Cuốn sách Bất chấp định mệnh là thành quả của những nghiên cứu kéo dài hơn 20 năm của giáo sư nhân học người Hungary Vargyas Gábor về xã hội quy mô nhỏ, tự cung tự cấp, quan hệ dòng tộc “khép kín” với những phương pháp sản xuất được coi là lạc hậu và đời sống tín ngưỡng tâm linh “dị biệt” của người Bru (còn gọi là Vân Kiều, Ma Coong, Trì hay Khùa).
Mối quan tâm cả đời của vị giáo sư này là các nền văn hóa của các tộc người trong khu vực Đông Nam Á và châu Đại Dương. Vào những năm 1987-1988, với 100.000 đồng trong tay (tương đương 2.000 USD), Vargyas Gábor đã thực hiện một chuyến điền dã đáng nhớ về vùng Khe Sanh (Quảng Trị), trú lại một gia đình Bru có năm người, chia sẻ không gian sống với họ. Ông đã viết những dòng này ngay phần mở đầu của cuốn sách: “Khoảng thời gian một năm rưỡi ở đây là thời gian thú vị nhất cuộc đời tôi, nó đã ảnh hưởng đến toàn bộ cuộc đời tôi sau này, cho đến nay những kinh nghiệm có được trong khoảng thời gian này cũng định hướng sự nghiệp khoa học và suy nghĩ của tôi.” Sau khoảng thời gian đó, ông nói thành thạo tiếng Bru, có thể phiên dịch cho các đồng nghiệp của mình và thậm chí vẫn có thể nói ngôn ngữ ấy 30 năm sau.
Tộc người Bru (gồm khoảng 74.500 người, theo Tổng điều tra dân số năm 2009) vốn hiền lành, ưa hòa bình nhưng lại sinh sống rải rác quanh vĩ tuyến 17; chính vì vậy, chiến tranh, bom đạn và những tranh chấp quyền lực luôn rình rập quanh cuộc sống của họ. Chương đầu tiên của Bất chấp định mệnh có một cái tên rất dài “Dù bất cứ ai đến đây cai trị, chúng tôi đều chấp nhận quyền lực của họ” – thể hiện “lập trường” chính trị hết sức đặc biệt của người Bru, như Vargyas Gábor đã chỉ ra, họ “cố gắng sinh sống khép nép, ẩn dật, không gây rắc rối, gần như cố gắng không để ai phát hiện ra họ tồn tại. Họ chung sống hòa nhập với môi trường, nhưng lại luôn tìm cách trốn tránh trách nhiệm, vừa sinh sống cùng chế độ, nhưng cố gắng tách rời.” Sống và di chuyển tự do giữa những ranh giới quốc gia, giữa Lào và Việt Nam, nhưng người Bru tìm cách để không bị lệ thuộc chính trị với cả hai bên, hoặc trong tình thế bắt buộc thì lựa chọn thuộc về một bên dựa trên lợi ích tức thời mà thôi.
Và mặc dù sống khép nép, ẩn dật, nhưng theo Vargyas Gábor, nền văn hóa Bru không hề “tĩnh”, trái lại nó không ngừng du nhập nhiều yếu tố lạ, với sự linh động đạt đến độ có thể gọi nó là một nền “văn hóa hỗn hợp”, truy được về các nguồn gốc khác nhau.
Trong nhiều chương, Vargyas Gábor đã chỉ ra không ít điểm tương đồng giữa hai nền văn hóa Bru và Thái. Theo tâm thức người Bru cũng như các tộc người nói ngôn ngữ Thái, cơ thể người được chia thành hai phần, từ eo trở lên là phần trên, hay còn gọi là phần sạch, được coi trọng, tôn kính; còn phần dưới là phần bẩn. Nhà ở và không gian sinh sống cũng được chia thành sạch-bẩn, trên-dưới và kèm theo đó là những cấm kị về cách hành xử như khi nằm ngủ, không được quay thân dưới về phía bàn thờ. Thậm chí, cặp đối nghịch này không chỉ dừng lại ở cơ thể người và nhà cửa mà còn mở rộng đến toàn bộ không gian sinh hoạt chung: bản làng, ruộng nương…
Đối với người Bru, lúa không chỉ là một loại cây trồng hay lương thực mà là một thực thể có linh hồn, được gọi là giàng Abon. “Chu trình trồng lúa nương truyền thống của người Bru là một chuỗi công việc phức tạp, trong đó tất cả các khâu đoạn đều được khởi đầu hoặc kèm theo bởi một nghi lễ.” Thần lúa có bàn thờ riêng được đặt ở vị trí trang trọng trong nhà và đến mùa lúa thì được đặt ở nương rẫy. Người Bru cũng đặt ra điều cấm kị thể hiện niềm tôn kính dành cho thần lúa. Dân bản bị cấm làm ô uế (đi tiểu tiện, đại tiện) hay gây ồn ào ở rẫy. Đối với phương pháp gặt thì họ cấm tất cả những gì có thể làm đau giàng Abon: không được gặt lúa bằng liềm, không được đập lúa mạnh.
