Các nhà khảo cổ vừa phát hiện những bằng chứng xác thực về cuộc xâm chiếm Jerusalem của người Babylon vào thế kỷ 6 trước Công nguyên, giống những gì được chép trong Kinh Thánh.
Trong cuộc khai quật khảo cổ diễn ra trên núi Zion ở Jerusalem, nhóm nghiên cứu tại Đại học North Carolina (Mỹ) đã phát hiện một lớp trầm tích chứa các đầu mũi tên, tàn tro, đèn dầu, mảnh gốm thời kỳ đồ sắt và đồ trang sức làm bằng vàng và bạc. Họ nói rằng đây là những bằng chứng xác thực cho câu chuyện được ghi chép trong Kinh Thánh về sự giàu có của thành phố Jerusalem ở Trung Đông tại thời điểm bị người Babylon xâm chiếm vào năm 587 – 586 trước Công nguyên.
“Thật thú vị khi có thể khai quật được các hiện vật liên quan đến những sự kiện lịch sử quan trọng. Trong trường hợp này là cuộc vây hãm Jerusalem của người Babylon”, Rafi Lewis, thành viên của nhóm nghiên cứu, cho biết.
Theo các tài liệu lịch sử, vua Nebuchadnezzar của Đế quốc Tân Babylon khi chinh phạt thành phố Jerusalem của Vương quốc Judah đã phá hủy và đốt cháy nhà cửa, cướp bóc dân chúng, khiến nhiều người phải chết. Ông thậm chí còn cho tháo dỡ Đền thờ Đức Chúa Trời do vua Solomon xây dựng. Vua Zedekiah của Vương quốc Judah cố gắng chạy trốn khỏi thành phố cùng với đoàn tùy tùng của mình, nhưng cuối cùng bị bắt làm tù binh.
Kinh Thánh Hebrew, hay Kinh thánh của người Do Thái, đã thuật lại nạn đói và những nỗi đau mà cư dân Jerusalem phải chịu đựng trong suốt cuộc vây hãm kéo dài của người Babylon. “Vua Nebuchadnezzar đóng trại bên ngoài và đắp lũy bao vây Jerusalem. Thành phố này bị vây hãm cho đến năm thứ mười một của triều đại Vua Zedekiah. Vào ngày 9 tháng 4, nạn đói nghiêm trọng xảy ra ở Jerusalem, khiến người dân không còn bánh mì để ăn. Bức tường phòng thủ của thành phố bị phá vỡ và tất cả lính chiến đã chạy trốn vào ban đêm…Nebuzaradan, đội trưởng vệ binh của Nebuchadnezzar, đốt cháy cung vua và mọi nhà cửa trong thành Jerusalem.”
“Vua Zedekiah đơn giản là không sẵn lòng dâng đồ cống nạp để tỏ lòng kính trọng Nebuchadnezzar. Kết quả trực tiếp của việc này là thành phố Jerusalem bị tấn công và phá hủy”, Shimon Gibson, thành viên của nhóm khai quật, cho biết.
Căn cứ vào vị trí của địa điểm khai quật, nhiều cách giải thích khác nhau cho các đồ tạo tác có thể được loại bỏ. “Chúng tôi biết chính xác nơi bức tường phòng thủ cổ xưa chạy qua. Vì vậy chúng tôi biết rằng chúng tôi đang đào ở phía trong thành phố, không phải là một khu vực đổ rác”, Gibson nhận định. “Đối với giới khảo cổ học, một lớp tro mang nhiều ý nghĩa khác nhau. Nó có thể là tro loại bỏ từ lò nướng, hoặc tro còn lại sau khi đốt rác. Nhưng trong trường hợp này, sự kết hợp giữa một lớp tro chứa đầy các hiện vật, bao gồm đầu mũi tên và một món đồ trang sức quý giá, cho thấy sự tàn phá và hủy diệt ghê gớm. Không ai vứt bỏ đồ trang sức bằng vàng và cũng chẳng ai để đầu mũi tên trong đống rác nhà họ.”
Theo kết quả phân tích, các đầu mũi tên bằng sắt và đồng tại địa điểm khai quật có kiểu dáng giống mũi tên của người Scythia. Loại mũi tên này cũng được tìm thấy tại một số địa điểm khảo cổ khác bên ngoài Israel, nơi xảy ra những cuộc xung đột vào thế kỷ 7 và 6 trước Công nguyên. Chúng khá phổ biến và thường được sử dụng bởi các chiến binh Babylon. “Các bằng chứng cho thấy đây là cuộc xâm chiếm Jerusalem lịch sử của người Babylon, vì sự hủy diệt to lớn duy nhất ở Jerusalem trong giai đoạn này là vào năm 587 – 586 trước Công nguyên”, Gibson nói.
Đồ trang sức được phát hiện dường như là một chiếc khuyên tai với phần phía trên làm bằng vàng hình quả chuông. Phần bên dưới làm bằng bạc theo hình dạng một chùm nho. Gibson lưu ý rằng, đây là dấu hiệu rõ ràng về sự giàu có của cư dân thành phố Jerusalem tại thời điểm bị bao vây.
Những vật dụng như đèn, mảnh gốm vỡ tại địa điểm khai quật là một mớ bòng bong mà bạn chắc chắn sẽ tìm thấy trong căn nhà đổ nát sau một cuộc đột kích hoặc trận chiến. “Các đồ vật trong gia đình thường bị lật nhào và vỡ tan…đồ trang sức có thể bị rơi, thất lạc và chôn vùi trong sự hủy diệt”, Gibson cho biết. “Thành thật mà nói, đồ trang sức là một thứ hiếm thấy ở các địa điểm xảy ra xung đột, bởi vì đây là thứ mà kẻ tấn công rất muốn chiếm đoạt.”
“Tôi nghĩ rằng, nhóm nghiên cứu đang khai quật bên trong một ngôi nhà thuộc khu vực phía Tây của thành phố Jerusalem. Vị trí ngôi nhà khá lý tưởng, có thể nhìn ra Đền thờ Đức Chúa Trời do vua Solomon xây dựng và núi Moriah ở phía Đông Bắc. Hiện nay, chúng tôi vẫn đang đào từng lớp đất để tiếp tục khám phá ngôi nhà, cung cấp thêm những hiểu biết về thành phố Jerusalem trong thời đại đồ sắt”, Gibson nói.
Địa điểm khai quật này nằm trong công viên Sovev Homot do Cơ quan quản lý Công viên và Tự nhiên (INPA) của Israel quản lý. Một số tàn tích nổi bật khác của thành phố Jerusalem được phát hiện từ đầu năm 2019 đến nay bao gồm các tầng hầm hình vòm từ thời Herod Đại đế, một con đường của người La Mã cổ đại, hào phòng thủ phía trước các công sự dùng để ngăn quân Thập tự chinh tấn công Jerusalem vào năm 1099.
Đại học North Carolina bắt đầu tiến hành các cuộc khai quật khảo cổ ở Jerusalem vào năm 2006. Kể từ đó, nhiều thông tin lịch sử và khảo cổ quan trọng đã được họ công bố đều đặn. Những gì họ vừa công bố có lẽ là phát hiện nổi bật nhất, khi cuộc chinh phạt Jerusalem của người Babylon là một thời điểm quan trọng trong lịch sử của người Do Thái.
Hằng năm, những người Do Thái sùng đạo tại Jerusalem cũng như trên khắp thế giới có một ngày cầu nguyện và nhịn ăn để tưởng nhớ đến sự phá hủy Đền thờ Đức Chúa Trời của người Do Thái tại Jerusalem, lần đầu tiên bởi người Babylon vào năm 587 – 586 trước Công nguyên và lần thứ hai vào năm 70 sau Công nguyên dưới bàn tay của quân La Mã do Titus lãnh đạo. Người Do Thái tập trung tại các giáo đường trên khắp thế giới và tại quảng trường Western Wall ở Jerusalem để cầu nguyện và than khóc vào ngày thứ 9 tháng Av (theo lịch của người Do Thái), năm nay rơi vào ngày 11/8.