Nhật Bản - 108 tiếng chuông ngânTại xứ sở hoa anh đào, khi thời điểm giao thời tiệm cận (khoảng 11h đêm), các ngôi chùa sẽ đồng loạt đánh 108 tiếng chuông, trong đó 107 lần chuông sẽ rơi vào ngày 31/12 và tiếng chuông cuối cùng sẽ rơi đúng vào 0h. Nghi thức này được gọi là joya no kane (joya có nghĩa là đêm Giao thừa còn kane nghĩa là chuông). Đây là một phong tục đã có từ thời cổ đại.
Theo quan niệm của Phật giáo, 108 tiếng chuông tượng trưng cho 108 phiền não mà mỗi con người phải trải qua trong suốt cuộc đời sống nơi trần thế. Sau 108 tiếng chuông đánh, người ta tin rằng họ sẽ được gột sạch, thanh tẩy khỏi những muộn phiền của năm cũ.
Tùy vào từng ngôi chùa mà người đánh chuông sẽ khác nhau. Có chùa là nhà sư sẽ đánh chuông, có chùa thì cho khách tới thăm thay phiên đánh. Nếu những người nào muốn tham gia vào việc này thì họ phải tới sớm vì một số chùa sẽ phát vé. Sau khi tiếng chuông cuối cùng kết thúc, mọi người sẽ về nhà ngủ và rồi sáng ngày đầu năm sẽ lại tới thăm chùa, đền để cầu nguyện cho một năm mới tốt lành.
Argentina – tung giấy ra ngoài cửa sổNgoài pháo hoa, rượu champagne và bánh panettone, một loại bánh mì nhân quả khô, thì đất nước nổi danh với vũ điệu tango nồng nhiệt này còn có một cách chúc mừng năm mới khác. Để tiễn biệt năm cũ, nhân viên văn phòng tại Argentina sẽ xé vụn mọi tờ giấy bỏ đi – như là giấy tờ cũ, những tờ đơn điền dang dở – rồi rải tung ra ngoài cửa sổ, tạo thành cơn mưa tuyết giấy hỗn độn đầy niềm vui. Đây là biểu tượng cho việc để mọi chuyện quá khứ lại đằng sau và khởi đầu một năm mới toanh.
Romania – giả trang thành gấu Trên khắp châu Âu có vô số truyền thống dân gian hóa trang thành động vật hay sinh vật giả tưởng lạ lùng. Romania cũng không phải ngoại lệ. Vào dịp cuối năm, người dân nước này sẽ khoác lên mình những bộ da gấu rồi tham gia các lễ hội, buổi diễu hành, tụ thành nhóm và nhảy múa trên đường phố. Phong tục lạ kỳ đã bắt đầu từ nhiều thế kỷ trước, khoác da gấu lên người và nhảy múa là một cách để xua đuổi những linh hồn độc ác, vì theo quan niệm của người xưa, con vật hung hãn này sẽ xua đuổi vận rủi và nguy hiểm. Ngày nay, phong tục này được gọi là Lễ hội Gấu khiêu vũ.
Việc mặc bộ lông gấu không phải việc dễ dàng vì nó bao gồm cả đầu và móng vuốt, bộ trang phục phải nặng tới 50kg. Bộ da gấu của người tham gia được truyền xuống từ thời ông bà họ – do đó đây là những bộ da thật. Chính vì thế, thật dễ hiểu khi phong tục này nhận về nhiều lời chỉ trích từ các nhóm hoạt động vì quyền động vật.
Thổ Nhĩ Kỳ – đập quả lựu Theo truyền thống của nước Thổ Nhĩ Kỳ, quả lựu là biểu tượng cho vẻ đẹp và sự dồi dào, phong phú. Lựu là trái cây mang điềm lành, nên ta sẽ thấy nó xuất hiện cho các dịp lễ mừng báo hiệu cho sự khởi đầu mới như đêm Giao thừa hay đám cưới. Vào thời điểm này, người dân sẽ đập quả lựu ngay trước cửa nhà với hy vọng rằng các hạt may mắn sẽ phân tán khắp nơi, mang tới thuận lợi cho người trong nhà. Càng nhiều hạt bay ra thì may mắn càng đầy!
Hy Lạp – treo củ hành Nhiều truyền thống năm mới xoay quanh ý tưởng tái sinh, và ở Hy Lạp, ý tưởng này xuất hiện dưới dạng củ hành. Lý do là vì ngay cả khi không được chăm bón, củ hành cũng sẽ vươn mầm xanh và mọc rễ. Được xem là biểu tượng của sự phát triển, sinh sôi nảy nở và sức khỏe tốt, người dân nơi đây sẽ treo chùm củ hành ở cửa trước (thường là sau khi gia đình đi lễ đầu năm ở nhà thờ về) với hy vọng những người sống trong nhà sẽ trưởng thành và trải qua sự tái sinh trong năm tới đây.
Cộng hòa Séc – quả táo tiên tri Bên cạnh là ngày đầu tiên của năm mới, mùng 1/1 còn là ngày nước Tiệp Khắc cũ tách thành Cộng hòa Séc và Slovakia vào ngày này năm 1993. Trong cái ngày đặc biệt quan trọng như vậy, người dân sẽ bổ đôi quả táo ra, nhưng không phải theo chiều dọc như thường làm mà là theo chiều ngang, rồi xem lõi táo. Nếu có 5 hạt táo xếp thành hình ngôi sao ở chính giữa, vận may sẽ mỉm cười với bạn trong năm mới. Còn nếu lõi táo có bốn hạt xếp thành hình chữ thập, bạn sẽ cần chuẩn bị sẵn tinh thần cho sóng gió sắp ập tới, có thể là bệnh tật hay cái chết.
Philippines – vật hình tròn Còn với những người sống ở Philippines, vào dịp năm mới người ta sẽ trưng bày 12 loại quả có hình tròn và mặc những chiếc váy chấm bi, tượng trưng cho may mắn và thịnh vượng. Đĩa bày 12 loại quả sẽ được đặt giữa bàn ăn lúc nửa đêm, bao gồm táo, nho, cam, dưa hấu, bưởi, dứa, lê, dưa vàng, ổi, kiwi, chôm chôm, hồng xiêm và chanh. Con số 12 tượng trưng cho các tháng trong năm. Họ cũng bật sáng đèn trong nhà và để mở cửa, báo hiệu một năm mới rạng ngời đang đến.
Brazil – nhảy sóngNgười Brazil thường đùa rằng đất nước này có tới 90% người theo Công giáo và 100% theo thuyết duy linh. Nói cách khác, họ tin vào các tôn giáo có thuyết luân hồi và giao tiếp với linh hồn như Candomble, Umbanda và Macumba (có nguồn gốc từ châu Phi). Trên thực tế, nhiều thần linh trong những tôn giáo này đã kết hợp với những vị thánh trong nhà thờ Công giáo, chẳng hạn như danh tính của nữ thần Yemanja thường kết hợp với Đức trinh nữ Maria.
Vào ngày cuối năm, người dân sẽ ném hoa xuống biển và thả những con thuyền gỗ nhỏ đựng quà tặng. Nếu sóng xô lễ vật ra ngoài khơi xa, chủ nhân của nó sẽ được ban cho vận may trong suốt cả năm. Nhưng nếu nó theo sóng dạt về bờ, thì người đó có thể thử vận may vào năm sau. Ngoài ra còn có một nghi thức nữa là nhảy sóng, mọi người sẽ vừa nhảy sóng bảy lần vừa thầm nghĩ bảy điều ước.
Nguồn: nytimes.com, telegraph.co.uk,
thenationalnews.com, aljazeera.com