STEAMese Festival vừa được tổ chức như một bước chuẩn bị cho giải Vô địch Thế giới Robot VEX 2024, đồng thời tạo thêm động lực cho việc thúc đẩy giáo dục STEAM trong năm học mới.

Sau lần đầu tham dự vòng chung kết giải Vô địch Thế giới Robot VEX 2023 ở Mỹ, trong mấy tháng hè vừa qua, cộng đồng STEM Việt Nam đã tổ chức nhiều hoạt động đáng kể để sẵn sàng cho cuộc thi lập trình robot lớn nhất thế giới vào năm tới.

Một sự kiện quan trọng trong số đó là STEAMese Festival - hay Ngày hội của những người trong hệ sinh thái STEAM - do STEAM for Vietnam tổ chức với sự phối hợp của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam, Trung tâm Hoa Kỳ (thuộc Phái đoàn ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam) và Trường ĐH Phenikaa.

Diễn ra trong hai ngày 26-27/8 dưới chủ đề “Khơi nguồn sáng tạo, mở khóa đam mê”, STEAMese Festival là nơi các học sinh, sinh viên, giáo viên và chuyên gia STEM gặp gỡ, trao đổi kiến thức và tham gia nhiều hoạt động thú vị liên quan đến khoa học, công nghệ, kỹ thuật, và toán học như hội thảo, tọa đàm, lớp học trải nghiệm, triển lãm sản phẩm, thi đấu giao hữu VEX IQ Robotics... Có thể nói, với sự tham gia của hơn 1.000 học sinh, phụ huynh, thầy cô và nhà trường trên cả nước, Ngày hội đã góp phần tạo thêm động lực thúc đẩy giáo dục STEAM trong năm học mới.

Ths Hoàng Vân Đông - nhà sáng lập Học Viện Kidscode STEM, một diễn giả tại Ngày hội - chia sẻ, với anh, hình ảnh nổi bật nhất của STEAMese Festival 2023 là cô giáo Vàng Thị Dính, đến từ Trường THCS và THPT Dân tộc nội trú huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. “Hành trình của cô trong việc dạy toán và lập trình cho học trò vùng cao đã trở thành một câu chuyện đầy cảm hứng và đáng nể,” anh nói. “Sau vài buổi học online vào cuối tháng 4/2023, cô giáo Vàng Thị Dính đã tự mình học và nắm vững lập trình. Điều này đã giúp cô cùng các đồng nghiệp trong trường đoạt giải Ba ở cuộc thi giáo viên giỏi robotics của tỉnh Hà Giang. Đáng nói là sau thành công này, cô đã được STEAM for Vietnam tuyển làm trợ giảng tại STEAMese Festival. Nỗ lực và khát vọng vượt qua khó khăn của cô giáo vùng cao đã thắp sáng ngọn lửa STEM/STEAM và robotics tại huyện Đồng Văn. Tôi được biết, ngay tuần đầu tiên của năm học mới, cô Dính đã thành lập xong câu lạc bộ robot của Trường THCS và THPT Dân tộc nội trú huyện Đồng Văn.”

Cô giáo Vàng Thị Dính (Trường THCS và THPT Dân tộc nội trú huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) làm trợ giảng tại lớp học trải nghiệm lập trình trong khuôn khổ STEAMese Festival, Trường ĐH Phenikaa, Hà Nội, 26 -27/8/2023. Nguồn: NVCC
Cô giáo Vàng Thị Dính (Trường THCS và THPT Dân tộc nội trú huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) làm trợ giảng tại lớp học trải nghiệm lập trình trong khuôn khổ STEAMese Festival, Trường ĐH Phenikaa, Hà Nội, 26 -27/8/2023. Nguồn: NVCC

Tại Festival, các chuyên gia giáo dục STEM của Việt Nam đã có cơ hội quý báu để trao đổi kiến thức và kinh nghiệm với đồng nghiệp quốc tế như ông Jason McKenna, giám đốc chiến lược giáo dục toàn cầu của VEX Robotics hay bà Tracy Tang - Giám đốc Phát triển của tổ chức Scratch Foundation.

Các chuyên gia quốc tế đã giới thiệu về những tiến bộ công nghệ mới, phương pháp giảng dạy tiên tiến, xây dựng mô hình học tập và nghiên cứu sáng tạo, đưa ra cơ hội hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này, giúp nâng cao chất lượng và sự phát triển của giáo dục STEM tại Việt Nam.

