Tại thành Augsburg, xứ Bavaria (nước Đức), có một khu nhà ở xã hội cho người nghèo với tiền thuê không thể rẻ hơn (dưới 1 Euro) và chưa một lần tăng giá dù trải qua biết bao thăng trầm cùng lịch sử.
Vào khoảng thế kỷ XV – XVI, gia tộc Fugger ở Đức đã vươn lên trở thành một trong những chủ ngân hàng và nhà đầu tư giàu có, quyền lực bậc nhất châu Âu. Đế chế kinh doanh khổng lồ của Fugger gồm có nhiều ngân hàng, nhà máy, nhà kho, khu mỏ,... Có thời điểm, họ còn gần như độc quyền thị trường đồng, nắm giữ sức ảnh hưởng chính trị rất lớn và chi phối cả châu lục. Người tạo nên danh vọng của gia tộc Fugger chính là Jakob Fugger (1459 – 1525) với đầu óc kinh doanh cực kỳ nhạy bén. Ông đã tích lũy được khối tài sản lớn tới mức thường được gọi là “Jakob the Rich” (Jakob kẻ giàu có). Một số nghiên cứu cho rằng ông mới chính là người giàu nhất mọi thời đại với tài sản ròng ước đạt 400 tỷ USD (theo thời giá hiện nay), vượt qua cả những ông trùm công nghiệp của thế kỷ XX như vua dầu mỏ John Rockefeller (1839 – 1937) hay vua thép Andrew Carnegie (1835 – 1919).
Năm 1514, Jakob Fugger đầu tư một phần tài sản của mình để xây dựng một khu nhà tế bần (armshouse) ở Augsburg và đặt theo tên của ông – Fuggerei. Với thiết kế bao gồm nhiều đơn nguyên nhà riêng biệt, nó chính là khu phức hợp nhà ở xã hội (social housing complex) đầu tiên trên thế giới – dành cho những công dân Công giáo La Mã (Catholic) chăm chỉ, trung thực nhưng sống trong cảnh khó khăn, nghèo khó mà không phải do lỗi của họ. Các đối tượng gia đình như vậy có thể được ở tại Fuggerei với giá thuê tượng trưng hằng năm chỉ 1 Rheinischer Gulden (đơn vị tiền tệ của vùng Rhineland tức Tây Đức trong thế kỷ XIV – XV, tương đương với 88 xu euro ngày nay). Fugger khẳng định mức giá trên sẽ không bao giờ thay đổi, ngay cả sau hàng trăm năm. Là một người sùng đạo, điều mà Fugger thực sự mong muốn để đổi lấy sự hào phóng này là người dân hãy chuyên cần cầu nguyện ba lần mỗi ngày, và nếu có thể thì hãy chúc phúc cho ông và gia đình mình. Năm trăm năm trôi qua, các điều kiện để được sống ở đây vẫn y như ngày đầu: người dân phải theo đạo Công giáo, định cư tại Augsburg được ít nhất hai năm, nghèo song không nợ nần,... Việc đọc kinh cầu nguyện vinh danh Chúa và chúc phúc cho những người sáng lập hiện vẫn là một phần nội quy bắt buộc của khu nhà.
Fuggerei được hoàn thiện trong khoảng thời gian 1514 - 1523 và mở rộng nhiều lần trong những thế kỷ sau đó, lần cuối là vào năm 1973. Trước đó, nó cũng trải qua một đợt xây dựng lại gần như hoàn toàn do hư hại vì bị Không lực Đồng Minh ném bom trong Thế chiến II. Khu nhà có tường bao với nhiều cổng ra vào (đóng từ 10 giờ tối đến 5 giờ sáng và không mở cho người ngoài trong thời gian này), các dãy nhà quay hướng ra mặt đường và được căn chỉnh nắn nót. Mỗi ngôi nhà được thiết kế bao gồm hai căn hộ rộng từ 500 đến 700 foot vuông (46,5 – 65m2) với bếp, phòng khách, phòng ngủ, phòng tắm riêng, một phòng nhỏ dự phòng, gác mái và không có hầm.
Ngoài ra, mỗi ngôi nhà còn có một khu vườn nhỏ ở phía sau. Điểm độc đáo của các căn hộ là chiếc chuông cửa mang hình dạng riêng, không căn nào giống căn nào, giúp chủ nhân dễ nhận ra hơn trong bóng tối. Đó là thời điểm trước khi có đèn đường và đèn dầu thì quá tối.
Trong số những cư dân nổi tiếng được khắc tên trên bia đá tại Fuggerei có ông cố của thiên tài soạn nhạc Wolfgang Amadeus Mozart (1756 - 1791): người thợ nề Franz Mozart, sống ở đây trong khoảng thời gian 1681 - 1694. Hiện nay, Fuggerei vẫn đang là nơi cư ngụ của gần 150 người. Ngay cả tiền vé tham quan cho du khách cũng đắt gấp 4 lần tiền thuê nhà hằng năm (88 xu). Tuy nhiên, người dân vẫn phải trả thêm một số khoản phí khác như trùng tu nhà thờ (88 xu), bảo trì và sưởi ấm (85 Euro). Khu nhà được con cháu của gia tộc Fugger quản lý thông qua một quỹ tài trợ.
Fuggerei là một ví dụ điển hình nữa cho thấy điểm tích cực trong tinh thần của chủ nghĩa tư bản kiểu phương Tây, với nền tảng đạo đức Công giáo hoặc Tin lành. Một số cá nhân kiệt xuất như Jakob Fugger, vua dầu mỏ John Rockefeller hay vua thép Andrew Carnegie, … đều là những người rất vị kỷ (individualism) khi theo đuổi sự giàu có cả đời và tích lũy được khối tài sản khồng lồ, song họ cũng lại cực kỳ giàu lòng nhân ái và vị tha khi đem cho hết (xây trường học, bệnh viện, thư viện, viện nghiên cứu, nhà ở xã hội cho người nghèo, cấp học bổng cho sinh viên, …). Trong cuốn “The Gospel of Wealth” (Phúc âm giàu có), Carnegie luôn tâm niệm “Thượng Đế không có ngân hàng, vải liệm không có túi, ai sinh ra cũng đều tay trắng, cuối cùng lại trắng tay ra đi, người đến rồi đi, chẳng ai có thể mang theo tài sản và danh tiếng mà mình cực khổ gây dựng cả”. |
Hải Đăng (Theo Amusing Planet)