Xe ôm đã và đang là một bộ phận không thể thiếu trong hệ thống giao thông ở Việt Nam. Đặc thù nghề nghiệp khiến những người làm nghề xe ôm thường xuyên phải căng mình dưới nắng nôi, mưa gió, khói bụi. Tuy nhiên, chúng ta hiểu bao nhiêu về lực lượng lao động này, cũng như những rủi ro mà họ đang phải đối mặt?


Bên lề sự quan tâm

“Theo bạn, ở Hà Nội hiện tại có bao nhiêu tài xế xe ôm?” – đó là câu hỏi mà TS. Trương Tiến Long (Khoa Kỹ thuật, Trường Kỹ thuật và Khoa học Toán học, Đại học La Trobe, Úc) đã đặt ra cho phóng viên Khoa học và Phát triển vào đầu cuộc trò chuyện. Dù là người đặt câu hỏi, nhưng TS. Long cũng thừa nhận rằng anh cũng không biết câu trả lời, dù chỉ là con số áng chừng.

Theo Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), vào năm 2007, ước tính số lượng tài xế xe ôm ở Hà Nội rơi vào khoảng 50.000 đến 100.000 người. Dù chỉ là ước tính nhưng đây vẫn là một gợi ý để chúng ta hình dung ra số lượng người lao động tham gia vào lĩnh vực này rất lớn; và con số này sau 14 năm chắc chắn còn khủng khiếp hơn nhiều, đặc biệt là trong bối cảnh các ứng dụng Grab, Gojek, Be… đã ồ ạt xuất hiện và góp phần thay đổi hẳn thói quen di chuyển của người dân.

Với số lượng đông đảo và vai trò một phần quan trọng trong đời sống như vậy, nhưng cho đến nay có rất ít những nghiên cứu về chính sách đối với loại hình nghề nghiệp này. Đó là một trong những nguyên nhân khiến các nhà quản lý chưa ban hành được những chính sách thích hợp để các tài xế được đảm bảo những quyền lợi về bảo hiểm xã hội hay bảo hiểm y tế.

Mong muốn giúp họ nhận được sự quan tâm đúng mức đã thúc giục TS. Trương Tiến Long tiến hành các nghiên cứu liên quan đến loại hình nghề nghiệp này. Giai đoạn đầu, anh và đồng sự của mình – ThS. Nguyễn Thị Thu Hằng (Viện Kỹ thuật Xây dựng, Đại học Giao thông Vận tải, Hà Nội) – tập trung vào các nghiên cứu liên quan đến các yếu tố gây xao nhãng có thể dẫn đến tai nạn khi tham gia giao thông của tài xế, tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, “tôi nhận ra một vấn đề nổi cộm, đó là các rủi ro về sức khỏe mà tài xế xe ôm hiện nay đang phải đối mặt”, anh chia sẻ.

Các nguy cơ tiềm ẩn về sức khỏe

Năm 2019, khi bắt đầu tiến hành khảo sát, nhóm nghiên cứu đã vấp phải một khó khăn mà bản thân TS. Trương Tiến Long đã tiên liệu từ trước – họ không biết được số lượng tài xế xe ôm là bao nhiêu, và lại càng không biết mỗi loại hình tài xế (xe ôm truyền thống, xe ôm công nghệ, xe ôm hỗn hợp) chiếm tỷ lệ bao nhiêu phần trăm trong số đó.

“Chính vì vậy, việc khảo sát được tiến hành ngẫu nhiên. Trong số 549 tài xế tham gia điền bảng khảo sát, hầu hết là nam giới (534/549 người), độ tuổi trung bình của họ là 29,2 (trải dài từ 18 đến 65 tuổi). Phần lớn trong số đó là tài xế xe ôm công nghệ (78,1%), tiếp theo là tài xế hỗn hợp (12%) và xe ôm truyền thống (9,1%). Số năm hành nghề trung bình là 1,9 năm, với độ lệch chuẩn (số đo độ phân tán của các giá trị so với giá trị trung bình) là 2,1 năm”, TS. Long cho biết.

Bên cạnh những thông tin sơ bộ như trên, các tài xế còn được yêu cầu trả lời những câu hỏi liên quan đến thói quen sinh hoạt, sức khỏe của bản thân. Sau khi ThS. Thu Hằng và các sinh viên đã thu thập đầy đủ dữ liệu, TS. Long sẽ trực tiếp xử lý những dữ liệu đó, với sự tư vấn và hỗ trợ của PGS Richard Tay (Đại học RMIT, Úc) – một chuyên gia nổi tiếng trong lĩnh vực an toàn giao thông.

“Phân tích dữ liệu cho thấy, các tài xế xe ôm đang phải chịu nhiều vấn đề về sức khỏe cũng như các rủi ro khi hành nghề. Đây là điều dễ hiểu, bởi họ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ môi trường, thời tiết và rủi ro tai nạn giao thông”, TS Trương Tiến Long cho biết. Cụ thể, nhiều tài xế ở cả ba loại hình xe ôm đang bị đau thắt lưng, đau lưng trên, gặp phải vấn đề về hô hấp, thị lực, đau đầu…

Nhóm nghiên cứu đã xem xét chỉ số khối cơ thể (BMI), theo phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), và nhận thấy 452 người có chỉ số BMI ở mức bình thường, 88 người thừa cân và chín người nhẹ cân. Tỷ lệ người thừa cân đau lưng trên và thắt lưng cao hơn so với nhóm còn lại. Bên cạnh đó, nguy cơ đau thắt lưng cũng tăng lên ở những tài xế có thời gian chạy xe lâu hơn trong ngày. Thời gian chạy xe lâu hơn cũng làm tăng khả năng mắc phải các vấn đề về hô hấp ở những tài xế xe ôm. “Điều này khá dễ hiểu khi mà càng lái xe ngoài đường nhiều, người lái xe sẽ càng phải tiếp xúc với ô nhiễm không khí lâu hơn”, anh cho hay.

Theo TS. Trương Tiến Long, bên cạnh những kết quả này, nhóm nghiên cứu cũng đã phát hiện ra một số điều thoạt nghe có vẻ ‘tréo ngoe’. “Chúng tôi nhận thấy những người lái xe lớn tuổi có nguy cơ xảy ra va chạm cao hơn. Đây là một phát hiện thú vị, vì trong một nghiên cứu vào năm 2007 ở Đài Loan, những người lái xe trẻ tuổi có xu hướng thích chạy nhanh và dễ gây tai nạn. Thế nhưng, ở nghiên cứu này, phản xạ kém và sức khỏe yếu đi do tuổi già là nguyên nhân góp phần khiến người lái xe lớn tuổi gặp rủi ro tai nạn cao hơn”. Theo khảo sát, số lượng tài xế đã có ít nhất một năm kinh nghiệm hành nghề là 362 người; trong đó họ đã đối mặt với 118 tai nạn giao thông nói chung và 70 vụ tai nạn thương tích trong 12 tháng qua.

Các tài xế làm việc toàn thời gian có nguy cơ gặp tai nạn cao gấp 1,72 lần và gặp tai nạn thương tích cao gấp 3,17 lần so với những người làm bán thời gian.

Chắc chắn không tài xế nào muốn cứ suốt ngày phải ‘phơi’ mình chạy xe ngoài đường. Thế nhưng, nếu một số tài xế xem đây chỉ là một công việc bán thời gian kiếm ‘đồng ra đồng vào’, thì với nhiều người, đây lại là nguồn thu nhập chính để nuôi sống gia đình. Theo khảo sát, giờ chạy xe trung bình hằng ngày của các tài xế là 6,1 giờ, với độ lệch chuẩn là 2,3 giờ. “244 tài xế cho biết họ là thu nhập chính trong gia đình (44,4%). Các tài xế có học vấn thấp và là trụ cột của gia đình lại càng cố gắng hết sức để kiếm tiền, họ cậy khỏe, và họ cũng nhận thức được đây vốn là một nghề bấp bênh, tranh thủ được đồng nào hay đồng đấy”, anh cho hay. Đây có thể là lý do giải thích vì sao những người trẻ có xu hướng cho biết mình dễ bị mệt mỏi hơn so với các tài xế làm lâu năm, vì những tài xế lão làng sẽ biết lượng sức mình và nghỉ ngơi hợp lý.

Tuy nhiên, những tài xế lão làng lại cho thấy ảnh hưởng tiêu cực của việc chạy xe ôm đã ‘ngấm’ dần vào sức khỏe của họ. Điều này chỉ ra tác động tiềm ẩn của việc chạy xe trong thời gian dài có thể gây ra những hậu quả xấu khi về già: bệnh hô hấp, đau lưng, thị lực giảm,… TS. Long gọi đây là những ‘bệnh nghề nghiệp’ mà những người tài xế phải đối mặt sau nhiều năm làm việc. “Sau một ngày dài làm việc, người tài xế có thể cảm thấy mệt mỏi nhất thời. Thế nhưng sau nhiều năm, sự mỏi mệt đó dồn tụ lại và trở thành bệnh kinh niên, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt thường ngày và kể cả chất lượng giấc ngủ”, anh kết luận.

Gợi mở những hướng nghiên cứu mới

Theo TS. Trương Tiến Long, nhìn chung, các phát hiện trong nghiên cứu này sẽ mang lại một số ý nghĩa đối với việc xây dựng chính sách liên quan. “Việc phát hiện ra mối liên quan giữa tình trạng sức khỏe của người lái xe đối với khả năng xảy ra va chạm giao thông cho thấy các cơ quan chức năng nên xem xét đưa ra hình thức kiểm tra y tế cụ thể đối với tài xế xe ôm”, như những tài xế chuyên nghiệp lái xe tải, xe buýt… đều được quy định phải kiểm tra y tế định kỳ; tuy nhiên, hiện tại hầu như chưa có yêu cầu nào về y tế định kỳ đối với tài xế xe ôm ở Việt Nam. “Tất nhiên việc này tương đối khó, nhất là khi chúng ta chưa thể quản lý được người lao động tham gia công việc này. Tuy nhiên, nếu như bây giờ chúng ta bắt đầu suy nghĩ về nó, chắc chắn chúng ta sẽ tìm ra phương án phù hợp”, anh cho biết.

Ngoài ra, theo TS. Long, các cơ quan quản lý cần thiết kế những chương trình giáo dục đặc biệt cho người lái xe ôm để cung cấp thông tin về các rủi ro liên quan đến sức khỏe và an toàn giao thông, cũng như tầm quan trọng của việc giữ gìn sức khỏe và nghỉ ngơi hợp lý. “Theo một số nghiên cứu quốc tế, có thể nâng cao nhận thức của tài xế thông qua các sáng kiến như tờ rơi, chương trình trên điện thoại, tivi, radio… hướng dẫn làm thế nào để có được lối sống lành mạnh”.