Thành phố Leiden cổ kính của Hà Lan là nơi có hơn một trăm bức “tường thơ”.

Đó là những bức tường chép khoảng 110 tác phẩm của các thi sĩ nổi tiếng nhất trong lịch sử như Rimbaud, W. B. Yeats, Marina Tsvetaeva, Dylan Thomas, Derek Walcott, E. E. Cummings, Langston Hughes, Jan Hanlo, Đỗ Phủ, Louis Oliver, Pablo Neruda, Rainer Maria Rilke, William Shakespeare,... bên cạnh một số tác giả Hà Lan tiêu biểu như Piet Paaltjens, J. C. Bloem. Phần lớn trong số này được viết bằng tiếng Hà Lan và tiếng Anh, tuy nhiên cũng có các trước tác bằng tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, Maroc, Trung Quốc, Surinam,... Theo đánh giá của giới chuyên môn, bài thơ tiếng Buginese (kèm theo phần chú giải bằng tiếng Hà Lan và tiếng Anh) được chép trên bức tường nhìn ra bờ sông gần Viện Nghiên cứu Hoàng Gia về Đông Nam Á và Caribe là khó hiểu nhất.

Một bài thơ được chép trên tường ở Leiden. Ảnh: Bic/Wikimedia

Dự án Wall Poems (viết thơ trên tường) ra đời từ ý tưởng của Quỹ văn hóa Tegen-Beeld do hai nghệ sĩ Ben Walenkamp và Jan Willem Bruin (người Hà Lan) sáng lập, dưới sự bảo trợ của một vài doanh nghiệp địa phương. Công việc chép thơ (bằng tay) được bắt đầu từ năm 1992 và [tạm thời] kết thúc vào năm 2005 với Моим стихам (tạm dịch: những bài thơ của tôi) của nữ sĩ Nga Marina Tsvetaeva (1892 – 1941) là bài đầu tiên; và De Profundis (tạm dịch: sâu lắng) của thi sĩ Tây Ban Nha Federico García Lorca (1898 – 1936) là bài cuối cùng được chọn.

Ảnh: FaceMePLS/Flickr

Trong lịch sử gần 800 năm của thành phố, Leiden có một mối liên hệ đặc biệt với thi ca. Đây là quê hương của nhiều thi hào rất có ảnh hưởng đối với sự phát triển văn hóa và ngôn ngữ Hà Lan như Piet Paaltjens, J.C. Bloem, Maarten Biesheuvel, Jan Wolkers, Maarten ‘t Hart,... Học theo Leiden, một vài thành phố khác trên khắp “xứ sở của hoa Tulip” cũng tự dựng lên cho mình những bức “tường thơ”. Năm 2004, Đại sứ quán Hà Lan ở Bungari đã xúc tiến một dự án tương tự tại Sofia. Năm 2012, Quỹ Tegen-Beeld đã hợp tác cùng Hội Hữu nghị Rimbaud để đưa bài thơ Le Bateau ivre (tạm dịch: con thuyền say) của thi sĩ Arthur Rimbaud (1854 – 1891) xuất hiện trên tường của một tòa nhà hành chính ở Quận 6 (Paris). Cũng trong cùng năm, chính quyền thành phố Berlin đã cấp phép cho một bài thơ của Hendrik Marsman (1899 – 1940) được chép trên tường.

Công thức lực Lorentz trong lĩnh vực điện từ học của nhà vật lý Hendrik Antoon Lorentz. Ảnh: Vysotsky/Wikimedia.

