Hàng chục nghìn đứa trẻ sinh ra từ tinh trùng hiến tặng từng lớn lên với ý nghĩ mình sẽ chẳng bao giờ biết bố ruột là ai. Nhưng nay, cơ hội đã đến với họ.

Nỗi hoang mang về nguồn cội

Courtney McKinney (trái) và Alexandra Sanchez mới biết rằng hai cô ra đời từ tinh trùng của cùng một người hiến.
Alexandra Sanchez (trái) và Courtney McKinney mới biết rằng hai cô ra đời từ tinh trùng của cùng một người hiến.

Những ngày đầu năm 2018, tại một khu công nghiệp ở Phoenix, Arizona (Mỹ), hai người phụ nữ có nụ cười và chiếc cằm y hệt nhau gặp gỡ lần đầu. Họ là Courtney McKinney và Alexandra Sanchez, cùng 28 tuổi, đều biết mình được thụ thai nhờ tinh trùng người hiến khi bước vào tuổi teen nhưng không ai biết cha mình là ai. “Ngay khi vừa trò chuyện, tôi thấy như mình đang nói với một người đã thân quen từ lâu”, Courtney McKinney kể. Hai người tìm ra nhau khi nhận được thông báo kết quả xét nghiệm AND của họ có mối liên quan. Cả hai là chị em cùng cha khác mẹ.

McKinney bắt đầu đặt câu hỏi về nguồn cội của mình khi cô ở tuổi teen. “Tôi nhớ mình đã khóc rất nhiều khi biết sự thật. Tôi từng thấy mình như một thử nghiệm khoa học chứ không phải được tạo ra từ tình yêu của hai người”, cô nói. Mặc dù vậy, chẳng bao lâu sau, cô bắt đầu tìm hiểu về một nửa nguồn gene bên trong mình. Không biết người hiến tinh trùng trông thế nào? Tính cách của ông ta có giống cô?

Tên gọi cho các cảm xúc của cô gái này là sự tò mò, cảm giác khuyết thiếu, sự lo âu rằng một phần ngủ yên bên trong mình có thể thức dậy một ngày nào đó và chẳng biết nó bắt nguồn từ đâu. Năm 1964, các nhà khoa học Erich Wellisch và H.J. Sants – từng nghiên cứu và trị liệu cho những người con nuôi có các vấn đề tâm lý, đã hiểu rằng việc không biết rõ nền tảng nguồn gene của mình gây ra một tình trạng được gọi là “sự hoang mang về nguồn gốc”.

Wellisch và Sants lập luận rằng việc không biết tổ tiên của mình là ai có thể ngăn cản sự phát triển hình ảnh bản thân - thứ cần thiết để hình thành ý thức về bản sắc cá nhân. Họ cũng tin rằng nỗi hoang mang về nguồn cội cũng cản trở sự phát triển của cảm giác thuộc về.

Những người con nuôi, tất nhiên không giống như những đứa trẻ được thụ tinh từ tinh trùng hiến. Từ đầu, những người con nuôi thường phải đối mặt với cảm giác mình nằm ngoài ý muốn của cả cha lẫn mẹ ruột, trong khi trẻ chào đời từ tinh trùng hiến biết sự tồn tại của họ ít nhất đến từ khao khát có con trong sâu thẳm người mẹ. Nhưng ý nghĩ sau đó (và kéo dài tới hiện tại) là cả hai sự sắp đặt đều khiến đứa trẻ tự hỏi về nguồn gốc của mình theo một cách giống nhau.

Lịch sử hiến tặng tinh trùng

Hiến tinh trùng đã tồn tại vài thế kỷ. Một trong những trường hợp hiến tinh trùng đầu tiên ở phương Tây là vào năm 1884, khi một bác sĩ ở Philadelphia thụ tinh cho một phụ nữ bằng tinh trùng do một sinh viên y khoa “hấp dẫn nhất” của ông hiến tặng. Thủ thuật này ngày càng trở nên phổ biến trong suốt thời kỳ bùng nổ trẻ sơ sinh (1946 - 1964) sau thế chiến thứ 2, mặc dầu việc giữ bí mật về người cha với cả đứa trẻ lẫn những người xung quanh là một nguyên tắc được thực hiện nghiêm ngặt cho tới những năm 2000, theo một bài báo trên The New Atlantis năm 2008.

Khi Wellisch và Sants thực hiện ngiên cứu của họ, tinh trùng hiến phần lớn được những cặp dị giới sử dụng và việc này ngày càng trở nên phổ biến trong những năm 1970. Ước tính trong năm 1979 có khoảng 6.000 tới 10.000 trẻ sinh ra mỗi năm tại Mỹ nhờ tinh trùng hiến. Từ đó trở về trước, nhiều bác sĩ thậm chí không nghĩ tới việc thụ tinh cho bất cứ ai khác ngoài phụ nữ đã có gia đình”, Scott Brown, giám đốc truyền thông và chăm sóc khách hàng của ngân hàng tinh trùng Cryobank California (CCB), cho biết. “Hầu như không ai nói với con cái họ rằng chúng được tạo ra nhờ tinh trùng hiến”, ông nói.

Nguyên tắc cho việc hiến tinh trùng và các biện pháp hỗ trợ sinh sản khác trong hần hết thế kỷ 20 phản ánh quan điểm này - ưu tiên tính bảo mật của cha mẹ và người hiến hơn là khao khát được tìm hiểu của con trẻ. Một nghiên cứu năm 1979 cho thấy 30% trong số 471 bác sĩ thực hiện thụ tinh nhân tạo từ tinh trùng hiến giữ bí mật mãi mãi thông tin về người hiến tinh trùng. Ngoài ra, không giống ngày nay - người nhận tinh trùng tự ý lựa chọn người hiến, hầu hết các bác sĩ khi đã xem xét các đặc điểm phù hợp và thường lựa chọn từ cơ sở y tế địa phương, các sinh viên y chưa hoặc vừa tốt nghiệp và trả tiền cho họ để lấy mẫu tinh trùng.

Chuyện hiến tinh trùng ngày nay đã khác xa. "Có tới 75-80% các đôi đồng tính nữ và mẹ đơn thân chọn dùng tinh trùng hiến", Brown cho biết. "Trẻ cũng hiểu rõ mình được tạo ra thế nào”.

Bảo mật thông tin người hiến: Từ người cha ẩn danh đến lời nhắn cho thế hệ sau

Thực vậy, sự hiếu kỳ về nguồn cội bản thân rất phổ biến ở con cái những người hiến tinh trùng. Một nghiên cứu năm 2011 đăng trên tờ Human Reproduction cho thấy 82% những trẻ này hy vọng một ngày nào đó liên lạc được với cha mình, thường vì tò mò về vẻ ngoài của người đó. Một nghiên cứu tương tự năm 2010 cho thấy 92% trẻ được thụ tinh nhờ tinh trùng hiến nói rằng họ tích cực tìm kiếm người cho tinh trùng, anh chị em cùng cha hoặc cả hai.

Trong khi nhiều chuyên gia đồng ý rằng thế hệ sau có nhiều thuận lợi để biết được ai là cha mình, những bà mẹ đã dùng tinh trùng hiến giận dữ khi nghĩ tới việc một người hiến vô danh nào đó bỗng nhiên bước vào đời con mình. Một số người cho tinh trùng cũng không muốn bị quấy rầy. Nhưng như Susan Crockin, một luật sư và là giáo sư thỉnh giảng tại Trường Luật Georgetown, biện luận rằng, trẻ hoàn toàn có lý khi nói: "Nếu mẹ nghĩ lựa chọn người hiến có những phẩm chất nào đó là việc quan trọng thì sao không hiểu rằng với con, việc biết mình sinh ra từ đâu cũng vô cùng ý nghĩa".

Góc nhìn này được nhiều người đồng tình và những năm gần đây, các chính sách liên quan tới hiến, nhận tinh trùng cũng nhích sang hướng cởi mở hơn. Ngày nay, bố mẹ toàn cầu được khuyên nên cho con họ biết sớm nếu trẻ được thụ tinh bằng tinh trùng hiến. Trong những thập niên 1990 và 2000, nhiều nước bao gồm Thụy Điển, Anh và Đức ban hành quy định không chấp nhận bất cứ việc hiến tặng nào mà tên người hiến không được tiết lộ trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Tại Anh, một điều luật năm 2005 cho phép các cá nhân cho - nhận có quyền yêu cầu và chấp nhận các thông tin như chiều cao, cân nặng, màu mắt, màu tóc, năm và quốc gia chào đời, chủng tộc, tình trạng hôn nhân và con cái ở thời điểm hiến, các tiền sử về y tế, cá nhân và những thông tin người hiến tự nguyện cung cấp như nghề nghiệp, tôn giáo, sở thích và lý do hiến tặng. Các thông tin xác định danh tính như họ tên, địa chỉ có thể được yêu cầu và chấp nhận bởi Cơ quan thẩm quyền về Thụ tinh và Phôi sinh học Con người khi trẻ đủ 18 tuổi. Người hiến thậm chí có thể viết một lời nhắn thiện ý gửi tới thế hệ sau và trẻ sẽ nhận được khi 16 tuổi.

Tuy nhiên, một số nước, chẳng hạn như Tây Ban Nha, chỉ cho phép người hiến ẩn danh. Ở những nơi này, những người hiến công khai danh tính là bất hợp pháp và đội ngũ y tế lựa chọn người hiến vô danh dựa trên nhóm máu, các đặc điểm ngoại hình theo kỳ vọng của người nhận.

Tại Mỹ, quy định về việc hiến tinh trùng lỏng hơn và luật ở mỗi bang lại khác. Năm 2011, Washington trở thành bang đầu tiên ban hành quy định tạo sự "cởi mở" với việc hiến tinh trùng, cho phép người hiến giấu hoặc công khai danh tính theo ý muốn. (Washington hiện vẫn là bang duy nhất có luật như vậy).

Trong các trường hợp thiếu khung pháp lý toàn diện, nhiều ngân hàng tinh trùng tự đặt ra các quy tắc riêng. Một số chỗ, như Fairfax Cryobank (đơn vị có vài trụ sở ở khắp nước Mỹ), đưa ra nhiều cấp độ về bảo mật cho người hiến. Đó có thể là nguồn thông tin mở - nghĩa là người hiến và người nhận thỏa thuận trước khi thụ tinh rằng ngân hàng sẽ tiết lộ danh tính người hiến với đứa trẻ nếu chúng yêu cầu khi đủ 18 tuổi. Nó cũng có thể là lựa chọn giấu thông tin, tức ngân hàng hứa giữ kín tên và thông tin liên lạc cá nhân với con cái họ nhưng vẫn cho phép gia đình nhận tinh trùng xem một số thông tin liên quan như chủng tộc, đặc điểm ngoại hình và tiền sử bệnh lý của gia đình.

Tuy nhiên, một số ngân hàng tinh trùng khác, như California Cryobank, nơi Scott Brown làm việc, thì có chính sách là các thông tin về người hiến tinh trùng sẽ được giữ kín vĩnh viễn. Nếu con cái người hiến trên 18 tuổi muốn liên lạc với cha mình, ngân hàng sẽ liên hệ. Nếu cả hai bên nhất trí, ngân hàng sẽ tạo điều kiện để họ trao đổi qua trung gian cho tới cả hai đồng thuận và có thể tự do liên hệ với nhau. Năm ngoái, CCB đưa ra một chính sách mà tất cả những người hiến tinh trùng buộc phải đồng ý là để cho thế hệ sau của mình có quyền biết tên, nơi sống và email của người hiến khi trẻ đủ 18 tuổi.

"Các nhà tâm lý đều thống nhất rằng đó là cách tốt nhất. Và chúng tôi đang cố gắng cung cấp thông tin liên lạc tốt nhất có thể", Brown nói.

Công nghệ mang lại cơ hội tìm cha

Với Alexandra Sanchez, việc phát hiện ra Courtney McKinney là một bất ngờ đáng mừng. Sanchez chỉ tò mò về một nửa dòng máu của mình gần đây: Cả cô lẫn chồng đều không hề biết cha mình là ai và khi cả hai bắt đầu nói về chuyện sinh con, cô tự hỏi liệu có khi nào em bé của mình giống một người mà chẳng ai trong gia đình quen biết.

Dù vậy, với McKinney, việc gặp Sanchez là một cuộc khám phá đã được chờ đợi từ lâu. Khi McKinney 16 tuổi, mẹ cô cho cô xem một video bà thực hiện lúc thai nghén. Trong đó, bà giải thích trước camera với con gái rằng cô được thụ thai nhờ tinh trùng hiến. Từ sự kiện này, McKinney nhận ra cô không phải là kết quả từ tình yêu của hai người mà là sản phẩm trao đổi giữa mẹ cô và một người đàn ông bà chọn từ một danh mục tại ngân hàng tinh trùng.

McKinney muốn biết về người đàn ông đó, vì vậy khi 19 tuổi, cô tới California Cryobank để tìm thông tin. Nhân viên tại đó đã gọi cho người hiến tinh trùng nhưng người ấy giờ đã có gia đình và không muốn có bất cứ liên lạc nào vì sợ vợ phát hiện chuyện mình giấu làm năm xưa.
Cô thử lại liên lạc lại vài lần nữa nhưng lúc 26 tuổi cũng chỉ biết thêm một số thông tin về đặc điểm ngoại hình và tiền sử y tế của gia đình bên nội. Không bỏ cuộc, cô đăng ký vào hàng loạt các trang mạng tìm kiếm phả hệ như MyHeritage, 23andMe, và Ancestry. Tháng 11 năm ngoái, cô kết nối được với Sanchez qua trang MyHeritage.

