Trong một thời gian dài, người ta cho rằng công việc săn bắn trong các xã hội thời tiền sử chủ yếu do nam giới thực hiện. Nhưng các nhà khoa học gần đây đã tìm ra những bằng chứng cho thấy phụ nữ thời tiền sử cũng đi săn như nam giới.

Phụ nữ thời tiền sử ở châu Mỹ cũng là những thợ săn. Ảnh: UC Davis.
Phụ nữ thời tiền sử ở châu Mỹ cũng là những thợ săn. Ảnh: UC Davis.

Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science Advances vào tháng 11/2020, một nhóm các nhà khoa học Mỹ đã báo cáo về việc phát hiện thi thể một người phụ nữ được chôn cùng với những công cụ săn bắn tại vùng cao nguyên Andean ở châu Mỹ [thuộc lãnh thổ Peru] cách đây khoảng 9.000 năm. Các nhà nghiên cứu đặt tên cho người phụ nữ này là “Wilamaya Patjxa individual 6”, hoặc “WPI6”.

WPI6 được tìm thấy trong tư thế hai chân gập lại, cùng với bộ sưu tập công cụ bằng đá nằm bên cạnh. Chúng bao gồm các mũi phóng [những vật thể nhọn gắn vào loại vũ khí trông giống ngọn giáo gọi là Atlatl], những mảnh đá lớn có cạnh sắc để lột da hoặc đập gãy xương con vật, các mảnh đá mảnh hơn dùng để cạo và cắt nhỏ thịt. Nằm rải rác xung quanh bộ hài cốt là mảnh xương của một số loài động vật bao gồm hươu và lạc đà không bướu cổ đại. Nhiều khả năng người tiền sử đã sử dụng loại vũ khí Atlatl để đi săn.

WPI6 tử vong ở độ tuổi khá trẻ, khoảng 17 đến 19 tuổi. Sau khi phân tích hợp chất peptide trong men răng [peptide là một trong những chất chỉ thị giới tính sinh học], các nhà nghiên cứu xác nhận bộ xương thuộc về một người phụ nữ.

Các công cụ bằng đá được tìm thấy trong mộ của nữ thợ săn. Ảnh: UC Davis.
Các công cụ bằng đá được tìm thấy trong mộ của nữ thợ săn. Ảnh: UC Davis.

Các tác giả cũng xem xét những bộ xương khác được chôn trong cùng thời kỳ ở châu Mỹ, đặc biệt là xem xét các ngôi mộ chứa những công cụ tương tự dùng để săn bắn. Họ phát hiện trong số 27 bộ xương có thể xác định giới tính, 41% là nữ giới. Nhóm nghiên cứu đề xuất rằng, cả nam giới và phụ nữ trong các nhóm săn bắn hái lượm sống trong thời tiền sử ở châu Mỹ đều đi săn các loài động vật lớn để lấy thịt.

“Kết quả nghiên cứu của chúng tôi là bước ngoặt mới nhất trong cuộc tranh luận kéo dài hàng thập kỷ về vai trò của nữ giới trong các xã hội săn bắn hái lượm thời xưa”, Randall Haas, thành viên của nhóm nghiên cứu tại Đại học California, Davis, cho biết.

Kết luận trên đi ngược lại với một giả thuyết xuất hiện từ những năm 1960 gọi là mô hình “Thợ săn nam giới”. Giả thuyết “Thợ săn nam giới” cho rằng công việc săn bắn [đặc biệt là săn thú lớn] do thành viên nam giới sống trong các xã hội săn bắn hái lượm thời tiền sử đảm nhận. Giả thuyết này ra đời dựa trên một số bằng chứng, nhưng có lẽ đáng chú ý nhất là căn cứ vào thông tin về các xã hội săn bắn hái lượm gần đây, thậm chí đang tồn tại ngày nay để cố gắng tìm hiểu cách thức tổ chức của những xã hội trong quá khứ xa xôi hơn.

