Một loài khỉ trước đây bị nhầm với một loài khác, kỳ nhông giun được phát hiện từ một mẫu vật duy nhất thu thập cách đây hơn 100 năm, loài ong vò vẽ sống trên cao nguyên Tây Tạng ở độ cao 5.640 mét - đó là những phát hiện ngoạn mục nhất trong năm 2020 của các nhà khoa học tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Anh.

Loài bướm đêm có hoa văn đẹp mắt Pachythrix chlorophylla được tìm thấy ở Quần đảo Bismarck, ngoài khơi bờ biển phía đông của New Guinea.

Những nghiên cứu của bảo tàng này trong năm 2020 đã mô tả các loài mà khoa học chưa từng biết đến trước đây. "503 loài mới được phát hiện nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta đại diện cho một loài duy nhất, và có tác động mạnh mẽ với số phận của nhiều loài khác," Tiến sĩ Tim Littlewood, giám đốc điều hành khoa học tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên, cho biết.

Các nhà khoa học đã đặt tên cho gần 2 triệu dạng sống khác nhau trên Trái đất, nhưng ước tính hành tinh có hơn 8,7 triệu loài sau khi kỹ thuật mã vạch DNA cho thấy sự đa dạng giữa các sinh vật bề ngoài có vẻ giống nhau.

Loài giun ký sinh mới Pseudoacanthocephalus goodmani được tìm thấy trong phân của một con cóc sau khi loài lưỡng cư này vô tình được chuyển từ vùng Mauritius bản địa của nó đến Cambridge trong hành lý của một khách du lịch. Con cóc thậm chí đã sống sót sau một lần... bị giặt máy trước khi được phát hiện.

Các nhà khoa học cũng tìm ra những loài mới trong chính bộ sưu tập 80 triệu mẫu vật của Bảo tàng: kỳ nhông giun không phổi Oedipina ecuatoriana được phát hiện từ một mẫu vật duy nhất được thu thập hơn 100 năm trước và được Bảo tàng lưu giữ. Những động vật lưỡng cư này đào hang trong đất rừng nhiệt đới và thở bằng da.

"Những phát hiện như thế này cho thấy vai trò quan trọng của các bộ sưu tập lịch sử tự nhiên trên khắp thế giới trong việc mô tả các loài mới, và cả sự đa dạng tiềm ẩn trong các bộ sưu tập," Ken Norris, người đứng đầu Khoa Khoa học sự sống tại Bảo tàng, nói.

Phát hiện ngoạn mục nhất của năm 2020 là voọc Trachypithecus popa, loài khỉ trước đây bị nhầm lẫn với một loài khác. Nó sống bên cạnh một ngọn núi lửa đã tắt ở Myanmar và được xác định nhờ những bộ da và xương 100 năm tuổi trong bộ sưu tập của Bảo tàng. Loài này hiện được coi là cực kỳ nguy cấp, chỉ còn 200 đến 260 cá thể trong tự nhiên.

Voọc Popa, đang ở trong tình trạng, cực kỳ nguy cấp đã được mô tả từ những bộ da 100 năm tuổi trong bộ sưu tập của Bảo tàng.

Roberto Portela Miguez, người phụ trách động vật có vú tại Bảo tàng và đã mô tả loài khỉ mới, cho biết: “Chúng tôi hy vọng rằng việc đặt tên cho loài này sẽ giúp ích cho việc bảo tồn."

Các nhà khoa học của Bảo tàng cũng xác định một loài thằn lằn có mào từ Borneo, 2 loài ếch mới và 9 loài rắn mới đầy ấn tượng, bao gồm Trimeresurus davidi, loài rắn viper màu xanh chanh tuyệt đẹp.

Loài rắn mới được tìm thấy ở Quần đảo Nicobar ở Ấn Độ Dương.

Năm 2020, có một loài rong biển mới được phát hiện - Corallina chamberlainiae - loài rong biển mỏng manh ở vùng biển lạnh phía nam Đại Tây Dương, ngoài khơi quần đảo Tristan da Cunha và Falkland.

Bọ cánh cứng là loài được phát hiện nhiều nhất năm nay, với 170 loài mới, bao gồm một nhóm bọ hung từ New Guinea, bọ riffle từ Brazil và một loài bọ rất nhỏ ưa đầm lầy từ Malawi.

Các chuyên gia của Bảo tàng còn xác định được 70 loài ong bắp cày mới và 3 loài ong mới, bao gồm Bombus tibeticus, một trong những loài ong vò vẽ sống cao nhất trên thế giới, được phát hiện ở độ cao 5.640 mét trên cao nguyên Tây Tạng ở Mông Cổ. Ngoài ra, có 9 loài bướm đêm mới, 6 loài rết mới, 9 loài giun dẹp, 1 loài bướm, và 10 loài bryozoans - những sinh vật thủy sinh nhỏ bé.

Được tìm thấy trên cao nguyên Tây Tạng, Bombus tibeticus được cho là một trong những loài ong vò vẽ sống cao nhất.

Năm nay, các nhà khoa học của Bảo tàng đã đặt tên cho 122 loài hóa thạch mới và 10 loại khoáng chất mới. Điều này rất quan trọng vì mới chỉ có khoảng 6.000 loài khoáng chất được biết đến. Một trong những khoáng chất mới, kernowite, có màu xanh ngọc lục bảo và cho đến nay chỉ được tìm thấy ở một địa điểm - bên dưới một mỏ cũ ở Cornwall, Anh.

Nguồn: