Cuốn “Lê Thị Lựu - Ấn tượng hoàng hôn” do nhà nghiên cứu Thụy Khuê thực hiện với rất nhiều công phu sưu tầm trong hàng chục năm, tái hiện cuộc sống và sự nghiệp của nữ họa sĩ tài sắc vẹn toàn của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương trong thời gian sống ở nước ngoài.

Mở đầu cuốn sách, nhà nghiên cứu Thụy Khuê, đồng thời là cháu dâu của họa sĩ, tâm sự rất thật lòng: Viết trung thực về một người lạ đã khó, nhưng viết về một người thân thương quen thuộc mấy chục năm, còn khó hơn. Dưới hình thức phỏng vấn, tập hợp tư liệu, trích đoạn nhật ký, bình tranh, tác giả đã tái hiện cuộc sống đầy nội tâm của một phụ nữ tài giỏi, có tư tưởng tiên tiến và tâm hồn lãng mạn nhưng mạnh mẽ.

Họa sĩ Lê Thị Lựu bên giá vẽ, Paris, 1947. Nguồn: Lê Thị Lựu - Ấn tượng hoàng hôn
Họa sĩ Lê Thị Lựu bên giá vẽ, Paris, 1947. Nguồn: Lê Thị Lựu - Ấn tượng hoàng hôn

Họa sĩ Lê Thị Lựu (1911-1988) xuất thân từ một gia đình nền nếp nho phong, có cha làm công chức tòa sứ. Vượt lên tất cả những nghi kỵ và định kiến thời đó, bà tự học vẽ và ghi tên vào lớp dự bị để thi vào Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Năm 16 tuổi, bà thi đỗ vào Trường và 5 năm sau, tốt nghiệp thủ khoa khóa 3. Trong thời gian còn đi học, bà có 2 bức tranh sơn dầu tham gia triển lãm chung đầu tiên tại Trường, được thầy Victor Tardieu khen là có phong cách của Cézannes, tuy thực tế lúc đó bà chưa được xem tranh của danh họa bao giờ.

Bà còn tham gia viết báo, vẽ tranh, làm thơ, sáng lập đoàn hướng đạo sinh trẻ em Bầy Sói Con, giúp thanh thiếu niên có những tư tưởng tiến bộ, thích nghi với mọi hoàn cảnh của đời sống.

Theo quy chế thời đó, những người tốt nghiệp hàng đầu đều được bổ làm giáo sư. Vậy là từ năm 1935 đến khi xuất ngoại năm 1940, Lê Thị Lựu đã làm giáo sư ở các trường nổi tiếng của Hà Nội và Sài Gòn.

Tài năng sớm phát lộ, nhưng con đường nghề nghiệp của bà không liền mạch nên danh tiếng bà còn ít được biết đến, nhất là ở trong nước. Năm 1939, người đàn bà đẹp Lê Thị Lựu kết hôn với kỹ sư kiêm họa sĩ Ngô Thế Tân, qua sự “tác thành” của thị trưởng Hà Nội Trần Duy Hưng – lãnh tụ phong trào Hướng đạo sinh Bắc kỳ. Cuộc sống của bà thay đổi từ khi theo chồng sang Pháp và Guinea: bà phải ngừng vẽ 15 năm cho đến khi có đủ thời gian để tìm lại con đường hội họa cho riêng mình.

Bên cạnh đó, việc tiếp xúc với nền văn hóa, nghệ thuật phương Tây đã khiến bà không khỏi suy tư và có những biến đổi khá mạnh trong tâm lý, nhận thức và tư duy. Đối diện nền nghệ thuật hội họa châu Âu với những tên tuổi đương thời như Picasso, bà không khỏi choáng ngợp, cảm thấy mình quá nhỏ bé và con đường hội họa trở nên “ngần ngại”. Bà hiểu rõ, mình không thuộc thế giới trừu tượng, lập thể của phương Tây. “Mình phải thành thật với chính mình, không vì thế mà cũng không nên a dua hoặc đi ngược dòng thời đại. Phải sáng tạo theo quan niệm hội họa do chính mình đặt ra” như chồng bà thuật lại. Từ suy nghĩ đó, bà lấy lại tự tin và phong độ sáng tác.

