Đứng sừng sững bên bờ sông Saint Clair ở ngoại ô thành phố Sarnia thuộc Tây Nam Ontario (Canada) là những ống xả nhà máy thải khói cao ngút trời.

Thung lũng hóa chất bên bờ sông Saint Clair ở Canada. Ảnh: P199/Wikimedia.
Thung lũng hóa chất bên bờ sông Saint Clair ở Canada. Ảnh: P199/Wikimedia.

Trải dài 30 km dọc bờ sông từ phía Nam Hồ Huron (thuộc Ngũ Đại Hồ) đến địa phận làng Sombra, khu vực này được mệnh danh là Thung lũng hóa chất (Chemical Valley) – nơi tập trung san sát các cơ sở hóa chất và lọc dầu. Trong một khu phức hợp có diện tích tương đương vài trăm dãy nhà, 62 nhà máy tại đây đang chiếm gần 40% sản lượng của ngành công nghiệp hóa chất toàn Canada, đóng vai trò xương sống đối với sự phát triển cơ sở hạ tầng và kinh tế của Sarnia, đồng thời trực tiếp hoặc gián tiếp tạo công ăn việc làm cho gần 50 ngàn lao động địa phương.

Thung lũng hóa chất bắt đầu hình thành từ giữa thế kỷ 19, khi người ta phát hiện thấy dầu mỏ ở phía Nam Sarnia, và đào các giếng khoan mục đích thương mại đầu tiên (của Canada) ở khu vực làng Petrolia, Oil Springs, … Nhờ sở hữu trữ lượng dầu thô dồi dào và nằm gần những trung tâm công nghiệp lớn nhất Bắc Mỹ như Detroit, Chicago, Toronto, … nơi này nghiễm nhiên trở thành địa điểm lý tưởng để xây dựng một cơ sở hóa dầu quy mô.

Các nhà máy lọc dầu và hóa chất hoạt động liên tục ngày đêm. Ảnh: Jon Lin Photography/Flickr.
Các nhà máy lọc dầu và hóa chất hoạt động liên tục ngày đêm. Ảnh: Jon Lin Photography/Flickr.

Khi Đệ nhị Thế chiến nổ ra và Đế quốc Nhật chiếm đóng Đông Nam Á – nguồn cung cấp cao su tự nhiên lớn nhất thế giới, phe Đồng Minh nhận thấy cần khẩn trương tìm kiếm giải pháp thay thế. Trong điều kiện thời gian gấp rút, các lãnh đạo đã chấp nhận kế hoạch sản xuất cao su tổng hợp và chọn Sarnia làm nơi đặt nhà máy. Phương án này giúp tiết kiệm đáng kể chi phí vận chuyển do Sarnia nằm gần nhiều mỏ dầu thô – nguyên liệu quan trọng để sản xuất cao su tổng hợp, và đã có sẵn những cơ sở lọc dầu, … Ngoài ra, nguồn nước dồi dào (lấy từ sông Saint Clair và hồ Huron) cũng khiến việc làm mát tại các nhà máy cao su hoạt động hết công suất trở nên dễ dàng hơn.

Chỉ trong hai năm, khu phức hợp này cung cấp đủ cao su cho toàn bộ nhu cầu quốc phòng và dân sự của Canada, đồng thời còn xuất khẩu cho Đồng Minh. Sau chiến tranh, hoạt động sản xuất tại đây tiếp tục được mở rộng, thu hút thêm nhiều đầu tư nước ngoài và đưa nền kinh tế địa phương phát triển vượt bậc. Đến cuối thập niên 1960 – đầu 1970, Sarnia đã đạt mức sống cao nhất cả nước khi thu nhập bình quân đầu người (GDP per capita) khả dụng vượt hơn 35% so với phần còn lại của Canada. Trong nhiều năm, hình ảnh ống khói mang tính biểu tượng của nơi này đã được in trên mặt sau của đồng 10 CAD.

Tuy nhiên, những thành tựu công nghiệp của Sarnia cũng đã gây rất nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2011, chất lượng không khí tại đây luôn bị xếp vào loại tệ nhất Canada. Người dân địa phương thường bức xúc vì nồng độ các chất độc hại trong không khí luôn ở mức cao cùng nguy cơ rò rỉ. Số liệu thống kê cho biết, người dân Sarnia có tỷ lệ mắc ung thu cao hơn 34 % so với toàn bang Ontario, trong đó ung thư trung biểu mô cao gấp 5 lần và phổi nhiễm bụi amiăng cao gấp 9 lần.

Khu bảo tồn di sản Aamjiwnaang của người bản địa. Ảnh: Toban B/Flickr
Khu bảo tồn di sản Aamjiwnaang của người bản địa. Ảnh: Toban B/Flickr

Ngoài ra, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do ô nhiễm chính là khu bảo tồn di sản của người bản địa (Fist Nations) mang tên Aamjiwnaang – nơi sinh sống của hơn 850 thổ dân Chippewa, nằm ngay giữa Thung lũng Hóa chất và bị bao vây tứ phía bởi các nhà máy hoạt động liên tục 365 ngày/năm. Aamjiwnaang ban đầu là một địa điểm săn bắn, nhưng sau được quy hoạch thành khu bảo tồn (năm 1827) khi người Anh chiếm giữ, và trở thành một điểm đến độc đáo hút khách nhất Bắc Mỹ.

Những năm gần đây, chất lượng không khí ở Sarnia dần được cải thiện đáng kể nhờ chính sách cắt giảm sản lượng (do nhiều cơ sở sản xuất di dời sang châu Á, Mỹ Latinh, …), kéo theo 30% lượng khí thải NO2, CO2, SO2, … Theo ghi nhận trong năm 2009, số ngày sương mù dày đặc tại đây đã giảm xuống chỉ còn 5 so với kỷ lục 46 ngày của năm 2005.

Canada là một trong những nước giàu tài nguyên nhất thế giới, nhất là dầu mỏ (trữ lượng gần gấp 3 lần Nga). Tuy nhiên, nền kinh tế của Canada lại khá đa dạng, không bị phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu thô tài nguyên, và đặc biệt chính phủ rất coi trọng công tác bảo vệ môi trường. Mặc dù là trung tâm lọc dầu lớn nhất Bắc Mỹ, nhưng thành phố Calgary tại tỉnh bang Alberta lại nhiều năm liền được bình chọn là thành phố sạch nhất thế giới với chất lượng không khí và môi trường sống rất lý tưởng.