Lịch sử thường tôn vinh các chiến thắng quân sự, song những nỗ lực chống dịch bệnh – một kẻ thù chung của mọi quốc gia, bên cạnh nạn đói, thiên tai, … cũng không thể bị xem nhẹ.
Châu Âu thời Trung Cổ cho đến trước thời Hiện đại rất hay bị các đợt dịch [bệnh] chết người càn quét. Trong những thời khắc đen tối nhất, con người chỉ còn biết tìm cách chữa trị trong tuyệt vọng, bên cạnh xoa dịu nỗi thống khổ bằng lời cầu nguyện hay lễ vật dâng lên thánh thần. Tại thành Venice (nước Ý ngày nay), sau đại dịch kinh hoàng trong giai đoạn 1629 – 1631 mà lịch sử thường gọi là Italian Plague, giáo hội đã cho xây hẳn một nhà thờ rất lớn mang tên Santa Maria della Salute (vinh danh Thánh Maria vì đã ban sức khỏe và sự bình an cho người dân). Một số nơi khác không có điều kiện xây nhà thờ thì sẽ dựng lên các cấu trúc dạng cột để kỷ niệm chiến thắng dịch bệnh. Trong đó, nổi tiếng nhất phải kể đến Plague Column (Cột Đại dịch) hay Pestsäule (tiếng Đức) ở thành Vienna (nước Áo ngày nay).
Nằm bên bờ sông Danube, Vienna là cửa ngõ giao thương lớn của Đông và Tây Âu. Chính vì thế mà người dân nơi đây thường dễ phơi nhiễm trước những đợt bùng phát dịch – xảy ra rất thường xuyên từ thế kỷ XIV. Khu vực ven sông của thành phố luôn có rất đông người tụ tập trong suốt nhiều tháng, đa phần là các thương nhân cùng kho hàng chứa đủ thứ từ quần áo, thảm cho đến ngũ cốc, … và họ trở thành đối tượng lây bệnh từ chuột. Ngoài ra, cũng do mật độ xây dựng của thành phố quá dày đặc, không hoặc có rất ít hệ thống thoát nước công cộng, cho nên người dân hay vứt rác ra đường, hoặc đổ xuống sông và tạo thành những đống bốc mùi hôi thối khủng khiếp.
Bởi điều kiện vệ sinh tồi tệ như vậy mà các thành phố châu Âu thời Trung Cổ thường xuyên bị dịch bệnh viếng thăm, và Vienna cũng không phải ngoại lệ. Năm 1679, thành phố khi ấy còn nằm dưới sự cai trị của vương triều Habsburg đã bị dịch hạch tấn công. Ban đầu, mầm bệnh xuất hiện ở những khu vực tồi tàn tập trung đông dân nghèo, sau đó lan rộng ra khắp nơi và giết chết cả vô số người giàu. Khi tình trạng lây nhiễm vượt tầm kiểm soát, hoàng đế Habsburg Leopold I đã ra lệnh di tản khỏi thành phố, nhưng rất nhiều thành viên trong đoàn tùy tùng của ông này cũng không tránh khỏi dính bệnh.
Các ghi chép cho biết, ít nhất 76.000 người đã chết do nhiễm bệnh, con số quá lớn đối với một thành phố chỉ có gần 110.000 dân như Vienna. Hàng chục ngàn tử thi được chở tới khu vực ngoài rìa thành phố để hỏa thiêu trong những hố chôn tập thể. Nhà chức trách phải kêu gọi sự hỗ trợ từ các tình nguyện viên, nhưng không nhiều người dám đảm nhận công việc khủng khiếp – sẵn sàng đi gặp tử thần bất cứ lúc nào – này. Cuối cùng, chính quyền buộc phải mở cửa nhà tù và đưa những phạm nhân bị kết án chung thân ra làm thay. Do quá thiếu thầy lang và người có kỹ năng trị thương, họ thậm chí còn bị còng tay khi làm việc để không thể bỏ trốn.
Cuối cùng, khi đại dịch đi qua, chính quyền Vienna quyết định sẽ xây một cây cột tưởng niệm để vinh danh Thiên Chúa Ba Ngôi (Holy Trinity). Lúc đầu, người ta khánh thành một cột gỗ mang phong cách Corinthian (Hy Lạp và La Mã), khắc họa hình ảnh Chúa Ba Ngôi bên cạnh 9 thiên thần. Năm 1687, cây cột được thay thế bởi phiên bản mới làm bằng đá.
Những cây cột như vậy là một đặc điểm khá phổ biến tại nhiều thành phố và thị trấn ở Áo trong nửa cuối thế kỷ XVII. Chúng thường được dựng bằng gỗ trong thời gian xảy ra dịch bệnh, để sử dụng cho nghi thức xưng tội và cầu xin sự cứu rỗi. Nếu dịch bị đẩy lùi (đúng hơn là tự biến mất), cây cột sau đó sẽ được thay thế bằng một tượng đài vĩnh viễn, rồi thánh hiến cho các chư thánh như Chúa Ba Ngôi hoặc Đức mẹ Maria. Ngoài ra, chúng còn là những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, do bàn tay và khối óc của các nghệ nhân tài ba như Ludovico Burnacini (người Ý), hay kiến trúc sư và nhà điêu khắc Johann Bernhard Fischer von Erlach (người Áo), … kiến tạo. Như cây cột tại Vienna đã được Fischer thiết kế tạo hình, còn Burnacini thì đóng góp phần điêu khắc hình ảnh 9 thiên thần bên cạnh Chúa Ba Ngôi, cùng cảnh vua Leopold quỳ gối cầu nguyện …
Một số thành phố khác tại châu Âu cũng có những phiên bản cột tưởng niệm chiến thắng dịch bệnh của riêng họ. Trong đó, phải kể đến cây cột ở Košice (nay là Slovakia), được xây dựng sau khi đại dịch 1709 – 1719 chấm dứt; và một cột khác ở Kutná Hora (nay là Cộng hòa Séc), mọc lên gần như cùng thời điểm. Quảng trường tại khu phố cổ (Old Town Square) ở thủ đô Prague (CH Séc) cũng từng có một cây cột rất nổi tiếng được dựng từ năm 1650, nhưng đến năm 1918 thì bị phá hủy bởi những kẻ quá khích – họ xem đó là một tàn tích của nhà Habsburg (vương triều đã cai trị Áo, Bohemia và Hungary một cách tàn bạo trong nhiều thế kỷ). Trong dự án tôn tạo thành phố, chính quyền Klagenfurt (Áo) đã di dời cây cột tưởng niệm của họ tới một khu vực đông người đi bộ, nơi mang nhiều ý nghĩa lịch sử, để nó đóng vai trò như một biểu tượng tái thiết thời hậu chiến (thành phố này đã bị ném bom tới 47 lần trong Thế chiến II, khiến 70% số tòa nhà bị phá hủy).
Có thể nói, các cây cột chính là những nhân chứng hùng hồn, gợi nhớ ký ức về một thời kỳ đầy rẫy bệnh tật và sự chết chóc, cùng cách mà con người tồn tại qua gian khó để phát triển.