Mùa xuân vắng lặng cảnh tỉnh chúng ta trước những phát minh thoạt đầu có vẻ hứa hẹn và cảnh báo chúng ta rằng mặc dù ngày nay loài người dường như đang ở vị thế chế ngự được vạn vật, họ không nên quên rằng những nỗ lực đẩy lùi, đánh bại thiên nhiên của họ cuối cùng sẽ bị thiên nhiên phản đòn.
Nhà động vật học và sinh học biển Rachel Louise Carson (1907 - 1964) sinh ra tại Pittsburgh, Hoa Kỳ. Bà là một người yêu thiên nhiên và thế giới động thực vật, là tác giả của một số cuốn sách được công chúng yêu thích về các sinh vật đại dương.
Một ngày vào năm 1958, Carson nhận được lá thư từ người bạn kể chuyện chim chóc quanh vùng người đó sống đã bị giết sạch do phun thuốc trừ sâu bừa bãi. Câu chuyện chạm đến đúng nỗi niềm trăn trở đã lâu của bà. Trong bốn năm tiếp theo, Carson dành thời gian để tìm hiểu tác động của hóa chất nhân tạo nói chung và chất DDT (được mệnh danh là vua của thuốc trừ sâu) nói riêng đối với cuộc sống và môi trường. Kết quả cuối cùng của nỗ lực ấy là cuốn sách Mùa xuân vắng lặng, sau này trở thành một đòn bẩy cho phong trào môi trường quy mô lớn.
Chương đầu tiên trong cuốn sách rất đặc biệt, thấm đẫm cảm xúc đau thương, trong đó tác giả kể cho chúng ta viễn cảnh một thị trấn trù phú, tươi xanh với những cây sồi, cây thích, cây bu lông, chứng kiến một đổi thay đặc biệt: những quả trứng chim lạnh dần trong tổ, chim chóc không còn cất tiếng hót, chim ruồi nằm chết trên đồng cỏ, cá chết nổi lên nơi hạ lưu con sông, những vòm lá bên đường chuyển sang màu nâu và khô héo, gia súc ốm o, cây ăn quả không còn đơm trái, người dân mắc phải căn bệnh bí ẩn và đi dần vào cõi chết. Carson nhấn mạnh rằng thảm cảnh đó đã trở thành hiện thực ở nhiều vùng trên thế giới, và đang là nguy cơ với những vùng đất còn lại, nếu con người tiếp tục sử dụng thiếu cẩn trọng những chất hóa học khiến họ có xu hướng mất dần đi sự tỉnh táo, lòng trắc ẩn và sự tôn trọng sự cân bằng của tự nhiên khi lao vào tìm kiếm lợi ích kinh tế.
Rất nhiều người yêu thiên nhiên trước Carson đã viết những cuốn sách hay về sự đánh mất cân bằng sinh thái và những ảnh hưởng tệ hại của cuộc cách mạng công nghiệp như John Muir, Ralph Waldo Emerson và Henry Thoreau. Mahatma Gandhi còn có những trang viết hùng hồn về tác động khủng khiếp của nền văn minh và kỹ nghệ châu Âu. Nhưng những nhân vật quyền lực hầu như không để tâm gì đến họ, coi họ là những người theo đuổi những điều không tưởng và là những nhà lãng mạn chủ nghĩa. Nhưng Carlson và Mùa xuân vắng lặng là một trường hợp khác biệt, bà nêu rành rọt những bằng chứng khoa học xác thực với cân nhắc tỉ mỉ nhất.
Trong cuốn sách, Carson viết về tầm quan trọng của từng sinh vật trong mạng lưới sự sống phức tạp, mà nỗ lực loại bỏ một vài loài côn trùng có thể đe dọa chính mạng lưới sự sống này. Thông thường, nhận thức của con người không đủ sâu sắc để nhận ra những mối tác động qua lại giữa các loài sinh vật, chúng ta chỉ nhận ra hậu quả của những hành động thô bạo do mình gây ra khi đã quá muộn. Bà cũng chỉ ra rằng, các chuyên gia và các nhà nghiên cứu có thể có những phát kiến và phát minh gây nhiều tác hại nếu họ thiếu thế giới quan tổng thể này.
Carson kể lại ảnh hưởng của các hoạt động phun thuốc diệt côn trùng thường xuyên diễn ra trên hàng triệu ở nước Mỹ. Kết quả là, những loài côn trùng gây hại luôn quay trở lại với số lượng lớn hơn bởi chúng có khả năng thích nghi nhanh chóng với chất độc. “…Những người nông dân không biết đến cơ sở sinh học của điều đã xảy ra. Trong khi cố gắng để loại bỏ một loài công trùng, họ đã mang đến một tai họa khi xuất hiện một loài khác nguy hại hơn.” Carson còn mô tả hiện tượng nồng độ của dư lượng hóa chất có hại tăng lên theo từng mắt xích của chuỗi thức ăn, để rồi “gần như không thể tìm được con vật nào không nhiễm hóa chất. Những hóa chất này có trong cơ thể loài cá sống trong các ao hồ xa xôi trên núi, trong giun đất, trong trứng chim và cả trong cơ thể con người.”
