Vì sao học sinh muốn vào trường chuyên; trường chuyên đáp ứng kỳ vọng của các em như thế nào; nếu được chọn lại, các em có giữ nguyên quyết định không - Đỗ Quyên (lớp 12 Anh 2, Trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam) đã dành 2 tháng khảo sát và nghiên cứu tài liệu để trả lời những câu hỏi nêu trên.

Báo cáo “Trường chuyên dưới góc nhìn của học sinh chuyên” của Đỗ Quyên đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt tại Diễn đàn Giáo dục Việt Nam - Vietnam Educamp 2020 diễn ra vào cuối tuần qua ở Hà Nội. Dưới đây, KH&PT xin giới thiệu lược trích bài trình bày do em hoàn thành sau hai tháng khảo sát và nghiên cứu tài liệu.


Bài trình bày của Đỗ Quyên đã được chọn là một trong 6 bài trình bày thú vị nhất tại Diễn đàn Giáo dục Việt Nam 2020, đồng thời mang về cho em phần thưởng là khóa hướng dẫn nghiên cứu dành cho học sinh phổ thông trị giá 20 triệu đồng của Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Giáo dục EdLab Asia. Ảnh: TT

Khái niệm “chuyên” đã tồn tại trên thế giới từ xã hội cổ đại và đã luôn là một chiếc cân gánh oằn mình trước hai câu hỏi: phát triển tài năng hay đảm bảo công bằng (Davis & Rimm, 1988). Trung Quốc thời kì đầu tin rằng mọi trẻ em đều có quyền được tiếp cận giáo dục, nhưng họ đã phân loại học sinh theo khả năng. Những người được cho là có tài được đưa đến hoàng cung để học tập (Colangelo & Davis, 2003). Thời kì Phục hưng tại Châu Âu, họa sĩ, kiến trúc sư và nhà văn, hay tất cả các trí thức có tài năng đều được đánh giá cao, những người có tài vượt trội đều được quan tâm và có những phần thưởng xứng đáng (Colangelo & Davis, 2003; Witty, 1951). Nhìn chung, trong lịch sử, những người tài luôn được xã hội đánh giá cao và trọng dụng bằng hình thức này hay hình thức khác.

Trong thế giới hiện đại, các mô hình bồi dưỡng nhân tài ngày càng đa dạng và độ tuổi tập trung ngày càng được giảm thấp để phát huy tối đa tiềm năng của học sinh. Một số cách các nước đã thực hiện đào tạo học sinh tài năng có thể kể đến: chương trình bồi dưỡng cho trường công lập (Enrichment programme), chương trình rút ngắn (Compacting), chương trình học theo tốc độ cá nhân (Self-pacing), học vượt lớp (Acceleration), chuyên đề hội thảo tăng cường (Colloquium), chia nhóm nhỏ (Cluster grouping) và các trường lớp tài năng được chọn lọc (Loveless, n.d.). Với mô hình mở trường, lớp chọn toàn thời gian để cho các học sinh có năng khiếu được học tập, trên thế giới cũng có nhiều tên gọi và cách làm khác nhau nhưng tựu trung, học sinh đều phải làm các bài kiểm tra ở mức độ nâng cao hoặc có bảng điểm vượt trội để có thể vào được các ngôi trường tuyển chọn này.

Ở Việt Nam, các trường giáo dục năng khiếu được được vận hành theo mô hình “chuyên” (“specialized school”) và tùy theo đơn vị quản lí mà học sinh sẽ phải làm các bài kiểm tra giống các học sinh vào trường THPT kèm theo một bài kiểm tra môn chuyên, hoặc làm các bài kiểm tra hoàn toàn do trường chuyên tự ra đề. Học sinh trường chuyên được học sâu một môn chuyên đã thi đầu vào và phải hoàn thành các môn học khác trong chương trình giáo dục phổ thông do Bộ GD&ĐT Việt Nam ban hành cho học sinh trên toàn quốc (Bộ GD&ĐT, 2017). Ở tất cả các tỉnh thành hiện nay đều đã có trường chuyên; và cả nước có 84 trường THPT chuyên hoạt động cùng mô hình như trên.

