Các hóa thạch và đồ tạo tác được khai quật ở Kenya cho thấy tổ tiên của chúng ta đã sử dụng công cụ đá để làm thịt các loài động vật lớn.

Bên bờ hồ Victoria ở Kenya, các nhà khảo cổ học đã khai quật được hàng trăm công cụ bằng đá và hóa thạch có niên đại lên đến 3 triệu năm trước cùng với răng người và hài cốt hà mã cổ đại. Đây là bằng chứng trực tiếp đầu tiên cho thấy loài người từng sử dụng công cụ bằng đá để xẻ thịt và ăn động vật lớn. Nghiên cứu mô tả phát hiện được công bố vào ngày 9/2 trên tạp chí Science.

Với phát hiện mới, khu vực khảo cổ này trở thành một trong số ít khu vực có các công cụ từ đầu thời kỳ đồ đá.

Hominin - tông người bao gồm tổ tiên loài người ngày nay là Homo sapiens và các họ hàng - lần đầu tiên bắt đầu sử dụng các công cụ đá ít nhất 3,3 triệu năm trước. Các nhà nghiên cứu biết thông tin này nhờ các công cụ bằng đá được khai quật tại một địa điểm khác ở miền bắc Kenya.

Nhưng bộ công cụ bằng đá tiếp theo được biết đến, được gọi là công cụ Oldowan, lại xuất hiện sau đó những 700.000 năm. Oldowan phổ biến khắp châu Phi và châu Á. Đến nay vẫn chưa rõ công cụ đá được tạo ra và sử dụng như thế nào trong khoảng trống 700.000 năm này.

Các công cụ bằng đá được tìm thấy ở Kenya có niên đại lên đến 3 triệu năm.

Khu khai quật bên bờ hồ Victoria ở Kenya đem lại một số thông tin chi tiết mới. Vào đầu những năm 2000, một công nhân làm việc gần đó nói với các nhà nghiên cứu rằng anh nhìn thấy các công cụ bằng đá và hóa thạch động vật trồi lên khỏi mặt đất. Các nhà khảo cổ bắt đầu khai quật địa điểm này vào năm 2015. Qua nhiều mùa thực địa, họ đã khai quật được 330 đồ tạo tác, trong đó có 42 công cụ Oldowan nằm rải rác xung quanh xương của một con hà mã cổ đại. Một số xương hà mã, cũng như hài cốt động vật khác tại đây có dấu hiệu bị cắt và cạo bằng các dụng cụ đá.

Các phương pháp xác định niên đại cho thấy hài cốt có niên đại từ 2,6 triệu đến 3 triệu năm, do đó, các công cụ từng tác động lên hài cốt trở thành các công cụ Oldowan cổ nhất từng được tìm thấy, "lấp" vào khoảng trống 700.000 năm. Ngoài ra, phân tích vi mô một số công cụ chỉ ra, chúng còn được dùng để nghiền nguyên liệu thực vật, có thể là rễ hoặc củ cứng.

Những phát hiện này gợi ý rằng các công cụ bằng đá đóng vai trò quan trọng trong việc xử lý thực phẩm, Thomas Plummer - nhà cổ sinh vật học tại Đại học Queens, Đại học TP New York, đồng tác giả bài báo đăng trên Science -cho biết. Những người vượn người ban đầu chỉ có thể ăn những gì họ có thể xé bằng tay và răng, các công cụ bằng đá giúp họ xử lý thức ăn theo một cách khác, Plummer giải thích.

“Một con hà mã giống như một chiếc bao da khổng lồ. Bên trong chứa đầy những thứ có thể ăn được, nhưng không có công cụ bằng đá, không thể tiếp cận được", ông nói thêm.

Một bộ xương hà mã hóa thạch được tìm thấy cùng với các công cụ.

Khu vực này còn đem lại những mẫu vật giá trị khác, ngoài công cụ bằng đá và xương động vật. Khi một cơn giông ập đến vào ngày cuối cùng của mùa thực địa năm 2017, các nhà nghiên cứu tình cờ tìm thấy một chiếc răng thuộc về một họ hàng cổ xưa của con người, thuộc chi Paranthropus. Một chiếc răng Paranthropus khác sau đó lại được tìm thấy tại đây. Vì vậy, có thể các thành viên của chi Paranthropus, chứ không phải chi Homo như người hiện đại, đã sử dụng một số công cụ bằng đá để mổ thịt động vật lớn.

Harmand cho rằng không có gì đáng ngạc nhiên khi các chi vượn người khác tạo ra công cụ đá, vì các công cụ đầu tiên được biết đến có trước khi chi Homo xuất hiện. Nhưng những người khác không nghĩ như vậy.

“Cá nhân tôi không tin rằng Paranthropus đã tạo ra các công cụ Oldowan”, Mohamed Sahnouni, nhà khảo cổ học thời kỳ đồ đá cũ tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia Tây Ban Nha về Sự tiến hóa của Loài người, nói. Giải phẫu cho thấy chi này thích nghi tốt với việc ăn thức ăn thô và có thể không cần phải thành thạo việc sử dụng công cụ. Tuy nhiên, Sahnouni cho biết thêm rằng phát hiện này vẫn là “một bước đột phá lớn” giúp “làm sáng tỏ hành vi của những người chế tạo công cụ Oldowan thời kỳ đầu”.

Nguồn: