Tiếng kêu cọt kẹt của sàn nhà, đặc biệt là sàn nhà gỗ là thứ âm thanh không hề dễ chịu chút nào, đặc biệt với những kẻ trộm. Đó cũng là cách mà người Nhật xưa đã áp dụng để tạo nên một hệ thống báo động và chống trộm thông minh chẳng cần tới các thiết bị hiện đại.
Mặc dù vậy không phải ngôi nhà nào ở Nhật Bản cũng được lắp đặt loại sàn chống trộm trên. Chỉ ở một số nhà ở của các gia đình hoàng gia, chúng ta mới có thể bắt gặp loại sàn này, ví dụ như một số lâu đài được xây dựng trong thời kỳ Edo.
Theo Wonderful Engineering, sàn chống trộm của người Nhật có tên gọi là Uguisubari hoặc Nightingale (sàn chim họa mi) lấy ý tưởng từ tiếng kêu phát ra mỗi khi có người đi qua giống tiếng chim hót.
Cận cảnh phần chốt dưới mặt sàn
Sàn chim họa mi khá phổ biến từ đầu thế kỷ 17 đến giữa thế kỷ 19. Lịch sử gọi đây là thời kỳ Edo và là một trong những thời kỳ bình yên của nước Nhật và không có chiến tranh. Thời điểm đó, Mạc phủ Tokugawa do Tokugawa Ieyasu thành lập là chính quyền cai trị nước Nhật duy nhất. Tuy nền chính trị khá bình yên nhưng Tokugawa vẫn phải đối mặt với mối đe dọa từ các lãnh chúa phong kiến.
Tokugawa Ieyasu đã xây dựng lâu đài Nijo ở Kyoto và ra lệnh cho thợ mộc sử dụng loại sàn chim họa mi để cảnh báo khi có ai đó vào trong lâu đài. Thoạt nhìn bề mặt sàn giống như bao loại sàn khác nhưng thực tế ở bên dưới, những người thợ đã gắn thêm hai thanh chốt kim loại ở phần dầm của sàn nhà.
Ngoài ra, phần ván lót sàn nhà cũng được thiết kế để tạo ra một khoảng hở. Khi có người đi vào, tấm ván sẽ ép xuống, chốt sẽ di chuyển lên xuống và chà sát vào móng dầm tạo nên tiếng kêu cọt kẹt đặc trưng. Hệ thống sàn chống trộm được gắn ở ngay hành lang dẫn vào nhà nên kẻ trộm khó có thể đột nhập mà không bị hệ thống này "phát giác".
Hiện có hai địa điểm mà du khách khi tới Nhật Bản có thể trải nghiệm hệ thống sàn chống trộm nổi tiếng của người Nhật đó là lâu đài Nijo ở Kyoto và Chion-in, một ngôi đền nơi gia đình Tokugawa từng ở.
Bạn có thể xem thêm cách hoạt động của sàn chim họa mi qua đoạn video dưới đây:
Tiến Thanh