Ai cũng biết rừng nhiệt đới làm mát bề mặt Trái đất bằng cách hấp thụ khí carbon từ không khí và làm giảm hiệu ứng nhà kính. Nhưng rừng nhiệt đới còn làm mát Trái đất theo những cách khác mà từ trước đến nay chưa được biết đến.
Những cách đó gồm tạo mây, làm ẩm không khí và giải phóng các chất hóa học làm mát - theo một nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Frontiers in Forest and Global Change vào cuối tháng 3.
Rừng đóng vai trò quan trọng trong chu trình carbon toàn cầu vì chúng hấp thụ CO2 từ khí quyển khi cây cối trong rừng phát triển. Đặc biệt, các khu rừng nhiệt đới là nơi lưu trữ khoảng 1/4 tổng lượng carbon trên đất liền, khiến chúng trở thành trung tâm của chính sách khí hậu ở các đất nước có rừng nhiệt đới.
Nghi ngờ rừng nhiệt đới còn làm mát hành tinh theo những cách khác, Deborah Lawrence, nhà khoa học môi trường tại Đại học Virginia ở Charlottesville và các đồng nghiệp phân tích các tác động lý sinh ngoài lưu trữ carbon. Kết quả cho thấy rừng nhiệt đới làm Trái đất mát thêm 1°C so với Trái đất không có rừng nhiệt đới- trong đó khả năng lưu trữ carbon đóng góp 2/3 và các hiệu ứng lý sinh đóng góp 1/3.
Rừng nhiệt đới tạo ra lớp mây che phủ phản chiếu ánh sáng mặt trời và làm mát không khí.
Cụ thể, cây cối ở vùng nhiệt đới hoạt động như một máy tạo độ ẩm khổng lồ vì chúng hút nước từ mặt đất và thải hơi nước ra từ lá, làm mát khu vực xung quanh theo cơ chế tương tự như đổ mồ hôi. Sự thoát hơi nước này tạo ra điều kiện thích hợp để hình thành các đám mây, phản xạ ánh sáng mặt trời trở lại vào bầu khí quyển và làm mát môi trường. Cây cối cũng tiết ra các hợp chất hữu cơ - ví dụ như tecpen thơm - phản ứng với các chất hóa học khác trong khí quyển và tạo ra hiệu ứng làm mát.
Các phát hiện này cho thấy nạn phá rừng sẽ có tác động tàn phá hơn nữa so với các ước tính trước đây. Một phần ba rừng nhiệt đới trên thế giới bị đốn hạ trong vài thế kỷ qua và một phần ba khác bị suy thoái do khai thác. Rừng nhiệt đới trên khắp châu Mỹ Latinh, Trung Phi và Đông Nam Á đang phải chịu áp lực ngày càng tăng từ biến đổi khí hậu và nạn phá rừng.
Cả hai tác động này, do con người gây ra, đều khiến rừng nhiệt đới bị khô kiệt, theo Christopher Boulton, nhà địa lý tại Đại học Exeter, Anh. Tháng trước, nhóm Boulton đã công bố một nghiên cứu đánh giá Amazon, khu rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới, dựa trên ảnh vệ tinh chụp liên tục trong 30 năm. Thông qua đo sinh khối của thảm thực vật trong các ảnh chụp, họ nhận thấy 3/4 diện tích rừng Amazon đang mất khả năng phục hồi sau một sự kiện thời tiết khắc nghiệt như hạn hán.
Lawrence lưu ý các mối đe dọa đối với rừng nhiệt đới không chỉ nguy hiểm đối với khí hậu toàn cầu mà còn nguy hiểm đối với các cộng đồng lân cận rừng. Bởi vì các cơ chế lý sinh làm mát có tác động cục bộ rất rõ, bảo vệ các khu vực nông nghiệp và các thành phố gần rừng khỏi các sự kiện thời tiết cực đoan như sóng nhiệt. Đối với các sự kiện này, mỗi 1/10°C đều rất giá trị, theo Lawrence, do đó, bảo vệ rừng là một vấn đề lợi ích quốc gia và mang lại lợi ích tức thì cho cộng đồng địa phương.
Nguồn: