Hiệu ứng giả dược là một hiện tượng bí ẩn xảy ra khi các triệu chứng bệnh lý của một người nào đó thuyên giảm nhờ tác động tâm lý, sau khi họ sử dụng một loại thuốc “giả”, không chứa thành phần hoạt tính.

Ảnh: Thevarsity.
Ảnh: Thevarsity.

Hiệu ứng giả dược liên quan đến những chất hoặc các hành động giống như hình thức trị liệu nhưng không có tác động trực tiếp đến chức năng cơ thể hoặc não bộ của bệnh nhân. Chúng có thể bao gồm việc nuốt những viên thuốc làm từ đường, tiêm dung dịch nước muối sinh lý hoặc sử dụng các dụng cụ giả mạo – ví dụ kim giả dùng trong lĩnh vực châm cứu. Tuy nhiên, vẫn có những bệnh nhân báo cáo tình trạng của họ được cải thiện, bao gồm giảm đau, cơ thể tỉnh táo, nhận thức và sức khỏe tổng thể tốt hơn.

Mặc dù hiệu ứng giả dược có thể cản trở việc tìm kiếm các phương pháp điều trị y tế hiệu quả, nhưng nó cũng là một công cụ hữu ích để thử nghiệm dược phẩm và các liệu pháp sức khỏe khác nếu sử dụng một cách thích hợp.

Điều gì gây ra hiệu ứng giả dược?

Giới khoa học chưa thể xác định rõ ràng tại sao một số người trải nghiệm hiệu ứng giả dược, mặc dù manh mối có thể được tìm thấy bằng cách xem xét sự khác biệt tưởng chừng như không liên quan tới tác dụng chữa bệnh giữa các phương pháp điều trị giống nhau nhưng mang lại kết quả khác nhau.

Ví dụ, một số nghiên cứu chỉ ra rằng hình thức bên ngoài của một viên thuốc giả [không chứa thành phần hoạt chất thực sự] có thể ảnh hưởng đến ấn tượng của chúng ta về tác dụng của nó đối với cơ thể, đóng vai trò như chất kích thích hoặc chất ức chế tùy thuộc vào màu sắc cũng như hình dạng viên thuốc. Giá và cách tiếp thị thuốc cũng ảnh hưởng đến cách chúng ta nhận thức về sức mạnh của nó.

Đáng chú ý, những ấn tượng này có thể khác nhau tùy thuộc vào nền văn hóa. Ví dụ, người Mỹ da trắng có xu hướng coi thuốc màu trắng là thuốc giảm đau, trong khi người Mỹ da đen coi chúng là chất kích thích.

Do các nhà khoa học không tìm thấy bất cứ mối liên hệ hóa học nào giữa viên thuốc không chứa các thành phần hoạt tính và những thay đổi về mặt sinh lý của người bệnh, hiệu ứng giả dược rất có thể chỉ ảnh hưởng đến cảm nhận về sức khỏe của chúng ta ở mức độ tâm lý.

Nói cách khác, ấn tượng của chúng ta về một phương pháp điều trị định hình cách chúng ta trải nghiệm những tác động của nó lên cơ thể.

Điều này liên quan một chút đến phản xạ có điều kiện, một hiện tượng tâm lý giải thích tại sao chúng ta học cách kết nối một cảm giác hoặc cảm xúc với một kích thích cụ thể, chẳng hạn như cảm thấy đói khi nghe tiếng chuông báo đến giờ ăn trưa hoặc lo lắng khi ngửi thấy mùi chất khử trùng trong phòng chờ bệnh viện.

Sự kỳ vọng cũng ảnh hưởng đến cách chúng ta nhìn nhận về cơ thể của chính mình. Khi tiếp nhận một phương pháp điều trị, chẳng hạn như uống một viên thuốc hằng ngày, chúng ta có xu hướng nghĩ đến tình trạng bệnh được cải thiện, làm giảm sự tập trung của chúng ta vào cảm giác đau. Thay vào đó, chúng ta sẽ chú ý nhiều hơn đến cảm giác thoải mái và dễ chịu.

Thuật ngữ “placebo” (giả dược) bắt nguồn từ tiếng Latin, có nghĩa là “làm hài lòng”. Người ta bắt đầu sử dụng nó trong lĩnh vực y học vào cuối thế kỷ 18 nhằm ám chỉ các phương pháp điều trị chỉ dùng một lượng nhỏ thành phần hoạt chất, đủ để làm hài lòng hoặc làm dịu tâm trạng của những bệnh nhân vô phương cứu chữa mà không cần lãng phí các loại thuốc mạnh.

Điều này nghĩa là ngay cả khi một loại thuốc không thực sự hiệu quả, bệnh nhân sẽ hài lòng khi họ nghĩ rằng bản thân đang được điều trị và dần khỏi bệnh.

Kể từ đầu thế kỷ 19 đến nay, các nhà khoa học đã sử dụng hiệu ứng giả dược trên nhóm đối chứng trong các thí nghiệm y học để xác định xem tình trạng sức khỏe của bệnh nhân được cải thiện là kết quả của liệu pháp điều trị hay chỉ đơn giản là một biểu hiện của hiệu ứng giả dược.

Hiệu ứng giả dược có thể giúp giải thích tại sao nhiều nghi thức và phương pháp điều trị y học truyền thống dường như cũng mang lại hiệu quả mặc dù thiếu các cơ chế tác động sinh học.

Trong nhiều trường hợp, các bác sĩ nhận thấy giả dược thậm chí còn hoạt động tốt hơn một số phương pháp điều trị y tế mới, bởi vì các phương pháp điều trị thực tế đôi khi gây ra tác dụng phụ có hại, trong khi giả dược thì không.

Ngược lại với hiệu ứng giả dược là hiệu ứng phản dược (nocebo). Đó là khi người dùng trải qua tình trạng không mong muốn hoặc khó chịu sau khi tin rằng họ đã sử dụng một loại thuốc hoặc liệu pháp điều trị có tác dụng phụ, dù thực tế chúng không có bất kỳ tác dụng phụ nào.

Hiệu ứng phản dược giúp chúng ta hiểu lý do khiến nhiều người cảm thấy khó chịu sau khi tiêm vaccine mà không có nguyên nhân rõ ràng. Việc người bệnh biết về tác dụng phụ tiềm ẩn của vaccine có thể khơi dậy những suy nghĩ tiêu cực của họ về mức độ dung nạp vaccine.

Hiệu ứng giả dược có thể được dùng như một loại thuốc không?

Chuyên gia y tế thường áp dụng hiệu ứng giả dược để điều trị cho các bệnh nhân nhưng họ không hề hay biết. Tuy nhiên trong một số trường hợp – ví dụ các thử nghiệm lâm sàng – bệnh nhân trải nghiệm hiệu ứng giả dược với sự hiểu biết và đồng ý của họ. Bệnh nhân sẽ tiếp nhận ngẫu nhiên một phương pháp điều trị mới hoặc giả dược nhưng không biết họ đang nhận được loại nào.

Bệnh nhân đồng ý tham gia thử nghiệm lâm sàng có sử dụng hiệu ứng giả dược thường được giải thích đầy đủ về rủi ro và lợi ích của việc tham gia. Họ có thể rút khỏi thử nghiệm bất kỳ lúc nào nếu muốn.

Về mặt pháp lý và đạo đức, biên bản đồng thuận trước khi tiến hành điều trị là một phần quan trọng trong mối quan hệ giữa bác sĩ và bệnh nhân thời hiện đại. Theo đó, bệnh nhân sẽ ký vào phiếu thông tin do bác sĩ cung cấp để xác nhận rằng họ đã hiểu đầy đủ về tình trạng sức khỏe, các lựa chọn điều trị, rủi ro và lợi ích của mỗi lựa chọn.Quyền tự chủ của bệnh nhân ngày càng trở nên quan trọng ở nhiều nơi trên thế giới, khiến việc bác sĩ giao tiếp cởi mở và trung thực về các xét nghiệm và phương pháp điều trị trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Trong những năm gần đây, các nhà nghiên cứu phát hiện hiệu ứng giả dược vẫn hoạt động ở một số người, ngay cả khi họ biết rằng liệu pháp chữa trị không chứa thành phần hoạt chất hoặc bất kỳ cơ chế tác động sinh học nào.

Điều này có thể giải quyết các mối lo ngại về biên bản đồng thuận, nhưng đặt ra những câu hỏi mới về đạo đức trong việc thực hiện các liệu pháp mà chi phí, lợi ích và cơ chế tác động vẫn chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng. Ví dụ, khi nào bệnh nhân nên uống một viên đường thay vì tiếp nhận một phương pháp điều trị có khả năng giúp cải thiện sức khỏe và tinh thần của bệnh nhân? Điều này nên được quy định như thế nào? Một viên thuốc “giả” có giá bao nhiêu, đặc biệt là khi các loại thuốc giả dược đắt tiền hơn có xu hướng mạnh hơn?