Người Kurd đóng vai trò trung tâm trong nhiều vấn đề nhạy cảm ở Trung Đông, từ giải quyết xung đột ở Syria cho đến cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Dù vậy, người Kurd cho đến nay vẫn được coi là dân tộc không có quốc gia.

Bản đồ khu vực người Kurd sinh sống, trong đó phần lớn nằm ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: CIA.
Bản đồ khu vực người Kurd sinh sống, trong đó phần lớn nằm ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: CIA.

Nếu bạn không thể chỉ vào Kurdistan trên bản đồ, bạn sẽ giống nhiều người khác bởi vì đây không phải là một quốc gia có chủ quyền được thế giới công nhận. Nhưng đối với người Kurd, một dân tộc khoảng 30 triệu người, Kurdistan chính là đất nước của họ. Vùng đất này nằm ở phần giáp nhau của Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Iraq và Syria – nơi xảy ra nhiều biến động chính trị - và những người Kurd sống tại đó là nhóm người không quốc tịch đông nhất thế giới.

Người Kurd là cư dân bản địa tại khu vực Trung Đông và có nguồn gốc Ấn – Âu. Tuy nhiên, không phải tất cả người Kurd đều theo một tôn giáo chung. Mặc dù phần lớn người Kurd là tín đồ Hồi giáo dòng Sunni, nhưng họ cũng thực hành các tôn giáo khác.

Người Kurd có nhiều đặc điểm chung về ngôn ngữ và bản sắc văn hóa dân tộc. Những điểm tương đồng này xuất hiện vào thời Trung cổ. Kể từ đó, người Kurd đã đóng vai trò quan trọng trong lịch sử của Iran, Iraq, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay.

Trong lúc người Kurd phát triển mạnh mẽ và có tầm ảnh hưởng lớn đến khu vực, Đế quốc Ottoman chiếm phần lớn lãnh thổ của họ vào những năm 1500. Sự thất bại của đế quốc này trong cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất đã giáng một đòn mạnh vào người Kurd. Theo Hiệp ước Sèvres năm 1920, quân Đồng minh lên kế hoạch để Kurdistan tự trị sau khi Đế quốc Ottoman giải thể. Đó là chiến thắng cho phong trào giải phóng dân tộc của người Kurd, nhưng đáng tiếc hiệp ước này bị thất bại. Nguyên nhân là do Thổ Nhĩ Kỳ đàm phán lại với quân Đồng minh, và Hiệp ước Lausanne ký kết năm 1923 đã từ bỏ kế hoạch cho một nhà nước Kurdistan tự trị. Kể từ thời điểm đó, người Kurd thực hiện nhiều nỗ lực để thiết lập nhà nước của riêng họ nhưng đều không thành công.

Khao khát có một quốc gia độc lập của người Kurd được coi là mối nguy hiểm tại bốn quốc gia mà họ đang sinh sống. Vì vậy họ đã bị bức hại và kỳ thị trong nhiều thế kỷ.

Ở Thổ Nhĩ Kỳ, người Kurd là dân tộc thiểu số lớn nhất. Tuy nhiên, người Kurd luôn phải đối mặt với sự đàn áp của quốc gia này, bao gồm lệnh cấm đối với ngôn ngữ của họ. Nhiều người nói, xuất bản sách, hoặc hát bằng tiếng Kurdish bị bắt và bỏ tù. Đây là nguyên nhân khiến phong trào đòi ly khai của người Kurd diễn ra khá mạnh mẽ, và họ đã nhiều lần đụng độ với quân đội Thổ Nhĩ Kỳ. Trong cuộc xung đột giữa người Kurd và Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 1984 đến năm 1999, ước tính có hơn 40.000 người thiệt mạng, trong đó đa số là thường dân người Kurd.

Cuộc chiến của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm đánh bại các chiến binh người Kurd lan sang cả Syria – nơi người Kurd cũng là dân tộc thiểu số lớn nhất. Trong khi người Kurd ở Syria từ lâu phải đối mặt với sự áp bức của nhà nước ở đó, nhiều nhóm dân quân người Kurd đã chiếm quyền kiểm soát các vùng rộng lớn ở miền Bắc Syria trong cuộc nội chiến, thường là trong khi họ hợp tác với lực lượng quân đội Mỹ để chống lại Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) từ năm 2014.

Một nữ chiến binh người Kurd ở Syria tham gia huấn luyện chống IS. Ảnh: CNN.
Một nữ chiến binh người Kurd ở Syria tham gia huấn luyện chống IS. Ảnh: CNN.

Đầu tháng 10 năm 2019, Mỹ rút quân ra khỏi biên giới Thổ Nhĩ Kỳ – Syria. Lợi dụng thời cơ này, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành một cuộc tấn công vào lãnh thổ Syria do người Kurd chiếm đóng với chiến dịch mang tên “Mùa xuân Hòa bình”. Nếu lực lượng người Kurd tại Syria càng lớn mạnh, càng được nước ngoài hậu thuẫn, tất yếu sẽ cổ vũ cho những phong trào đòi độc lập của người Kurd ngay trong lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ. Các máy bay chiến đấu và pháo binh Thổ Nhĩ Kỳ đã oanh tạc nhiều mục tiêu của lực lượng người Kurd tại khu vực Đông Bắc Syria, nhằm vào Các Đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) và các lực lượng thuộc đảng Công nhân người Kurd (PKK), vốn bị Ankara liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố.

Chiến dịch quân sự trên hứng chịu nhiều ý kiến phản đối mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế. Họ cho rằng chiến dịch là hành động xâm lược, có nguy cơ dẫn đến một thảm họa nhân đạo lớn chưa từng có và sự hồi sinh của tổ chức khủng bố IS.

Tại Iraq, người Kurd trải qua hàng thập kỷ đấu tranh và đổ máu. Trong cuộc chiến tranh Iran-Iraq vào thập niên 1980, Iraq tấn công thường dân người Kurd bằng vũ khí hóa học và một cuộc nổi loạn của họ đã bị đàn áp dã man. Hàng chục nghìn người Kurd thiệt mạng trong cuộc xung đột và hàng trăm nghìn người khác buộc phải chạy trốn. Trong cuộc Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất diễn ra năm 1990 – 1991, hơn 1,5 triệu người Kurd trốn sang Thổ Nhĩ Kỳ. Trước tình cảnh đó, Thổ Nhĩ Kỳ đóng cửa biên giới và những người Kurd tị nạn lâm vào hoàn cảnh khó khăn cho đến khi lực lượng liên minh do Mỹ đứng đầu tạo ra một “nơi trú ẩn an toàn” cho họ. Sau khi Liên Hợp Quốc có những động thái nhằm bảo vệ người Kurd, Iraq đã cho phép thành lập Chính quyền Khu vực của người Kurd (KRG) ở phía Bắc để kiểm soát một phần đất nước này.

Người Kurd là dân tộc lớn thứ ba ở Iran. Họ liên tục nổi dậy trong thập niên 1980 và 1990 nhằm chống lại sự đàn áp của nhà nước Cộng hòa Hồi giáo Iran. “Ngày nay, người Kurd luôn cảm thấy mình như bị tước quyền công dân ở quốc gia này”, theo nhà nghiên cứu Trung Đông Shahram Akbarzadeh.

Trong tương lai, liệu căng thẳng sẽ nguội dần tại khu vực Trung Đông, hay những biến động chính trị gần đây ở miền Bắc Syria sẽ tiếp tục tạo ra nhiều cuộc xung đột khác giữa Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd? Điều duy nhất có thể khẳng định là người Kurd sẽ tiếp tục đấu tranh cho một quốc gia của riêng họ.