Các nhà khoa học phát hiện những người giàu có thời Trung Cổ bị nhiễm độc chì từ cốc và đĩa tráng men mà họ dùng để ăn tối.
|
Những người giàu có ở châu Âu thời Trung Cổ chuộng dùng đồ gốm sứ tráng men trong các bữa ăn. Ảnh: Life in a Medieval Castle.
|
Theo IB Times, các nhà nghiên cứu đã tiến hành phân tích hóa học và nhân chủng học trên các bộ xương để phân biệt nhóm người giàu và người nghèo cũng như mức độ nhiễm độc chì của họ.
Thông qua phân tích 207 bộ xương từ 6 nghĩa trang ở miền bắc nước Đức và Đan Mạch, nhóm nghiên cứu nhận thấy nguyên tố chì không có trong cơ thể những người nghèo và người sống ở nông thôn trong khi các cá nhân giàu có tại thành thị mang hàm lượng chì cao.
Vào thời Trung Cổ ở châu Âu (thế kỷ 5 - 15), lớp men tráng bát đĩa chứa thành phần chì. Chất hóa học này đi vào cơ thể khi con người ăn thực phẩm có tính axit. Tuy nhiên, chỉ tầng lớp giàu có ở thành thị mới đủ điều kiện ăn uống bằng đồ gốm tráng men. Ở nông thôn, đồ gốm tráng men kém phổ biến hơn và rất khó mua.
"Ở thời đó, oxit chì được sử dụng để tráng men gốm sứ. Nó rất hữu ích trong việc làm sạch những chiếc đĩa và khiến chúng trông đẹp hơn nên nhu cầu sử dụng kim loại độc này khá cao. Tuy nhiên, khi người dùng để thức ăn có muối hoặc tính axit trong đồ sứ tráng men, bề mặt lớp men sẽ phân hủy và làm rò rỉ chì", IB Times dẫn lời Kaare Lund Rasmussen, nhà nghiên cứu tại Đại học Nam Đan Mạch.
Ba trong số 6 nghĩa trang nằm ở những thành phố giàu có thời Trung Cổ, số còn lại là nghĩa trang dành cho người dân nông thôn. "Có sự khác biệt lớn về mức độ chì trong cơ thể những người được chôn cất tại các nghĩa trang. Điều này tùy thuộc họ sống ở đồng quê hay thành thị. Chúng tôi gần như không tìm thấy chì trong xương những người dân nông thôn. Ngược lại, các cá nhân sống ở thành phố có hàm lượng chì trong cơ thể rất cao", Rasmussen cho biết.
Nhiễm độc chì đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ em. Do hệ thần kinh của trẻ vẫn đang phát triển, chất độc chì có thể ảnh hưởng tới trí thông minh và khả năng học tập. Trước đây, các nhà khoa học cho rằng nhiễm độc chì cũng góp phần dẫn đến sự sụp đổ của đế chế La Mã.
"Ở thời Trung Cổ, việc hấp thụ chì là không thể tránh khỏi nếu sống trong môi trường giàu có hoặc tại thành phố. Nhưng điều nghiêm trọng hơn là tiếp xúc với chì sẽ dẫn tới những đứa trẻ có trí tuệ kém", Rasmussen nhấn mạnh.
Theo Vnexpress