Ở tuổi 91, đạo diễn phim tài liệu, chủ gallery nghệ thuật Nguyễn Thị Xuân Phượng vừa cho ra mắt cuốn hồi ký về cuộc đời từng trải nhiều biến cố lịch sử và có vô số điều đáng để kể lại của mình.

Gánh gánh... gồng gồng... được bà Xuân Phượng viết lại từ cuốn hồi ký “Áo dài” bằng tiếng Pháp, xuất bản năm 2001 và sau đó được dịch sang tiếng Anh năm 2004. Ảnh: Bà Xuân Phượng tại buổi ra mắt hồi ký ở TPHCM, tháng 10/2020. Nguồn: nongnghiep.vn
Gánh gánh... gồng gồng... được bà Xuân Phượng viết lại từ cuốn hồi ký “Áo dài” bằng tiếng Pháp, xuất bản năm 2001 và sau đó được dịch sang tiếng Anh năm 2004. Ảnh: Bà Xuân Phượng tại buổi ra mắt hồi ký ở TPHCM, tháng 10/2020. Nguồn: nongnghiep.vn

Cái thú của việc đọc hồi ký có lẽ nằm ở chỗ được nhìn cận cảnh vào những chi tiết mà các nghiên cứu lịch sử, vốn chủ về nét đại thể, sẽ lướt qua hoặc không bắt được.

Gánh gánh… gồng gồng là hồi ký của một người sống trải nhiều thời cuộc khác nhau, mà ở thời cuộc nào, bà cũng đứng rất gần tâm điểm của các sự kiện lịch sử và tiếp cận không ít nhân vật đã đi vào huyền thoại hoặc giai thoại. Thêm vào đó, môi trường làm việc thay đổi luôn theo hoàn cảnh - từ công nhân xưởng chế tạo thuốc nổ, cán bộ quân y, bác sĩ nhi, phiên dịch viên, phóng viên chiến trường, đạo diễn phim tài liệu, rồi chủ gallery nghệ thuật - khiến cho cuộc đời bà phát sinh thêm nhiều tình huống bất ngờ và chằng chịt các mối quan hệ do “kỳ ngộ”.

Ngay ở phần mở đầu, tác giả tiết lộ thân phận, vì đi theo phong trào học sinh cứu quốc nên thất lạc gia đình, không bao giờ còn được gặp lại cha và chỉ gặp lại mẹ sau hơn 40 năm, khi đã ở tuổi 60. Trong phần còn lại của cuốn sách, bà lần lượt thuật lại theo trình tự thời gian những sự kiện trong đời, từ lúc mãi mãi rời xa bến đò quê nhà ở Huế để lên chiến khu, rồi ra Hà Nội và đến các chiến trường theo yêu cầu của công việc. Những trang viết đó cung cấp rất nhiều câu chuyện ngoài sức tưởng tượng về khả năng chịu đựng của con người trong chiến tranh, sự dị mọ của đời sống bao cấp.

Khi kể lại một sự việc, bà đều bồi đắp chi tiết ở mức tỷ mỷ nhất có thể, vì vậy tất cả hiện lên rõ mồn một như những thước phim, hoặc nói ngược lại, các mô tả của bà cung cấp nguồn tham khảo đáng giá để dựng bối cảnh cho những bộ phim lịch sử trong tương lai.

Mặt khác, dễ nhận thấy, tác giả hiếm khi đưa ra lý giải cho các hành động của mình, ngoại trừ một vài lần hiếm hoi. Mà đó hầu như là những lý giải xuất hiện tức thời, chứ không xuất phát từ một trạng thái tâm lý thâm căn hay dòng suy nghĩ đeo đuổi nào. Chẳng hạn, lần bà xin tiền chồng mua kẹo cho con. Chồng bà không hài lòng. Khi cúi xuống nhặt tờ tiền nhàu nát mà ông vừa giằn xuống mặt ghế, bà tự nhủ phải tự tìm cách lo cho mình và các con, không thể an phận hay ỷ lại vào ai. Lần khác, bà có mặt ở Sài Gòn những ngày cuối tháng 4/1975, đến căn nhà nơi bố mẹ và các em vừa rời đi, ngổn ngang những chiếc vali chứa đồ còn nguyên khóa, nhưng bà chỉ chọn mang ra Hà Nội những tấm ảnh gia đình cùng chiếc gương ba mặt vì bà nghĩ “chắc là mỗi sáng, mỗi chiều má vẫn soi vào đây”. Người mẹ vắng mặt trong đời bà kể từ năm 16 tuổi hầu như không trở đi trở đi trở lại trong suy nghĩ của bà, hoặc bà không bộc lộ điều đó trong hồi ký. Khi về hưu, bà được ưu tiên một chân trông xe ở Nhà hát Lớn nhưng viễn cảnh mùa đông co ro trong mảnh ni lông chống rét, ngóng chờ buổi biểu diễn tan để trả xe cho khách khiến bà chán nản, bởi vậy bà quyết định ra nước ngoài một chuyến, tìm lại gia đình. Chính trong thời gian này, bà đã khởi nghiệp hết sức tình cờ và rực rỡ ở tuổi 60.

Bất ngờ nhất có lẽ là cách bà lý giải vì sao không vào Đảng. Lần đầu, khi còn ở chiến khu Tuyên Quang, được hỏi có muốn vào Đảng không, bà nói “sợ lắm” vì cách đó chưa lâu, bà bị người phụ trách trực tiếp - một đảng viên - tấn công tình dục và do bất thành nên đã tìm mọi cách hành hạ bà. Lần thứ hai, khi ngồi viết đơn xin vào Đảng, nghĩ rằng sẽ sang trang mới cho cuộc đời thì trước mắt bà lại vụt hiện khuôn mặt người thủ trưởng năm xưa và bà quyết định dừng bút.

Năm 1989, lần đầu gặp lại sau 44 năm, mẹ bà nói, “con đi theo họ làm chi, để gia đình ly tán”. Bà chết lặng, không thể đáp lại ngay nhưng nảy ra ý định phải kể lại đời mình thay cho câu trả lời. Gấp lại cuốn hồi ký hơn 300 trang, câu hỏi đó dường như vẫn bỏ ngỏ, trong khi nhiều câu hỏi khác lại được khơi ra: liệu có lúc nào lòng bà chợt nhen lên chút hối hận về quyết định năm 16 tuổi; vì sao bà không quay đầu như một vài người bạn của mình, bất chấp những khốn khó và bạc bẽo của thời cuộc; việc bị bứt khỏi gia đình đã để lại những dấu hằn nào trong tâm hồn bà?

Cuốn sách được viết bằng giọng văn đẹp, sắc gọn và chắt lọc. Thoạt đầu, người đọc dễ bị cuốn hút bởi các chi tiết gắn với các sự kiện lịch sử, nhưng càng về sau, người đọc càng bị cuốn hút bởi bản thân cuộc đời tác giả. Dù tên tuổi bà hết sức xa lạ với thế hệ người đọc đáng tuổi cháu chắt, nhưng chắc chắn bà sẽ không mất quá nhiều trang sách để khiến họ cảm thấy gần gũi và mến mộ. Cá nhân tôi mến mộ bà hơn cả ở chỗ bà rất giỏi gây dựng, gìn giữ các mối quan hệ và giỏi nhìn ra giá trị ở người khác. Không kể những mối quan hệ tình cảm cá nhân, nhiều người bước vào đời bà qua công việc nhưng bà luôn chắt lọc ở đó những kỷ niệm đẹp như với Jane Fonda, Joan Baez, Madeleine Riffaud; hoặc nuôi dưỡng thành những tình bạn chân thật, lâu bền một cách đáng ước ao. Có những người 30-40 năm sau mới gặp lại nhưng giữa bà và họ không có sự ngượng nghịu hay xa cách. Trong mối quan hệ với người chồng dòng dõi hoàng tộc, dù ông ứng xử với vợ con có phần khô khan, cứng nhắc nhưng điều đó không hề làm suy suyển lòng kính trọng của bà dành cho ông bởi bà nhìn thấy ở ông những giá trị lớn hơn - đó là trí tuệ, lòng trung thành, sự bộc trực.

Có thể do năng lực biệt nhỡn liên tài hoặc do duyên kỳ ngộ, bà có nhiều mối quan hệ với các trí thức, văn nghệ sĩ như Nguyễn Tuân, Trần Đức Thảo, Nguyễn Sáng, Phạm Văn Khoa, Phan Vũ, Hoàng Vân... Đặc biệt, những trang viết về vợ chồng nhà làm phim tài liệu nổi tiếng Joris Ivens, người đã khuyên bà “mạnh dạn làm cuộc cách mạng cho chính đời mình”, chuyển sang làm nghề làm phim chiến trường hay về họa sĩ Trương Đình Hào, một tài hoa lận đận, là những trang đẹp nhất về tình tri kỷ. Sau khi đọc sách, tình cờ tôi được nghe thêm vài giai thoại về bà từ một người cùng thời với bà, và những câu chuyện mơ mơ hồ hồ đó càng làm cho hình ảnh bà trong mắt tôi trở nên giống như một kỳ quan.

Thời gian thật nghiệt ngã, lịch sử nào rồi cũng lùi xa, những nhân vật từng đứng ở spotlight rồi cũng chỉ còn trong ký ức vài người cùng thời. Bởi vậy, những cuốn hồi ký như của Xuân Phượng thật đáng giá vì nó làm sống lại những sôi réo của các sự kiện lịch sử, phục dựng gương mặt các nghệ sĩ, trí thức vừa như mới đây mà cũng như xa lắm rồi.