Từ năm 1957, họa sĩ Lê Thị Lựu bắt đầu thường xuyên bày tranh ở Galerie Le Chapelin, Paris. Năm 1959, lần đầu tiên bà bày tranh tại phòng triển lãm hằng năm của Hội Liên hiệp Phụ nữ Hội họa, Điêu khắc và Khắc ấn bản (Salon de l’Union des Femmes Peintres, Sculpteurs et Graveurs) và giành giải Nhất Premier Prix, được phong là thành viên thực thụ của Hội, tức là tranh không bao giờ phải qua ban giám sát. Tuy được nhiều nhà sưu tập và gallery ở Pháp, Ý, Thụy Sỹ, Syria… có lời mời nhưng bà ít khi có đủ 40 bức tranh để làm triển lãm, vì vẽ bao nhiêu có người mua bấy nhiêu. Tại Paris, từ năm 1962, bà trở thành giáo sư hội họa ở Lycée Corot, Lycée Rodin và Lycée d’Orsay.

Lê Thị Lựu - Sơn nữ, tranh lụa, 41x33cm, khoảng 1980. Nguồn: Lê Thị Lựu - Ấn tượng hoàng hôn
Lê Thị Lựu - Sơn nữ, tranh lụa, 41x33cm, khoảng 1980. Nguồn: Lê Thị Lựu - Ấn tượng hoàng hôn

Nhà nghiên cứu Thụy Khuê - người tâm huyết và có công rất lớn trong việc đưa bộ sưu tập 26 bức tranh gia đình bà Lê Thị Lựu tặng Bảo tàng Mỹ Thuật TP Hồ Chí Minh về nước vào năm 2018 - đã đúc kết trong cuốn sách: Đề tài yêu thích của họa sĩ Lê Thị Lựu nằm trong chữ thiếu: thiếu phụ, thiếu nữ, thiếu nhi. Các nhân vật thường được đặt vào bối cảnh đồng quê, làng xóm với rất nhiều quyến luyến. Còn quá trình sáng tác của họa sĩ được chồng bà ghi chép lại như sau: “Bắt đầu chọn khổ lụa rồi sắp bút, sắp thuốc, chọn băng nhạc, vì vẽ phải có kèm thanh âm du trí tuệ. Giở mấy trang sách hội họa để hòa mình với các họa phẩm. Đề tài định trước được phác họa bằng than fusain. Sửa đi sửa lại cho đến khi cho là được mới vào màu. Phác đều các màu để xem cân đối của các mảng. Khi vào chi tiết thì vẽ mặt trước nhất, tạo xong mặt là bức tranh gần như hoàn tất. Khi vẽ, bà Lựu mải mê quên đói, quên khát, quên cả ca nhạc bên tai…”

Mặc dù sở trường là sơn dầu nhưng khi trở lại với hội họa sau nhiều năm đứt đoạn, Lê Thị Lựu hầu như chuyên về tranh lụa. Bà bồi lụa lên bìa cứng trước rồi mới căng lên khung để có thể vẽ như trên nền vải bố, ngược với kỹ thuật Trung Hoa - căng lụa lên khung vẽ trước rồi mang bồi sau, và nhờ đó bà có thể vẽ theo lối đắp dày. Ban đầu bà vẽ theo lối cổ rồi chuyển hướng dần, chọn cách giao hòa giữa kỹ thuật tranh lụa với tranh màu nước: dessin không những thanh thoát hơn mà còn chính xác hơn, màu không tô phẳng lì và độc sắc nữa mà có sự điều hòa đậm nhạt. Nhà nghiên cứu Thụy Khuê nhận định rằng, với cách vẽ đó, Lê Thị Lựu đã bước sang kỹ thuật Ấn tượng và vì vậy bà gọi tranh của họa sĩ là Ấn tượng hoàng hôn. Cũng theo tác giả, từ năm 1960, họa sĩ đã bộc lộ trọn vẹn cá tính lụa của mình, bà vẽ nhiều và có những bức tranh đẹp nhất.

Cuốn sách còn cho biết, ngày 1/4/2018, tại phiên đấu giá Nghệ thuật Đông Nam Á hiện đại và đương đại của nhà Sotheby’s Hồng Kông, bức Trẻ em nghịch hoa của bà được bán với giá 207.821 USD. Tại phiên này, những người bạn đồng nghiệp rất thân của bà ở Pháp cũng có tác phẩm đấu giá: Bức Le rêve - Mơ mộng của Vũ Cao Đàm được bán với giá 127.890 USD, bức Mère et fille - Mẹ và con gái của Mai Trung Thứ được bán với giá 47.959 USD.

Các tác phẩm của Lê Thị Lựu, gồm những bức tặng cho Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh và nhiều bức khác, được in lại tương đối đầy đủ trong cuốn sách, giúp chúng ta thưởng thức hầu như trọn vẹn gia tài hội họa của nữ nghệ sĩ tài năng trong thời gian sống ở Pháp và châu Phi.