Qua những tư liệu lưu trữ người tốt việc tốt trong 10 năm của Bác, tôi vừa hình dung thấy Bác tóc bạc phơ đeo cặp kính lão, 10 năm liền vào đúng một giờ nào đó trong ngày lặng lẽ, bền bỉ cắt dán, ghi chú… vừa thấy hiện lên những nét chính của người Việt Nam với đạo đức mới mà chính Bác là tác giả vĩ đại đã chấm phá chân dung này.

Ảnh tư liệu.
Ảnh tư liệu.

Một chút lịch sử

Một buổi sáng tháng 5 năm 1968, đồng chí Lê Văn Lương, lúc đó là Bí thư Trung ương Đảng vào thăm Bác, thấy Bác đang cặm cụi ngồi viết bên một chồng tài liệu bèn hỏi:

- Thưa Bác, Bác làm gì thế?

Bác chỉ chồng tài liệu cười đáp:

- Đã hơn mười năm nay, Bác thường theo dõi trên báo những gương người tốt việc tốt. Đó là nét đẹp của đạo đức mới, của con người mới Việt Nam đang hình thành. Và nếu ai cũng làm theo người tốt việc tốt thì cái tốt sẽ thành phổ biến, và xã hội ta sẽ tốt lên, Để khuyến khích kịp thời những người tốt việc tốt, Bác tặng huy hiệu của Bác cho những anh em đó.

Từ bấy đến nay, Bác đã tặng huy hiệu cho gần 4000 người. Nhưng những địa phương có người được khen thưởng chưa biết tận dụng việc đó để phát huy ảnh hưởng. Có nơi trao huy hiệu người tốt việc tốt như trao bánh cho con mà thôi! Mà có làm thì cũng làm nhất thời rồi bỏ. Bác thấy có lẽ nên viết lại những gương này, in thành sách để giáo dục đạo đức mới cho nhân dân ta. Mấy bữa nay, Bác giở chồng báo cũ đã chọn và cắt dán ra, ngồi xem lại và thử viết lại đây.

Đồng chí Lê Văn Lương xúc động thưa với Bác:

- Xin phép Bác giao cho các nhà xuất bản việc này.

- Thế thì được! Bác vui vẻ đáp. Vậy nhưng ai làm việc này thì xin mời lại đây để Bác giao trực tiếp còn dặn dò cho rõ, chứ không nói cách bức đâu!

Bác nói là làm ngay: Bác hoãn chương trình làm việc đã ghi cho ngày hôm sau để tiếp các đồng chí phụ trách công tác xuất bản.

Buổi ấy khi các đồng chí phụ trách các nhà xuất bản đến gặp Bác, Bác chỉ vào một chồng vở đã đóng sẵn để trên bàn:

-Đây là những tập bài báo về người tốt việc tốt mà Bác đã khen tặng huy hiệu bấy lâu nay. Các chú hãy đem về:

Chọn lọc và thẩm tra lại các việc, các người, cho chính xác.

Viết lại sao cho ngắn gọn, trong sáng, hấp dẫn, nhưng không hoa hòe hoa sói, sao cho người đọc dễ nhớ và thấy mình cũng có thể làm được việc tốt ấy.

Sách soạn ra cần có đủ mọi thành phần trong nhân dân như một vườn hoa nhiều hương sắc, phản ánh được cả dân tộc ta là một vườn hoa thuần phong mỹ tục, muôn sắc muôn hương. Một vườn hoa mà toàn hoa hồng cả, dù rất đẹp, nhưng đơn điệu, phải không?

Về trình bày: sách nên khổ nhỏ 10x15 bìa có in hình huy hiệu Bác vẫn tặng và để dòng chữ Loại sách người tốt việc tốt, bên trong sắp chữ cỡ 10, cần vẽ thêm tranh nếu không thấy tốn kém quá; tranh đẹp sẽ hấp dẫn người xem, phải in đẹp và bán rẻ.

Sau khi sách in ra, phải có người hưởng ứng, gây thành phong trào đọc sách và nhận xét sách, và nhất là biến thành hành động.

Nói xong Bác trao cho mọi người một cái hòm cũ đựng toàn bộ 18 tập vở dán bài báo, đóng bìa cẩn thận nói về 4000 người tốt đã được Bác khen tặng.

12 năm lao động trong bốn trang giấy

Về nhà, tôi chưa đọc ngay 18 tập vở, mà đọc 4 tờ giấy đánh máy kèm theo, giới thiệu tóm tắt nội dung 18 tập tư liệu, Bốn tờ giấy ấy là:

- Tờ thứ nhất: Bác kê các quyển vở dán các bài báo nói về những người được thưởng huy hiệu của Bác trong 8 năm (từ 1959 đến 1967).

- Tờ thứ hai: Nói về việc thưởng huy hiệu người tốt việc tốt cũng từ 1959 đến 1967.

- Tờ thứ ba: Bác so sánh giữa các tỉnh thành phố có người được tặng huy hiệu.

- Tờ thứ tư: ghi việc thưởng huy hiệu của Bác trong 4 tháng đầu năm 1968.