Các quan điểm phổ biến về xã hội săn bắn hái lượm thời tiền sử là họ có sự phân công lao động theo giới tính. Trong đó nam giới đi săn bắn và phụ nữ có nhiều khả năng ở gần nhà hơn với trẻ nhỏ, cũng như hái lượm các loài thực vật có sẵn để làm thức ăn. Mặc dù, chúng ta vẫn ghi nhận một số trường hợp đặc biệt. Ví dụ, bộ tộc Agta ở Philippines cho đến nay vẫn sống phụ thuộc hoàn toàn vào rừng thông qua hình thức săn bắn và hái lượm. Tuy nhiên, phụ nữ là các thợ săn chính thay vì nam giới.

Một số nhóm người săn bắn hái lượm ngày nay vẫn sử dụng loại vũ khí Atlatl. Thậm chí người ta còn tổ chức các cuộc thi đấu ném Atlatl với sự tham gia của cả phụ nữ và trẻ em. “Atlatl là vũ khí quan trọng trong thời tiền sử, tạo điều kiện thuận lợi cho việc săn bắn của cả phụ nữ và nam giới, làm giảm tầm quan trọng của kích thước và sức mạnh cơ thể”, nhóm nghiên cứu nhận định.

“Phụ nữ không thể dừng lại khi đang rình rập một con nai để chăm sóc một đứa trẻ đang khóc. Nhưng sau khi đứa trẻ cai sữa, người mẹ có thể sẵn sàng hỗ trợ những cuộc đi săn lớn”, Kathleen Sterling, nhà khảo cổ học tại Đại học Binghamton, cho biết.

Kết quả nghiên cứu mới đã cung cấp thêm bằng chứng phủ định giả thuyết “Thợ săn nam giới” và góp phần bổ sung cho một số phát hiện khảo cổ học trước đó. Ví dụ, tại một di chỉ khảo cổ mang tên Sunghir ở Nga có niên đại cách đây 34.000 năm, các nhà nghiên cứu đã phát hiện nơi chôn cất của hai đứa trẻ – một trong số chúng có thể là một bé gái khoảng 9 đến 11 tuổi. Cả hai đứa trẻ đều có những biểu hiện bất thường về thể chất và được chôn cùng với 16 mũi giáo làm từ ngà voi ma mút. Đây là phát hiện đáng kinh ngạc về những công cụ săn bắn có giá trị.

Vào đầu thế kỷ 20, các nhà khảo cổ phát hiện một ngôi mộ nổi tiếng của một chiến binh Viking ở Thụy Điển. Bạn đầu họ nhận định rằng chiến binh này là nam giới. Tuy nhiên, một nghiên cứu vào năm 2017 của Đại học Stockholm (Thụy Điển) đã xác định chiến binh thực chất là một phụ nữ. Phát hiện trên có phần gây bất ngờ và tạo ra nhiều cuộc tranh luận.

“Điều này khá thú vị bởi vì hình ảnh truyền thống mà chúng ta biết là đàn ông Viking rất nam tính, thích chiến tranh, trong khi phụ nữ thường ở nhà nội trợ và chăm sóc con cái”, Becky Gowland, giảng viên tại Đại học Durham (Anh), cho biết. “Những quan niệm của chúng ta về vai trò của nam giới và nữ giới trong xã hội hiện đại có thể ảnh hưởng đến cách thức chúng ta diễn giải về lịch sử thông qua những bằng chứng khảo cổ”.

Công việc săn bắn là yếu tố quyết định, ảnh hưởng đến sự sống còn của nhiều nhóm săn bắn hái lượm thường xuyên di chuyển chỗ ở. Do đó, sự tham gia của toàn cộng đồng – cả nam giới và phụ nữ – vào công việc này giúp họ luôn duy trì được nguồn thức ăn dồi dào.

Một số người từng ví von rằng, quá khứ giống như một đất nước xa lạ. Chúng ta càng có nhiều bằng chứng [hoặc thông tin] về nó thì góc nhìn của chúng ta về hành vi của những con người sống ở đó dường như càng thay đổi.