Nếu như bạn thích ở nhà hơn là tham dự bữa tiệc Giáng sinh ở chỗ làm, bạn có thể thở phào nhẹ nhõm: các nhà khoa học chỉ ra rằng người mời không “để bụng" nếu bạn từ chối lời mời của họ.

South_agency/Getty Images
Việc từ chối lời mời của người khác không tệ như các bạn nghĩ, và bạn thậm chí có thể từ chối nhiều lời mời hơn, thay vì cả nể như hiện tại. Ảnh: South_agency/Getty Images

Khi nhận được lời mời tham dự bữa tiệc nhưng không muốn đi, bạn sẽ băn khoăn liệu có nên từ chối lời mời hay không bởi có thể chủ nhân bữa tiệc sẽ thất vọng. Điều này thậm chí có thể khiến lần sau họ không muốn mời bạn nữa. Tuy nhiên, một nhóm các nhà khoa học Mỹ đã phát hiện ra rằng điều này không nghiêm trọng như bạn nghĩ.

“Tất cả những người gửi lời mời đã cân nhắc kỹ càng việc bạn có thể sẽ từ chối, vì vậy họ đã chuẩn bị trước cho các rủi ro sẽ xảy đến", các tác giả viết.

Nghiên cứu này bao gồm 5 thí nghiệm với 2.000 người tham gia. Kết quả nghiên cứu được đăng trên Journal of Personality and Social Psychology.

Ở thí nghiệm đầu tiên, 382 người tham gia trực tuyến được chia làm 2 nhóm. Một nhóm được yêu cầu đọc lời mời từ một người bạn giả định tới dự buổi triển lãm ở một bảo tàng địa phương diễn ra vào cuối tuần, và tưởng tượng việc từ chối bằng cách giải thích rằng họ chỉ muốn ở nhà và thư giãn. Một số người được cho biết rằng họ là người duy nhất được mời, trong khi một số khác được cho biết họ chỉ là một trong số rất nhiều người được mời.

Các tình nguyện viên sau đó sẽ dự đoán mức độ nghiêm trọng của việc từ chối, chẳng hạn người mời sẽ giận dữ như thế nào, người mời sẽ nghĩ rằng bạn không quan tâm đến họ ra sao, và mức độ mà người tham gia nghĩ lời từ chối sẽ ảnh hưởng đến việc họ nhận được ít lời mời hơn trong tương lại.

Trong khi đó, nhóm còn lại sẽ tưởng tượng họ là người tổ chức, và đánh giá mức độ cảm nhận của bản thân về lời từ chối.

Kết quả, bất kể có bao nhiêu người được mời, những người từ chối cũng vẽ ra một bức tranh u ám hơn về hậu quả so với cảm xúc thực sự của chủ nhân lời mời. Kết luận này xét cả hai khía cạnh, gồm mức độ thất vọng của người tổ chức và việc từ chối sẽ dẫn đến nhận được ít lời mời hơn về sau.

Theo TS. Julian Givi, người đứng đầu nhóm nghiên cứu, hiện đang công tác tại ĐH Tây Virginia (West Virginia University), “Từ kết quả các thí nghiệm của chúng tôi, chúng tôi luôn thấy rằng những người từ chối đã trầm trọng hoá hậu quả tiêu cực có thể xảy đến”. Ngay cả trong thực tế, nếu chủ nhân bữa tiệc và người được mời thực sự quen biết nhau, kết quả vẫn như vậy.

Đáng chú ý, một thí nghiệm khác chỉ ra rằng người từ chối có khuynh hướng ít lo lắng hơn nếu trước đây bản thân họ cũng đã từng bị từ chối.

Ngoài ra, các nhà khoa học còn phát hiện lý do đằng sau nỗi lo về việc từ chối lời mời không phải bắt nguồn từ suy nghĩ bản thân là “cái rốn" vũ trụ hay nỗi sợ sẽ không được mời trong lần tới. Căn nguyên thực sự đằng sau đó là người từ chối e ngại người mời sẽ chỉ chăm chăm vào cảm giác bẽ bàng vì bị từ chối mà không chấp nhận rằng người từ chối không thể đi được vì lý do bất khả kháng.

Theo nhóm nghiên cứu, kết quả này sẽ là cơ sở để mọi người có thể áp dụng vào thực tế. “Nghiên cứu của chúng tôi gợi ý rằng việc từ chối lời mời của người khác không tệ như các bạn nghĩ, và bạn thậm chí có thể từ chối nhiều lời mời hơn, thay vì cả nể như hiện tại.”

Nguồn: