Kĩ thuật “đọc có kiểm soát” giúp chúng ta tìm lại niềm thích thú với việc đọc, được tác giả Mortimer Adler và Charles van Doren hướng dẫn cụ thể trong cuốn “Phương pháp đọc sách hiệu quả”.
Mới năm ngoái thôi, trong một buổi hướng dẫn đọc sách cho các bạn trong lứa tuổi cấp 2-3, có một cậu bé khiến tôi nhớ mãi. Khi thực hành bài tập đọc lướt có kiểm soát trong vòng 30 phút, cậu bé lớp Chín khôi ngô ấy cầm “Phải trái đúng sai” của Michael Sandel đọc một lèo theo đúng hướng dẫn. Kết thúc, cậu nói được rất nhiều ý tưởng cơ bản của cuốn sách triết học mà nhiều sinh viên đại học thỉnh thoảng vẫn kêu là khó. Với lòng cảm kích, tôi đã tặng lại cuốn sách cho cậu và cậu đã mang nó bên mình trên đường sang Mĩ du học sau đó.
Cả chục năm nay, tôi vẫn gặp vài cảnh ngộ tương tự như vậy trong các giờ “cùng nhau tập đọc lại“ cho người trưởng thành. Có những lúc cả hai ba chục nhà quản lí không tin vào trải nghiệm của mình khi chỉ dành ra có nửa tiếng thôi mà đã nắm được phần quan trọng trong nội dung của một cuốn sách kinh doanh yêu thích. Trước đó, có thể cả tháng họ không đọc được cuốn sách nào vì “ngại”, “bận”, và đọc chậm.
Chính kĩ thuật “đọc có kiểm soát” đã giúp hàng trăm người bạn và học trò của tôi vượt qua sức ì để quay lại với niềm thích thú của thói quen đọc. Kĩ thuật đó là một trong những điều cơ bản mà tác giả Mortimer Adler và Charles van Doren hướng dẫn bạn trong cuốn sách “Phương pháp đọc sách hiệu quả”.
Xét về cấp độ, “đọc có kiểm soát” ở cấp độ 2; các cấp độ còn lại là “đọc sơ cấp” (cấp độ 1), “đọc phân tích” (cấp độ 3) và “đọc đồng chủ đề” (cấp độ 4). Để đạt đến cấp độ cao hơn, phải thạo cấp độ trước đó. Đạt được cấp độ 2, người đọc có thể thu nhận thông tin cơ bản của cuốn sách trong thời gian giới hạn. Còn ở cấp độ 1, người ta đọc từ nọ sang từ kia cho tới hết văn bản (nhanh chậm có thể khác nhau đôi chút). Đây là cách đọc của học sinh tiểu học - chậm, dễ quên, không hệ thống. Điều đáng tiếc, theo Adler, không ít người trưởng thành vẫn đọc theo cách đó, vì họ lầm tưởng kĩ năng đọc chỉ đến đấy và không rèn luyện gì thêm. Hệ quả là khi bận rộn với công việc, những khuyết thiếu về kĩ năng trở thành vật cản khiến nhiều người trưởng thành không còn thích thú với việc cầm sách lên đọc nữa. Tôi biết trong số này, rất nhiều người vẫn thèm đọc lắm, nhưng họ còn chưa biết cách. Cho nên, vào những dịp thuận lợi, tôi giới thiệu với họ cuốn “Phương pháp đọc sách hiệu quả” của Mortimer Adler và thường được chứng kiến ngay những khuôn mặt rạng ngời vì niềm thích thú đọc sách đã quay trở lại.
Cuốn sách của Adler không chỉ hướng dẫn cách đọc theo bốn cấp độ mà còn cung cấp nhiều lời khuyên hay để giúp bạn đạt được tri thức sâu sắc thông qua việc tiếp thu nội dung cuốn sách với năng lực phê phán, thực hiện những “trao đổi” với tác giả, và đạt được những trải nghiệm đọc sách tuyệt vời trong tâm trí. Cách đọc đó được Adler gọi là cách đọc sách của một bạn đọc thông minh, hay cách đọc của một người trưởng thành, có khả năng tư duy và học hỏi độc lập.
Tác giả Mortimer Adler (1902-2001), là một nhà triết học và giáo dục lừng danh của nước Mĩ trong thế kỉ XX, giáo sư của trường Đại học Chicago nổi tiếng, thành viên hội đồng biên tập của Bách khoa toàn thư Britannica uy tín bậc nhất thời bấy giờ. Ông đã đề xướng nhiều ý tưởng cho phong trào giáo dục khai phóng tại Mĩ, sáng lập chương trình “Bộ sách Vĩ đại” (Great Books) tập hợp những tuyệt tác của phương Tây để người đương đại đọc và học tập. Thông qua chương trình học tập dựa trên việc đọc và tìm hiểu kĩ những cuốn sách “mang tính di sản” này mà người học tự thân khai sáng. Adler đã xuất bản hàng chục đầu sách về triết học, giáo dục, trong đó cuốn “How to read a book” (Phương pháp đọc sách hiệu quả) là một nỗ lực mang triết học đến gần hơn với đại chúng. Cuốn sách xuất bản lần đầu năm 1940, được sửa lại năm 1972, và trở thành một tựa sách bán chạy. Cho đến nay, nó vẫn tiếp tục được phổ biến rộng rãi ở nhiều quốc gia, dù đã “80 tuổi đời”. Những cuốn xuyên thời gian như thế này hiếm khi lỗi mốt.
Tôi vẫn giữ niềm tin ngây thơ như lần đầu đọc cuốn sách này, rằng, nếu một bạn sinh viên đọc kĩ nó từ năm đầu đại học thì việc học có thể hiệu quả gấp đôi gấp ba. Nếu đọc tốt cuốn này, mỗi người đều có thể bắt đầu chặng đường “giáo dục khai phóng” giản dị đầy hứng khởi và sự nghiệp “học tập suốt đời” sẽ liên tục bội thu.