Lần theo hồi ức của thi sĩ Quang Dũng vừa mới được công bố, xuất bản trọn vẹn gần đây, “Đoàn binh Tây Tiến - Đoàn Võ trang Tuyên truyền Biên khu Lào Việt” (2019), thì địa danh Mường Lát chỉ xuất hiện gần cuối,
khi ông kể đến thời điểm Đoàn võ trang Tuyên truyền di chuyển từ Hồi Xuân (có lẽ thuộc đất Quan Hóa) sang Mường Khiết rồi Mường Lý, “rậm rạp, lau cao, cỏ tranh mọc cao hơn đầu người”. Nhưng, ngạc nhiên thay, những ghi chép của ông về Mường Lát thật sáng rõ, giàu cảm xúc và sinh động.
“Mường Lát - Quang Dũng nhớ lại, vào năm 1952, sau khi đã rời đoàn binh Tây Tiến. Sông Mã ở đây réo ầm ầm như thác. Rải rác quãng đường biên giới, thỉnh thoảng những nấm mồ đất mới đắp, còn những vòng hoa rừng đã úa hắc [...] Sự im lặng của những nấm mồ gợi cho chúng ta tưởng đến cái nghĩa cao cả hi sinh của những bạn chiến đấu đã nằm xuống”. Phải tận mắt ngắm nhìn sông Mã, mà nhìn chung, không khác lắm với mô tả của Quang Dũng ngày xưa, khi thì “nhiều đoạn thắt hẹp lại. Dòng nước hiền từ len lỏi qua các kè đá”, khi lại có “quãng sông trong xanh êm êm trôi như một con sông phúc hậu ở miền xuôi, đủng đỉnh đi ngang sông một chiếc thuyền độc mộc, có màu khăn trắng váy chàm, có bàn tay mềm mại những bản nào xanh um bóng trẩu” thì mới vỡ lẽ vì sao câu mở đầu thi phẩm Tây Tiến, Quang Dũng lại thảng thốt “Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi”. Hơn 70 năm sau ngày Quang Dũng viết thi phẩm trứ danh ấy, tôi cũng đứng ngắm nhìn sông Mã, từ đầu nguồn Tén Tằn giáp Lào xuôi về Mường Lý, bao trọn cả biên viễn Mường Lát xa xôi.
Kì vĩ núi cao
Là huyện lị tách ra từ châu Quan Hóa, Mường Lát không có nhiều di tích lịch sử, văn hóa lớn và lâu đời. Bù lại, Mường Lát gây ấn tượng sâu đậm bởi cảnh quan địa lí và một số thắng cảnh đặc trưng của miền biên viễn. Không có các khu đồng bằng, châu thổ rộng lớn, Mường Lát hiện diện sừng sững và bất tận trong những dãy núi đá vôi cao lớn kéo dài.
Có độ cao trung bình từ 700m trở lên, hệ thống núi ở Mường Lát chạy theo hướng Tây-Đông tạo thành những bức bình phong đồ sộ, trùng điệp bắt đầu từ tả ngạn phía Tây Bắc đến ranh giới các tỉnh Sơn La và Sầm Nưa, Hủa Phăn (Lào) mà đứng từ xa, có thể liên tưởng đến bức họa đa màu sắc của tạo hóa, khi trắng phau, khi xám xịt khi ngút ngàn xanh thẳm.
Hầu như bản làng nào cũng có những dãy núi cao án ngữ, che chắn, xâm nhập sâu vào các khu vực quần tụ của cư dân. Đặc biệt, có một số đỉnh núi cao trên 1.000m, vượt quá tầm nhìn thông thường nhưng lại hấp dẫn, sinh động nhờ hình dáng hùng vĩ, tráng lệ của nó: núi Tén Hóm (bản Sài Khao, xã Mường Lý); núi Pha Đén thuộc xã Pù Nhi; núi Pha Loi của xã Tam Chung; núi Pha Khâm của xã Trung Lý…
Ở trên hệ thống núi cao này, khí hậu khá mát mẻ, trong lành. Mùa hè không hề nóng nực, nhiệt độ tháng 7 cao điểm mùa hè chỉ dưới 26 độ C. Trong khi đó, vào tháng Giêng, nhiệt độ trung bình là 15 độ C (có nơi còn xuống 13 độ C). Bảng nhiệt và điều kiện khí hậu lí tưởng là yếu tố thuận lợi để có thể chinh phục các cung đường hiểm trở, hùng vĩ nơi đây.
Đặc biệt, các vùng cao và triền núi Mường Lát thường xuyên đổi sắc nhờ những rừng mận, rừng đào và rừng hoa ban bung nở bạt ngàn. Dịp cuối xuân, hoa xoan dọc theo các triền núi thấp đột ngột nở trắng, pha tím nhạt kéo dài điệp trùng vô tận. Chưa kể, c ác loại cây rau quả, bí ngô, dứa, táo mèo cũng đua nhau xanh thắm.
Trong khi mải miết gối tiếp nhau kết dính thành những nếp uốn lượn, hệ thống núi vốn giàu trầm tích đá vôi và nham rhyolit bỗng nhiên bị xẻ thành các hẻm vực sâu, dốc thẳng đứng và ngoằn ngoèo hiểm trở, đổ xuống những thung lũng không quá lớn nhưng được bồi tụ nhiều lớp đất phù sa của sông Mã bị kẹp trong khối granit ở hạ Mường Lát.
Bắt nguồn từ Lào, sông Mã xuyên qua Tén Tằn, Tam Chung, Mường Lý và Trung Lý của Mường Lát như một cung đường thủy văn “độc hành” táo tợn và quyết liệt, sẵn sàng bổ đôi các dãy núi cao để men theo lòng chảo thung lũng và những khu đồng bằng ven đồi thấp.
Ngoài chức năng cung cấp nguồn nước sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp và thủy điện cỡ nhỏ, sông Mã và các chi lưu của nó còn góp phần tạo dựng cảnh quan vừa kì vĩ vừa thơ mộng cho vùng đất Mường Lát. Từ trên các cung đường ngoằn ngoèo theo triền núi, có thể nhìn thấy sông Mã thẳm sâu vời vợi, miệt mài cuồn cuộn về xuôi như một chứng nhân vĩ đại trước bao biến động vật đổi sao dời của tạo hóa và thế thái nhân tình.
Hệ thống suối nhỏ ăn theo sông Mã chạy qua hầu hết các bản làng, nép mình dưới các thửa ruộng bậc thang hoặc các chân núi cao đã làm cho địa hình Mường Lát trở nên sinh động và hấp dẫn đối với lữ khách phương xa, nhất là những người ưa khám phá, chinh phục thiên nhiên. Đáng chú ý hơn, do gắn bó chặt chặt chẽ với sinh hoạt và cuộc sống thường ngày, một số suối đã xuất hiện trong các truyện kể, truyền thuyết dân gian của cư dân địa phương. Chẳng hạn, một truyện kể nổi tiếng là truyền thuyết Khun Lù, nàng Ủa của dân tộc Thái. Trong truyền thuyết này, suối Sui là nơi chị em người Thái ra suối gội đầu và nhặt được quả sung do chàng trai Khơ Mú thả trôi theo dòng nước. Ăn quả sung đó, hai chị em đều có thai và sinh con. Người chị sinh con trai đặt tên là Khun Lùn, người em sinh con gái đặt tên là Nàng Úa. Câu chuyện tình éo le, bi thảm của chàng Khun Lùn và Nàng Úa vẫn được lưu truyền đến và địa danh suối Sui vẫn còn đến hôm nay chứng minh sự gắn bó mật thiết giữa các suối nước và cư dân bản địa. Nói đúng hơn, quá trình định cư của các tộc người ở Mường Lát đều men theo sông suối, một mắt xích thiết yếu đảm bảo mùa màng tươi tốt, no ấm.
Duyên dáng ruộng bậc thang
Cũng từ hệ thống sông, suối mà Mường Lát có khá nhiều cánh đồng ruộng bậc thang. Không có vùng đồng bằng rộng lớn, địa hình đồi núi điệp trùng ở Mường Lát chỉ có thể tạo những cánh đồng ruộng bậc thang diện tích nhỏ, men dưới chân núi và có độ dốc khá lớn. Cũng có những thửa ruộng bậc thang hình thành trên triền dốc thoai thoải, ăn theo lớp phù sa từ các lòng suối và sông Mã. Nhưng chính các thửa ruộng bậc thang này lại đem đến nhiều thay đổi cảnh sắc trong năm, với màu vàng xám vào mùa lấy nước, màu xanh mướt vào mùa lúa non và màu vàng ươm vào mùa lúa chín. Chúng cũng khiến cho núi rừng có thêm những khúc quanh, những đường cong uốn lượn như sóng. Khác với địa hình núi sinh thành tự nhiên, ruộng bậc thang Mường Lát là kết quả của bàn tay lao động, của sự chăm chút và bồi đắp của con người.
Ruộng bậc thang bản Tén Tằn (xã Tén Tằn) là ruộng bậc thang có diện tích vào loại lớn nhất của huyện Mường Lát. Nằm ven chân núi, chạy song song và kề sát lòng sông Mã, ruộng bậc thang Tén Tằn như một cánh quạt xòe rộng nép mình dưới những mái nhà sàn. Trải dài từ cuối bản Chiềng Cồng, cánh đồng này khi rộng khi hẹp, khi đổ dốc thẳng đứng, khi thoai thoải uốn theo đường tỉnh lộ và ngược lên đến điểm nối giữa suối Sim và sông Mã.
Với diện tích khoảng 36ha, ruộng bậc thang Tén Tằn đem đến cảm giác thỏa thích, bát ngát tầm mắt khi quan sát nhịp điệu lên xuống đều tăm tắp của cánh đồng. Vốn được khai phá từ lâu đời, các thành ruộng ở đây rất chắc chắn, đổ dốc thẳng đứng xuống lòng sông Mã, tạo nên những đường gờ nổi như gân lá ẩn dưới màu xanh mênh mông của lúa non. Khi lúa chín, lập tức cánh đồng vàng ươm, vào những lúc nắng xế chiều, sắc vàng càng đậm màu, miên man chảy tràn theo chiều gió. Vào thời khắc đó, sức cuốn hút của cánh đồng Tén Tằn không hề thua kém các thửa ruộng bậc thang ở Hà Giang, Yên Bái.
Nằm dọc theo bờ suối Xim, suối Mờng và nằm dưới chân đồi Tén Kéo, ruộng bậc thang bản Mờng (xã Quang Chiểu) có diện tích khoảng hơn 2ha, hình dáng tựa như một mâm xôi, uốn cong theo dòng chảy của suối Xim. Khác với ruộng bậc thang Tén Tằn nằm khá cao trên sườn núi, ruộng bậc thang bản Mờng có địa thế thấp và bằng phẳng hơn. Bề mặt ruộng không bị giật cấp quá cao mà chỉ gối lên nhau như nếp gấp mềm mại, cách mặt suối khoảng 2m. Vì thế, nếu quan sát từ trên cao, cánh đồng này tựa như chiếc lá sen khổng lồ nhoài mình ra phía dòng nước cuồn cuộn phù sa. Vào mùa lấy nước chuẩn bị gieo cấy, ruộng ngả màu vàng nhạt do màu đất phù sa cổ hòa lẫn với đất feralit. Vào mùa lúa chớm thì con gái, cánh đồng chuyển sang màu xanh mướt, mờ ảo dưới làn hơi sương bảng lảng. Vào thời điểm lúa chín, cánh đồng vàng ươm như giọt mật ong rừng đọng dưới chân núi. Cứ như thế, đông tàn xuân tới, cánh đồng bản Mờng lặng lẽ phổ vào trời đất những biến ảo sắc màu mê hoặc lòng người. Ở đấy, tĩnh lặng, bình yên và sắc dáng tuyệt đẹp của cánh đồng đã tạo nên sự hài hòa giữa núi cao và ruộng thấp, giữa gian khó đường đi lối lại và nỗ lực gầy dựng sinh kế của người dân.
