Dĩ nhiên không thiếu những người thầy đạo cao đức trọng, kiến thức uyên thâm, giảng dạy là khai sáng và truyền bá tri thức là sứ mệnh.

Nhưng cũng có những người thầy đơn giản chỉ dạy vài chữ a, b, c. Họ chẳng có gì cao siêu ngoại trừ lòng nhiệt thành, tận tụy. Họ không triết lí, không phương pháp mà, như một ngọn gió, họ đem đến sự mát lành chốc lát trong cuộc sống vốn nhiều căng thẳng, mệt nhọc.

Trường học vùng cao do KTS Phạm Đình Quý xây cho các em nhỏ ở Nậm Luông (Lũng Hồ, Hà Giang). Ảnh: kienviet.net
Trường học vùng cao do KTS Phạm Đình Quý xây cho các em nhỏ ở Nậm Luông (Lũng Hồ, Hà Giang). Ảnh: kienviet.net

Xin được bắt đầu bằng việc kể lại câu chuyện trong bộ phim mà tôi đã xem nhiều lần: Blackboards (Những tấm bảng đen, 2000) - bộ phim do nữ đạo diễn Samira Makhmalbaf, người Iran, làm khi mới tròn 20 tuổi. Tuy ít nhiều có sự hỗ trợ của người cha, đạo diễn Moshen Makhmalbaf, nhưng Samira tuổi trẻ tài cao đã sớm khẳng định năng lực và phong cách điện ảnh riêng của mình từ phim đầu tay,The Apple (1998). Đến Blackboards, Samira không chỉ giành giải thưởng Prix du Jury (Giải Ban giám khảo) danh giá tại LHP Cannes mà còn có đủ tư cách nghề nghiệp để đứng vào hàng ngũ tên tuổi lớn đã và đang làm nên “Làn sóng mới điện ảnh Iran” lừng lẫy thế giới.

Cũng như nhiều vị tiền bối, Samira Makhmalbaf, trong Blackboards, đã chọn phong cách điện ảnh tối giản, thoạt xem tưởng đơn giản dễ hiểu, nhưng lại ẩn chứa nhiều ẩn ý nghệ thuật hết sức sâu sắc. Chuyện phim xoay quanh một nhóm đàn ông có vẻ như là thầy giáo - phải nói vậy vì mấy ông này, nếu chiểu theo bằng cấp ở Việt Nam hiện nay, cùng lắm chỉ mới hoàn thành bổ túc văn hóa hoặc giáo dục thường xuyên. Họ vốn là những người Kurds thiểu số, đến mùa nông nhàn rảnh rang thì cõng cái bảng đen đi dạy chữ kiếm sống. Họ hỏi han, mời mọc bất cứ người nào học, chỉ để kiếm bát cơm qua bữa. Nhưng hầu như không ai để ý đến họ, càng không bận tâm đến cái gọi là học chữ. Lúc ấy, trên đầu họ vẫn là những làn đạn và máy bay ném bom chao đi đảo lại trong cuộc chiến Iran-Iraq dai dẳng. Để tránh đạn, họ phải nằm bẹp dí dưới những tấm bảng đen, chưa kể trên đường còn có mìn âm thầm phát nổ bất cứ lúc nào. Cực chẳng đã, mỗi thầy đành chọn một cách, quyết chí sinh tồn trên chính mảnh đất mà không ai còn muốn trụ lại. Thầy Reboir thì bám theo một đám trẻ con lít nhít đang gùi hàng lậu từ Iran sang Iraq, dụ dỗ lẫn tha thiết mời các em học toán, học đánh vần tên của mình. Kì kèo khản đặc cả giọng thì cũng có em trả công thầy Reboir bằng một miếng bánh. Không may, một em bị ngã gãy chân nên thầy Reboir phải cưa đôi tấm bảng của mình để bó chân cho em. Còn nửa tấm bảng, thầy Reboir vẫn bám theo bọn trẻ cho đến tận biên giới, nhòa lẫn trong đàn cừu để vượt qua chốt gác. Chuyện phim không cho biết thêm, ở phía bên kia biên giới, thầy Reboir sẽ xoay xở, phiêu lưu thế nào.

Khác thầy Reboir, thầy Said có vẻ gặp may khi bám theo đoàn người chạy nạn từ Iran trở về cố quận Iraq. Họ nhờ thầy Said chỉ đường và trả công bằng 40 hạt nhân hồ đào. Đáng kể hơn, thầy Said còn kịp tán tỉnh và cưới một bà mẹ đơn thân làm vợ, nghĩa hiệp dùng tấm bảng đen để cáng ông bố vợ già nua ốm đau sắp chết. Thầy Said cố gắng dạy cho cô vợ một chữ cái rất quan trọng, có phiên ra tiếng Anh đàng hoàng, là “Anh yêu em”. Nhưng cuối cùng, khi đoàn người trở về làng, thầy Said lại không thể gắn bó với gia đình mới vì anh là người Iran, khó lòng vui vẻ hạnh phúc trên đất kẻ thù. Thầy Said phải nhường lại tấm bảng đen cho vợ làm của hồi môn, còn mình tay trắng trở về đất nước.

