Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc cảnh báo, ô nhiễm thủy ngân đang trở thành một vấn đề toàn cầu. Trong khi đó, ngay cả ở quốc gia nỗ lực khắc phục nhất như Mỹ, hiệu quả thu được cũng chỉ mới ở bước đầu.

Thủy ngân từ đâu xuất hiện?

30% lượng thủy ngân trong không khí tới từ các nguồn tự nhiên - như núi lửa hay cháy rừng và 70% còn lại xuất hiện từ các hoạt động của con người.Khai thác vàng quy mô nhỏ đang là nguyên nhân hàng đầu gây ô nhiễm thủy ngân. Khi đốt đá hoặc bùn than để tách vàng, người ta vô tình phát thải chất này vào không khí. Nước nhiễm thủy ngân từ các mỏ vàng chảy ra sông và ngấm xuống đất.

Một đứa trẻ 9 tuổi người Indonesia bị nhiễm độc thuỷ ngân do mẹ làm việc tại mỏ vàng khi mang thai. Ảnh: Pulitzercenter
Một đứa trẻ 9 tuổi người Indonesia bị nhiễm độc thuỷ ngân do mẹ làm việc tại mỏ vàng khi mang thai. Ảnh: Pulitzercenter


Việc đốt than đá cũng giải phóng lượng lớn chất độc này vào không khí. Vì thế, các nhà máy điện dùng than là nguồn phát thải thủy ngân nguy hiểm. Một nghiên cứu năm 2015 của nhóm nhà khoa học của Viện Công nghệ Massachussetts, Mỹ, cho thấy châu Á là lục địa phát thải nhiều thủy ngân nhất với 1.770 tấn mỗi năm do đốt than đá tràn lan.


Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc cảnh báo, ô nhiễm thủy ngân đang trở thành một vấn đề toàn cầu. Một khi phát tán vào khí quyển, thủy ngân sẽ biến đổi rất phức tạp. Mưa rơi mang theo thủy ngân xuống các nguồn nước rồi xâm nhập cơ thể động vật dưới nước. Chất độc này ngấm vào đất, đại dương và có thể quay lại khí quyển. Vì thế, tác động của nó đối với môi trường có thể kéo dài vài thập kỷ.


Thủy ngân gây hại gì?


Con người nhiễm methyl thủy ngân qua việc ăn cá và hải sản khác. Hội đồng nghiên cứu quốc gia Mỹ khẳng định, người mẹ càng ăn nhiều hải sản thì nguy cơ con nhiễm thủy ngân càng lớn. Mỗi năm, hơn 60.000 trẻ em ở Mỹ có nguy cơ phát triển hệ thần kinh không bình thường do tiếp xúc với thủy ngân thời kỳ bào thai. Thủy ngân còn có thể phá hoại DNA của người, làm giảm chất lượng tinh trùng, khiến thai nhi dị dạng hoặc sẩy.


Ở thành phố Minamata, Nhật Bản cuối thập niên 1960 có rất nhiều trẻ sơ sinh bị tàn phế do mù, bại não và hàng loạt bệnh thần kinh khác. Kết quả điều tra khẳng định thủy ngân từ một nhà máy hóa chất là thủ phạm.


TS Philippe Grandjean - Đại học Harvard - cho biết để giảm nguy cơ nhiễm thủy ngân, nên chọn những loại chứa ít chất này như cá sardine. Ở nhiều nơi tại Nhật Bản và Uruguay, hàm lượng thủy ngân trong hải sản cao đến nỗi giới chức khuyến cáo người dân không ăn hải sản. 95% số mẫu tóc mà các nhà khoa học lấy từ người dân Tokyo, Nhật Bản có nồng độ thủy ngân vượt mức an toàn theo tiêu chuẩn của Mỹ.


Các giải pháp giảm ô nhiễm thủy ngân


Bang Minnesota, Mỹ từng phối hợp với các hãng ôtô để quảng bá một chương trình thu thập, tái chế những bộ phận của xe có thể phát thải thủy ngân. Giới chức Mỹ cũng phát động chương trình giáo dục cộng đồng để họ góp sức vào nỗ lực giảm thủy ngân trong khí quyển.


Dù rất nỗ lực trong cuộc chiến chống ô nhiễm thủy ngân, Mỹ mới chỉ bắt đầu thu nhận thành quả. Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ ban hành luật đầu tiên trên thế giới về thủy ngân và các chất độc trong khí quyển vào năm 2012, ngăn chặn tới 90% lượng thủy ngân từ các nhà máy nhiệt điện dùng than đá. Các nhà khoa học ước tính luật này có thể làm giảm tới 6.000 ca đau tim, 130.000 ca hen suyễn, 4.000-11.000 người chết sớm mỗi năm; đồng thời giảm chi phí y tế hằng năm từ 40-70 tỷ USD.


Yayasan Tambuhak Sinta - một tổ chức phi chính phủ ở Indonesia - lại xác định hoạt động khai mỏ và đào vàng là nguyên nhân chính gây ô nhiễm thủy ngân ở nước này. Họ lập dự án cộng đồng, tới từng hầm mỏ để tuyên truyền về tác hại của thủy ngân, vận động tuân thủ các quy trình giảm lượng thủy ngân sử dụng và thải ra môi trường.Dự án đã giúp giảm lượng thủy ngân trong không khí, đất và nước, giúp công nhân có môi trường làm việc an toàn hơn.


Trung Quốc - một trong những nước sử dụng than đá nhiều nhất thế giới - đã ban hành tiêu chuẩn xả thải chất độc hại đối với nhà máy nhiệt điện từ năm 2012 để giảm ô nhiễm không khí nói chung và nồng độ thủy ngân nói riêng. Tuy nhiên, giới chức Trung Quốc thừa nhận việc thực thi tiêu chuẩn vẫn là thách thức lớn bởi nó đề ra nhiều tiêu chí cao hơn các nước khác, trong khi trình độ công nghệ còn thấp.