Khi nói đến trí não, con người thường nghĩ rằng mình vô cùng siêu việt, nhưng thực sự có phải chúng ta thông minh hơn các loài động vật khác?

Trí tuệ con người có gì khác biệt so với các loài động vật khác?
Trí tuệ con người có gì khác biệt so với các loài động vật khác?

Bên ngoài phòng tranh ở Brisbane, Úc, những con ong mật đã chứng tỏ khả năng phân biệt giữa những bức tranh trường phái ấn tượng của Monet và các bức tranh chủ nghĩa lập thể của Picasso bằng việc hiểu được hình ảnh đặc trưng trong mỗi bức tranh.

Trên thực tế, khả năng nhận ra phong cách nghệ thuật chỉ là một trong nhiều năng lực của ong mật. Chúng còn có thể đếm được tới 4, đọc các ký hiệu phức tạp, có khả năng học hỏi từ việc quan sát xung quanh và nói chuyện với nhau bằng vũ điệu riêng.

Khi kiếm ăn, chúng có thể cân nhắc khoảng cách đến các loài hoa khác nhau, lên kế hoạch cho mỗi tuyến đường phức tạp để có thể thu thập được nhiều mật hoa mà đỡ tốn công sức nhất. Sống trong tổ, mỗi con ong mật còn có nhiệm vụ cá nhân riêng như dọn dẹp hay điều hòa nhiệt độ bằng cách mang từng giọt nước về thả trên bề mặt sáp khi trời nóng.

So với ong mật, bộ não người có số lượng tế bào thần kinh gấp gần 100.000 lần, nhưng khá nhiều hành vi con người coi trọng đều có thể quan sát được ở mức độ thô sơ hơn trong hoạt động của tổ ong. Vậy thì liệu chất xám trong não chúng ta có giá trị gì? Chúng có khiến con người khác biệt so với các loài động vật khác hay không?

Não người có khoảng 100 tỷ tế bào thần kinh và bộ não người được coi là khổng lồ so với tương quan cơ thể nhỏ bẻ của chúng ta.
Não người có khoảng 100 tỷ tế bào thần kinh và bộ não người được coi là khổng lồ so với tương quan cơ thể nhỏ bé của chúng ta.


Não lớn có phải tốn chỗ?

Khoảng 20% thức ăn vào cơ thể được dùng cung cấp năng lượng cho các hoạt động của não. Quả thực, nếu bộ não lớn không tạo ra lợi thế nào thì đó sẽ là sự lãng phí rất lớn.

Thực sự, não lớn cũng có một số lợi ích khá dễ nhận ra. Ví dụ, nếu cùng nhìn vào một khung cảnh, ong mật sẽ phải xem xét lần lượt từng đối tượng một, trong khi các loài động vật lớn hơn sẽ có nhiều trí năng hơn để xử lý tất cả hình ảnh một lúc. Nói cách khác, [não lớn hơn cho chúng ta] khả năng làm nhiều việc cùng lúc.

Bộ não lớn hơn cũng tăng số lượng thông tin chúng ta có thể nhớ được. Ong mật chỉ có thể nắm được một số dấu hiệu nhất định về sự hiện diện của thức ăn trước khi chúng bắt đầu thấy bối rối. Trong khi đó, một con chim bồ câu cũng có thể học cách nhận ra hơn 1.800 bức ảnh, và con số trên không là gì so với kiến thức của con người. Để so sánh, một người có trí nhớ siêu việt có khả năng nhớ số Pi đến chữ số thứ hàng vài nghìn sau dấu phẩy.

Con người có thể nhớ nhiều thứ, còn gì nữa không?

Darwin đã mô tả những khác biệt này như là “sự khác biệt về mức độ, chứ không phải loại hình”.

Kết luận này dường như khiến nhiều người thấy bực bội. Chẳng lẽ con người chỉ hơn các động vật khác ở mức độ? Nếu nhìn vào nền văn minh loài người và tất cả những gì chúng ta đã đạt được, chắc chắn chúng ta phải có một khả năng đặc biệt nào đó mà không loài động vật nào khác có được chứ?

Maggie là một trong số những loài chim có nhận thức cao nhất.
Maggie là một trong số những loài chim có nhận thức cao nhất.

Văn hóa, công nghệ, lòng vị tha và nhiều đặc điểm khác đều được quảng bá là những dấu hiệu của sự cao quý của loài người, nhưng càng nhìn sâu thì dường như danh sách về những đặc điểm ưu thế của chúng ta càng bị thu hẹp lại.

Chẳng hạn khỉ Macaque từ lâu đã biết dùng đá để đập vỡ vỏ hạt, trong khi những con quạ New Caledonia có thể đẽo cành cây gãy thành chiếc móc để nhặt thức ăn. Đây đều là những hình thức sử dụng công cụ thô sơ.

Ngay cả động vật không xương cũng không kém cạnh. Ví dụ loài bạch tuộc có gân cũng được quan sát là đã đi thu thập vỏ dừa để lôi xuống đáy biển để dùng làm nơi trú ẩn sau này.

Trong khi đó, một con tinh tinh cái ở Zambia được bắt gặp khi đeo một búi cỏ trên tai, không vì lý do nào khác ngoài lý do làm đẹp. Không lâu sau, nhiều con tinh tinh khác trong đàn cũng bắt chước phong cách trang điểm của nó. Một số nhà nghiên cứu đã diễn giải rằng đó là một dạng biểu hiện văn hóa.

Quạ dùng cành cây như một công cụ để lấy thức ăn.
Quạ dùng cành cây như một công cụ để lấy thức ăn.

Nhiều sinh vật dường như cũng có cảm giác bẩm sinh về sự công bằng, và thậm chí là đồng cảm với các cá thể khác. Hãy xem một con cá voi lưng gù đã cứu sống một con hải cẩu, bảo vệ nó khỏi sự tấn công của cá voi sát thủ. Hay một con chuột thí nghiệm tìm cách mở lồng cho con chuột bạn mình thay vì đi lấy miếng socola.

Điều này lần nữa cho thấy việc một số loài động vật có đời sống cảm xúc phong phú – đặc điểm mà chúng ta từng coi là lãnh địa riêng của loài người.

Thế còn nhận thức ý nghĩ thì sao?

Có lẽ câu trả lời nằm ở việc liệu động vật có “Ý thức về bản thân” – tức là khả năng nhận ra bản thân nó là một cá thể - cái lõi này là một hình thức cơ bản của ý thức.

Trong tất cả phẩm chất có thể làm cho con người trở nên độc đáo, thì việc tự nhận thức là vấn đề khó đo lường để khẳng định chắc chắn nhất.

Thí nghiệm phổ biến thường được dùng là thử chấm một đốm sơn lên con vật và đặt nó trước gương, nếu con vật thấy ký hiệu đó và cố gắng xóa nó đi thì chúng ta có thể cho rằng con vật đó nhận ra hình ảnh phản chiếu của mình, điều đó cho thấy nó đã hình thành một vài khái niệm nào đó về bản thân.

Voi có thể nhận ra hình ảnh phản chiếu của chính mình.
Voi có thể nhận ra hình ảnh phản chiếu của chính mình.

Con người không phát triển khả năng này cho đến khi khoảng 18 tháng tuổi, nhưng một vài loài động vật khác cho thấy chúng có ý thức về điều này, ví dụ như vượn bonobos, tinh tinh, đười ươi, khỉ đột, chim ác là, cá heo và cá voi orca.

Vậy là con người không có gì đặc biệt cả sao?

Cũng không phải như vậy. Có một vài khả năng về tinh thần có thể hoàn toàn thuộc về chúng ta. Điều này có thể được hiểu rõ nhất như khi theo dõi một cuộc trò truyện của gia đình quanh bữa tối.

Sự đáng kinh ngạc đầu tiên chính là việc chúng ta có thể nói. Bất kể suy nghĩ và cảm nhận gì trong cả ngày, ta đều có thể tìm được từ để diễn tả lại trải nghiệm đó và mô tả cho những người xung quanh biết.

Không có một loài sinh vật nào có thể giao tiếp một cách tự do như vậy. Điệu nhảy lắc lư của ong mật có thể cho biết vị trí của bồn hoa và còn có thể cảnh báo những con ong khác về việc có loài côn trùng nguy hiểm khác ở đó, nhưng con ong đó không thể mô tả lại mọi thứ mà nó đã trải nghiệm: nó bị giới hạn để chỉ có thể nói về một vài sự kiện về hoàn cảnh trước mắt mà thôi.

Ngược lại, ngôn ngữ của con người là thứ bỏ ngỏ không bị hạn chế. Với vô vàn cách kết hợp từ để lựa chọn, con người có thể nói lên những cảm xúc sâu sắc nhất hoặc diễn tả các quy tắc vật lý. Nếu không thể tìm ra thuật ngữ phù hợp, đơn giản thôi, ta chỉ cần phát minh ra một từ mới.

Ngôn ngữ và khả năng "du hành thời gian" bằng trí não là điểm khác biệt của con người với loài khác.
Ngôn ngữ và khả năng "du hành thời gian" bằng trí não là điểm khác biệt của con người với loài khác.

Điều đáng chú ý hơn là hầu hết các cuộc trò chuyện của chúng ta không bắt rễ ở hiện tại mà xoay quanh quá khứ và tương lai. Điều này chỉ ra một trong những đặc điểm khác có thể định hình chúng ta. Chúng ta đã khám phá ra rằng bộ nhớ “dữ liệu” (Semantic Memory) có thể giúp chúng ta nhớ lại nhiều sự việc hơn hầu hết động vật khác.

Nhưng TS. Thomas Suddendorf, ĐH Queensland, chỉ ra, chúng ta còn có thể hồi tưởng bằng bộ nhớ “sự kiện” (Episodic Memory) – đó là sống lại các sự kiện trong quá khứ và hình dung chúng bằng những chi tiết thuộc về nhiều giác quan.

Đó chính là sự khác biệt giữa việc biết Paris là thủ đô của Pháp và việc có thể hồi tưởng lại những cảnh đẹp cùng âm thanh sống động của chuyến đi đầu tiên của ta tới bảo tàng Louvre.
Điều quan trọng là khả năng nhớ lại quá khứ cho phép chúng ta tưởng tượng về tương lai, cũng như việc sử dụng kinh nghiệm đã có để dự đoán những kịch bản có thể xảy ra trong tương lai.

Chúng ta có thể tượng tượng ra kì nghỉ tiếp theo bằng cách nhớ lại tất cả những chuyến đi trong quá khứ, để từ đó hình dung được loại khách sạn nào mình thích, những địa điểm tham quan mình sẽ muốn đến và những đồ ăn nào sẽ muốn nếm.

Dường như không có loài động vật nào khác có những ký ức cá nhân phức tạp như vậy kết hợp với khả năng lên kế hoạch trước cho toàn bộ chuỗi hành động.

Ngay cả những con ong với với công việc buồng phòng phức tạp như vậy trong tổ, cũng có lẽ chỉ đáp ứng lại hoàn cảnh thực tại của nó. Suy nghĩ của ong mật không đi xa hơn bông hoa tiếp theo mà nó muốn ghé thăm hoặc sự nguy hiểm của kẻ xâm nhập. Nó có lẽ sẽ không hồi tưởng về cảm giác khi là một ấu trùng.

Cùng với ngôn ngữ, du hành thời gian bằng trí não chính là thứ cho phép chúng ta chia sẻ kinh nghiệm và hi vọng với nhiều người khác, xây nên mạng lưới kiến thức tổng hợp ngày càng phát triển qua từng thế hệ. Những thứ như khoa học, kiến trúc, công nghệ, viết lách…nếu như không có những thứ kia.

Nguồn:

BBC Future