Đối mặt với vũ trụ là cuốn sách tập hợp những bài viết của GS. Trịnh Xuân Thuận cùng với tám tác giả khách mời đến từ những lĩnh vực, ngành nghề khác nhau. Những bài viết này được xâu chuỗi bởi một “mẫu số chung”: cảm thức vũ trụ và suy nghiệm về vận mệnh của nhân loại.
Phần mở đầu như một dẫn nhập do Trịnh Xuân Thuận viết, kể về hành trình đến với vật lý thiên văn của mình. Ông tự nhận bản thân có “40 năm hành nghề thu thập ánh sáng”, sống và hít thở trong bối cảnh vi diệu của những thiên hà lấp lánh. Việc thấu hiểu vẻ đẹp và sự phức tạp của vũ trụ sâu xa, rốt cuộc, giúp ông đi sâu hơn vào chuyện nhân tình thế thái.
Chúng ta sống trong một vũ trụ kì lạ và huyền bí, bất chấp những tiến bộ kỳ diệu của chúng ta về tri thức, phần lớn vẫn nằm ngoài tầm với của chúng ta. Như thế vũ trụ đã đưa cái tôi của con người về đúng vị trí của nó: bất chấp những tri thức đã đạt được, sự bất tri của chúng ta vẫn còn rất lớn.
Song song với việc kể lại những tiến bộ khoa học ngoạn mục mà ông may mắn được chứng kiến, Trịnh Xuân Thuận không quên gợi nhắc độc giả về sự hữu hạn của lý trí, cảnh báo thái độ ngạo ngược về quyền năng của khoa học.
Rất nhiều khoa học gia thế kỉ XX cho rằng Trái đất chỉ là một hạt cát mất hút trong đại dương vũ trụ mênh mông và ý thức chỉ là một thoáng chớp mắt trong quá trình tiến hóa của vũ trụ. Phần sau cuốn sách thể hiện rằng các tác giả cùng với Trịnh Xuân Thuận không chia sẻ quan điểm này. Họ không đứng trên tâm thế cho rằng: việc con người tồn tại chỉ là một ngẫu nhiên thuần túy và vũ trụ không đếm xỉa gì đến con người, ý thức cũng là điều tình cờ không mang ý nghĩa đặc biệt nào hết. Nếu cô đơn, tuyệt vọng trong sự mênh mang vô bờ của vũ trụ, nếu cảm thấy con người bị ném vào bối cảnh vũ trụ trong vô nghĩa thì họ đã không bắt tay nhau làm nên cuốn sách này, có lẽ họ không thể “đối mặt với vũ trụ” trong hy vọng và lạc quan được nữa.
Tôi nghĩ rằng các phát hiện của vũ trụ học hiện đại làm cho thế giới hấp dẫn trở lại, những điều chúng mang đến như là một ‘bài ca hy vọng’.
Trịnh Xuân Thuận cho rằng mối liên minh của con người với vũ trụ không bị mất đi kể từ khi có minh chứng khoa học cho thấy Trái đất không hề là tâm điểm của hoàn vũ và con người bị đẩy ra khỏi vị trí trung tâm đặc lợi. Thậm chí, mối liên minh ấy còn được gia cố cho thêm bền chắc, bởi vì chúng ta đã được khẳng định rằng con người đều là những hạt bụi của các vì sao. Con người có mối tương liên khăng khít với vạn vật trong vũ trụ, với những cây cao trên đồng nội, với những sư tử trong sa mạc, và điều này làm dấy lên rất nhiều suy tư triết học về thân phận và vai trò con người trong vũ trụ.
Hơn thế nữa, Trịnh Xuân Thuận tiếp tục đưa ra những bằng chứng về việc vũ trụ điều chỉnh một cách hết sức đặc biệt và chính xác để các ngôi sao có thể hình thành và sản sinh ra những nguyên tố hóa học cần thiết cho sự sống và ý thức. Hóa ra, ngay từ ban đầu, vũ trụ đã được thiết lập một cách cực kỳ chính xác để cho sự sống xuất hiện, chỉ cần một thay đổi nhỏ bé thôi là vũ trụ sẽ trở nên cằn cỗi và thiếu vắng sự hiện hữu của muôn loài.
Sự tiến hóa đã khiến loài người được ban khả năng thấu hiểu được vũ trụ một cách hiệu quả tới mức phi lý.
Phần thứ hai là bài viết của khách mời gồm các triết gia, tu sĩ, khoa học gia, họa sĩ, nhà văn với nhãn quan đa dạng. Điểm chung trong các bài viết này là mối quan tâm với vấn đề sinh thái, bày tỏ quan ngại khi con người đang sử dụng trí tuệ của mình theo cách cực đoan, khiến cho mái nhà chung Trái đất chúng ta bị phá hoại tàn tệ. Rõ ràng trí tuệ là một con dao hai lưỡi, nó trợ lực con người trong hành trình thám hiểm những tầng trời nhưng cũng trang bị cho con người khả năng tự phá hủy chính mình do chạy đua vũ khí hạt nhân và do làm nhiễu động cân bằng sinh thái của hành tinh chúng ta.
Những hiểu biết thiên văn, theo Trịnh Xuân Thuận, sẽ giúp đưa cái tôi của con người về vị trí đúng của nó, để con người biết vị trí của mình trong sự hài hòa vốn có của vũ trụ, để ý thức rằng vũ trụ trao cho chúng ta một ý nghĩa và chúng ta cần đáp lại nó cho thích đáng, để nhận ra ý nghĩa của sự hợp tác mà chúng ta cần phải theo đuổi thay vì cạnh tranh. Tiến sĩ khoa học về môi trường Philippe Desbrosses khẳng định rằng sự hợp tác này đòi hỏi chúng ta bước ra khỏi cái tôi, để hợp nhất các cá nhân để tạo ra cái chúng ta, phải hoàn toàn đặt mình ở vị thế khác so với thói quen tiêu thụ, phải thoát khỏi sự câu thúc của ham muốn vô hạn, của thói bắt chước máy móc và các thị hiếu thời thượng, để hướng tới “sự điều độ hạnh phúc”.
Trong cuộc đối thoại với Trịnh Xuân Thuận, nhà sinh học, thực vật học Jean Marie Pelt trình bày về mối liên hệ bổ túc lẫn nhau giữa khoa học và đức tin: “Khoa học trả lời cho câu hỏi ‘thế nào’ còn đức tin trả lời cho câu hỏi ‘tại sao’”. Ông cho rằng đó là hai cách tiếp cận không loại trừ lẫn nhau và luôn hòa thuận với cá nhân ông trong khi rất nhiều người cho rằng một nhà khoa học không thể nào là một tín đồ. Ông cũng đưa ra lời khuyên về cách tạo ra môi trường thuận lợi để phát triển mối quan hệ bổ túc này: cần một khoảng lùi đối với những luồng thông tin luôn ào ạt ập đến, cần giữ khoảng cách với xã hội thông tin và truyền thông rất độc hại để lắng nghe chính mình, phát hiện ra nội tâm và trái tim mình.
Đối mặt với vũ trụ như một cánh cửa thần kỳ giúp chúng ta “nhảy cóc” vào thế giới của những ngôi sao - chính là tổ tiên xa xôi của chúng ta, và nhận thức được rằng vạn vật quanh ta đều chia sẻ cùng một phả hệ vũ trụ, hay nói như Trịnh Xuân Thuận, “Bản sử thi của vũ trụ cũng là của chúng ta bởi chúng ta chính là hậu duệ của các vì sao”.
GS. Trịnh Xuân Thuận (1948) - nhà khoa học người Mỹ gốc Việt, là tác giả của nhiều cuốn sách được mến mộ, xoay quanh những chủ đề như vũ trụ học, thiên văn học, những suy niệm của riêng ông về thân phận con người trong mối tương quan giữa khoa học hiện đại và niềm tin Phật giáo. |