Tổ chức Save Vietnam's Wildlife do nhà bảo tồn Nguyễn Văn Thái thành lập không chỉ giải cứu 1.540 con tê tê - loại động vật có vú bị buôn bán trái phép nhiều nhất trên thế giới và đang trên bờ vực tuyệt chủng - mà còn công bố các bài báo, viết tài liệu về chăm sóc và cứu hộ tê tê để nâng cao nhận thức của người dân

Anh Nguyễn Văn Thái,Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã tại Việt Nam (Save Vietnam's Wildlife - SVW). Ảnh:Suzi Eszterhas.

Tê tê – loài động vật bốn chân với móng vuốt giống con lười, mõm giống thú ăn kiến và ‘chiếc áo giáp’ có vảy hình kim cương – là loại động vật có vú bị buôn bán trái phép nhiều nhất trên thế giới. Một số loài tê tê thậm chí đang trên bờ vực tuyệt chủng.

Do tê tê sống đơn độc và hay lảng tránh người, các nhà nghiên cứu không thể ước tính hiện có bao nhiêu con tê tê còn lại trong tự nhiên. Chúng cực kỳ khó chăm sóc trong điều kiện nuôi nhốt, thường chết mà không rõ nguyên nhân.

Các nhà bảo tồn đã phát hiện tám loài ở châu Phi và châu Á, và phân loại chúng theo mức từ dễ bị tổn thương đến cực kỳ nguy cấp. Ở Đông Nam Á – nơi có thể tìm thấy tê tê Trung Quốc và tê tê Sunda, hai trong số những loài bị đe dọa nghiêm trọng nhất, chủ yếu bởi nạn săn trộm. Nhiều kẻ săn lùng tê tê để lấy thịt; chúng còn là nguyên liệu dùng trong các bài thuốc cổ truyền, dù không có bằng chứng nào về hiệu quả và năm 2020, chính phủ Trung Quốc đã loại bỏ vảy tê tê khỏi danh sách các thành phần được phép sử dụng trong các bài thuốc y học cổ truyền của nước này.

WWF ước tính, năm 2019 trên toàn thế giới có khoảng 195.000 con tê tê bị buôn bán để lấy vảy. Ủy ban Công lý Động vật hoang dã (Wildlife Justice Commission) cho biết, vảy của chúng có thể được bán với giá lên tới 740 USD/kg tại một số nước châu Á.

Trong bối cảnh đó, ngày 15/6, Giải thưởng Môi trường Goldman đã vinh danh Nguyễn Văn Thái – một nhà bảo tồn Việt Nam – vì đã bảo vệ các loài động vật hoang dã như tê tê.

Năm 2014, anh Thái thành lập tổ chức phi chính phủ Save Vietnam's Wildlife, có trụ sở chính tại Vườn Quốc gia Cúc Phương. Kể từ đó đến nay, anh đã thành lập hai trung tâm phục hồi chức năng cho tê tê tại Vườn Quốc gia Cúc Phương và Pù Mát; và một đơn vị ngăn chặn chuyên tập huấn cho các kiểm lâm, bộ đội biên phòng về bảo tồn động vật hoang dã, nhận diện động vật, kỹ năng sử dụng GPS và công nghệ bay không người lái. Nhờ những thông tin do SVW cung cấp, các kiểm lâm và bộ đội biên phòng đã ngăn chặn được các vụ buôn bán động vật trái phép lớn - có lần giải cứu tới 160 động vật trong một cuộc vây bắt; phá được khoảng 10.000 bẫy bắt trộm; tịch thu 90 khẩu súng, 800 lồng nhốt; bắt giữ 600 người săn trộm và buôn bán trái phép.

SVW tổ chức rất nhiều hoạt động nhằm giáo dục cho học sinh về tầm quan trọng của động vật hoang dã. Ảnh: SVW.

Nguyễn Văn Thái, 39 tuổi, kể rằng anh lớn lên giữa một khu rừng Việt Nam. Năm lên 8, anh đã chứng kiến những kẻ săn trộm bắt tê tê từ hang của chúng, từ đó anh đã yêu loài động vật này. “Tôi nhìn thấy một con tê tê mẹ đang cuộn tròn thành quả bóng để bảo vệ đứa con của mình”, anh chia sẻ với CNN. Từ đó, anh xem việc bảo vệ những con vật kỳ lạ này là sứ mệnh của đời mình.

“Tê tê là loài thú duy nhất có vảy trên thế giới”, anh giải thích. “Mất đi tê tê, đồng nghĩa với việc mất đi một phần hệ sinh thái, và mất đi sự cân bằng”.

Nhóm của anh đã theo dõi cẩn thận các con vật để từ đó xây dựng nền tảng kiến thức về cách chăm sóc chúng. Một số kiến thức họ có được từ… những kẻ săn trộm. Trung tâm đã tổ chức các hội thảo quy tụ những kẻ săn trộm, các nhà quản lý và cơ quan thi hành luật nhằm tạo điều kiện để họ thảo luận với nhau.

“Chúng tôi mời họ đến buổi hội thảo, như một cách nhắn nhủ, ‘chúng tôi biết bạn là kẻ săn trộm, nhưng chúng ta hãy làm việc cùng nhau và tạo ra sự thay đổi'," anh Thái nói.

