Chị Oanh, cán bộ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Lắk, nói: “Bận kiểu gì, cũng ráng ghé coi đường sách Ban Mê Thuột một chút nha. Phải ghé đó”. Và khi ghé, tôi thật sự không tin vào sự kỳ diệu của những câu chuyện cộng đồng mà “đường sách và cà phê” này mang lại.

Ảnh: PV
Ảnh: PV

Hồi sinh một con hẻm

Chỉ dài có vỏn vẹn 100m giữa trung tâm Ban Mê Thuột, đoạn đường này ngày trước là nơi phóng uế và… vùng tối của thành phố. Xong có một nhóm những người trẻ trong cộng đồng khởi nghiệp của Đắk Lắk quyết tâm biến nơi đây thành một điểm sáng, không chỉ cho khởi nghiệp, mà còn cho cả tỉnh nhà. Và ý tưởng này, được một “bà đỡ” là UBND tỉnh chấp thuận.

“Chúng tôi chả có gì lúc đầu ngoài cái nhiệt huyết, và sự ủng hộ của mọi người. Nên bắt đầu, bằng việc đi… xin xỏ. Bức tường này, vẽ câu chuyện của văn hóa Tây Nguyên, từ thác nước, sông cả, cồng chiêng… Những cái cây xanh này, là mỗi doanh nghiệp ở tỉnh tặng cho một cây, chứ trồng thì biết bao giờ mới có bóng mát. Hi vọng năm sau, cây sẽ ra hoa, tím cả con đường. Còn đây là tiệm cà phê sách theo mô hình xe tải, của một anh kiến trúc sư, tự đến thiết kế không gian của mình. Đây là khu mà cuối tuần, các dự án khởi nghiệp ở các huyện sẽ mang nông sản ra tiếp thị. Gọi là tiếp thị là chính, vì chúng tôi đang thực hiện chương trình đổi sách cũ lấy rau sạch. Và dùng sách đó, làm các thư viện cộng đồng ở các buôn làng xa xôi. Còn đây là gian hàng khởi nghiệp trồng sen đá, với dự án đổi chai nhựa lấy sen đá, rồi sẽ được hướng dẫn trồng sen đá trong chai nhựa để nuôi dưỡng tình yêu môi trường, tái chế rác thải nhựa. Chai nhựa thu được bấy lâu nay, thì đã biến thành cái nhà sen đá bằng chai nhựa này…” – Tuấn, một trong những thành viên chủ chốt của đường sách, vừa đi vừa giải thích.

Anh chàng nói đầy tự hào về những gì mà những người khởi nghiệp ở đây đã làm được: người từ các huyện đều có lịch làm workshop hướng dẫn những kỹ năng mà mình giỏi nhất, ai cũng có chỗ để kể câu chuyện và tiếp thị sản phẩm của mình, và không gian đường sách này, trở thành một cái nhà triển lãm của tập thể những dự án kinh doanh của người trẻ Đắk Lắk.

Và đi tìm sự bền vững

Hôm 2.9 vừa qua, đường sách Ban Mê khởi động một chuỗi các hoạt động mới, trong đó có việc làm ra những bó hoa bằng rau sạch mà người được tặng có thể… trộn luôn thành một món salad. Từ buôn Tơ Roa, thầy hiệu trưởng một trường học đã có một phòng thư viện nho nhỏ từ số sách thu gom được sau những hoạt động “đổi sản phẩm khởi nghiệp lấy sách cũ” đã chở luôn nguyên một buồng chuối đến tặng cho… mọi người.

Gọi là cho “mọi người”, là vì lúc nào ở đường sách cũng toàn người quen của giới khởi nghiệp. Ghé chơi có chút, mà gặp Oanh – cô chủ chuỗi các xe pizza phố núi, gặp Phương – cô gái vừa lên Shark Tank gọi vốn thành công cho vùng trồng macca của mình, gặp Sơn – chàng trai ở một buôn làng xa lắc khởi nghiệp với món trà mãng cầu. Một lát, thì gặp Hữu, mặt đỏ bừng vì mới chạy vòng quanh để lấy kịp mấy thanh socola mới của mình mang đến để lấy ý kiến cộng đồng.
Ai cũng có một câu chuyện của mình để mang ra trao đổi. Buổi cà phê giữa đường sách, thấy rất giống một cuộc toạ đàm về… khởi nghiệp, với đủ lời tư vấn, góp ý và cả những đề nghị hợp tác làm chung với nhau.

Nắng rất vàng. Tuấn chỉ bức tường với thông điệp bảo vệ môi trường mới vừa vẽ xong, “là của một bạn hoạ sĩ đến vẽ tặng chứ làm gì có tiền mà thuê người vẽ. Bạn vẽ tặng là vì muốn góp một tay vào con đường mang tên hạnh phúc này của tỉnh nhà…”. Anh chàng lại chỉ những cây dù nhiều màu treo phía trên cao, đã bắt đầu bạc màu, và những kệ sách vắng người đọc. Đúng là còn bao nhiêu là việc phải làm đối với cái đường sách này để có thể phát triển bền vững. Nhưng có hề gì, với những người đầy “đam mê” sáng tạo và dám chấp nhận thách thức, họ sẽ tìm ra giải pháp cho mình thôi.