Lý Công Uẩn là vị hoàng đế để lại nhiều tranh cãi nhất trong lịch sử về nguồn gốc. Gần đây đã có những nghiên cứu mới về nguồn gốc của vị vua này.
Lý Công Uẩn là vị hoàng đế để lại nhiều tranh cãi nhất trong lịch sử về nguồn gốc. Sự kiện Lý Công Uẩn không có cha cụ thể, mà là con của “thần nhân” là kết quả vận động chính trị của giới trí thức tam giáo, đứng đầu là nhà sư Vạn Hạnh. Gần đây đã có những nghiên cứu mới về nguồn gốc của vị Thái Tổ nhà Lý này.
Con của “thần nhân”
Cuộc hôn nhân có ý đồ tại chùa Thiên Tâm, núi Tiêu Sơn giữa bà Phạm Thị Ngà với “vị thần nhân” - một người họ Lý đang ẩn tích đã được tiến hành do thiền sư Vạn Hạnh làm chủ hôn.
Nhà nghiên cứu lịch sử Trần Viết Điền sau rất nhiều tìm hiểu lẫn đối chứng qua các tư liệu chính sử và dã sử đã đi đến kết luận về cuộc hôn nhân giữa bà Phạm Thị Ngà và “thần nhân” mà kết quả là sự ra đời của Lý Công Uẩn, điều đó đã thỏa được những khao khát của một dân tộc đang đón chờ Thiên tử.
Theo ông Điền, thiền sư Vạn Hạnh tạo điều kiện cho bà Phạm Thị Ngà vào rừng gặp “thần nhân”, một cuộc hôn nhân bí mật, trong đó cha của Lý Công Uẩn có thể là một người đầy uy vọng của họ Lý vùng Cổ Pháp - Siêu Loại, tức Diên Uẩn - Thổ Lỗi, đang trong thời kỳ phải mai danh ẩn tích.
|
Nhiều người cho rằng, Lý Công Uẩn ra đời là sự “hoài thai” của nhân dân.
|
Sự kiện bà mẹ Lý Công Uẩn phải vào rừng sinh sống, rồi khi đứa bé lên 3, bà phải gửi con cho nhà sư Lý Khánh Văn nuôi dạy và cuối cùng giao cho sư Vạn Hạnh đào tạo chú bé thành hoàng đế, có thể là cơ sở của giả thuyết vừa nêu.
Cũng theo ông Điền, giả thuyết nói Lý Công Uẩn là con ruột của sư Vạn Hạnh thì quá ư táo bạo và bị các nhà sử học bác bỏ. Một vùng đất có nhiều phật tử như Cổ Pháp - Siêu Loại thì không thể mù quáng đảnh lễ một vị quốc sư đứng vào hàng tam bảo lại làm việc phạm giới luật.
Cuộc vận động chính trị
Cuộc chuyển giao quyền lực từ họ Lê đã mất lòng dân, sang họ Lý phản ánh một xu thế mới là thay chế độ quân trị sang nhân trị. Thực ra, việc Lý Vạn Hạnh lãnh đạo lớp trí thức tam giáo mà nòng cốt là trí thức Phật giáo cùng nhau giáo dưỡng và làm cuộc vận động để đưa Lý Công Uẩn lên ngôi vua
Đó là sự kế thừa “tâm nguyện” trăm năm kể từ thời thuộc Đường. Ấy là “củng cố và phát triển miền Cổ Pháp, đưa những người con cháu của vọng tộc Lý lên ngôi vua, vừa tạo độc lập dân tộc Việt mà cũng chấn hưng đạo pháp” của thiền sư Định Không (730 - 808).
Nhà nước Văn Lang sụp đổ, dân tộc Việt phải chịu ách đô hộ của phong kiến phương Bắc. Dẫu vài lần quật khởi, tưởng chừng nối được quốc thống, nhưng thời gian độc lập quá ngắn, phải lo chống giữ, không đủ vật lực tài lực để vun bồi văn hoá giáo dục, nên nước ta chậm phát triển vào thời Bắc thuộc.
Vì lẽ đó mà triều Ngô, chưa có sự nghiệp đáng kể thì đất nước vấp phải loạn thập nhị sứ quân. Triều Đinh cũng chưa tạo được một cộng đồng thuần hậu thì gặp nạn tôi giết vua; để lại di chứng ấy cho Tiền Lê với Lê Long Đĩnh giết anh giành ngôi, làm việc lỗi đạo.
Các triều vua Đinh Lê bó hẹp trong vùng núi Ninh Bình, rất lợi thế về quân sự nhưng không đủ sức tạo nên một kinh đô Hoa Lư phát triển toàn diện. Trong khi đó, thời bấy giờ đã có một Phong Khê với bề dày văn hoá Văn Lang, một trung tâm Phật giáo Luy Lâu - Thuận Thành.
Đại bộ phận nhân dân có nhu cầu bức thiết về văn hoá, có khát vọng về một minh quân, biết đáp ứng lòng dân. Và Lý Công Uẩn đã xuất hiện kịp thời để đáp ứng nhu cầu bức thiết ấy.
Theo đánh giá của các nhà sử học, Lý Công Uẩn không phải là con thần cháu thánh như truyền thuyết, cũng chẳng phải là con của ngọc hoàng thượng đế mà là một vị vua được nhân dân “hoài thai” suốt một thời đau đáu; được giáo dưỡng đầy tâm huyết của lớp trí thức tam giáo tiến bộ thế kỷ X.
Giới trí thức tiến bộ lúc bấy giờ, đứng đầu là thiền sư Vạn Hạnh, phải chọn lựa một con đường cho dân tộc. Trong tam giáo thì phải thừa nhận Phật giáo là mạnh nhất về cả tinh thần lẫn vật chất. Nho giáo chưa có lực lượng quần chúng rộng lớn; hơn nữa việc học theo Khổng Mạnh lúc bấy giờ ít nhiều đồng lõa với phương Bắc.
|
Chùa Dận, nơi các thiền sư nổi tiếngnhư Định Không, Vạn Hạnh tu hành.
|
Thỏa khát vọng
Lý Thái Tổ cùng cố vấn Vạn Hạnh đã có những quyết sách đúng đắn, biết dụng thời, tuỳ thế đưa Đại Việt phát triển bền vững, tạo dựng nền móng cho một thời Lý – Trần độc lập tự chủ, ngẩng cao đầu với lân bang, kéo dài khoảng 400 năm.
Khi lên ngôi, Lý Thái Tổ cho dựng rất nhiều chùa và độ diệp cho hàng vạn vị sư. Thực ra lúc bấy giờ, chùa là trường học, các sư là thầy giáo của một đường hướng giáo dục. Các phật tử đến chùa trước lễ Phật, sau nghe thuyết pháp để trí tuệ được mở mang mà lòng thiện cũng được xiển dương.
Vùng Ninh Bình, cái nôi của kinh đô Hoa Lư chỉ thích hợp cho việc thủ hiểm về mặt quân sự, nhưng không thể là đầu mối giao thông, không thể là nơi đắc dụng của thương nghiệp, không là nơi tụ hội những trí thức giỏi, nghĩa là không đủ tiền đề cho sự mở mang đất nước.
“Vì thế cho nên, giới lãnh đạo họ Lý phải dời đô ra thành Đại La. Thành này đâu chỉ là cát địa theo thuyết phong thuỷ, mà còn là trung tâm của một vùng văn hoá. Dẫu thành Đại La một thời là đô hộ phủ của những quan thứ sử nhưng nó còn là nơi hội tụ anh tài hoạt động trên mọi lĩnh vực”, ông Điền cho hay.
Khi Lý Thái Tổ quyết định rời bỏ Hoa Lư để ra Đại La là một sự bùng vỡ ý thức đã nung nấu từ lâu. Kinh đô Thăng Long của Đại Việt tự chủ ra đời, hợp lòng người, hợp địa lợi và đạt lẽ nhân hoà. Những quyết định của vị vua sáng lập triều Lý đã thỏa niềm niềm khát vọng dân tộc Việt từ mấy trăm năm trước.
Lý Công Uẩn đã xuất hiện đầy huyền thoại như vậy nhưng cũng vì những huyền thoại ấy mà sự thật về gốc gác của ông cho đến cả ngàn năm sau vẫn là một dấu hỏi chưa có lời giải đáp thỏa mãn.
“Nếu Lý Công Uẩn không phải là con đẻ thì cũng chính là đứa con tinh thần của thiền sư Vạn Hạnh. Vạn Hạnh không chỉ là người đạo dẫn đời sống tâm linh mà còn là một người chỉ đạo hành động của vua quan và dân chúng đương thời. Ông có kiến thức rộng và hành động trong tinh thần tự do phá chấp của đạo Phật” - cố GS Trần Quốc Vượng (trích trong “Nhà Lý và văn minh Đại Việt”).
“Đúng là có thuyết nói Lý Công Uẩn là con thiền sư Vạn Hạnh nên không được ở trong chùa mà giao cho Lý Khánh Văn giúp đỡ. Sách “Thiên Nam ngữ lục” nói rất rõ về điều này, nhưng chúng ta chỉ coi đó là một giả thuyết” - TS Lê Viết Nga (Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh). |