Anh Nguyễn Văn Thái cho biết, từ khi đi vào hoạt động đến nay, SVW đã giải cứu 1.540 con tê tê ở Việt Nam khỏi nạn buôn bán động vật trái phép. Tại các trung tâm phục hồi, các nhà môi trường đã chăm sóc những con tê tê được giải cứu; ngay cả sau khi thả chúng về tự nhiên, kiểm lâm vẫn quan sát chúng bằng cách sử dụng nhận dạng tần sóng radio và máy bay không người lái. Bên cạnh đó, anh cũng tổ chức các chiến dịch giáo dục và tiếp cận cộng đồng, công bố các bài báo, viết tài liệu về chăm sóc và cứu hộ tê tê để nâng cao nhận thức của người dân. Anh ước tính Trung tâm đã tập huấn cho hơn 11.000 người về tầm quan trọng của các loài động vật.

Năm ngoái, các nhà nghiên cứu tại Đại học Duke và Đại học Nông nghiệp Nam Trung Quốc gây xôn xao dư luận khi cho rằng tê tê có thể là vật chủ trung gian cho loại coronavirus mới. Anh Thái cho rằng điều này đã giúp ích cho các nỗ lực bảo tồn.

Hướng đến các giải pháp mang tính địa phương

Giải thưởng Môi trường Goldman mô tả những nỗ lực của anh Nguyễn Văn Thái hướng đến “lấp đầy một khoảng trống quan trọng trong việc hiểu và bảo vệ loài động vật đang bị đe dọa nghiêm trọng này”.

Dan Challender, chuyên gia về tê tê và chính sách buôn bán động vật hoang dã ở Đại học Oxford, cho rằng Nguyễn Văn Thái và tổ chức SVW đóng một vai trò to lớn trong việc cung cấp kiến thức về cách chăm sóc tê tê bị thương.

“Điều gây ấn tượng với tôi, đó là anh ấy đã làm rất nhiều việc để bảo vệ tê tê, chứ không chỉ tập trung vào việc phục hồi và thả tê tê về rừng”, Challender nói và bổ sung thêm rằng việc bảo tồn các khu vực sống quan trọng của tê tê đòi hỏi phải có giải pháp mang tính địa phương, đó là điều mà anh Thái đã làm được.

Anh Thái và các thành viên trong nhóm trong một lần thả tê tê về lại tự nhiên. Ảnh: SVW

Challender cho biết, tê tê đóng vai trò quan trọng trong môi trường của chúng - chúng kiểm soát quần thể côn trùng và hang của chúng còn là nơi trú ẩn cho các sinh vật như dơi, rắn và cầy mangut. “Nếu ta đánh mất chúng [tê tê], thì điều đó có thể gây ra vô số tác động lên các hệ sinh thái nơi chúng sống”.

Anh Nguyễn Văn Thái tỏ ra lạc quan về tương lai của những con tê tê, khi người dân đã hiểu về những gì mà tê tê đang phải đối diện. “Tôi nhận thấy sự thay đổi của những bạn trẻ, họ hoạt động tích cực hơn rất nhiều”, anh cho biết.

“Chúng tôi hy vọng mọi người sẽ tìm hiểu về loài tê tê - chúng đáng yêu như thế nào, chúng đang phải đối mặt với những thách thức gì”, anh nói. “Một cá nhân hay một tổ chức cũng không thể thay đổi mọi thứ, không thể cứu được loài tê tê, nhưng nếu mọi người cùng chung tay hành động thì chúng ta có thể cứu được loài này khỏi nguy cơ tuyệt chủng”.

Dù là một nhà bảo tồn chăm chỉ, tích cực, anh không thể tin được mình đã giành Giải thưởng Môi trường Goldman. “Tôi nhận được tin này khi đang ở nhà vào buổi tối, tôi có một cuộc gọi qua WhatsApp”, anh kể. “Ban đầu, tôi rất ngạc nhiên. Tôi không biết ai đã đề cử mình. Đó là một sự kiện lớn trong đời.” Anh cho rằng giải thưởng không chỉ là một vinh dự lớn, mà số tiền thưởng còn giúp anh tiếp tục thực hiện sứ mệnh của SVW. “Tôi muốn SVW tồn tại mãi mãi. Chúng tôi muốn mọi người quan tâm đến tổ chức hơn để cùng nhau tham gia vào việc bảo tồn động vật hoang dã.”

Giải thưởng Môi trường Goldman do nhà hoạt động từ thiện người Mỹ Richard và Rhoda Goldman sáng lập năm 1989, đây được ví như giải “Nobel Xanh” trong lĩnh vực môi trường. Mỗi năm, giải thưởng sẽ vinh danh 6 cá nhân hoạt động về môi trưởng ở các khu vực khác nhau trên thế giới: châu Phi, châu Á, châu Âu, các quần đảo và quốc đảo, Bắc Mỹ, Nam và Trung Mỹ. Mỗi cá nhân sẽ nhận được cúp và giải thưởng trị giá 200.000 USD.

Năm nay, anh Nguyễn Văn Thái là đại diện từ Châu Á giành Giải thưởng. Trước anh, vào năm 2018, Giải thưởng đã vinh danh bà Ngụy Thị Khanh - Giám đốc Trung tâm phát triển sáng tạo xanh (GreenID) – vì những nỗ lực nhằm thúc đẩy Việt Nam chuyển sang sử dụng các dạng năng lượng tái tạo bền vững và thân thiện với môi trường thay vì than đá.

Nguồn: