Tư tưởng quân sự linh hoạt và nghệ thuật tác chiến cao siêu của Thành Cát Tư Hãn Thiết Mộc Chân được thể hiện trong 10 chiến dịch kinh điển trên con đường hợp nhất các bộ lạc ở Trung Á, dựng nên đế quốc Mông Cổ rộng lớn, hùng mạnh.

Thành Cát Tư Hãn và 10 chiến dịch chinh phạt đỉnh cao - anh 1

Chân dung Thành Cát Tư Hãn Thiết Mộc Chân - người sáng lập đế quốc Mông Cổ.

1. Trận Dã Hồ Lãnh - Tập trung ưu thế binh lực, đột phá vào một điểm


Thành Cát Tư Hãn Thiết Mộc Chân (1162-1227) - người sáng lập ra đế quốc Mông Cổ, nhà lãnh đạo lỗi lạc quan trọng bậc nhất của lịch sử thế giới.

Năm 1211, Thành Cát Tư Hãn đưa quân tấn công vùng Dã Hồ Lãnh (nước Kim).

Hoàn Nhan Thừa Dụ - chủ soái quân sự của nhà Kim rải binh lực khắp nơi ở Dã Hồ, còn ông ta ngồi trấn ở giữa vì cậy mình có lợi thế phòng ngự quân sự là địa thế núi non hiểm trở và có Trường Thành che chắn bảo vệ, nhưng việc rải quân khiến binh lực bị phân tán.

Mộc Hoa Lê - một trong tứ kiệt dưới trướng Thành Cát Tư Hãn dẫn đội quân cảm tử xung phong đi đầu.

Thành Cát Tư Hãn dùng chiến thuật tập trung đột phá, dồn toàn bộ lực lượng đánh thẳng vào đại bản doanh của Hoàn Nhan. Trước thế tấn công mạnh như vũ bão, Hoàn Nhan biết mình bố trận thất sách, nhưng đã không kịp liên lạc điều động quân.

Thành Cát Tư Hãn và 10 chiến dịch chinh phạt đỉnh cao - anh 2

Thành Cát Tư Hãn - nhà lãnh đạo lỗi lạc quan trọng bậc nhất của lịch sử thế giới.

2. Trận chiến thành Ngột Lạt Hải - Tâm lý chiến, giành thắng lợi lớn nhất bằng cái giá nhỏ nhất


Ông điều động 20 quan thiên hộ và đội cận vệ đặc biệt của mình huấn luyện quân đội tấn công thành Ngột Lạt Hải, đồng thời phái các tổ trinh sát nhỏ tách khỏi quân chủ lực vài chục dặm đi thu thập tin tức tình báo.

Sau một tháng, đội quân của ông như thần binh thiên tướng, áp sát thành Ngột Lạt Hải (nước Tây Hạ). Nhưng trước đó, ông đã thả một người chăn dê người Tây Hạ chạy được vào thành tung tin: Sau khi công phá được thành, quân của Thành Cát Tư Hãn sẽ giết chết tất cả những người ngoan cố bảo vệ thành trì không chịu đầu hàng.

Người ta cho rằng ông đã giữ được nhiều sinh mạng nhờ áp dụng chiến thuật "đánh vào lòng người" và sự hăm dọa đối với kẻ thù.

3. Trận đánh đầu tiên với Ma Kha Mạt - Chớp nhoáng, đột ngột

Vua Ma Kha Mạt (Ba Tư) đích thân chỉ huy trung quân là cánh quân chủ lực, con trai ông ta Trát Lan Đinh chỉ huy cánh hữu khá mạnh không thể xem thường. Danh tướng Tốc Bất Đài của Thành Cát Tư Hãn nhận thấy chỉ có quân cánh tả lực lượng yếu nhất, có thể tấn công được.

Kèn hiệu lệnh vừa vang lên, Tốc Bất Đài dẫn quân đánh thẳng vào trung quân, thu hút sự chú ý của Ma Kha Mạt, Thành Cát Tư Hãn thống lĩnh quân chủ lực phát huy khả năng tốc chiến của kỵ binh Mông Cổ, tấn công bất ngờ vào cánh tả khiến chúng lập tức tan rã, Ma Kha Mạt vội chia quân đi cứu cánh tả, trúng ý Tốc Bất Đài. Sau khi quân chủ lực đánh vào cánh tả, lại vòng về sau lưng, tấn công thọc mạnh vào trung quân của Ma Kha Mạt. Khiến đội quân này rối loạn, nhà vua phải bỏ chạy về chỗ con trai.

4. Công chiếm Cư Dung Quan – Nhử địch

Triết Biệt – một vị đại tướng của Thành Cát Tư Hãn dẫn quân tìm cách dụ địch ra khỏi quan ải. Hoàn Nhan Phúc Hưng (tướng nhà Kim) ngạo mạn, xốc nổi, không đầu óc.

Thấy quân Triết Biệt ném binh khí, bỏ ngựa, “tháo chạy” về phía đông, thì “sĩ khí” sục sôi muôn trượng liền hạ lệnh “Xuất quan!”.

Đúng vào lúc ông ta dương dương tự đắc, đột nhiên nghe thấy tiếng vó ngựa hí vang, tiếng chim muông tan tác, bất thình lình, từ trên sườn núi xuất hiện quân Mông Cổ, Hoàn Nhan hoảng loạn, bỏ cả ngựa chạy. Đội quân của Triết Biệt dễ dàng tiêu diệt quá nửa quân Kim.

5. Trận chiến ở Sa Đà – Chiến thuật diệt kẻ cầm đầu, triệt tiêu sĩ khí của đối thủ

Đây là trận quần hùng tranh bá trên vùng thảo nguyên Mông Cổ. Khi ấy, thực lực của Thiết Mộc Chân kém xa so với Vương Hãn và Trát Mộc Hợp.

Vương Hãn dốc toàn bộ lực lượng kéo đến, mũi tiến công chia thành 4 thê đội, từng thê đội lần lượt ra trận, sau khi ép sát địch vào một địa điểm, trung quân sẽ phân thành 4 lộ bao vây 4 hướng, tiêu diệt địch.

Thiết Mộc Chân quyết định dốc toàn lực ngăn chặn thê đội 1 và 2, tấn công thê đội 3. Thê đội 3 giỏi tiến công theo kiểu dàn hàng ngang, kiểu tiến công này rất dễ bị chọc thủng, một khi đã phá thủng được, sẽ dốc sức tiến về phía trước đánh vào thê đội 4, chỉ cần phá được đội quân bảo vệ Vương Hãn, sẽ khiến chúng mất hết sĩ khí, tất sẽ đại thắng.

6. Chiến dịch thành Bố Cáp La - “Vây 3 thả 1”, đề phòng tức nước vỡ bờ

Thành Cát Tư Hãn dẫn quân tấn công ồ ạt Bố Cáp La suốt bảy ngày bảy đêm liền. Tướng giữ thành Bố Cáp La là Khoát Khắc Hãn quyết đấu một trận tử chiến.

Lạ thay, người Mông Cổ đột nhiên dừng cuộc tấn công, còn rút quân khỏi một cổng thành. Bọn tướng quân của Bố Cáp La thấy vậy thi nhau bỏ chạy.

Thành Cát Tư Hãn liền lệnh con trai út Đà Lôi dẫn quân truy kích. Khi quân của Đà Lôi đến bờ sông Amu Darya, đội quân tháo chạy của Bố Cáp La mới chuẩn bị vượt qua sông, Lôi Đà liền phát động tấn công, hơn một vạn binh sĩ bị giết chết, máu tươi nhuộm đỏ dòng sông Amu Darya.

7. Trận đánh Khoát Diệc Điền - Chiến thuật đánh vu hồi

Ông phái quân chủ lực vượt sông vòng ra phía sau Taichiud, đích thân dẫn một cánh quân nhỏ tấn công chính diện, hòng thu hút sự chú ý của người Taichiud.

Ưu thế của chiến thuật này là quân của ông sẽ như đội thần binh, đột nhiên xuất hiện ở nơi mà kẻ địch không thể ngờ tới. Nhưng nhược điểm là nếu quân địch chủ động công kích, lực lượng mỏng đảm nhận việc tiến công chính diện rất có thể sẽ bị trọng thương.

Thành Cát Tư Hãn tính toán thời gian, đoán rằng tướng quân của mình Bác Nhĩ Thuật đã vòng ra đến phía sau địch, liền hạ lệnh khai chiến.

Chiến thuật bao vây đánh vu hồi thành công, người Taichiud bị kẹp đánh chỉ biết kêu gào thảm thiết, bỏ chạy tán loạn. Trận đánh Khoát Diệc Điền là trận quyết chiến giữa Thiết Mộc Chân với Trát Mộc Hợp, đưa ông lên làm thủ lĩnh thống trị bộ tộc Mông Cổ.

8. Chiến dịch Thập tam dực - Chiến tranh tình báo, giành lấy ưu thế tình báo

Thành Cát Tư Hãn và 10 chiến dịch chinh phạt đỉnh cao - anh 3

Thành Cát Tư Hãn anh dũng giết địch.

Đây là cuộc xung đột quân sự giữa Thiết Mộc Chân và Trát Mộc Hợp. Nhận được tin tình báo báo Trát Mộc Hợp đã tập kết 3 vạn binh mã của 13 bộ lạc, chia thành 13 đơn vị chiến đấu, Thiết Mộc Chân cũng chia ba vạn quân của mình thành 13 cánh quân ứng chiến.

Tuy chiến dịch lần này Thiết Mộc Chân thất bại, nhưng vì Trát Mộc Hợp tàn sát tù binh, khiến thuộc hạ bất mãn, chạy theo Thiết Mộc Chân, nên thực lực của ông càng được tăng cường.

9. Trận chiến thành Otrar – Lợi dụng mâu thuẫn

Trước khi cuộc chiến nổ ra, Thành Cát Tư Hãn sai người gửi cho Cáp Lí Phát (Khalifah) ở Baoda một bức thư để mình tránh khỏi mối nguy hiểm của một liên minh lớn của người Hồi giáo, còn một bức gửi cho Thốc Nhi Hãn - mẫu thân Ma Kha Mạt nói “Bà và con trai bà thường xung đột về chính kiến và việc dùng người. Chúng tôi vô tình tiến công vào vùng Gurganj của bà, đợi sau khi chinh phục được các vùng ở Khwarezmia, sẽ dâng tặng bà Khorasan giàu mạnh”.

Thốc Nhi Hãn không hồi thư, nhưng ông tin bà ta sẽ không ra tay cứu Ma Kha Mạt. Sự thực về sau đã chứng minh điểm này.

Bức thư này đã tránh cho Thành Cát Tư Hãn không bị quân ở Gurganj tập kích sau lưng khi ông đánh thành Bố Cáp La.

10. Trận đại chiến Miệt Nhi Khất - Xa thân gần đánh, mở rộng phe cánh

Thủ lĩnh của bộ tộc Miệt Nhi Khất dẫn thuộc hạ ập đến địa bàn của Thiết Mộc Chân, cướp Bội Nhi Thiếp - vợ Thiết Mộc Chân.

Thiết Mộc Chân và Biệt Lí Cổ Đài (Belgutei), Hợp Tát Nhi (Choji Qasar) đi cầu xin nghĩa phụ ông giúp.

Nghĩa phụ ông nói: - Miệt Nhi Khất có ba bộ lạc lớn, tổ tiên là người Mông Cổ giống như chúng ta, dũng mãnh thiện chiến, không thể xem thường. Cho nên, con hãy đi tìm một người.

Nghe xong, mặt Thiết Mộc Chân biến sắc, vì ở vùng thảo nguyên Mông Cổ này, ông không thể trông chờ sự giúp đỡ của ai khác ngoài nghĩa phụ mình. Nghĩa phụ ông hiểu được ý nghĩ của ông, bèn cười nói:

- Con yên tâm, người này chắc chắn sẽ giúp con. Vì hắn từng bị người Miệt Nhi Khất bắt làm nô lệ, nếm đủ khổ nhục, cơ hội tốt thế này, hắn không bỏ qua đâu.

- Là ai?

- Thủ lĩnh bộ lạc Trát Đáp Lan – Trát Mộc Hợp....