Sửu là 1 trong 12 con vật biểu tượng của vòng tuần hoàn thập nhị địa chi Tí, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tị, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi. Những con vật này là một đề tài quen thuộc. Phần lớn các họa sĩ đều đã vẽ, người ít, kẻ nhiều.

Tranh của Lê Thiết Cương.
Tranh của Lê Thiết Cương.

Hình ảnh trâu trong nghệ thuật truyền thống rất đa dạng. Từ phù điêu gỗ Trọi châu thế kỷ 17 ở đình Liên Hiệp (huyện Quốc Oai, Hà Nội) đến Chú bé ngồi thổi sáo, Chú bé thả diều trên lưng trâu của dòng tranh dân gian Đông Hồ. Hoặc người nông dân ngồi dưới gốc cây đào, cây mai nghỉ ngơi bên cái bừa, cái cày và con trâu với tên gọi Nông nhàn. Đó cũng là một ước mơ, một nụ cười để tạm quên đi vất vả, mệt nhọc của nghề nông. Đã nông thì nhàn sao được? Độc đáo nhất là bức tranh Vua Đinh Tiên Hoàng ngồi trên lưng trâu. Có lẽ ông là vị vua duy nhất không ngồi trên lưng ngựa, lưng voi. Đến những đồng tiền cụ Hồ in trên giấy bản giai đoạn 1946-1954 của các họa sĩ Nguyễn Sáng, Nguyễn Đỗ Cung, đặc biệt tờ 20 đồng vẽ cảnh người nông dân đang đi cày của họa sĩ Nguyễn Huyến với tạo hình chắc khỏe. Sau đó là những bức tranh Trâu của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm… hoặc những bức "Buổi cầy sớm", "Ra đồng" của họa sĩ Lưu Công Nhân. Ai thì cũng có phận của người ấy. Đề tài nào mà chả hay nhưng dù sao thì mỗi người đều có một tạng đề tài của mình, “một khoảng hiện thực” mà mình yêu nhất. Người thích vẽ về miền núi, người thích vẽ cuộc sống thành thị… Đề tài con giống được nhiều họa sĩ quan tâm hơn có lẽ vì tính chất đặc biệt của nó. Đó cũng là một cái cớ hay, gợi cảm, gợi hứng cho tâm trạng giao niên, năm hết Tết đến, tiễn cũ đón mới. Đó cũng là một tục lệ đẹp của các họa sĩ mà chưa chắc các nghành nghệ thuật khác đã dễ gì có được.

Tranh của Đỗ Dũng.
Tranh của Đỗ Dũng.

Tân Sửu, Tân thuộc hành thổ / màu vàng. Trâu Vàng, tuổi vàng, con vật biểu tượng của năm mới 2021, nhóm họa sĩ G39 (Vương Linh, Bình Nhi, Bùi Thanh Thủy, Nguyễn Hồng Phương, Võ Lương Nhi, Nguyễn Quốc Thắng, Phạm Trần Quân, Lê Thiết Cương, Đỗ Dũng, nghệ sĩ gốm Nguyễn Hồng Quang và nhà thiết kế thời trang Trịnh Bích Thủy) cùng bày những tác phẩm mới nhất về Trâu, với nhiều chất liệu, sơn dầu, giấy dó, bột màu, gốm, áo thêu...

Nghệ thuật Việt khởi đi từ làng. Nghệ thuật Việt là nghệ thuật làng. Nước Việt là nước làng. Văn minh của người Việt, nước Việt là văn minh lúa nước. Con Trâu như cái cột của ngôi nhà văn hóa, văn minh Việt. Hình ảnh trâu có nhiều trong thơ ca, thành ngữ / tục ngữ, trong truyện cổ tích, trong địa danh, trong điêu khắc và hội họa của người Việt. Hình tượng con Trâu gần gũi, thân thuộc, gắn liền với sự cần cù, chăm chỉ, khỏe mạnh là gợi ý hay cho các nghệ sĩ đưa vào tác phẩm của mình. Là lời chúc sức khỏe cho mọi người.

Tác phẩm gốm của Nguyễn Hồng Quang.
Tác phẩm gốm của Nguyễn Hồng Quang.

Các họa sĩ mỗi người mỗi hình Trâu, mỗi kiểu Trâu riêng cho mình. Riêng mà chung.

Một bảng màu tương phản mạnh và những nét, nhát bút phóng khoáng là điểm mạnh của họa sĩ Đỗ Dũng. Anh đến với triển lãm "Đón Trâu Vàng" bằng 6 tác phẩm từ Trâu đàn đến Mẫu tử (Trâu mẹ/ trâu con), Trâu đơn.

Bình Nhi với 6 tác phẩm Sửu trên giấy dó khổ lớn lấy cảm hứng từ chuyện Thập mục ngưu đồ của nhà Phật.

Nguyễn Quốc Thắng yêu thích chất liệu bột màu trên báo cũ. “Đàn trâu” của Thắng rực rỡ tươi vui trên đường làng Cự Đà, nơi gia đình anh sinh sống. Thắng ưa dùng hòa sắc tương phản nóng lạnh, cam và nõn chuối, xanh lục với hồng cánh sen… Thắng để cảm xúc dẫn màu, dẫn hình đi chứ không bó vào cái mà anh nhìn thấy cho nên bầu trời có thể đỏ, mái ngói không nhất thiết phải thâm nâu mà xanh ngăn ngắt… cho nên những bức tường vôi lở, những lối xóm rêu phong, những cổng cửa xưa cũ ấy vẫn là nó mà không buồn bã. Chất làng quê cổ kính xưa cũ ấy vẫn tươi mới cũng là do bảng màu tương phản này của Thắng.

Tranh của Võ Lương Nhi.
Tranh của Võ Lương Nhi.

Nghệ sĩ Nguyễn Hồng Quang góp với "Đón Trâu Vàng" bằng những tác phẩm gốm, mới nhất, do anh thiết kế nặn, vuốt, chuốt độc bản, vừa ra lò. Vẫn là những lọ, chum, vại muối dưa cà nhưng lồng ghép vào đó là những chú trâu khỏe khoắn bằng nét khắc, cắt dán, đắp nổi.

Nhà thiết kế Trịnh Bích Thủy sở trường với áo chần bông, tất nhiên đã được làm mới lại, cắt ghép lại, màu sắc lại, hồng lại, cam lại, đỏ điều lại cùng những họa tiết Trâu vàng, Trâu tím thêu, đắp trên vạt, tà, cánh tay rất bắt mắt, hiện đại.

Áo chần bông của Trịnh Bích Thủy.
Áo chần bông của Trịnh Bích Thủy.

Họa sĩ Lê Thiết Cương tham gia một số tác phẩm trâu bằng kỹ thuật vẽ sáp ong trên vải lanh rồi nhuộm chàm của người H’Mông ở Sapa. Đây là lần đầu tiên họa sĩ thể nghiệm chất liệu mới này để thêm vào dự án nghệ thuật đưa hội họa hiện đại vào các chất liệu truyền thống.

Đón Sửu, đón năm mới không chỉ có tranh về Trâu mà còn nhiều đề tài khác. Tất cả đều chung một giai điệu Xuân, vui, mới, tươi trẻ.

Chung nhưng riêng.

Chia tay Tý đón Sửu

Chúc một năm Tân Sửu an lành.

Triển lãm ĐÓN TRÂU VÀNG của nhóm họa sĩ G39 và nhóm họa sĩ nhí trưng bày khoảng 50 tác phẩm trên các chất liệu sơn dầu, acrylic, bột màu, giấy dó, gốm Bát Tràng, gốm Hương Canh, áo chần bông thêu họa tiết trâu... Triển lãm diễn ra từ ngày 29/01-07/02/2021 tại Nhà triển lãm Vân Hồ, 2 Hoa Lư, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.