Sài Khao sương lấp
Sài Khao là một trong 16 bản của xã Mường Lý, nằm cách trung tâm xã khoảng 22km về phía Tây.
Cung đường lên Sài Khao là một tuyệt phẩm hùng vĩ và tráng lệ mà tạo hóa đã kì công tạo dựng, vừa để thử thách lòng người, vừa biến mọi thứ nơi đây trở nên đặc biệt khó lẫn. Vào mùa hè, từ chân núi, trong khi nhiệt độ và không khí khá nóng, oi bức thì khi đến đỉnh núi, mà Tén Hóm vào dạng cao nhất ở Sài Khai (cao trên 1.052m), lập tức nhiệt độ hạ xuống, cả bầu trời chuyển sang mát dịu, se lạnh. Trên đỉnh núi, sương bảng lảng xen vào từng ngọn cỏ cành cây, sà áp vào mặt người trong từng nhịp thở. Những hôm trời nắng, sương tan nhanh hòa lẫn vào mây trắng rồi dồn thành dải dài như lụa mềm quấn quanh lưng chừng núi hay neo trên những mái nhà thấp thoáng dưới rừng cây.
Sài Khao mùa nắng nóng vẫn như một Đà Lạt của miền biên viễn, bồng bềnh trong sương và gió. Sắc hoa mận, hoa ban đầu hạ nở trắng miên man, phủ kín những cung đường thẫm đỏ màu đất ngoằn ngoèo nối từ triền núi này sang triền núi khác. Giữa lưng chừng triền núi, ngoài màu xanh cây rừng và cỏ tranh, là những chiếc váy sặc sỡ đỏ hồng của những người phụ nữ Mông đi làm nương. Chiều đến, ánh hoàng hôn nhuộm ối màu vàng ngà, tĩnh lặng mênh mông nhấp nhô theo dáng núi im lìm bất tận.
Vẻ hoang sơ mà kì vĩ của đất trời Sài Khao vào lúc bình minh mới chớm có thể khiến khách lữ hành liên tưởng đến khoảnh khắc chuyển đổi kì diệu khi lớp sương mỏng bắt đầu tan trên lá và cất mình lên không trung. Vậy nhưng, vào mùa đông, nhiệt độ Sài Khao xuống thấp, hơi rét căm căm, đường trơn trượt, bùn lầy dưới những đợt mưa rừng không ngớt. Những vách núi đá dựng đứng ngả sang màu xám, sừng sững dưới màn sương dày đặc.
Sài Khao bốn mùa đều là hiện thân đời sống đồng bào H’mông khó khăn, thiếu thốn. Nhưng phàm đã đến Mường Lát mà không đến Sài Khao thì hành trình mất thú vị, bởi ở đó, như Quang Dũng và những đồng đội trẻ trung, lãng mạn trong Đoàn Võ trang Tuyên truyền đã từng sống trải, sẽ cho chúng ta cái nhìn lắng sâu về thiên nhiên lẫn sự riêng khác trong văn hóa vùng cao.
Ngày Quang Dũng đặt chân đến Sài Khao, ông “cắm đầu xuống mà trèo, chỉ trông thấy mây và đá núi, chỉ nghe thấy gió ù ù thổi như hắt hơi lửa vào mặt”. Những “miền mây thăm thẳm” mà ông bắt gặp trên ngọn núi cao này, giờ đây, vẫn còn nguyên như thế, như chưa hề vơi bớt heo hút và màu trắng đục. Mây đọng lại thành sương, sương như làn hơi lan xuống những con dốc khúc khuỷu. Nhưng thực tình, tôi nghĩ, đấy cũng là kì công của tạo hóa, và là cơn cớ để những câu thơ tuyệt bút ra đời, chính xác đến từng hình ảnh, rồi bất tử hóa địa danh ấy, Sài Khao.