Nếu tờ thứ nhất cho ta biết suốt 10 năm Bác đã tặng 4000 huy hiệu thì tờ thứ hai đi sâu vào chia loại các gương tặng: Bác xem đối tượng nào, trong ngành nào và trong mỗi ngành, Bác đã tặng cho những loại gương tốt nào là chính, cụ thể trên những mặt nào của đời sống, nói một cách khác, nó đã nảy nở trên loại đất nào và ít nhiều ra sao. Nhìn tổng quát, những việc ấy đều đúng với phương hướng đào tạo con người mới mà Đảng ta thường chú ý.

Ví dụ, riêng ngành nông nghiệp, là ngành được Bác khen nhiều nhất, trong 10 năm 711 huy hiệu. Tiếp đến là ngành công nghiệp được Bác tặng 245 huy hiệu, phần lớn cho những thành tích xuất sắc; các ngành khác được tặng 2160 huy hiệu. Đặc biệt, các cụ Việt Kiều trên 75 tuổi về nước cũng được tặng tất cả 64 huy hiệu, vận động viên được huy chương vàng ở Đại hội Ganefo cũng được 4 huy hiệu. Nội dung Người tốt – Việc tốt rất rộng rãi, thật muôn màu muôn vẻ…

Đọc 4 tờ giấy mỏng này, tôi hiểu rằng Bác đã theo đuổi một công trình nghiên cứu khoa học tỉ mỉ với một ý thức trách nhiệm rất rõ, rất cao và một tổ chức làm việc khoa học của một nhà khoa học xã hội lớn, một vĩ nhân.

Lục lọi mở xem 18 “bồ” hạt giống

Đọc sâu vào 18 quyển vở tài liệu mới thấy khối lượng lao động đọc khổng lồ của Bác trong 10 năm. Bác đã đọc hầu như tất cả các báo đã xuất bản ở miền Bắc, từ các báo Trung ương đến báo địa phương kể cả các báo của những huyện, tỉnh xa xôi hẻo lánh như Hà Giang, Vĩnh Linh và cả báo xuất bản bằng tiếng nước ngoài như Tân Việt hoa (tất cả xuất xứ các báo đều được Bác ghi kèm ngay dưới bài khi cắt dán). Và nhất là cái rừng bản tin hàng ngày là Bản tin Việt Nam Thông tấn xã. Tôi đã thấy trong một quyển vở của Bác một mẩu tin Việt Nam Thông tấn xã chỉ có ba dòng được Bác cắt ra thành một băng giấy dài nói về một anh Công an, tên Vinh Ba trong một tháng bắt được 20 vụ trộm. Bác đã cắt dòng tin này dán vào vở ghi tặng một huy hiệu.

Tất cả những việc đọc, ghi, nhận xét, cắt dán và lưu trữ ấy đều được tổ chức thật trật tự, tỉ mỉ, ngăn nắp với một tinh thần khoa học và tiết kiệm rất quý. 18 quyển vở này đều đóng bằng những tờ bản tin Việt Nam Thông tấn xã cũ, mặt sau còn trắng, được đích thân Bác tìm chọn ra, đóng lại mỗi quyển độ 50 tờ. Bìa ngoài được dán mảnh nhãn nhỏ bằng giấy trắng cũng do Bác tự tay đánh máy ghi rõ ngày… tháng… năm (thường là độ 6 tháng là dùng hết một tập). Ở ngoài bìa, góc trên, Bác lại đánh số thứ tự bằng con số La Mã I, II cho đến tập XVIII, đều đặn suốt hơn 10 năm, một kiểu như nhau. Trong mỗi tập, Bác lần lượt dán những bài báo có người tốt việc tốt được Bác khen, cứ trung bình hai bài dán vừa vặn đầy một trang, gọn gàng, sạch sẽ. Bài báo nào cũng có bút tích của Bác, khi thì Bác đánh một dấu hỏi ở bên lề, khi thì Bác lại viết thêm vài chữ hay một câu nhận xét. Và cuối cùng ở cuối bài, bằng bút chì đó, Bác chú thích rõ bài báo cắt ra từ báo nào, ra ngày nào, số nào đã được tặng huy hiệu rồi thì có thấy đánh dấu một chữ thập đỏ.

Đặc biệt, dưới mỗi bài báo ấy, Bác còn dán thêm một mẩu băng giấy trắng nhỏ, dài ghi vắn tắt tên tuổi, địa chỉ và thành tích của người được thưởng huy hiệu, để sau này khi tìm gương không phải đọc cả bài báo dài mà chỉ cần đọc mẩu băng tóm tắt đó, rất nhanh chóng.

Tôi vừa đọc những mẩu băng nọ vừa hình hung thấy Bác tóc bạc phơ, đeo cặp kính lão, 10 năm liền vào đúng một giờ nào đó, lặng lẽ bền bỉ, cắt dán ghi chú… Nếu không có sẵn 18 quyển này được tổ chức chu đáo khoa học như thế thì anh em biên tập của các nhà xuất bản chung tôi đã phải chui vào các kho lưu trữ báo bụi bặm từ 10 năm trước, lục lọi chán chưa chắc đã tìm ra ngay những tài liệu đầy đủ và chính xác đến thế.

Chỉ một việc lưu trữ tư liệu người tốt việc tốt trong 10 năm trật tự khoa học như Bác cũng là một tấm gương sáng lớn cho chúng ta học tập.