Cuốn sách của nhà toán học nổi tiếng người Nga Nikita Moiseev nhằm trả lời câu hỏi “Chúng ta đang sống trong một thế giới như thế nào?” và phải chăng nhân loại đang đứng ở ngưỡng một cuộc khủng hoảng sinh thái có quy mô toàn cầu với những hậu quả thảm khốc cho giống loài chúng ta.

Nikita Moiseev (1917-2000) vốn là nhà toán học nhưng sau này, ông trở thành học giả trong lĩnh vực nghiên cứu Hệ sinh thái toàn cầu. Ông coi việc một nhà toán học như ông lại thể hiện sự quan tâm và trình bày quan điểm về một hay nhiều vấn đề không liên quan đến chuyên ngành là một hành trình mở mang đối tượng nghiên cứu, vì ông thấy rằng khoa học tự nhiên có thể trở thành chìa khóa để giải quyết nhiều vấn đề thiết tưởng thuộc lĩnh vực nghiên cứu nhân văn. Ông là tác giả của hai cuốn sách quan trọng - Thuyết Tiến hóa phổ quát và Tồn tại hay không tồn tại… nhân loại? - trong đó, cuốn sách thứ hai đã được dịch giả Phạm Vĩnh Cư chuyển ngữ và NXB Tri Thức ấn hành cuối năm 2019.

.
Cuốn sách "Tồn tại hay không tồn tại… nhân loại?".

Tồn tại hay không tồn tại... nhân loại? là bản trình bày tóm tắt những suy nghĩ của Moiseev vốn đã được công bố trong nhiều cuốn sách xuất bản ở Nga những năm 1990, nhằm trả lời câu hỏi lớn: “Chúng ta đang sống trong một thế giới như thế nào?” Ông cho rằng thế kỷ XX là thế kỉ cảnh báo loài người, còn thế kỉ XXI là thế kỷ lựa chọn giữa ngã ba đường: chúng ta cần nhận thức lại và đưa ra những lựa chọn cốt tử sẽ quyết định số mệnh giống loài. Thế kỉ XIX cùng với những thành quả về KH&CN đã khiến chúng ta ngã vào một ảo tưởng ngọt ngào, tự đắc về vị trí độc tôn của mình, định hình quan niệm môi trường xung quanh như là một suối nguồn bất tận, có thể cung ứng những nhu cầu ngày càng phình to của con người. Đó cũng là nguồn gốc của một loạt vấn đề về sinh thái, môi trường ngày nay như: hiệu ứng nhà kính, diện tích rừng nhiệt đới suy giảm, ô nhiễm môi trường, ô nhiễm đại dương, suy thoái quỹ gen, dân số quá tải, nguồn nhiên liệu cạn kiệt, đất đai bạc màu...

Câu hỏi đặt ra, đâu là giải pháp? Dĩ nhiên, Moiseev không đưa ra một đơn thuốc toàn hảo để chữa trị mọi căn bệnh của văn minh, thay vì đó, ông khuyến khích chúng ta tích hợp một nhận thức mới: con người phải nhận biết mình là một mảnh ghép trong thiên nhiên, mỗi người phải lĩnh nhận về mình phần trách nhiệm đối với vận mệnh của nhân loại, phải học phép ứng xử mới với tự nhiên và ngưng ảo tưởng thống trị. Đồng thời, Moiseev chỉ ra rằng thuật ngữ “sustainable development” đã bị thông diễn sai thành đơn thuốc vạn năng khắc phục được những khó khăn của môi sinh. Ông cho rằng những gì chúng ta cần chú tâm nhất không phải là “phát triển bền vững” mà là “sự phát triển được phép” hay sự phát triển phù hợp với trạng thái của tự nhiên để đảm bảo sự đồng tiến hóa của con người và môi trường trước khi thảm họa sinh thái đến.

Dù cho rằng nhân loại đang tiến gần tới những thảm họa môi sinh, nhưng tác giả nhấn mạnh chúng ta vẫn còn khả năng tránh khỏi thảm họa toàn cầu nếu thực hiện một lựa chọn có ý thức những đường đi nước bước của mình. “Tôi đinh ninh rằng trong những thập kỷ tới, việc ý thức những vấn đề của mệnh lệnh đạo đức sẽ trở thành một trong những định tính quan trọng của văn minh, trở thành phương hướng cơ bản của khoa học xã hội. Xác xuất cao hơn cả, thế kỉ XXI sẽ là thế kỉ của tri thức nhân văn, tương tự như thế kỉ XIX từng là thế kỉ của động cơ hơi nước và khoa học kĩ nghệ,” ông viết.

Moiseev đã thử vẽ phác ra hình thù của một xã hội được tổ chức hợp lí: thứ nhất, năng lực của nó đảm bảo sự hiện thực hóa mọi tiềm lực của những con người cá thể; thứ hai, nó phải đảm bảo một mức an sinh xã hội cao cho cá nhân con người; thứ ba, phải có năng lực thực thi những điều kiện của mệnh lệnh sinh thái học. Điều cuối cùng có nghĩa là sự phát triển các lực lượng sản xuất không được phép vượt qua một đường cấm nhất định.

Theo những gì Moiseev quan sát, sự tăng trưởng của các siêu đô thị là một hiện tượng mang tính tự nhiên và chúng ta phải chấp nhận rằng phần lớn dân số thế giới sẽ sống trong các siêu đô thị, “nơi đời sống tinh thần của con người bị bóp méo, âm nhạc biến thành loạn âm, những ca khúc biến thành những khúc ca nhảm nhí, hội họa thì tìm kiếm những chủ đề dị quái và vô nghĩa…” Sống trong môi trường ngột ngạt ấy, chịu sự chi phối “ma quỷ” của vô tuyến truyền hình và các phương tiện thông tin đại chúng, khát vọng hướng thiện và hướng mỹ ngày càng bị đẩy ra ngoài lề. Moiseev cảnh báo: “cuộc sống trong các siêu đô thị làm tha hóa một cách không thể đảo ngược con người, làm dị biến thể trạng tâm thần của con người, cùng toàn bộ thế giới tinh thần của nó.” Dĩ nhiên, ông cũng đưa ra những giải pháp để cuộc sống nơi đô thị bớt căng thẳng, o bế, bất an, đó là tổ chức cấu trúc của đô thị và đời sống đô thị sao cho hòa hợp với đời sống môi trường bao quanh và giữ gìn nước, không khí trong sạch - dù những điều này không mang lại lợi ích kinh tế.