Mùa xuân vắng lặng cho biết, vào năm 1960, các công dân Mỹ đã đầu tư hơn 750 triệu USD vào các chất độc để tiêu diệt những giống côn trùng, chuột, cá không mong muốn cùng những giống cỏ dại gây hại khác. Chính phủ liên bang, tiểu bang và địa phương còn chi nhiều tiền hơn để đưa các chất hóa học độc hại này vào nhiều vùng đất (bao gồm cả rừng quốc gia, công viên và đường phố).
Và dễ hiểu rằng, các nhà sản xuất, nhà phân phối hy vọng nhu cầu về thuốc trừ sâu sẽ còn tăng lên. Để mở rộng kinh doanh, họ sẵn sàng đầu tư rất nhiều tiền vào nghiên cứu và quảng bá những câu chuyện màu hồng sai thực tế về những hóa chất này. Carson than thở về sự chênh lệch giữa ngân sách khổng lồ dành cho nghiên cứu các hóa chất và số tiền khiêm tốn dành cho các nhà sinh học chân chính. Bà nhắc nhở chúng ta rằng hầu hết các nghiên cứu khoa học được quyết định bởi lợi ích thương mại, và phần lớn các cơ quan tài trợ nghiên cứu đều cân nhắc lợi ích tài chính sau này. Chính vì thế các lĩnh vực nghiên cứu tiềm năng có thể dẫn đến lợi ích to lớn cho cuộc sống của con người hoặc môi trường, nhưng không thu về lợi nhuận sẽ bị bỏ qua.
Khi tờ The New Yorker xuất bản các chương của Mùa xuân vắng lặng, cuốn sách đột nhiên trở thành một chủ đề “nóng” gây tranh cãi. Không thể tránh khỏi, nó tạo ra sự phẫn nộ trong các nhà sản xuất phân bón hóa học và thuốc trừ sâu. Họ cho rằng Carson đã cố tình bỏ qua lợi ích của thuốc trừ sâu và diệt cỏ, chỉ kể một phần của câu chuyện để đánh lạc hướng độc giả. Họ phản biện rằng những tác hại gây ra, nếu có, chỉ là cái giá phải trả cho những lợi ích mà chúng mang lại, và rằng nếu nông nghiệp phụ thuộc vào những phương pháp kiểm soát sinh học hay sức lao động của con người thì năng suất sẽ giảm mạnh, giá lương thực, thực phẩm trên thị trường sẽ tăng cao. Thậm chí, nhiều người buộc tội bà đi ngược lại tiến bộ xã hội, muốn đưa loài người đến thời kỳ đen tối khi bệnh tật (do các sinh vật gây hại) thống trị cuộc sống của chúng ta.
Nhưng cuối cùng, Rachel Carson đã được minh oan, cuốn sách của bà trở thành mối quan tâm thực sự của những người có thẩm quyền, thuốc trừ sâu DDT bị cấm đầu tiên ở Mỹ và sau đó dần dần ở nhiều nơi khác trên thế giới, trong đó có Trung Quốc kể từ năm 2007. Ngày nay, Ấn Độ là quốc gia duy nhất trên thế giới vẫn sản xuất hóa chất này và đã từ chối cam kết cấm DDT trên toàn thế giới vào năm 2020.
Những phát minh của con người thường đem đến những hệ quả không thuộc tầm kiểm soát của họ, đó chính là sự bi hài của khoa học. Mùa xuân vắng lặng cảnh tỉnh chúng ta về những phát minh thoạt đầu có vẻ hứa hẹn và cảnh báo rằng mặc dù con người đang ở trong vị thế có vẻ chế ngự được vạn vật, họ không nên quên rằng nhân loại chỉ là một phần của thế giới, những nỗ lực đẩy lùi, đánh bại thiên nhiên của họ cuối cùng sẽ bị thiên nhiên phản đòn.
Ngày nay có những cá nhân đang chung tay làm việc vì sức khỏe con người, phúc lợi của động vật, đa dạng sinh học; phát triển nông nghiệp bền vững; hoặc có những cân nhắc đạo đức trong quy trình sản xuất thực phẩm, mỹ phẩm và trong quyết định tiêu dùng... Phải chăng, đó là những người cảm nhận được những mùa xuân vắng lặng với những buổi sáng im bặt tiếng chim và những đêm thiếu tiếng ếch nhái ộp oạp?