Năm vừa qua, các nhà khoa học đã khám phá một số bí mật được giữ kín nhất trên Trái đất. Họ đã tìm thấy những con sông ẩn, những phần lục địa bị mất, tàn tích của những khu rừng nhiệt đới cổ đại, và họ đi sâu vào lịch sử cổ đại của hành tinh bằng những công nghệ tiên tiến.
Trong khi chờ đợi những khám phá địa chất tiếp theo, đây là những khám phá địa chất đã làm thay đổi những gì chúng ta biết về Trái đất trong năm 2020.
Siêu phun trào núi lửa tại Yellowstone
Các nhà khoa học đã tìm thấy hai “điểm nóng” mới ở vườn quốc gia Hoa Kỳ Yellowstone, nơi từng xảy ra các vụ siêu phun trào núi lửa cách đây khoảng 9 triệu năm. Sau khi phân tích các vết đá núi lửa cổ đại và trầm tích núi lửa trong khu vực, các nhà khoa học phát hiện bằng chứng về hai vụ phun trào chưa từng được biết đến trước đây. Họ đặt tên là siêu phun trào McMullen Creek và siêu phun trào Grey’s Landing. Vụ phun trào Grey’s Landing xảy ra khoảng 8.720.000 năm trước, bao phủ khoảng 23.000 km2, phá vỡ kỷ lục vụ phun trào lớn nhất từng biết.
Những hòn đảo biến mất trên Biển Bắc
Khoảng 8.000 năm trước, một trận sóng thần đã tấn công một vùng đồng bằng giữa Vương quốc Anh và Hà Lan, nhấn chìm hầu hết khu vực này. Nhưng nghiên cứu cho thấy một số hòn đảo có thể đã sống sót sau sóng thần, và là nơi sinh sống của con người thời kỳ đồ đá trong hàng nghìn năm. Mặc dù chúng vẫn nổi trên mặt nước một thời gian sau sóng thần, nhưng mực nước biển dâng cao cuối cùng đã nhấn chìm quần đảo khoảng 1.000 năm sau đó. Đây là phát hiện của các nhà khoa học sau khi thu thập trầm tích từ đáy biển gần cửa sông Ouse phía Đông nước Anh.
Lõi Trái đất đã một tỷ năm tuổi
Các nhà khoa học ước tính phần lõi trong của Trái đất - một quả cầu bằng sắt có đường kính 2.442 km - có thể đã hình thành cách đây khoảng 1 tỷ đến 1,3 tỷ năm. Bằng cách tái tạo các điều kiện được tìm thấy trong lõi ở quy mô rất nhỏ, một nhóm nghiên cứu đã tính toán mất bao lâu để một đống sắt nóng chảy đông đặc lại thành kích thước lõi hiện tại. Khung thời gian khoảng 1 tỷ năm cũng phù hợp với những biến động từ trường của hành tinh: tăng mạnh hơn đáng kể vào khoảng 1 tỷ đến 1,5 tỷ năm trước. Sự kết tinh của lõi sắt có thể đã giúp tăng cường từ tính, vì quá trình đông cứng lõi sắt trong cùng sẽ giải phóng nhiệt vào phần lõi ngoài, lỏng; nhiệt tạo ra một chuyển động quay ở phần lõi ngoài lỏng, cung cấp năng lượng cho từ trường.
Tìm thấy mảnh lục địa bị mất bên dưới Canada
Khoảng 150 triệu năm trước, một lục địa đã vỡ ra thành những mảnh vỡ khổng lồ - và các nhà khoa học đã tìm thấy một mảng lớn đang “ẩn náu” phía dưới Canada. Trong khi nghiên cứu một loại đá núi lửa kim cương mang tên kimberlite được thu thập từ độ sâu 400 km bên dưới đảo Baffin ở miền Bắc Canada, các nhà khoa học phát hiện ra rằng khoáng chất của kimberlite trùng khớp với lục địa đã mất từ lâu; và vị trí lấy mẫu đá kimberlite này trở thành điểm sâu nhất từng tìm thấy bằng chứng về lục địa đã mất.
Dòng sông “ẩn” ở Úc
Năm nay, các nhà khoa học đã phát hiện ra những dòng sông khổng lồ chứa nước mặn, lạnh, chảy ẩn dưới bờ biển Australia và chảy ra biển sâu. Nắng nóng trong những tháng mùa hè làm các vùng nước nông gần bờ biển bốc hơi và trở nên mặn hơn vùng nước sâu; và khi vào mùa đông, vùng nước này nguội đi, nước mặn đậm đặc chìm xuống và chảy ra biển như một dòng sông “ẩn”. Những con sông này trải dài hàng nghìn dặm, mang chất dinh dưỡng và cả các chất ô nhiễm ra biển.
Tìm thấy rừng nhiệt đới cổ đại dưới băng Nam Cực
Có lẽ không ai ngờ ở Nam Cực băng giá đã từng có một khu rừng nhiệt đới. Di tích của khu rừng cổ đại được phát hiện trong lõi trầm tích dưới đáy biển, gần sông băng Pine Island. Khi phân tích lõi trầm tích, các nhà khoa học phát hiện một lớp trầm tích nổi bật so với phần còn lại, mang màu sắc khác biệt hoàn toàn. Khi kiểm tra kỹ hơn, họ đã tìm thấy phấn hoa cổ, bào tử, các mảnh cây có hoa và mạng lưới rễ bên trong lớp trầm tích nổi bật này. Các mẫu vật mới phát hiện có niên đại 90 triệu năm, vào giữa kỷ Phấn trắng, khi Nam Cực có khí hậu ôn hòa hơn nhiều so với hiện nay.
Xác thực mảng kiến tạo bí ẩn
Các nhà khoa học đã tái tạo lại một mảng kiến tạo bằng kỹ thuật số và cho thấy chuyển động của nó có khả năng đã làm phát sinh một vòng cung núi lửa ở Thái Bình Dương khoảng 60 triệu năm trước. Trong quá khứ, một số nhà địa vật lý cho rằng mảng này, được gọi là Resurrection, không tồn tại. Nhưng nếu nó tồn tại, mảng này đã bị đẩy xuống bên dưới lớp vỏ Trái đất hàng chục triệu năm trước. Vì vậy bằng cách sử dụng máy tính để mô phỏng, các nhà khoa học đã đảo ngược chuyển động đó, kéo nó và các mảng cổ đại khác trở lại bề mặt. Họ phát hiện ra rằng Resurrection sẽ là một mảnh ghép vừa vặn, nằm ngay phía Đông của hai mảng khác có tên Kula và Farallon, và cạnh của nó cũng khớp với vành đai núi lửa cổ đại ở bang Washington và Alaska (Mỹ).
Cấu trúc san hô cao chót vót
Trong khi thực hiện chuyến thám hiểm trên tàu nghiên cứu Falkor, các nhà khoa học Úc đã phát hiện một rạn san hô tách rời khổng lồ ở quần thể rạn san hô Great Barrier. Rạn san hô tách rời này cao 500 mét từ chân đến đỉnh, cao hơn cả Tòa nhà Empire State, và là rạn san hô cao nhất từng được phát hiện trong 100 năm qua. Phần chóp của mỏm san hô nằm dưới bề mặt đại dương chỉ 40 mét và phần đáy rộng khoảng 1,5 km.
Đáy biển cổ đại bị chôn vùi dưới Trung Quốc
Một mảng đá từng lót đáy Thái Bình Dương đã được tìm thấy ở dưới độ sâu khoảng 640 km tại Trung Quốc, và nó vẫn đang tiếp tục đi xuống sâu hơn vào vùng chuyển tiếp giữa lớp lõi và lớp vỏ của Trái đất. Mảng đá này từng nằm ở ngoài cùng của bề mặt Trái đất, nhưng bị đẩy xuống dưới khi nó va chạm với một mảng kiến tạo lân cận, được gọi là sự kiện hút chìm. Các nhà khoa học chưa bao giờ phát hiện một sự kiện hút chìm quá sâu bên dưới bề mặt hành tinh, thường chỉ ở độ sâu dao động từ 410-660 km dưới lòng đất.