Phan Bội Châu thuộc số những nhà nho cấp tiến có những tiếp cận sớm nhất với vấn đề phụ nữ.

Đọc Tuyển tập Phan Bội Châu: Vấn đề phụ nữ ở nước ta, có thể thấy rõ những quy chiếu của môi trường địa lý nhân văn (xứ Nghệ), của hoàn cảnh cá nhân (ân tình sâu đậm với người vợ cả Thái Thị Huyên) đã khiến cho nữ giới tìm được chỗ đứng trong tâm tư tình cảm của Phan Bội Châu.

Cuốn sách gồm 5 phần, trong đó phần thứ nhất và thứ hai trích giới thiệu các tác phẩm chính luận và biên khảo quan trọng thể hiện tư tưởng của Phan Bội Châu về đất nước và cách mạng (Tân Việt Nam, Dư ngu sám) cùng những quan niệm về vấn đề phụ nữ (nổi bật trong các bài diễn thuyết và các sách Nữ quốc dân tu tri, Vấn đề phụ nữ). Phần thứ ba và thứ tư trích giới thiệu các sáng tác kịch (Tuồng Trưng Nữ Vương), văn xuôi (Trùng Quang tâm sử, Không trung duyên). Phần thứ năm tuyển các sáng tác thi ca về đề tài phụ nữ.

.

Từ diễn ngôn dân tộc hóa và nam tính hóa nữ tính…

Trong Tân Việt Nam (1906-1907), một tác phẩm quan trọng trình bày quan điểm của Phan Bội Châu về mô hình quốc gia – dân tộc mới, ông đã ý thức về vai trò của phụ nữ. Chỉ có điều, ông đặt “phụ nữ” bên cạnh “binh lính”! Nghĩa là ông đã không nhìn nhận họ dưới góc độ giới (tính), mà xem như một lực lượng xã hội ích hữu cho cuộc cách mạng. Vì thế trong việc cải lương giáo dục phục vụ cho phong trào cách mạng, “thì việc giáo dục binh lính và phụ nữ là thiết yếu hơn cả”. Giải thích lý do, ông phân tích cụ thể hơn:

“Phụ nữ là người có trách nhiệm làm mẹ tốt, làm vợ hiền, biết việc văn thơ, hay nghề buôn bán, khéo đường dạy dỗ con em, giúp đỡ quân lính. Mẹ tốt thì sinh được con ngoan, vợ hiền thì giúp được chồng giỏi. Hơn nữa, về các sự nghiệp chính trị, người phụ nữ thực có quyền lợi không cùng. Có chú trọng việc giáo dục thì mới bỏ được riêng tư mà theo công lợi, mới làm cho nước nhà giàu mạnh tiến tới, nên chi trong nước nếu không có phụ nữ yêu nước, thì nước ấy sẽ phải làm đầy tớ người mà thôi. Nước mà được duy tân thì việc giáo dục nữ giới là việc quan trọng lắm. Sách để dạy chị em phụ nữ phải chọn những sách hay, sách tốt. Trường học để dạy chị em phụ nữ phải chọn những thầy giáo tốt và giỏi hơn. Bao nhiêu những trường công nghệ, nhà dưỡng bệnh, sở thương mại, kho bạc, bưu điện, xe hơi, tầu điện mà có quan hệ trong nền tài chính, thì dùng người phụ nữ có học hành giỏi là hơn cả, họ cũng sẽ ra tài giúp nước chẳng khác gì nam giới. Làm thế nào để phụ nữ trong nước, người nào cũng muốn làm bà mẹ tốt, cũng muốn làm người vợ hiền, cũng muốn làm người phụ nữ tài giỏi. Bia đá tượng đồng, lưu danh muôn thuở, thì phường khăn yếm cũng chẳng kém gì bọn mày râu. Đó là cốt ở sự giáo dục phụ nữ”.1

Dân tộc hóa phụ nữ còn khiến cho Phan Bội Châu nam tính hóa nữ tính, trong cách thức ông xây dựng và miêu tả người phụ nữ trong các sáng tác, như ở Trưng Nữ vương (tuồng, 1911), Trùng Quang tâm sử (truyện, 1921-1925). Trong các sáng tác này, ông hiện đại hóa cốt truyện và bối cảnh lịch sử, để con người và câu chuyện xưa cũ hiện diện trong tình thế thuộc địa mà ông đang muốn lưu ý.

Có thể nói, từ suy nghĩ đến lời nói, Trưng Nữ vương cũng như các phụ nữ đời Hậu Trần, hiện lên trong hình ảnh liệt nữ thời hiện đại, những người đã ý thức rất rõ về dân quốc, giang sơn, chủng tộc, đều là những “từ khóa” của chủ nghĩa yêu nước thời đầu thế kỷ XX.

… đến diễn ngôn nhân quyền và nữ quyền

Bước ngoặt trong quan niệm về phụ nữ xảy đến với Phan Bội Châu khi ông bị chính quyền thuộc địa Pháp bắt và buộc an trí ở Huế (1925). Trở thành “ông già Bến Ngự”, không còn được bôn ba tuyên truyền cách mạng bạo động, lắng nghe xã hội qua tiếng vọng của đời sống báo chí sôi động, tư tưởng về phụ nữ của Phan Bội Châu có những thay đổi đáng kể: khi quan điểm cải cách dần thay thế cho quan điểm bạo động, diễn ngôn về phụ nữ cũng nhạt bớt tính chất dân tộc hóa để trở về với diễn ngôn mang tính nữ quyền. Điều này hiển lộ trong các bài chính luận viết đăng báo, các bài diễn thuyết và trả lời phỏng vấn, trong cả sách có tính cách chuyên đề được xuất bản độc lập như Nữ quốc dân tu tri (Nữ công học hội Huế, 1926), đặc biệt là Vấn đề phụ nữ (Duy Tân thư xã, 1928); và cả chuyển biến vi tế trong loại hình sáng tác văn học nghệ thuật, như cách ông tái tạo tiểu thuyết Không trung duyên (Duyên trời) (chữ Hán, 1923) thành Yên Kỳ Nhi (chữ Quốc ngữ, 1932)2.

Ở thời điểm này, Phan Bội Châu đề cập sâu hơn đến vấn đề nữ học, đến nghĩa vụ và quyền lợi của phụ nữ. Hình dung về vai trò và vị thế của người phụ nữ Việt Nam trong hiện tại, Phan Bội Châu cho rằng:

“Trời đã sinh ra các chị em, thì các chị em chắc cũng có trí khôn, hay tự lập; nước Việt Nam đã sản xuất ra các chị em, thì các chị em chắc cũng có năng lực, hay tự cường. Chị em nếu một mai hay hăng hái nghĩ làm người, quyền lợi của loài người quyết ra tay tranh lấy, phẩm cách của loài người quyết ra sức giữ lấy; xã hội hủ kia, có ngày ta chỉnh đốn, gia đình ác kia, có ngày ta cải lương, rồi đây sẽ lấy thân đào liễu mà đỡ gánh non sông, xum sức quần soa mà vần xây vận hội; chắc có một ngày bà Trưng Nữ Vương thứ hai xuất hiện ở thế kỉ này”3.

Vẫn gắn kết phụ nữ với dân tộc, ông khuyến khích nữ giới tham gia vào các hoạt động xã hội. Trong quan niệm của ông, khi “ta hết lòng gánh vác việc xã hội tức là hết nghĩa vụ làm người mà quyền người mới có thể khôi phục được. Quyền người ta khôi phục thời quyền gái chẳng cần nói nữa”. Đặt “quyền gái” [nữ quyền] bên cạnh “quyền người” [nhân quyền], Phan Bội Châu đưa ra cách hiểu của mình về hai chữ “nữ quyền” “thình lình” “nảy ra ở trên mấy tờ báo”, “thấp thoáng ở bên tai các cô”, khi “làn sóng văn minh ở Âu, Mỹ đẩy ít nhiều bọt bèo vào Đông Á” lúc “cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX”:

“Theo ở trên mặt chữ mà nói, Nữ Quyền nghĩa là quyền người đàn bà, cũng như Nam Quyền nghĩa là quyền người con trai, nhưng xét cho đến gốc chân lí, thăm cho đến nguồn triết học, thời Nữ Quyền với Nam Quyền tất cả thu nạp vào trong hai chữ Nhân Quyền. Nhân Quyền nghĩa là quyền của người mà cũng là quyền làm người. Rằng quyền của người, tức là quyền đó, hễ người thời đáng được. Rằng quyền làm người, tức là đã một con người, tất có quyền được làm con người mà không phải là làm trâu làm ngựa. Con trai là người, con gái cũng là người, ở trong chữ quyền người đã bao bọc cả trai với gái, không cần phải phân biệt Nam Quyền, Nữ Quyền. Nếu phân biệt Nam Quyền, Nữ Quyền cũng là dư.”4

Có thể nói, hơn bất cứ nhà hoạt động xã hội nào cho đến lúc này, Phan Bội Châu đã công bố nhiều bài viết, công trình thể hiện sâu sắc quan điểm về quyền phụ nữ và nữ quyền, đồng thời hiện thực hóa quan điểm ấy bằng các hành động cụ thể để hối thúc phong trào phụ nữ. Dần hình thành một tư tưởng hệ thống về vấn đề phụ nữ, chính điều này đã xác lập hình ảnh một nhà hoạt động nữ quyền tiêu biểu ở Việt Nam hiện đại ở Phan Bội Châu, bên cạnh (và bên trong) hình ảnh một người anh hùng lẫm liệt trọn đời vì đất nước, giống nòi.

Chú thích:

(1) Phan Bội Châu: “Tân Việt Nam”, trong Phan Bội Châu với vấn đề phụ nữ ở nước ta (Đoàn Ánh Dương giới thiệu và tuyển chọn), (Phụ nữ tùng thư – Tủ sách Giới và Phát triển), Nxb. Phụ nữ, H., 2020, tr.44-45.

(2) Xem thêm Trần Hải Yến: “Khi Phan Bội Châu là tác giả của tiểu thuyết Yên Kỳ Nhi”. Nghiên cứu văn học, số 1 (1/2019), tr.33-53.

(3) Phan Bội Châu: “Bài diễn thuyết tại trường Đồng Khánh Huế”, trong Phan Bội Châu với vấn đề phụ nữ ở nước ta, Sđd, tr.122.

(4) Phan Bội Châu: “Vấn đề phụ nữ”, trong Phan Bội Châu với vấn đề phụ nữ ở nước ta, Sđd, tr.151-152.