và điều hành Nữ lưu thơ quán Gò Công, một cơ sở xuất bản tranh đấu cho nữ quyền hoạt động năng nổ, hiệu quả và có ảnh hưởng xã hội rộng lớn.


Chân dung Phan Thị Bạch Vân.
Bà mất ngày 2-8-1980 tại TP. Hồ Chí Minh.
Ảnh: INT

Trong cuốn sách đầu tiên được xuất bản bởi Nữ lưu thơ quán (7/1928), Phan Thị Bạch Vân cho đăng trên các trang bìa 2-3 tôn chỉ mục đích và phương hướng hoạt động của cơ sở xuất bản do mình sáng lập. Theo đó, mục đích của Nữ lưu thơ quán được Phan Thị Bạch Vân xác định:

“Lựa chọn để bán ra cho cả thảy chị em bạn gái bằng cái giá thật hạ, những truyện sách xuất bản trong xứ, có ích cho tinh thần đạo đức về nền luân lý nước nhà, giúp cho trí thức nữ lưu được chóng mở, học vấn thêm cao.

Trước tác, sưu tập, dịch thuật và lãnh xuất bản những cảo văn thật có giá trị về các lối các khoa.

Tiểu thuyết nhảm nhí thuộc về tình ái dâm phong, hoặc tả theo những lối quái dị trái hẳn với thể thống nước nhà thì bao giờ cũng cự tuyệt.” (2)

Hỗ trợ cho Nữ lưu thơ quán, là một “bộ biên tập” mà “trong ấy toàn là các nữ sĩ có tiếng, hoặc văn sĩ trứ danh, để chăm nom việc xuất bản và khảo cứu nhiều vấn đề đã hữu ích trong buổi nầy cho toàn nữ quốc dân coi theo đó mà sửa sang cái trách nhiệm mình cho khỏi lầm lạc”. Phan Thị Bạch Vân tin tưởng rằng, với mục đích rõ ràng và các hành động hiệu quả của những người góp sức, Nữ lưu thơ quán sẽ góp phần “lo làm sao cho đường đức dục trí dục của chị em được mau tấn tới với thế đồ mà hưởng lấy cái hạnh phúc chung của buổi tối tân, mau kịp đến cái địa vị quí đẹp chị em phải có mà chưa được có”.

“Chẳng dám tự phụ mình đủ tài đủ lực”, nhưng vì “bấy lâu một tấm nhiệt thành” và bởi “cái hoàn cảnh cấp bách mà phải ra” hoạt động, bà hy vọng “sẽ được nhiều bạn đồng chí ở ngoài giúp thêm” và mong mỏi được đông đảo chị em hưởng ứng. Trong tư cách chủ nhiệm Nữ lưu thơ quán, Phan Thị Bạch Vân kêu gọi:

“Ai ơi! đã có tấm lòng vì nòi giống, vì giang san. Ai ơi! đã tưởng đến cái lẽ tồn vong mà biết ngậm ngùi cho bước đường dài của mươi triệu nữ lưu. Ai ơi! đã biết cái nỗi nước mất dân tan, phong tục đồi tệ đến thế là cùng, hãy đồng cùng nhau soi xét thấu cho, hãy để ý mà táng trợ cho Nữ lưu thơ quán được hưng vượng.” (3)


Ảnh chụp cửa hiệu Nữ lưu thơ quán. Ảnh: INT

Trong quan sát của nhà phê bình Thiếu Sơn lúc đương thời, Nữ lưu thơ quán đã ra đời “giữa hồi phong trào quốc gia đương bồng bột ở xã hội Việt Nam”, và “theo gương các thơ xã đàn ông mở ra để hô hào về quốc sự”, Phan Thị Bạch Vân cũng mở ra Nữ lưu thơ quán “để giác ngộ và cổ động cho phụ nữ biết phấn đấu vì quyền lợi và nghĩa vụ của mình” (4). Có được hiệu ứng của các phong trào quốc gia, và có thể cũng được trợ giúp từ nguồn tài chính của ông Vũ Đình Dần, Nữ lưu thơ quán đã hoạt động sôi nổi, thu hút một lượng độc giả đông đảo “có số trên hai ngàn người” (5). Với số lượng độc giả ấy, Thiếu Sơn cho rằng đối với nữ giới, Nữ lưu thơ quán đã “có ảnh hưởng lớn lắm”, “đã có công thay đổi được ít nhiều cái sở hiếu của quần chúng nữ lưu để tập dần cho họ biết quan niệm và thiệt hành những vấn đề có bổ ích cho tiên đồ phụ nữ”. Song do “có nhiều khuynh hướng về quốc sự” nên Nữ lưu thơ quán cũng chỉ tồn tại được vài năm (1928-1930). Tuy ngắn ngủi là vậy, kết quả đạt được của Nữ lưu thư quán vẫn rất đáng kể, “in ra trước sau được 39 quyển”. Cho đến khi “chủ nhân bị hầu bồi thẩm bốn lần, ra tòa hai bận, suýt chút nữa thì bị giam” vì “chính phủ buộc tội dùng văn chương để làm rối loạn cuộc trị an bản xứ” (6), thì trong số các sách xuất bản đó, “một phần ba” bị cấm” (7).

Tuy có sự chi phối của xu thế tất yếu trong tình cảnh thuộc địa (hướng tới các vấn đề “quốc sự”) nhưng các ấn bản của Nữ lưu thơ quán vẫn rất đa dạng. Sự đa dạng trước hết có được nhờ vào hệ thống cộng tác viên phong phú trải khắp Nam-Trung-Bắc, trong đó có sự hiện diện của những gương mặt xuất sắc như Đạm Phương nữ sử, Ngô Văn Triện, Á Nam Trần Tuấn Khải,…

Ở giai đoạn đầu, có thể việc liên kết với nhiều cơ sở xuất bản và các thư quán đã mở đường cho Nữ lưu thơ quán tái bản các cuốn sách của các cơ sở khác phù hợp với tôn chỉ mục đích của mình. Nhưng ở giai đoạn sau, Nữ lưu thơ quán còn chủ động xuất bản các cuốn sách do mình tổ chức, mà bộ “Tinh thần phụ nữ” (5 quyển) và sau đó được đổi thành “Sách nữ lưu” (3 quyển) là một ví dụ điển hình. Sự đa dạng của các ấn phẩm còn đến từ sự phong phú của các thể loại được các tác giả lựa chọn khi soạn sách. Nữ lưu thơ quán xuất bản từ sách biên soạn (như Gương nữ hiệp nói về tiểu sử bà Roland nước Pháp; Giám hồ nữ hiệp, Trịnh Dục Tú về các nữ hiệp nước Trung Hoa; Hồn tự lập về tiểu sử Gandhi nước Ấn Độ), sách biên dịch (Tân nữ học sinh, Mảnh gương phụ nữ dịch sách Tàu), các sách tập hợp bài báo (Gia đình giáo dục thời đàm, Phụ nữ dự gia đình), đến các sáng tác tiểu thuyết (Kim Tú Cầu, Nữ anh tài, Một đời mấy thân, Hồng phấn tương tri).

Bản thân Phan Thị Bạch Vân cũng là một cây bút nổi trội, khi cùng lúc soạn sách, sáng tác tiểu thuyết in ở Nữ lưu thơ quán và viết bài đăng báo. Trong các cuốn sách của mình, Phan Thị Bạch Vân luôn ủng hộ việc đấu tranh đòi quyền phụ nữ, nam nữ bình quyền và nữ quyền, song đồng thời, bà cũng ý thức gắn phong trào nữ quyền với phong trào giải phóng dân tộc. Trong lời dẫn cuốn Gương nữ hiệp viết về bà Roland, Phan Thị Bạch Vân nhấn mạnh: “Cùng sống trong một nước thì trai hay gái đều có cái bổn phận như nhau. Đương lúc nước mất dân tàn, trông mong vào những bực trượng phu ra tay cứu chữa, mà cũng trông mong vào những trang nhi nữ ghé vai gánh lấy cái trách nhiệm chung; nước nào nam giới nữ giới đều có người thì nước ấy hẳn không đến nỗi để cho người ngoài giầy xéo. Chúng ta đọc truyện bà Rô-Lăng nước Pháp, sao được không nhớ đến bà Trưng bà Triệu là những bà mẹ yêu quí của chúng ta, rồi lại nghĩ đến cái bổn phận, cái cảnh ngộ của chúng ta ngày nay mà ngậm ngùi đau đớn” (8).

Ra tòa

Cuốn tiểu thuyết in thành sáu tập của bà – Nữ anh tài – bị chính quyền thuộc địa lấy làm chứng dẫn để khép cho bà tội “viết sách làm rối loạn cuộc trị an trong dân chúng”. Đứng trước tòa án Mỹ Tho, khi được quan tòa hỏi “ý cô muốn những gì mà viết ra sách đó”, Phan Thị Bạch Vân đã dõng dạc trả lời: “Vì tôi thấy đàn bà An Nam còn dốt nát nhiều, và bị nhiều điều áp chế dưới quyền đàn ông, ví như người bị chồng bỏ, rồi ra thất nghiệp không biết làm việc gì để nuôi thân, nhân đó mà sinh lòng làm bậy, nên tôi viết ra quyển sách ấy cố tâm khuyên dụ bạn nữ lưu tôi phải lo học thêm để mở mang trí thức, và tập luyện các nghề nghiệp làm ăn như đàn ông”. Khi tiếp tục bị quan tòa quy kết “mượn tiếng khuyên dụ đàn bà mà rõ ra là cô xui đàn ông làm loạn”, Phan Thị Bạch Vân cứng cỏi mà khéo léo trả lời: “Dân trí chúng tôi còn thấp lắm, tôi lo khuyên dụ chị em tôi trong đường học thức và nghề nghiệp còn chưa kham, tài trí gì mà lại xui nổi bọn đàn ông làm quốc sự” để phản bác lại lời kết tội của quan tòa (9). Kết quả, sau 8 ngày bị đình lại, tòa tuyên án Phan Thị Bạch Vân chịu phạt vạ “hai quan rưỡi” (10), sau khi bị buộc phải đóng cửa Nữ lưu thơ quán. Tuy Phan Thị Bạch Vân không bị bắt giam nhưng sau hơn hai năm hoạt động báo chí và xuất bản, cái án của chính quyền thuộc địa đã khép lại chặng đường hoạt động nữ quyền sôi nổi của Phan Thị Bạch Vân.

Dù có ảnh hưởng rộng rãi tới phong trào phụ nữ đương thời, nhưng do chính sách cấm đoán của chính quyền thuộc địa, chỉ mấy năm sau mà, theo quan sát của Thiếu Sơn, “những sách của Nữ lưu thơ quán nay đã thất lạc đi nhiều. Cả sách của Bạch Vân nữ sĩ cũng không còn được mấy quyển” (11). Sự tàn khuyết ấy, cùng với thời gian, rõ ràng đã khiến cho tên tuổi của Phan Thị Bạch Vân bị khuất lấp và người đời sau không rõ hình dung về một gương mặt nữ quyền tiêu biểu ở khởi đầu của phong trào phụ nữ Việt Nam. Do đó, sau gần một thế kỷ, việc sưu tầm giới thiệu về Phan Thị Bạch Vân cùng những trước tác của bà và các xuất bản phẩm của Nữ lưu thơ quán Gò Công do bà chủ trương và điều hành là một công việc cần thiết, ngõ hầu trả lại đúng vị trí lịch sử của Phan Thị Bạch Vân, đồng thời giúp cho việc nhìn nhận đầy đủ hơn về một thời điểm quan trọng của phong trào phụ nữ Việt Nam, ở vào lúc mà người phụ nữ Việt Nam bắt đầu xác lập được địa vị của mình trong đời sống báo chí, văn chương và xã hội.

---

(1) Võ Văn Nhơn, “Một nhà văn nữ tranh đấu cho nữ quyền vào đầu thế kỷ XX”, Tuoitreonline, 8/3/2007.

(2) “[Tôn chỉ] Nữ lưu thơ quán”, trong Phan Thị Bạch Vân (biên soạn), Gương nữ kiệt (Tiểu sử bà Roland , nữ kiệt thứ nhứt châu Âu). Nữ lưu thơ quán Gò Công xuất bản, 7/1928, các trang bìa 2-3.

(3) “[Tôn chỉ] Nữ lưu thơ quán”, trong Phan Thị Bạch Vân (biên soạn), Gương nữ kiệt, Sđd, bìa 2-3.

(4) Thiếu Sơn, “Nữ sĩ Việt Nam [kì 1]”, Phụ nữ tân văn, số 230 (4/1/1934), tr.16.

(5) Thiếu Sơn, “Nữ sĩ Việt Nam [kì 2]”, Phụ nữ tân văn, số 231 (11/1/1934), tr.7.

(6) “Nữ lưu thơ quán bị đóng cửa, cô Phan Thị Bạch Vân bị giải ra tòa án”, Hà thành ngọ báo, số 753 (12/2/1930), tr.1.

(7) Thiếu Sơn, “Nữ sĩ Việt Nam [kì 1]”, Bđd, tr.16.

(8) Phan Thị Bạch Vân, “Lời dẫn”, trong Gương nữ kiệt, Sđd, tr.3.

(9) “Một cái án nhiễu loạn cuộc trị an, cô chủ nhiệm Nữ lưu thơ quán tại trước tòa án Mỹ Tho”, Hà thành ngọ báo, số 758 (18/2/1930), tr.1.

(10) “Cô Phan Thị Bạch Vân tại trước tòa án Mỹ Tho”, Hà thành ngọ báo, số 765 (25/2/1930), tr.1.

(11) Thiếu Sơn, “Nữ sĩ Việt Nam [kì 1]”, Bđd, tr.16.