Đại học Leiden nổi tiếng là ngôi trường danh giá và giàu truyền thống nhất Hà Lan, hàng năm vẫn thu hút rất đông nhân tài từ khắp nơi trên thế giới. Một số phát hiện mang tính đột phá trong lĩnh vực vật lý đã được thực hiện tại đây như Định luật Snells (khúc xạ ánh sáng) của Willebrord Snellius (1580 – 1626), Chai Leiden (tiền đề cho việc chế tạo tụ điện sau này) của Pieter van Musschenbroek (1692 – 1761),... Năm 1908, cũng tại ĐH Leiden, Heike Kamerlingh Onnes (1853 – 1926, Nobel Vật lý 19131) đã lần đầu tiên hóa lỏng thành công khí Helium sau những nghiên cứu về trạng thái của vật chất trong điều kiện nhiệt độ xuống tới độ 0 tuyệt đối (hay – 273oC) theo chu trình Hampson–Linde. Thành phố Leiden tự hào khi sản sinh ra bốn chủ nhân của giải Nobel khoa học2, bao gồm Kamerlingh Onnes, Hendrik Antoon Lorentz (1853 – 1928, Nobel Vật lý 1902), Pieter Zeeman (1865 – 1943, Nobel Vật lý 1902), và Willem Einthoven (1860 – 1927, Nobel Y sinh 1924). Ngoài ra, cả Albert Einstein3, Enrico Fermi, Paul Ehrenfest, Jacobus Henricus van ‘t Hoff, Johannes Diderik van der Waals, Tobias Asser, Albert Szent-Györgyi, Igor Tamm, Jan Tinbergen, Nikolaas Tinbergen, Tjalling Koopmans, Nicolaas Bloembergen và Niels Jerne cũng từng có thời gian sinh sống và làm việc tại Leiden.

Phương trình trường Einstein.Ảnh: Vysotsky/Wikimedia

Lấy cảm hứng từ sự thành công của dự án Wall Poems, hai nhà vật lý Sense Jan van der Molen và Ivo van Fountain (ĐH Leiden) cũng nảy ra sáng kiến trình bày các công thức toán học và vật lý lên trên tường theo cách đơn giản và bắt mắt nhất có thể. Công việc nhận được sự ủng hộ tích cực của chính quyền thành phố; và từ năm 2015 đến nay đã có 6 công thức được hoàn thành – thu hút khá đông người đến với Leiden để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của toán và khoa học qua những đường nét, con số,... Nhưng không giống với các bài thơ trên tường (là tuyển tập tác phẩm từ nhiều nơi trên thế giới), dự án chỉ tập trung vào những nhà khoa học đã từng sinh sống và làm việc tại Leiden.

Chú thích
1. Mặc dù vậy, Kamerlingh Onnes lại thắng giải Nobel Vật lý 1913 nhờ khám phá ra hiện tượng siêu dẫn.
2. Đất nước Hà Lan nhỏ bé nhưng lại có tới 22 người đoạt giải Nobel, xếp thứ 11 thế giới (trên Ý và dưới Áo).
3. Năm 1920, Albert Einstein (1879 – 1955) trở thành thành viên (mang quốc tịch nước ngoài) của Viện Hàn Lâm Khoa học và Nghệ thuật Hoàng Gia Hà Lan, đồng thời là nhà khoa học khách mời tại ĐH Leiden. Ông được trao giải Nobel Vật lý 1921 cho những khám phá liên quan tới hiệu ứng quang điện chứ không phải Thuyết tương đối – công trình khiến ông nổi tiếng nhất.
4. Tháng 9 – 12/1924, Enrico Fermi (1901 – 1954) tham gia nghiên cứu ngắn hạn tại ĐH Leiden dưới sự hướng dẫn của giáo sư Paul Ehrenfest (1880 – 1933, nhà vật lý người Áo có rất nhiều đóng góp cho lĩnh vực cơ học thống kê) bằng học bổng do Quỹ Rockefeller tài trợ. Tại đây, ông đã gặp Hendrik Lorentz và Albert Einstein, đồng thời kết bạn với Samuel Goudsmit (1902 – 1978, người đồng đề xướng ý tưởng về spin electron cùng George Eugene Uhlenbeck (1900 – 1988) năm 1925) và Jan Tinbergen (1903 – 1994, Nobel Kinh tế 1969, được xem là một trong những cha đẻ của ngành kinh tế lượng).

Theo Amusing Planet