Lí do học sinh chọn vào trường chuyên

Trong một khảo sát nhỏ do tác giả thực hiện trên 97 học sinh trường chuyên [THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam, THPT Chuyên Ngoại ngữ, THPT Chuyên Sư phạm, THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên] với ít nhất một năm trải nghiệm môi trường này, học sinh đưa ra các lí do sau về để giải thích lựa chọn của mình:

● Học chuyên sâu đam mê của mình
● Môi trường thuận lợi (bạn bè, thầy cô tốt)
● Cơ hội phát triển kĩ năng mềm, tham gia hoạt động ngoại khóa
● Cơ hội đi thi các kì thi quốc gia, quốc tế
● Cơ hội du học
Kết quả khảo sát lí do 97 học sinh vào trường chuyên tại Hà Nội.

Trong đó, 45% học sinh vào trường vì muốn du học, 25% vì môi trường thuận lợi, 15% do đam mê môn học, 8% vì cơ hội hoạt động ngoại khóa, 5% để tiếp xúc các kì thi trong nước và quốc tế và 2% vì các lí do cá nhân khác.

Qua quan sát thực tế và các nghiên cứu, các lí do này hoàn toàn có cơ sở để học sinh tin tưởng khi lựa chọn trường chuyên. Ngay từ tên gọi, trường chuyên đã thể hiện ưu tiên đào tạo mũi nhọn, cho phép học sinh được đi vào chuyên sâu môn học yêu thích và là sở trường của bản thân. Trong chương trình THPT hiện hành của Việt Nam, học sinh cần hoàn thành 13 môn học với khối lượng kiến thức lớn, tối thiểu 985 tiết học một năm học (Bộ GD&ĐT, 2017). Đây là một yêu cầu không dễ dàng cho các học sinh ở độ tuổi từ 15 đến 18, cần có các hoạt động phát triển kĩ năng, thể chất mà vẫn đảm bảo kết quả học tập đạt yêu cầu. Ở môi trường chuyên, học sinh được tập trung vào một số môn học mũi nhọn và đào sâu nghiên cứu sở trường của mình. Theo nghiên cứu của Johansson và Myrberg (2019), những học sinh có định hướng chuyên ngành sớm có khả năng thành công cao hơn ở các bậc học cao hơn.

Một lí do khác để học sinh mong muốn được vào trường chuyên là có môi trường học tập có nhiều thầy cô và bạn bè giỏi. Đối với những học sinh có khả năng tốt hơn các bạn đồng trang lứa, được tiếp xúc với các bạn có cùng trình độ và sở thích là một trong những nhu cầu lớn nhất để đối tượng này có thể phát triển tốt nhất cả về khả năng và tâm lý lứa tuổi. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng có bạn bè phù hợp khả năng, sở thích và hoàn cảnh có thể tăng khả năng thành công và giúp phát huy tiềm năng của cá nhân (Schmidt, 2020; Flashman, 2011). Những mối quan hệ hay tiếp xúc này có ảnh hưởng rất lớn đến các học sinh chuyên, giúp học sinh không chỉ có những trải nghiệm tâm lý đáng nhớ mà còn giúp họ phát huy các kĩ năng xã hội và học được những điều bổ ích với tâm lý thoải mái và với tốc độ mong muốn của bản thân. Một phóng sự của VTV24 (2020) khi phỏng vấn một cựu học sinh chuyên tại Hà Nội đã cho thấy rằng một lí do rất lớn, ảnh hưởng đến quyết định học tại môi trường có khối lượng áp lực lớn hơn chính là những người bạn với khả năng vượt trội của mình: “Học tại môi trường chuyên được tiếp xúc với rất nhiều bạn giỏi, đó là điều vẫn ảnh hưởng đến tôi tới tận bây giờ, các bạn bây giờ là những người rất thành đạt, có thu nhập cao và được trọng vọng trên các cương vị lớn trên thế giới.”

Bên cạnh đó, lợi ích của trường chuyên nổi bật trong hệ thống đào tạo công lập của Việt Nam là các cơ hội. Học sinh trong các ngôi trường này, ngoài công việc học tập còn được tạo điều kiện để tham gia các hoạt động ngoại khóa như các Câu lạc bộ, các chương trình nghệ thuật để phát triển các kĩ năng mềm và khám phá tiềm năng của bản thân. Nói như vậy không có nghĩa phủ nhận khả năng phát triển các kĩ năng và cơ hội tương tự cho học sinh của các trường THPT công lập thường, tuy nhiên thực tế cho thấy, mức độ quan tâm và phong trào tại các trường trên hầu như không thể cạnh tranh với các trường THPT năng khiếu, vốn là nơi khởi nguồn cho phương pháp giáo dục mới hướng tới sự năng động và toàn diện của học sinh (Trần, n.d.; "Sứ mệnh & Tầm nhìn | Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam", n.d.).

Một nguyên nhân khác hấp dẫn học sinh trường chuyên là để có cơ hội cao hơn trong các kì thi. Hình thức đào tạo năng khiếu được lập lên lần đầu tiên ở Việt Nam vào năm 1965 là lớp chuyên Toán của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Chín năm sau, trường đã đạt được huy chương vàng Olympic Toán quốc tế, mở ra thời kì gặt hái được rất nhiều thành tích cho trường chuyên Việt Nam (Bùi, 2020). Học sinh khối khoa học tự nhiên có xu hướng muốn vào trường chuyên để được đào tạo tham gia các kì thi quốc tế nhiều hơn các học sinh khối khoa học xã hội gồm các môn học không có các kì thi quốc tế.

Cuối cùng, nguyên nhân lớn nhất khiến học sinh mong muốn vào trường chuyên theo như khảo sát là để đi du học, chiếm 45%. Do quy mô khảo sát còn hạn chế và đối tượng khảo sát chưa toàn diện, số liệu chưa thể phản ánh hoàn toàn nhu cầu của học sinh. Tuy nhiên, không thể phủ nhận xu hướng học sinh đi du học ở các trường chuyên hiện nay. Do có khả năng vượt trội về các môn học chuyên sâu, học sinh chuyên thường có nhu cầu đến các nước phát triển để nâng cao năng lực học thuật của mình. Môi trường chuyên với hướng đào tạo chuyên sâu, cho học sinh thể hiện bản sắc cá nhân và niềm đam mê với môn học cùng các hoạt động ngoại khóa giúp thể hiện sự toàn diện dễ giúp các bạn ghi điểm trong mắt các nhà xét tuyển trên thế giới (Hoover, 2017; College Board, n.d.; University of Virginia, 2009).

Kỳ vọng của học sinh chuyên

Dựa trên khảo sát của tác giả và phân tích các nguyên nhân khiến học sinh chuyên mong muốn vào các ngôi trường đào tạo năng khiếu, học sinh trường chuyên có các kỳ vọng như sau:

• Tiếp xúc với nhiều cơ hội du học, học bổng
• Tham gia các hoạt động ngoại khóa có quy mô
• Rèn luyện các kĩ năng mềm/ kĩ năng của thế kỉ 21
• Học chuyên sâu môn chuyên
• Tham gia các kì thi Học sinh giỏi quốc gia, quốc tế
• Có các cơ hội nghiên cứu, trao đổi, v.v

Trong một nghiên cứu hiếm hoi về các khuôn mẫu của học sinh trường chuyên (Vũ, 2019), tác giả chỉ ra rằng những khuôn mẫu “nhà lãnh đạo”, “nhà khoa học”, “công dân toàn cầu”, “người nghệ sĩ” (trang 500-504) mà truyền thông khắc họa học sinh trường chuyên đều dựa trên chính cơ sở những thành công mà các thế hệ học sinh trường chuyên mang lại và tác động ngược lại, trở thành hình ảnh chuẩn mực cho các học sinh chuyên thế hệ sau noi theo, hình thành quan điểm về nhu cầu của các học sinh và tiêu chuẩn phấn đấu cho các trường chuyên.

Tương tự với số lượng học bổng, số lượng học sinh du học, các trường chuyên cũng dẫn đầu trên phương diện này. Nhiều trường đại học lớn trên thế giới có những chính sách ưu tiên với học sinh chuyên, trong đó những trường đại học hàng đầu của Úc chấp nhận tuyển thẳng học sinh từ các trường chuyên mà không cần qua dự bị ("Direct entry for Vietnamese students", n.d.; "Sydney accepting the best students from Vietnam", 2018).

Học sinh tại các trường chuyên cũng chiếm đa phần các giải thưởng và huy chương của các cuộc thi khu vực và quốc tế ("Phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài qua mô hình đào tạo học sinh chuyên ở ĐHQGHN", n.d.; "Minh chứng về thành công của mô hình đào tạo học sinh chuyên ở ĐHQGHN", 2020). Những thành công này góp phần tác động vào tâm lí chung của học sinh trường chuyên, tạo nên những kì vọng tương xứng để học sinh có thể tiếp tục đạt được những thành tựu như những “khuôn mẫu” mà người đi trước đã tạo nên.

Tựu trung, học sinh chuyên tại Việt Nam cũng như trên thế giới đều có những nhu cầu cơ bản: được học một chương trình có đủ độ thử thách về môn học năng khiếu, được tiếp xúc với bạn bè cùng khả năng, được thấu cảm bởi người lớn về khả năng của mình, được thử thách và được thể hiện bản thân (Osborn, 1996). Sự khác biệt lớn nhất trong nhu cầu của học sinh chuyên Việt Nam và các nước khác rút qua so sánh ở các nghiên cứu cho thấy, học sinh nước ngoài có nhu cầu tham gia các chương trình đào tạo năng khiếu để được đồng cảm và thấu hiểu tài năng của mình cao hơn học sinh Việt. Tài năng của họ thường bị coi là khác biệt và dẫn đến khó khăn trong giao tiếp và phát triển xã hội với bạn đồng trang lứa (Derek, 2018).

Khảo sát của tác giảcho thấy, phần lớn học sinh chuyên cảm thấy nhu cầu học tập của mình đươc đáp ứng đầy đủ tại môi trường chuyên.

64% đồng ý rằng những nguyện vọng của bản thân được đáp ứng ở môi trường đào tạo năng khiếu, trong khi đó chỉ có 8% không đồng ý với quan điểm trên.
Trả lời câu hỏi hỏi “Nếu được chọn lại, bạn có muốn học trường chuyên không”, những học sinh với ít nhất một năm đã trải nghiệm môi trường này cho những câu trả lời tích cực: 77% vẫn sẽ chọn trường chuyên là nơi học tập, và khoảng 10% cho biết không trở lại trường chuyên.
Nhìn vào câu trả lời của học sinh chuyên về yếu tố tạo nên thành công của họ tại trường chuyên, có thể rút ra kết luận về mức độ quan trọng của môi trường đối với sự phát triển của họ. Trên thang điểm 10, bạn bè có số điểm trung bình cao nhất (7,7). Người trả lời khảo sát cho rằng bản thân chiếm vị trí quan trọng thứ hai, sau đó mới đến giáo viên và chương trình học. Với cách làm hiện nay của nước ta, chưa có một chương trình riêng dành cho học sinh chuyên hoặc một chương trình riêng đào tạo giáo viên chuyên, theo tác giả khảo sát, đây không phải là một kết quả bất ngờ.

Tài liệu tham khảo

Adams, A. (2016). Does Attending a Specialized High School Make a Difference? - New York School Talk. Truy xuất từ https://newyorkschooltalk.org/2016/11/attending-specialized-high-school-make-difference/

Blazar, D., & Kraft, M. (2020). Teacher and Teaching Effects on Students’ Attitudes and Behaviors. Retrieved 1 August 2020, from https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5602565/

Bộ Giáo dục và Đào tạo. (2017). Chương trình giáo dục phổ thông-Chương trình tổng thể (pp. 10,11). Hà Nội.

Bronfenbrenner, U., & Ceci, S. J. (1994). Nature-nuture reconceptualized in developmental perspective: A bioecological model. Psychological Review, 101(4), 568–586. https://doi.org/10.1037/0033-295X.101.4.568

Bùi, T. (2020). Minh chứng về thành công của mô hình đào tạo học sinh chuyên ở ĐHQGHN. Truy xuất từ http://vnu.edu.vn/ttsk/?C2090/N16780/Minh-chung-ve-thanh-cong-cua-mo-hinh-dao-tao-hoc-sinh-chuyen-o-dHQGHN.htm

Colangelo, N., & Davis, G. A. (2003). Introduction and overview. In N. Colangelo & G.A. Davis (Eds.), Handbook of gifted education (3rd ed., pp. 3–10). Boston, MA: Pearson Education.

College Board. Help your students understand what really matters to colleges. Truy xuất từ https://professionals.collegeboard.org/guidance/applications/decisions

Davis, G. A., & Rimm, S. B. (Eds.). (1998). Education of the gifted and talented (4th ed.). Needham Heights, MA: Allyn & Bacon.

Department of Education, Government of Western Australia. (n.d.). Truy xuất từ https://www.education.wa.edu.au/selective-schools

Department of Education and Training, Victoria State Government. (n.d.). Truy xuất từ https://www.education.vic.gov.au/parents/going-to-school/Pages/selective-entry-high-schools.aspx

Derek, P. (2018). Social and Emotional Learning Needs of Gifted Students (Doctoral). Walden University.

Direct entry for Vietnamese students. Truy xuất từ https://study.unimelb.edu.au/how-to-apply/undergraduate-study/international-applications/entry-requirements/indicative-entry-scores-international-students/direct-entry-for-vietnamese-students

Efklides, A. (2019). Gifted students and self-regulated learning: The MASRL model and its implications for SRL. High Ability Studies, 30(1–2), 79–102. https://doi.org/10.1080/13598139.2018.1556069

Ericsson, K. A., Krampe, R. T., & Tesch-Römer, C. (1993). The role of deliberate practice in the acquisition of expert performance. Psychological Review, 100(3), 363–406. https://doi.org/10.1037/0033-295X.100.3.363

Flashman, J. (2011). Academic Achievement and Its Impact on Friend Dynamics. Sociology Of Education, 85(1), 61-80. DOI: 10.1177/0038040711417014

Johansson, S., & Myrberg, E. (2019). Teacher specialization and student perceived instructional quality: what are the relationships to student reading achievement?. Educational Assessment, Evaluation And Accountability, 31(2), 177-200. DOI: 10.1007/s11092-019-09297-5

Hamblin, R. L., Hathaway, C., & Wodarski, J. (1973). Group Contingencies, Peer Tutoring and Accelerating Academic Achievement. School Psychology Review, 2(2), 36–41. https://doi.org/10.1080/02796015.1973.12086068

Hoàng, A. (2020). Nên nhìn nhận thế nào về học sinh có năng khiếu?. Truy xuất từ https://hocthenao.vn/2020/06/27/nen-nhin-nhan-the-nao-ve-hoc-sinh-co-nang-khieu/

Hoover, E. (2017). What Colleges Want in an Applicant (Everything). Truy xuất từ https://www.nytimes.com/2017/11/01/education/edlife/what-college-admissions-wants.html
Kell, H., Lubinski, D., & Benbow, C. (2013). Who Rises to the Top? Early Indicators. Psychological Science, 24(5), 648-659. DOI: 10.1177/0956797612457784

Lê, P. (n.d.). GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC CHƯA ĐÁP ỨNG YÊU CẦU THỰC TIỄN. http://quochoi.vn/UserControls/Publishing/News/BinhLuan/pFormPrint.aspx?UrlListProcess=/content/tintuc/Lists/News&ItemID=42321

Lubinski, D., Benbow, C., & Kell, H. (2014). Life Paths and Accomplishments of Mathematically Precocious Males and Females Four Decades Later. Psychological Science, 25(12), 2217-2232. DOI: 10.1177/0956797614551371

Lubinski, D., Benbow, C., Webb, R., & Bleske-Rechek, A. (2006). Tracking Exceptional Human Capital Over Two Decades. Psychological Science, 17(3), 194-199. DOI: 10.1111/j.1467-9280.2006.01685.x

Miedijensky, S. (2018). Learning environment for the gifted—What do outstanding teachers of the gifted think?. Gifted Education International, 34(3), 222-244. DOI: 10.1177/0261429417754204

Minh chứng về thành công của mô hình đào tạo học sinh chuyên ở ĐHQGHN. (2020). Truy xuất từ http://vnu.edu.vn/ttsk/?C2090/N16780/Minh-chung-ve-thanh-cong-cua-mo-hinh-dao-tao-hoc-sinh-chuyen-o-dHQGHN.htm

National Grammar Schools Association. (n.d.). Truy xuất từ https://ngsa.org.uk/faqs.php
New South Wales Government. (n.d.). Truy xuất từ https://education.nsw.gov.au/public-schools/selective-high-schools-and-opportunity-classes/year-7/what-are-selective-high-schools
Loveless, B. (n.d.). Forms of Gifted Education for Students. Truy xuất từ https://www.educationcorner.com/forms-of-gifted-education.html

Osborn, J. (1996). Needs of Gifted and Talented Children. Youth Mental Health Update, 8(4), 3-5.

Phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài qua mô hình đào tạo học sinh chuyên ở ĐHQGHN. (n.d.). Truy xuất từ http://vnu.edu.vn/ttsk/?C2090/N16648/Phat-hien,-dao-tao,-boi-duong-nhan-tai-qua-mo-hinh-dao-tao-hoc-sinh-chuyen-o-dHQGHN.htm

Reid, E., & Horváthová, B. (2016). Teacher Training Programs for Gifted Education with Focus on Sustainability. Journal of Teacher Education for Sustainability, 18(2), 66–74. https://doi.org/10.1515/jtes-2016-0015

Schmidt, S. (2020). The importance of friendships for academic success. Journal Of Food Science Education, 19(1), 2-5. DOI: 10.1111/1541-4329.12176

Sứ mệnh & Tầm nhìn | Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. Truy xuất từ http://hn-ams.edu.vn/su-menh-tam-nhin

Stone, A. (2014). How Data-Driven Learning is Changing Education. https://www.govtech.com/education/How-Data-Driven-Learning-is-Changing-Education.html

Subotnik, R. F., Olszewski-Kubilius, P., & Worrell, F. C. (2011). Rethinking Giftedness and Gifted Education: A Proposed Direction Forward Based on Psychological Science. Psychological Science in the Public Interest, 12(1), 3–54. https://doi.org/10.1177/1529100611418056

Sydney accepting the best students from Vietnam. (2018). Truy xuất từ https://www.sydney.edu.au/news-opinion/news/2018/01/29/-sydney-accepting-the-best-students-from-vietnam.html

Thủ tướng (2006). Quyết định số 61/2006/NĐ-CP về các trợ cấp cho giáo viên và học sinh trường chuyên. Truy xuất từ http://vanban.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?class_id=1&_page=1&mode=detail&document_id=15321#:~:text=Ngh%E1%BB%8B%20%C4%91%E1%BB%8Bnh%20s%E1%BB%91%2061%2F2006,h%E1%BB%99i%20%C4%91%E1%BA%B7c%20bi%E1%BB%87t%20kh%C3%B3%20kh%C4%83n

Trần, T. (n.d.). Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ có điểm gì hấp dẫn? | Trường THPT Chuyên Ngoại Ngữ. Truy xuất từ http://flss.vnu.edu.vn/tin-tuc/truong-thpt-chuyen-ngoai-ngu-co-diem-gi-hap-dan-0

Trường Ams có nhóm học sinh đầu tiên của Việt Nam đi thi robot quốc tế. (2017). Truy xuất từ https://kenh14.vn/truong-ams-co-nhom-hoc-sinh-dau-tien-cua-viet-nam-di-thi-robot-quoc-te-20170327111913543.chn

University of Virginia. (2009, March 10). Students Benefit From Depth, Rather Than Breadth, In High School Science Courses. Science Daily. Truy xuất từ www.sciencedaily.com/releases/2009/03/090305131814.htm

VanTassel-Baska, J., Bass, G., Ries, R., Poland, D., & Avery, L. D. (1998). A National Study of Science Curriculum Effectiveness With High Ability Students. Gifted Child Quarterly, 42(4), 200–211. https://doi.org/10.1177/001698629804200404

VTV24. (2020). Đã đến lúc đánh giá lại hệ thống trường THPT chuyên? [Video]. Truy xuất từ https://www.youtube.com/watch?v=FlAIqnxQYyI

Vũ, H. L. (2019). Một phân tích về Mẫu rập khuôn trên truyền thông và tác động của nó lên học sinh trường chuyên (nghiên cứu trường hợp học sinh trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam). Tạp Chí Khoa Học Xã Hội Và Nhân Văn (VNU Journal Of Social Sciences And Humanities), 5(4), 520-537. DOI: 10.33100/tckhxhnv5.4.vuhoanglong

Watters, J. J.. (2010). Career Decision Making Among Gifted Students: The Mediation of Teachers. Gifted Child Quarterly. Gifted Child Quarterly. http://doi.org/10.1177/0016986210369255

Witty, P. (1951). Nature and extent of educational provisions for the gifted pupil.
Educational Administration and Supervision, 37, 65–79.