Cho đến nay, nhiều người Bru vẫn giữ lệ gặt lúa nương bằng tay: Họ dùng tay trần để tuốt từng bông lúa, nâng niu đặt vào gùi bên hông. Để tăng gia sản xuất, họ có trồng thêm giống lúa của người dưới xuôi nhưng không coi giống lúa này là “thật”. Lúa của người Kinh không bao giờ được xếp ngang hàng với lúa “thần” được giàng Abon “linh ứng”. Trên ruộng lúa nước chuyên canh, họ không để tâm đến những nghi lễ truyền thống, chính vì thế gạo này cũng không được sử dụng trong đời sống tín ngưỡng, chỉ dùng để ăn trong cuộc sống đời thường.
Cuộc cách mạng trong đời sống nông nghiệp mà Vargyas Gábor được chứng kiến cuối thập niên 1980, chuyển đổi từ việc trồng lúa khô và tuốt lúa bằng tay sang trồng lúa nước và gặt bằng liềm, tưởng chừng như một chuyển đổi tất yếu nhưng hóa ra có thể dẫn tới đảo lộn nhiều quan niệm tín ngưỡng kèm theo. Vargyas Gábor đã ghi chép lại giai đoạn chuyển tiếp đặc biệt này: Để chuyển sang gặt lúa bằng liềm, nhiều người Bru đã dâng lễ xin phép thần lúa và có những thỏa thuận để tránh tối đa những tổn thương cho giàng Abon.
Thần linh của người Bru cũng là một chủ đề lớn xuyên suốt trong Bất chấp định mệnh. Thông qua việc ghi chép chi tiết nghi lễ tang ma, những thuật tiên tri, bói toán hay nghi lễ hiến tế… của người Bru, tác giả đã làm rõ thế giới quan, nhân sinh quan của tộc người này và cách họ giữ một mối liên hệ với thế giới siêu nhiên.
Sau 30 năm, vào cuối năm 2018, cũng chính thời điểm cuốn sách ra mắt bạn đọc, Vargyas Gábor lại có cơ hội tìm về ngôi làng xưa mà ông đã chung sống. Kết thúc buổi hội thảo Lúa, nữ thần Lúa và Liềm: Xứ Bru những năm 1980 (Quảng Trị) diễn ra tại Hà Nội sau chuyến đi, ông ngậm ngùi chia sẻ nỗi lòng mình khi tận mắt chứng kiến nhiều vạt rừng xưa của giàng Sữ (tức thần đất – một trong hai vị thần quan trọng bậc nhất của người Bru) đã biến mất và thế vào đó là những đập thủy điện.
Tiến sĩ nhân học Đinh Hồng Hải, người tham gia hiệu đính cuốn sách, cũng đưa ra nhận định của mình: “Đáng lo ngại hơn, thách thức mang tính định mệnh này không chỉ có người Bru mà mọi tộc người khác ở Đông Nam Á, trong đó có người Việt, cũng đang phải đối mặt. Nạn phá rừng, ô nhiễm môi trường, công nghiệp hóa và ‘du lịch hóa’ đã và đang dần lấy đi phần không gian văn hóa truyền thống ít ỏi cuối cùng còn sót lại. Nếu tất cả chúng ta không chung tay gìn giữ ‘ngôi nhà xanh’ và không gian văn hóa của chính mình, thì định mệnh coi như đã an bài.”