Các nhà khoa học tình cờ phát hiện một cỗ máy mật mã Enigma dưới đáy biển Baltic. Đức Quốc xã từng sử dụng nó để mã hóa các thông tin quân sự bí mật trong cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai nhằm ngăn chặn việc quân Đồng minh có thể giãi mã chúng.

Nhóm thợ lặn tình cờ phát hiện cỗ máy Enigma. Ảnh: Submaris
Nhóm thợ lặn tình cờ phát hiện cỗ máy Enigma. Ảnh: Submaris

Trong chuyến thám hiểm gần đây, nhóm thợ lặn người Đức thuộc Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) đã rà soát biển Baltic để loại bỏ những lưới đánh cá trôi dạt, có khả năng khiến cá, chim và các loài động vật biển có vú khác bị mắc kẹt. Những tấm lưới này thường khó nhìn thấy bằng mắt thường. Các ngư dân đã cố tình vứt chúng khi bị hỏng hoặc vô tình đánh mất trong quá trình đánh cá trên đại dương.

Điều thú vị là nhóm tìm kiếm bất ngờ phát hiện một vật thể kỳ lạ bị rỉ sét, phủ đầy rong rêu nhưng tương đối nguyên vẹn ở Vịnh Gelting, phía Đông Bắc nước Đức. “Một đồng nghiệp của tôi đã ngoi lên khỏi mặt nước và nói: Có một chiếc máy đánh chữ cũ bị mắc kẹt trong một lướt đánh cá”, Florian Huber, thợ lặn chính của nhóm nghiên cứu, cho biết.

Sau khi phân tích kỹ lưỡng, nhóm nghiên cứu nhận ra thiết bị trông giống chiếc máy đánh chữ về bản chất là một cỗ máy mật mã Enigma vô cùng hiếm của Đức Quốc xã. Trong cuộc Chiến tranh Thế chiến lần thứ hai, Đức Quốc xã đã sử dụng cỗ máy Enigma để mã hóa các thông điệp quân sự, với hy vọng ngăn chặn các cường quốc Đồng minh biết về việc chuyển quân và những kế hoạch khác của Đức.

“Tôi đã có nhiều khám phá thú vị và kỳ lạ trong 20 năm qua. Nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ rằng một ngày nào đó sẽ tìm thấy một trong những cỗ máy Enigma huyền thoại”, Huber chia sẻ.

Cỗ máy Enigma cấu tạo gồm một bàn phím và một loạt các rotor thực hiện công việc mã hóa. Rotor có nhiệm vụ thay thế các chữ cái mới cho mỗi chữ cái được gõ vào. Các máy Enigma khác nhau sử dụng từ ba đến tám rotor. Chúng chuyển động độc lập với nhau sau mỗi lần gõ phím để cùng một chữ cái ban đầu được nhập vào máy sẽ xuất hiện dưới dạng nhiều chữ cái khác nhau trong mã cuối cùng.

Người nhận muốn giải mã thông điệp cần biết vị trí bắt đầu của các rotor. Sau khi tin nhắn mã hóa được nhập vào máy Enigma với cấu hình phù hợp, máy sẽ tách ra văn bản gốc.

Cỗ máy Enigma dưới đáy biển Baltic. Ảnh: Submaris
Cỗ máy Enigma dưới đáy biển Baltic. Ảnh: Submaris

Huber cho rằng cỗ máy mật mã Enigma đã bị tiêu hủy bằng cách ném xuống biển với mục đích bảo vệ bí mật quân sự ngay trước khi Đức Quốc xã đầu hàng quân Đồng minh vào tháng 5/1945. Cũng trong khoảng thời gian đó, Hải quân Đức cố tình đánh chìm hơn 50 tàu ngầm U-boat của họ ở Vịnh Gelting để chúng không rơi vào tay của quân Đồng minh.

“Cỗ máy Enigma mà đội lặn WWF tìm thấy ở đáy Vịnh Gelting là loại có ba rotor. Nó có thể bị ném xuống biển từ một tàu chiến bình thường chứ không phải tàu ngầm. Bởi vì những những chiếc tàu ngầm U-boat của Đức Quốc Xã thường sử dụng những cỗ máy có bốn rotor công nghệ cao hơn”, nhà sử học Jann Witt thuộc Hiệp hội Hải quân Đức, nhận định.

Mặc dù các cỗ máy Enigma trong một thời gian dài cho phép quân đội Đức Quốc xã giữ bí mật địa điểm và kế hoạch tấn công, nhưng sau đó quân Đồng minh đã bẻ khóa thành công mật mã Enigma.

Cục mật mã Ba Lan bao gồm các nhà toán học Marian Rejewski, Henryk Zygalski và Jerzy Różycki đã thực hiện những nỗ lực đầu tiên vào năm 1939 nhằm tái tạo lại một mô hình của máy Enigma, giải thích cách thức hoạt động của nó và giải mã nhiều thông điệp. Sau đó, họ chuyển giao thông tin này cho tình báo Anh, bởi vì người Đức thay đổi mật mã hằng ngày khiến họ khó giải mã thông điệp hơn.

Một nhóm các nhà toán học và khoa học người Anh – dẫn đầu bởi Alan Turing – cuối cùng đã tìm ra cách giải mã các thông điệp Enigma của Đức Quốc xã vào năm 1941. Việc bẻ khóa những mật mã này có ý nghĩa rất quan trọng, giúp các tàu của quân Đồng minh tránh khỏi nhiều đợt tấn công từ tàu ngầm U-boat của Đức [những tàu ngầm khét tiếng đã đánh chìm hơn 5.000 tàu chiến trong Thế chiến I và hơn 2.700 tàu chiến trong Thế chiến II], đồng thời giúp quân Đồng minh giành được lợi thế trong cuộc chiến trên biển và kiểm soát Đại Tây Dương. Một số nhà sử học nhận định rằng, lợi thế về mặt tình báo của quân Đồng minh đã góp phần rút ngắn cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ hai vài năm.

Ngày nay, Alan Turing được công nhận là người sáng lập ngành khoa học máy tính hiện đại. Chúng ta có thể biết rõ hơn cuộc đời và quá trình giải mật mã Enigma của ông thông qua bộ phim nổi tiếng “The Imitation Game” được công chiếu vào năm 2014 .

Đức đã sản xuất khoảng 20.000 cỗ máy Enigma trong thập niên 1930 và 1940, nhưng chỉ một số ít trong số này còn tồn tại cho đến ngày nay. Điều này khiến chúng trở thành một món đồ sưu tập có giá trị cao. Năm 2017, một nhà toán học ở Romania đã bán một cỗ máy Enigma có ba rotor với giá 51.620 USD. Trong khi đó, cỗ máy Enigmas có bốn rotor từng được bán với giá lên tới 400.000 USD tại các buổi đấu giá lớn.

Sau khi phát hiện cỗ máy mật mã dưới đáy biển, nhóm thợ lặn WWF đã bàn giao nó lại cho văn phòng khảo cổ của bang Schleswig-Holstein (Đức). “Tại đây, các chuyên gia sẽ phục hồi nó trong khoảng một năm, trước khi đem trưng bày tại bảo tàng khảo cổ học địa phương”, Ulf Ickerodt, Giám đốc Văn phòng khảo cổ, cho biết. “Đã trải qua 70 năm dưới đáy biển, cỗ máy cần trải qua quá trình khử muối kỹ lưỡng để ngăn chặn không bị ăn mòn thêm. Do mang nhiều ý nghĩa lịch sử, nó thậm chí có thể được xem như một tài sản văn hóa quốc gia”.

Theo Ickerodt, những phát hiện tình cờ như trên thường rất hiếm, đặc biệt là khi cỗ máy mật mã có nguồn gốc từ một giai đoạn trong lịch sử của nước Đức đang ngày càng có nguy cơ bị lãng quên. “Cỗ máy mật mã giúp chúng ta có thêm nhiều hiểu biết về sự phát triển của lịch sử công nghệ, không chỉ về mật mã mà còn về giai đoạn đầu của công nghệ thông tin hiện đại”, Ickerodt nói.