Một cảnh trong phim Blackboards (Những tấm bảng đen, 2000) của nữ đạo diễn người Iran Samira Makhmalbaf. Nguồn: INT
Một cảnh trong phim Blackboards (Những tấm bảng đen, 2000) của nữ đạo diễn người Iran Samira Makhmalbaf. Nguồn: INT

Rõ ràng, Blackboards không tập trung vào câu chuyện dạy học, không kể công hay ca ngợi những người “thồ chữ vùng cao”. Blackboards là một ẩn dụ lớn trong bối cảnh căng thẳng chính trị, xung đột chiến tranh giữa hai quốc gia từng “môi hở răng lạnh” là Iran và Iraq. Chiến tranh, li tán, đói khát, tăm tối, hi vọng, yêu thương và hòa giải, những cung bậc thấm thía ấy, làm cho khán giả không khỏi xúc động và ngẫm ngợi. Giữa núi đá điệp trùng, giữa vùng biên ải sống dở chết dở, người ta không có nhiều hi vọng vào một thế giới đại đồng, bác ái mà chỉ có thể vượt qua mệt mỏi, vô vọng bằng sự kiên trì, nhẫn nại lắng nghe, yêu thương.

Blackboards không nói đến giáo dục nhưng bằng chính câu chuyện về vùng đất bị giằng xé, bộ phim lại toát lên một tinh thần giáo dục mà trong bối cảnh hôm nay, chúng ta vẫn thấy vô cùng cần thiết: tình yêu thương. Giáo dục tình yêu thương bằng sự yêu thương, có lẽ, là một bài học chưa bao giờ cũ nhưng rất khó thành nếu người dạy không thấy yêu thương, về bản chất, là tự nhiên và giản dị như chính hơi thở của mình.

Những thầy giáo nửa mùa trong Blackboards gợi tôi nhớ đến thầy Tành trong phim Thung lũng hoang vắng (Phạm Nhuệ Giang, 2001). Cũng tận tụy, hết lòng và tuy được coi như hiệu trưởng của điểm trường vùng cao, nhưng thầy Tành như một “cu-li” làm mọi việc nặng nhọc, chạy từ đồi này sang đồi khác để tìm học trò, giữ chân học trò đến với ngôi trường trơ trọi trên núi. Ở nơi bốn bề sương khói, giữa mấy căn phòng tạm bợ thưng gỗ trát đất cùng mấy đứa trẻ cơm chưa đủ no áo chưa đủ ấm thì dạy cái gì chưa chắc quan trọng bằng dạy thế nào, giỏi kiến thức chưa hẳn đã hay hơn giỏi chịu đựng nhọc nhằn, cô đơn, đau ốm thất thường. Thầy không sách giáo khoa không chương trình, nhưng thầy cũng là người có thể làm cho học sinh cảm thấy “sống dễ lắm”, sống là cứ nhìn vào những điều nhỏ bé, giản đơn để vỡ lẽ và điều chỉnh bản thân.

Bất giác tôi nghĩ đến những thầy giáo trong truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp. Những thầy giáo nông thôn, dạy thứ kiến thức tinh khiết, tay phải thì vung cao, tay trái thì đặt lên tim, những điều vừa thô sơ vừa sai lầm, có khi là ấu trĩ…, nhưng đều xuất phát từ tình yêu thương và vì tình yêu thương. Thầy giáo Triệu trong Những bài học nông thôn còn lấy thân mình để cứu mạng học trò trước con trâu điên hung dữ. Cái chết của thầy giáo làng khiến mọi người đều buồn đau, để tang chung. Họ biết rằng, họ vừa mất đi một người khai hóa vĩ đại của những con người nghèo khó, vô danh, lặng lẽ sống cùng nhau nơi xóm thôn chật hẹp. Mọi sự phức tạp, nhiêu khê, rắc rối trong dạy học đôi khi lại làm cho đời sống mất đi những dễ chịu và rộng rãi, những bao dung và thể tất vốn rất cần thiết để tạo nên hài hòa, nhân văn. Trong cảm nhận của tôi, Nguyễn Huy Thiệp là nhà văn đạt tới sự tối giản mà sâu sắc nhất khi nói về dạy học.

Tôi đang có mặt trong một bối cảnh giáo dục mà không ngày nào là không có những tấc lòng đau đáu với cải cách, giải pháp, chiến lược, đề án đổi mới dạy-học. Một thời đại mà ở đâu cũng có triết lí giáo dục và bắt gặp các nhà giáo dục đăng đàn diễn thuyết thì thật tình, tôi không biết nghe theo ai, theo chân lí nào. Riêng điều này thì tôi có thể mang máng được: gần như chuyện dạy học, ở cấp học nào, cũng cần để tâm đến tình yêu thương. Đánh mất khả năng yêu thương, giáo dục là công đoạn ngắn nhất để tạo ra sự trắng trợn, ngang ngược ở mọi lĩnh vực.

Đôi khi tôi hay nghĩ về những người thầy “tự phong”. Ở đâu đó, trên những ngọn núi cao, trên những bản làng xa xôi hẻo lánh, hay trên những xóm vạn chài bập bềnh sông nước. Tự mở lớp, tự gom mấy đứa trẻ còn lấm lem bụi đất để cùng nhau ê a, hí hoáy đọc viết những con chữ, trang sách vỡ lòng. Ngay cả trong những lớp học chính qui hẳn hoi, có không ít thầy chỉ dạy dăm ba bài học trong sách giáo khoa rồi say sưa nói về kinh nghiệm cuộc sống. Thầy “không ra thầy”, trò “không ra trò” nhưng điểm cốt lõi của giáo dục, của sự khai tâm mở trí thì vẫn cứ lấp lánh một cách sinh động. Mặc cho những cải cách, đổi mới, thi đua, sáng kiến không ngừng chen vai thích cánh trong mọi cấp bậc giáo dục, tôi vẫn tin rằng, chính một vài ông thầy “cổ, lỗ, sĩ” lại có thể giúp học sinh nên người. Tôi không cổ vũ song lại muốn, như các bậc thức giả từng nói, hãy bắt đầu nghề dạy, phẩm cách người thầy bằng sự tu tập chân tâm để nó vừa tự nhiên, vừa sáng suốt, bay bổng.