Được thành lập từ năm 1790, đến nay Cục sáng chế và nhãn hiệu Hoa Kỳ (The United States Patent and Trademark Office) đã cấp tổng cộng hơn 10 triệu patent (bằng sáng chế) cho tất cả các loại phát minh.

Hầu hết số này đều được lưu giữ ở dạng văn bản, microfilm, hoặc số hóa để công chúng tiện tra cứu trên Internet, ngoại trừ khoảng mười ngàn patent đầu tiên đã bị thất lạc cách đây đúng 184 năm.

Patent đầu tiên do Cục sáng chế và nhãn hiệu Hoa Kỳ cấp ngày 31/07/1790, cho phương pháp cải tiến của Samuel Hopkins. Ảnh: Wikimedia.
Patent đầu tiên do Cục sáng chế và nhãn hiệu Hoa Kỳ cấp ngày 31/07/1790, cho phương pháp cải tiến của Samuel Hopkins. Ảnh: Wikimedia.

Tại thời điểm đó, văn phòng của Cục sáng chế được đặt bên trong tòa nhà khách sạn Blodget ở Washington, bên cạnh bưu điện. Đây là tòa nhà hành chính duy nhất còn sót lại sau khi thủ đô Washington DC bị đốt cháy trong cuộc Chiến tranh Hoa Kỳ – Anh Quốc 1812 (bắt nguồn từ tham vọng bành trướng của Hoa Kỳ sang lãnh thổ Canada, sau khi đã giành độc lập từ chính tay Đế quốc Anh năm 1776 và đang mở rộng về miền Viễn Tây), nhờ những nỗ lực cầu xin của Tổng giám đốc William Thornton để binh lính Anh tha cho tòa nhà.

Chuyện kể rằng, sau khi quân Anh chiếm được Washington DC và thiêu hủy tất cả các tòa nhà của chính quyền liên bang trong thành phố, Thornton đã dũng cảm đứng chắn trước khẩu thần công đang nạp sẵn đạn và sẵn sàng khai hỏa, lớn tiếng: “Các vị mang dòng máu Ăng-lê (Englishmen, chỉ tinh thần quý tộc) hay chỉ là Goth và Vandals (các dân tộc có truyền thống chinh phạt và cướp bóc tại châu Âu từ xa xưa, cụ thể là tại Đức và Tây Ban Nha)? Nơi đây là Cục sáng chế, một kho lưu trữ những thành tựu của sự sáng tạo và khéo léo của xứ sở này, thứ chắc chắn sẽ được cả thế giới văn minh quan tâm. Các vị muốn phá hủy nó ư? Nếu vậy, hãy bắn đi và để đạn xuyên qua thân xác tôi.” Cuối cùng, vì sợ bị đời sau lên án, những chiếc áo khoác đỏ (trang phục của binh lính Anh khi đó) đã quay đi.

Trong thời kỳ tái thiết sau Hiệp ước Ghent, dưới sự lãnh đạo của Thornton, Cục sáng chế đã có sự phát triển rất tốt với số bằng phát minh được cấp tăng trưởng phi mã. Và tất nhiên, không cần phải nói, chính những bộ óc sáng tạo nhất nước Mỹ đã làm nên thành công đó.

Năm 1836, do đã lưu giữ tới mười ngàn patent và bảy ngàn mô hình bằng sáng chế khác, văn phòng Cục sáng chế bắt đầu trở nên chật chội. Chính phủ quyết định cần phải có một trụ sở khác lớn hơn trong một tòa nhà mới và cho xây dựng công trình. Nhưng cũng năm đó, một trận hỏa hoạn thảm khốc đã thiêu rụi tòa nhà hiện tại, cùng tất cả bằng sáng chế và mô hình, ngoại trừ cuốn sách Volume VI of the Repertory of Arts and Manufacturers (tạm dịch: Hồ sơ tập VI về các sản phẩm chế tạo và nghệ thuật) mà một nhân viên văn phòng đã mượn về nhà từ trước khi xảy ra biến cố.