Những trang kiểu này khiến những cuộc gặp gỡ như của Sanchez và McKinney ngày càng phổ biến. Như các nhà tâm lý giống như Thomas Jefferson, Đại học Andrea Braverman từng nhấn mạnh, đó là chiến thắng của sự cởi mở nhưng sự dễ dàng và tiện lợi mà con người tìm được người khác qua sự chia sẻ thông tin ADN trên mạng cũng đe dọa rào chắn mong manh mà các ngân hàng tinh trùng và người hiến đã thống nhất vài thập kỷ trước để duy trì sự bảo mật.

“Tôi nghĩ việc giấu tên là chuyện hoang đường”, Crockin, luật sư gia đình, nói. “Tôi từng bảo với các khách hàng của mình rằng việc đó chỉ duy trì được khoảng 10 năm”. Nhờ sự phát triển của việc tiếp thị trực tiếp dịch vụ xét nghiệm ADN – thông báo ngay cho người sử dụng trang web khi có người liên quan tới gene của họ, cơ hội cho những người được thụ thai nhờ tinh trùng hiến tìm lại cha là điều không khó.

Khả năng thông tin cá nhân của người hiến cũng dễ bị lộ. Vào giữa những năm 2000, một cậu bé tuổi teen đã tìm kiếm thành công người cha hiến tinh trùng vô danh bằng cách sử dụng trang mạng tìm phả hệ nhờ một cái tên và kết quả ADN. Và gần đây hơn, các nhà chức trách ở California đã xác định được một kẻ giết người hàng loạt bằng cách kết nối AND từ hiện trường vụ án với dữ liệu trên mạng, thậm chí dữ liệu còn có cả thông tin về người thân của anh ta.

Khó khăn trong việc bảo vệ danh tính là một thực tế mà các ngân hàng tinh trùng phải đối mặt. Scott Brown nói rằng ngày nay, CCB phải cân nhắc tới việc thực hiện một thỏa thuận pháp lý giữa họ với những người hiến. “Chúng tôi sẽ không tiết lộ các thông tin cá nhân hay liên lạc của họ với bất cứ ai, dù là con cái họ, truyền thông hay bệnh nhân. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là các khách hàng hay con cháu họ sẽ không tự tìm kiếm được thông tin”, ông nói.

Ngay cả lời hứa về việc bảo đảm thông tin mở cho người hiến tinh trùng cũng không đủ với một số người. Một chuyên gia hỗ trợ sinh sản gần đây gợi ý với Alexandra Sanchez và chồng chị, sau quá trình hai người chật vật tìm cách thụ thai, là họ có thể dùng tinh trùng hiến. “Tôi từ chối ngay và chọn thụ tinh trong ống nghiệm thay vào đó”, Sanchez chia sẻ. Cô nói rằng không thể chịu nổi việc nhìn thấy con mình sau này luôn phải tò mò như mẹ nó, với câu hỏi “cha tôi trông như thế nào?”

Trẻ ra đời từ tinh trùng hiến tặng có kém hạnh phúc hơn các trẻ em khác?

Mặc dầu khó đưa ra các con số chính xác, một nghiên cứu năm 2010 ước tính khoảng 30.000 - 60.000 trẻ chào đời ở Mỹ mỗi năm được thụ thai nhờ tinh trùng hiến, trong tổng số gần 4 triệu ca sinh.

Hiện nay, người ta chú ý nhiều hơn tới cách trẻ phản ứng khi biết mình là sản phẩm của tinh trùng hiến. Trong một nghiên cứu năm 2011, các nhà tâm lý thấy gần như không có sự khác biệt nào về mức độ hạnh phúc và chất lượng mối quan hệ mẹ-con của trẻ 7 tuổi vốn biết mình được thụ thai nhờ tinh trùng hiến và bạn cùng tuổi được thụ thai một cách tự nhiên.

Một nghiên cứu khác năm 2010 so sánh những đứa trẻ sinh ra từ tinh trùng hiến với trẻ là con nuôi và trẻ được thụ thai một cách tự nhiên, đưa ra một số bằng chứng cho thấy con cái của người hiến tinh trùng dễ rơi vào vòng cuốn của nghiện ngập, phạm pháp vị thành niên, trầm cảm hay các bệnh lý tâm thần khác so với con nuôi hay con đẻ. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là nghiên cứu chưa làm rõ sự phân biệt giữa trẻ được thụ thai nhờ tinh trùng hiến mà lớn lên đã biết rõ sự thật này và trẻ đột nhiên phát hiện bố mẹ đã bưng bít mọi thứ.

Vấn đề là các dữ liệu đó vẫn còn bỏ lửng và chưa khẳng định được rằng việc ẩn danh người hiến có tốt hơn cho trẻ hay không.