Khi người phụ nữ đẹp lựa chọn con đường đau thương
Nữ tướng Nguyễn Thị Định sinh ngày 15/3/1920, là con út trong 10 anh em tại một gia đình nông dân ở xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Lớn lên, cô út Định trở thành một thiếu nữ xinh đẹp, được gia đình nhắm gả cho một nơi giàu có. Nhưng được giác ngộ cách mạng từ năm 16 tuổi, bà quyết chọn ông Bích - một trong số các đồng chí cùng hoạt động với anh mình.
Họ sống bên nhau những ngày hạnh phúc ngắn ngủi trước khi ông Bích đi hoạt động. Sau đó những tháng ngày going tố ập đến. Khi sinh con được 3 ngày, Út Định nhận tin chồng Mình bị kết án 5 năm tù và 5 năm đày biệt xứ. Đến ngày 19/7/1940, bà và đứa con trai 7 tháng tuổi bị mật thám vây bắt. Chúng đưa hai mẹ con bà về Khám Lá Bến Tre và buộc cô gửi con về nhà trước khi đi đày đến Bà Rá. Tại đây, bà nhận tin ông Bích đã hy sinh ngoài Côn Đảo.
Chân dung Nữ tướng Nguyễn Thị Định. Ảnh: TTXVN.
Đau đớn tột cùng, bà vẫn nhớ lời chồng dặn “dấn thân vào con đường cách mạng là phải chịu tù đày, cái chết”, nhớ các đồng chí bị tù tội, hy sinh. Điều đó làm bà có nghị lực để đứng vững cho đến khi ra tù
Năm 1944, Nguyễn Thị Định bắt liên lạc với phong trào Việt Minh và lại lao vào hoạt động cách mạng. Trong cách mạng tháng Tám, người góa phụ 25 tuổi đã cầm cờ dẫn đầu hàng ngàn quần chúng chiếm thị xã Bến Tre.
Vị tướng huyền thoại của đội quân tóc dài
Sau cách mạng, Nguyễn Thị Định được bầu vào Tỉnh Ủy Bến Tre. Từ đó, bà cùng các cán bộ lãnh đạo ở địa phương tổ chức cuộc kháng chiến của nhân dân Bến Tre. Sau khi Hiệp định Genève được ký kết Năm 1954, bà quyết định ở lại miền Nam chiến đấu.
Đầu năm 1960, bà một trong những người lãnh đạo Đồng khởi Bến Tre và là người chỉ đạo trực tiếp cuộc Đồng khởi đợt I (17/1/1960) với nòng cốt là các chị em phụ nữ. Cuộc đồng khởi thắng lợi, mở đầu cho phong trào Đồng khởi trong tỉnh và toàn miền Nam sau này.
Tên tuổi Nguyễn Thị Định, mà đồng đội và nhân dân thượng gọi là chị Ba Định, gắn liền với cuộc đồng khởi như sóng triều vang dậy, lan khắp miền Nam. Sau này, Bác Hồ gọi đội quân của Nguyễn Thị Định là “đội quân tóc dài”.
Trong những năm sau đó, chị Ba Định được giao những trọng trách mới. Và bà đã khẳng định tài năng của mình trong vai trò nữ tướng. Bà đã chỉ huy các đơn vị văn công, tuyên huấn, du kích các cơ quan, đoàn thể tham gia đánh địch, đẩy trận càn Giônxơn City - trận càn lớn nhất của Mỹ ngụy vào tháng 2/1967.
|
Tướng Nguyễn Thị Định thăm một đơn vị nữ du kích giải phóng. Hình ảnh chụp lại từ triển lãm “Hai chị em - Hai trận tuyến”, khai mạc ngày 6/3/2015 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.
|
“Cả thế giới chỉ nước ta có vị tướng quân gái như vậy”
Năm 1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói về Nguyễn Thị Định: “Cả thế giới chỉ nước ta có vị tướng quân gái như vậy. Thật là vẻ vang cho miền Nam, cho cả dân tộc ta”.
Đây dường như là một lời tiên tri, khi đến năm 1974, chị Ba Định chính thức được phong quân hàm Thiếu tướng. Và đến mùa xuân 1975, trong 5 cánh quân rầm rập tiến về giải phóng Sài Gòn, có nữ tướng Nguyễn Thị Định trong vai trò Phó Tổng tư lệnh quân giải phóng.
Vai trò lịch sử đặc biệt của Nguyễn Thị Định một lần nữa được Giáo sư sử học Christine Whate (trường đại học Tổng hợp Hawaii, Mỹ) nhấn mạnh trong bức thư gửi vị nữ tướng Việt Nam.
Trong thư có đoạn viết: “Tôi cảm thấy rất vinh hạnh khi viết thư này gửi thăm bà - một người phụ nữ nổi tiếng và có một vai trò quan trọng trong lịch sử thế giới, một tấm gương của người phụ nữ chân chính. Tôi rất sung sướng khi sử dụng cuốn hồi ký của bà để dạy cho sinh viên nước mình về truyền thống cách mạng Việt Nam”.
Một người chị, người mẹ gần gũi, giản dị
Những người từng biết đến thiếu tướng Nguyễn Thị Định đều khẳng định bà là một người hết mức giản dị, gẫn gũi và tận tâm với mọi người như một người chị.
Ở chiến khu, bà thường bận bộ bà ba đen, khăn rằn quấn cổ, đội nón lá, đi dép dâu (dép cao su) như mọi nữ du kích khác. Đồng cam cộng khổ với chiến sĩ, vai bà luôn đeo túi để sẵn sàng lấy ra viên thuốc, miếng đường khi giữa chuyến công tác gặp chiến sĩ nào đó lên cơn sốt.
Như một người chị, người mẹ hiền, bà tận tụy chăm sóc từ cơm ăn, áo mặc cho các chiến sĩ nhất là nam giới. Giữa bộn bề công việc nhưng bà vẫn hiểu thấu đáo những nét đời sống tưởng như bé nhỏ, giản đơn nhất của các chiến sĩ. Không ít lần bà tạo điều kiện cho những cán bộ, chiến sĩ do mải mê chiến đấu chưa lập được gia đình có cơ hội tìm hiểu bạn đời và làm lễ cưới.
Sau này, khi đã trở thành một tướng lĩnh, rồi cán bộ cao cấp của Nhà nước, lối sống chan hòa với mọi người của chị Ba Định vẫn không hề thay đổi.
Khu lưu niệm nữ tướng Nguyễn Thị Định ở Bến Tre.
Sống mãi trong lòng nhân dân và bạn bè năm châu
Vào 22h50 ngày 26/8/1992, vị nữ tướng huyền thoại Nguyễn Thị Định đã vĩnh viễn ra đi.
Nhân dân xã Hát Môn (Phúc Thọ, Hà Nội) đã lập bàn thờ nữ tướng Nguyễn Thị Định trong đền thờ Hai Bà Trưng như một vị nhân thần mới, để những người anh hùng lại gặp anh hùng. Tên Nguyễn Thị Định cũng được đặt cho một làng ở Cu Ba và nhiều đường phố, trường học ở Việt Nam. Trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, nhiều phụ nữ trên thế giới cũng hâm mộ mà đặt tên bà cho con của mình.
Nhà văn Nguyên Ngọc nhận định: “Có lẽ bà là người Việt Nam có nhiều bạn bè nhất trên thế giới, từ những người dân thường cho đến các nguyên thủ quốc gia nổi tiếng và thuộc nhiều chế độ chính trị khác nhau... Bà đem bạn bè về cho dân tộc. Và đấy là một trong những nhân tố quan trọng nhất quyết định thắng lợi kỳ lạ của Việt Nam trong thế kỷ qua”.