Ngược lại, các chuyên gia Việt Nam cũng giới thiệu về các giải pháp triển khai giáo dục STEM trong điều kiện đặc thù của nước mình hay cách thức tạo ra tương tác xã hội tích cực và đóng góp cho cộng đồng thông qua STEM. “Với những nơi còn khó khăn của Việt Nam, nơi chưa có điều kiện trang bị các loại robot vật lý, các giáo viên đã sáng tạo ra cách thức dạy tư duy lập trình thông qua robot ‘chạy bằng cơm’, tức là các bạn học sinh sẽ đóng vai nhận lệnh và thực hiện lệnh như một chú robot, hoặc sử dụng các công nghệ robot ảo để phổ biến tư duy lập trình cho số đông học sinh. Các giải pháp này nhận được sự đồng tình từ các chuyên gia quốc tế, họ cảm thấy chúng rất thú vị, làm phong phú cho bài học và hoàn toàn khả dụng,” ThS Hoàng Vân Đông cho biết.

Việt Nam đang chuẩn bị cho giải Vô địch Quốc gia Robot VEX 2024. Dự kiến có hơn 300 đội tuyển ở bảng robot VEX IQ dành cho học sinh Tiểu học và Trung học (dưới 15 tuổi) và 50 đội ở bảng robot VEX V5 dành cho học sinh THPT (dưới 19 tuổi). Ban tổ chức đang hỗ trợ kỹ thuật để các cộng đồng STEM robotics có thể tổ chức luyện tập, thi đấu giao hữu hiệu quả.

ThS Hoàng Vân Đông – một diễn giả tại sự kiện STEAMese Festival, Trường ĐH Phenikaa, Hà Nội, 26 -27/8/2023. Nguồn: NVCC
ThS Hoàng Vân Đông – một diễn giả tại sự kiện STEAMese Festival, Trường ĐH Phenikaa, Hà Nội, 26 -27/8/2023. Nguồn: NVCC

Là chuyên gia của VEX Robotics tại Việt Nam, ThS Hoàng Vân Đông cho biết, “Dự kiến đoàn robot VEX của Việt Nam sẽ cử 40-50 đội sang Mỹ dự giải Vô địch Thế giới Robot VEX 2024. Nếu làm được như vậy thì Việt Nam sẽ trở thành một trong các ‘cường quốc robotics’ về số lượng đội tham gia giải vô địch thế giới, chỉ đứng sau đội chủ nhà Mỹ và Trung Quốc.”

Kể từ năm 2022, STEAM for Vietnam - doanh nghiệp xã hội được sáng lập và vận hành bởi các chuyên gia người Việt trên khắp thế giới nhằm mang giáo dục STEAM miễn phí tới học sinh, sinh viên Việt Nam - bắt đầu tổ chức Giải Vô địch Quốc gia Robot VEX. Mùa giải năm 2023 đã chọn được 19 đội (13 đội trung học và 6 đội tiểu học) đủ điều kiện tham dự VEX Robotics World Championship. Như vậy, trong lần đầu tham gia vòng chung kết thế giới, Việt Nam đứng thứ 5 thế giới về số đội chơi. Kết quả mở màn cũng rất đáng khích lệ: 5/19 đội giành được những giải thưởng quan trọng.

Từng là huấn luyện viên dẫn đội đi thi đấu tại VEX World Championship 2023, ThS Hoàng Vân Đông chia sẻ: “Tham dự giải Vô địch Thế giới Robot VEX 2023 đã mang lại cho tôi nhiều kinh nghiệm quý báu. Trước hết, tôi đã học được tầm quan trọng của sự đoàn kết và kỹ năng làm việc nhóm. Tức là không chỉ kiến thức và kỹ năng cá nhân mà tinh thần đồng đội cũng đóng vai trò quan trọng trong thành công của một dự án.

Tôi còn nhận thấy, chúng ta đã cố gắng rất nhiều và để lại ấn tượng cho bạn bè khắp thế giới, nhưng vẫn còn không ít công việc phải làm để nâng cao chất lượng giáo dục STEM tại Việt Nam. Điều này bao gồm đầu tư nhiều hơn vào trang thiết bị, đào tạo giáo viên và tạo cơ hội cho học sinh tiếp cận STEM một cách rộng rãi. Khi các hoạt động giáo dục STEM được phát triển mạnh mẽ tại các trường phổ thông, chúng ta sẽ có nhiều đội thi đấu mạnh hơn và có thể mang về nhiều giải thưởng hơn nữa.”