Tòa nhà khách sạn Blodget là nơi đặt trụ sở của Cục sáng chế và nhãn hiệu Hoa Kỳ đến năm 1836, trước trận hỏa hoạn tàn khốc. Ảnh: Wikimedia.
Tòa nhà khách sạn Blodget là nơi đặt trụ sở của Cục sáng chế và nhãn hiệu Hoa Kỳ đến năm 1836, trước trận hỏa hoạn tàn khốc. Ảnh: Wikimedia.

Quốc hội Hoa Kỳ đã ngay lập tức thông qua một đạo luật cho phép cấp lại những bằng sáng chế bị thiêu hủy, nhưng muốn làm được việc đó, cần một nỗ lực cực lớn để chắp nối lại các thông tin đã mất. Sau 10 năm miệt mài, đội ngũ chuyên viên đã phục hồi được khoảng hai nghìn patent, chủ yếu nhờ sự hỗ trợ của các tác giả ban đầu. Nhưng việc tra cứu và xác định ai là nhà phát minh thực sự đã gặp rất nhiều khó khăn, bởi hầu hết tất cả hồ sơ đều không còn, hoặc nếu có thì chỉ là những bản ghi chép không đầy đủ, thiếu thông số kỹ thuật hay bản vẽ. Ngoài ra, các bằng sáng chế cũng không được đánh số, mà chỉ được đặt theo tên của nhà phát minh và ngày phát hành; mặc dù điều này đã thay đổi (chuyển sang hệ thống đánh số theo thứ tự liên tiếp) từ ngày 13/07/1836, khoảng 5 tháng trước khi xảy ra trận hỏa hoạn.

Trong quá trình cấp lại những bằng sáng chế cũ, để phân biệt với các patent mới, người ta đã gán cho chúng một chuỗi số tùy ý theo sau ký tự X. Vì thế, bằng sáng chế đầu tiên – được cấp ngày 31/07/1790 cho Samuel Hopkins với một kỹ thuật cải tiến trong quy trình sản xuất kali cacbonat (Pot and Pearl ash) – đã mang tên mới là X000001. Tất cả những patent này được gọi chung là “bằng sáng chế X” (X-patents). Mặc dù đã rất nỗ lực để cấp lại bằng theo thứ tự và hoàn chỉnh, nhưng kết quả thực tế lại không thể được như kỳ vọng, thậm chí có những patent chỉ khôi phục được khoảng 1/2, 1/4 hay 7/8.

Patent số hiệu No.1 được cấp cho loại bánh xe đường sắt của John Ruggles. Ảnh: Wikimedia.
Patent số hiệu No.1 được cấp cho loại bánh xe đường sắt của John Ruggles. Ảnh: Wikimedia.

Sau sứ mệnh trên, đến tận hôm nay, các bằng sáng chế bị mất và lãng quên thỉnh thoảng vẫn xuất hiện đây đó. Khoảng tám trăm patent nữa đã được phát hiện thêm, mặc dù Cục sáng chế đã đầu hàng, chủ yếu nhờ vào nỗ lực của những nhà điều tra không chuyên. Năm 2004, mười bốn bằng sáng chế mang ý nghĩa quan trọng đã được tìm thấy trong thư viện của Đại học Dartmouth College (thuộc nhóm Ivy League), mười trong số đó thuộc về Samuel Morey – nhà phát minh nổi tiếng, người đã chế tạo thành công một động cơ đốt trong từ sớm và tiên phong trong lĩnh vực tàu thủy hơi nước. Gia đình ông đã tặng lại chúng cho thư viện. Bên cạnh đó, nhiều patent khác cũng được cho là đang nằm trong các văn khố, kho lưu trữ của những tổ chức học thuật, hoặc các bộ sưu tập cá nhân.

“Những sáng chế X đang ở đâu đó ngoài kia. Điều quan trọng là cần thêm một chút niềm tin cùng sự kiên nhẫn để tìm ra chúng,” tác giả Sabra Chartrand đã viết như vậy trên tờ New York Times.