Bằng lòng hiếu học hiếm có, Nguyễn Khuyến vượt qua nghịch cảnh của cậu học trò nghèo để đỗ đầu cả 3 kỳ thi.
Nguyễn Khuyến (1835-1909) tên thật Nguyễn Thắng, hiệu là Quế Sơn, tự Miễn Chi. Ông sinh tại quê ngoại ở làng Văn Khế, xã Hoàng Xá, huyện Ý Yên, nay là huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam.
Đốt lá đọc sách
Nguyễn Thắng rất hiếu học. Có lần, thấy con vừa nhảy lò cò bên chõng tre, vừa thỏ thẻ đọc một bài trong Kinh Thi, ông Đồ Huy (Nguyễn Tông Khởi) ngạc nhiên lắm, gọi Thắng lại hỏi: "Con đọc cái gì thế? Giảng nghĩa cha xem nào?".
Thắng thưa: "Đấy là bài học trong kinh thi, cha dạy mấy anh học mà".
Thầy Huy vừa thích thú, vừa cảm động bảo: “Con học lỏm mà nhớ như vậy là tốt. Từ mai, cha cho con một tập giấy, một cái bút mà viết, không phải viết bằng gạch non nữa”.
Từ đó, Thắng cặm cụi tập viết. Cậu bé học đến quên ăn, quên mọi việc diễn ra xung quanh. Một ngày, Thắng có thể đọc thuộc mấy chục trang. Ông đồ mừng lắm, cho cậu bé vào học cùng các bạn trong lớp.
Do cảnh nhà thanh bần, chẳng có nổi đèn để học, cậu phải noi theo gương người xưa. Những đêm trăng tỏ, Thắng đọc sách dưới ánh trăng. Những hôm trăng mờ, cậu mang sách ra bờ ao, nghiêng theo ánh sáng phản chiếu mà học. Vậy, những đêm không trăng thì sao?
Một chiều đi mua giấy về, Nguyễn Thắng ngồi nghỉ ở góc cây cổ thụ dưới miếu đầu thôn. Thấy lá vàng trên cây rơi lả tả, cậu liền nghĩ ra cách đốt lá làm đèn học.
Từ đêm đó, những khi không có trăng sao, Nguyễn Thắng mang sách ra miếu đốt lá học. Sau đó, cậu còn rủ nhiều bạn cùng học với mình.
Thấy con chăm chỉ, chữ nghĩa thông tuệ, thầy đồ Huy bèn gửi cho người bạn dạy, xem thử trí tuệ con trai thực sự ra sao.
Tương truyền, khi mới vào học, thấy Thắng nhỏ tuổi, nhiều bạn trong lớp tỏ vẻ coi thường. Nhưng rồi bằng trí tuệ, Thắng đã khiến các bạn phải tâm phục, kiêng nể.
Năm Quý Sửu (1853), biến cố bất ngờ ập xuống gia đình Nguyễn Thắng, khi cha ông bị bệnh qua đời. Cảnh nhà vốn khó khăn, nay lại thêm tiêu điều, xơ xác.
Nguyễn Thắng bấy giờ đã trưởng thành, đổi tên thành Nguyễn Khuyến, phiêu bạt nay đây mai đó. Ông vừa đèn sách tự học, vừa đi dạy để đỡ đần gia đình.
Cụ Nguyễn Khuyến.
Nguồn gốc tên Nguyễn Khuyến
Sách Tấm gương hiếu học có ghi chuyện Nguyễn Thắng đổi tên thành Nguyễn Khuyến.
Sau khi thi Hội lần đầu không đỗ, ông ngồi nghĩ về cảnh buồn phiền của cuộc đời mình. Do cảnh nhà túng quẫn, ông phải chạy vạy, lo toan cuộc sống qua ngày nên không có thời gian tập trung học tập.
Nghĩ vậy, Nguyễn Thắng viết đi viết lại tên mình. Chàng lẩm bẩm một mình: “À, chữ Thắng tên mình có chữ lực. Chữ lực nhỏ gọi là tiểu lực. Nỗ lực chưa cao thì làm sao đỗ đạt.
Nguyễn Thắng soát lại trong đầu xem chữ nào có lực lớn và cuối cùng chàng dừng lại ở chữ Khuyến và thầm nghĩ đổi tên thành Nguyễn Khuyến và phải nỗ lực học tập cho đến khi đỗ đạt cao mới thôi”.
Với sự nỗ lực không mệt mỏi, năm 1864, Nguyễn Khuyến thi Hương đỗ giải nguyên; năm 1871 thi Hội đỗ hội nguyên và thi Đình đỗ Đình nguyên. Cả 3 lần đi thi, ông đỗ đầu, được gọi là “Tam nguyên Yên Đổ”.
Câu chuyện cảm động kể rằng khi nghe tin Nguyễn Khuyễn đỗ cao, bạn bè bàn nhau buộc ông phải khao to. Tất cả cùng đi tìm Nguyễn Khuyến. Họ đến những nhà trọ đắt tiền nhưng chẳng ai thấy Nguyễn Khuyến đâu cả.
Mãi sau, khi đến quán trọ bình dân ở xa trường thi, mọi người rất bất ngờ khi thấy Nguyễn Khuyến đang gối đầu lên ống quyển, mình trùm một chiếc áo dài nâu bạc, nằm trên chõng tre, ngủ ngon lành gần bếp nhà trọ.
Người bạn thân Dương Khuê vừa lay, vừa dựng đồ Khuyến dậy và nói: “Cậu đỗ thủ khoa rồi, sao lại nằm đây?”.
Nguyễn Khuyến nở nụ cười hiền lành, thật thà nói: “Ít tiền quá, mình có dám thuê chỗ ngủ đâu, chỉ dám xin chủ nhà cho nằm ngủ nhờ dưới bếp”.
Bạn bè nghe xong, ai cũng xót thương, không còn ý bắt Nguyễn Khuyến khao nữa.
Sau khi thi đỗ, Nguyễn Khuyến được bổ nhiệm làm quan. Lúc này, thực dân Pháp đang mở rộng đánh chiếm nước ta, triều đình nhà Nguyễn từng bước đầu hàng, dâng nước cho giặc. Trước thực trạng đau lòng đó, Nguyễn Khuyến cáo quan về ở ẩn.
Sau khi thực dân Pháp đánh chiếm Bắc Kỳ, chúng tìm mọi cách mua chuộc ông ra làm quan để làm “tay sai”, nhưng Nguyễn Khuyến tìm mọi cách từ chối.