Tại thành phố Kamakura thuộc tỉnh Kanagawa (Nhật Bản), có một ngôi chùa “đặc biệt” mang tên Matsugaoka Tōkei-ji (Hán Việt: Tùng Cương Sơn Đông Khánh Tự). Bên cạnh phong cách kiến trúc đặc trưng của Thiền Phật Giáo (Zen)1, đây còn là chốn dung thân và cứu giúp cho những phụ nữ bất hạnh trong gần sáu thế kỷ.
Ở cái thời mà người phụ nữ không có quyền đâm đơn ly dị chồng (cho dù bị ngược đãi thậm tệ), các nạn nhân thường lén trốn đến đây. Sau khi cùng trải qua cuộc sống tập thể, tu tập (Thiền) và phục vụ tại chùa một vài năm, giới chức Tōkei-ji sẽ thu xếp cho họ được ly hôn chồng. Kể từ đó, ngôi chùa được gán cho những cái tên như Enkiri-dera (Chùa cắt quan hệ), Kakekomi-dera (Chùa lánh nạn lúc nguy khốn), hay Rikonsuru-dera (Chùa ly hôn), ...
Cổng vào sảnh chính của ngôi chùa Matsugaoka Tōkei-ji ở Kamakura. Ảnh: Toshihiro Gamo/Flickr
Tōkei-ji được xây dựng vào năm 1285 bởi ni sư Kakusan-ni (Giác Sơn Ni, 1252 – 1306). Tên gọi tục gia của sư là phu nhân Horiuchi – vợ của quan nhiếp chính đại thần Hōjō Tokimune (1251 – 1284)2 thời Kamakura (Liêm Thương Mạc phủ, 1185 – 1333)3. Xuất thân từ gia tộc Adachi hùng mạnh và là đồng minh của nhà Hōjō, bà được huynh trưởng Adachi Yasumori (1231 – 1285) nuôi dưỡng từ 1 tuổi (sau khi cha qua đời sớm) và được hứa gả cho Hōjō Tokimune. Hai người cùng làm lễ thành hôn khi mới chỉ 9 và 10 tuổi, rồi chuyển đến sống tại lâu đài của gia tộc Hōjō. Bảy năm sau, Hōjō Tokimune trở thành nhiếp chính đại thần cho Mạc phủ, và trên thực tế là một trong ba người quyền lực nhất đất nước.
Sảnh chính Tōkei-ji Temple, Kamakura. Ảnh: Toshihiro Gamo/Flickr
Cả phu nhân Horiuchi và chồng đều là những tín đồ trung thành của Phật giáo và thường xuyên thực hành Thiền. Khi đại nhân Tokimune lâm bệnh hiểm nghèo năm 1284, họ đã cùng nhau xuống tóc tu hành và lấy pháp danh là Hokoji-dono Doko (Hōjō Tokimune) và Kakusan Shidō (phu nhân Horiuchi). Sau khi chồng qua đời, bà hứa sẽ xây dựng một ngôi chùa để tưởng niệm ông.
Một tượng phật trong khuôn viên chùa. Ảnh: Toshihiro Gamo/Flickr
Theo một số ghi chép (không rõ ngày tháng và tác giả), phu nhân Horiuchi đã yêu cầu con trai Hōjō Sadatoki – người thừa kế tước vị của cha mình – áp dụng một điều luật tại chùa Tōkei-ji để giúp đỡ những người phụ nữ bất hạnh muốn bỏ chồng. Đại nhân Sadatoki đã truyền đạt thỉnh cầu đó tới Thiên hoàng và được chấp thuận. Ban đầu, thời gian phục vụ bắt buộc tại chùa theo quy định là ba năm, sau được giảm xuống còn hai năm. Trong thời Tokugawa (Đức Xuyên Mạc Phủ, 1603 – 1868), Tōkei-ji đã giải quyết cho gần 2000 trường hợp ly hôn. Nhưng sau sự kiện Minh Trị Duy Tân (1868)4, một đạo luật mới được thông qua năm 1873 đã khiến chùa mất đi đặc quyền này, và tất cả các vụ ly hôn từ nay phải do tòa thụ lý. Ngoài ra, việc chùa không còn nguồn hỗ trợ tài chính quan trọng cũng khiến thiền viện cũ lâm vào cảnh suy tàn. Mặc dù vậy, Tōkei-ji vẫn trung thành với nguyên tắc là một ngôi chùa cưu mang phụ nữ và không tiếp đón nam giới. Đến năm 1902, sau khi một vị tăng lên nắm quyền (trụ trì), Tōkei-ji được chuyển đổi thành một chi nhánh và nằm dưới sự giám sát của Engaku-ji (Viên Giác Tự)5.
Đài tưởng niệm Ida Russell, nữ thiền sinh người Mỹ đầu tiên học Thiền tại Nhật Bản. Ảnh: jref.com
Năm 1923, toàn bộ ngôi chùa, trừ phần lầu đặt chuông, đã bị phá hủy trong thảm họa Động đất Kantō. Người Nhật sau đó đã dành gần một thập kỷ để khôi phục lại Tōkei-ji như diện mạo ban đầu.
Chú thích:
1. Phật giáo (Đại thừa) du nhập vào Nhật Bản qua ngả Trung Hoa và Triều Tiên từ thế kỷ VI, ban đầu rất được giới quý tộc cai trị ủng hộ nhưng lại chưa phổ biến trong dân chúng do giáo lý quá phức tạp. Những cải cách mang tính bước ngoặt bắt đầu diễn ra từ thời Mạc phủ Kamakura khi Phật giáo dần được bình dân hóa, nhiều tông phái mới ra đời với phương châm “cứu nhân độ thế”. Vì thế, Kamakura ngày nay còn được gọi là “Thánh địa Phật giáo và Thiền tông Nhật Bản”
2. Nhiếp chính đại thần Hōjō Tokimune còn được ca ngợi là người đã có công lãnh đạo quân dân Nhật Bản chống lại cuộc xâm lăng của đế quốc Mông Cổ (1274 – 1281) bằng đường biển.
3. Chế độ Mạc phủ là chính quyền của tầng lớp võ sĩ đạo thời phong kiến ở Nhật Bản, tồn tại từ năm 1192 đến 1867, trong khi triều đình (Thiên hoàng) trên thực tế chỉ đóng vai trò bù nhìn. Mô hình này có thể được so sánh với các chính quyền của chúa Trịnh và chúa Nguyễn trong lịch sử Việt Nam thời Lê Trung Hưng. Trong lịch sử Nhật Bản, tổng cộng đã có ba chính quyền Mạc phủ (Kamakura, Ashikaga, Tokugawa) với hai cách gọi tên: 1) dựa vào nơi đặt bản doanh của chính quyền quân sự; 2) dựa vào họ của Tướng quân (shōgun).
4. Năm 1868, Nhật hoàng khôi phục quyền uy, chấm dứt 265 năm cai trị của chế độ Mạc phủ Tokugawa và mở ra thời kỳ Minh Trị (1868 – 1912), bắt đầu công cuộc hiện đại hóa để vươn tới vị thế của một cường quốc thế giới.
5. Engaku-ji (Viên Giác Tự) là một ngôi chùa nổi tiếng nhất Nhật Bản, đứng thứ hai trong hệ thống Ngũ Sơn Thập Sát (năm núi, mười chùa). Đây là mô hình được du nhập từ Trung Quốc (tại hai thành phố Hàng Châu và Minh Châu) theo tông Lâm Tế.
Theo Amusing Planet