Có thể nói, loạt đề đạt của Thái Phỉ trong Một nền giáo dục Việt Nam mới (1941; NXB Tri thức tái bản 2018) thể hiện tâm huyết, trí lực của bậc thức giả ưu thời, và cho dẫu mang màu sắc dân tộc chủ nghĩa và trước tiên ứng với thời đoạn 1940, nó thực sự đáng tham khảo cho cả hôm nay bởi vấn đề cải cách giáo dục luôn luôn nóng hổi.

Cho đến đầu thập niên 1940, công cuộc cải cách giáo dục của chính quyền thuộc địa Pháp trên đất Việt Nam đã kéo dài trên 30 năm, nếu tính từ mốc 1906 là thời điểm khi Toàn quyền Paul Beau thiết lập được hệ thống giáo dục từ tiểu học đến trung học, cải thiện và thay đổi mạnh mẽ chương trình giáo dục bản xứ.


Sau cuộc cải cách giáo dục lần thứ hai (dưới bàn tay của Toàn quyền Albert Sarraut, bắt đầu từ năm 1917), mức độ quy củ của lớp tri thức bản địa đã rõ ràng hơn nhờ các bộ sách giáo khoa quốc ngữ được biên soạn công phu bởi những tác giả người Việt, nhìn chung, có kinh nghiệm sư phạm hơn. Có thể kể đến nhóm Trần Trọng Kim với bộ Sử kí địa dư giáo khoa thư, Luân lý giáo khoa thư, Quốc văn giáo khoa thư dành cho lớp đồng ấu, dự bị và sơ đẳng; Nguyễn Đức Phong (Thái Phỉ) và Tô Hữu Trác với Bốn mươi bài tập đọc; Nguyễn Đức Phong và Dương Bá Trạc với Quốc văn sơ học độc bản; Dương Quảng Hàm với Quốc văn trích diễm, Việt Nam văn học sử yếu…

Các sách giáo khoa này, theo đà tiến của xã hội, có sự tiếp nối và chỉnh sửa, bổ sung nhưng quan trọng nhất, đều xoay quanh ý tứ tạo dựng kiểu con người Việt Nam mới không những ham học hỏi khoa học thái Tây mà còn thấm nhuần các bài học đạo đức, luân lý, các giá trị bền vững trong lịch sử, văn chương dân tộc. Lấy giáo dục để củng cố và phục hưng tính cách, xã hội An Nam đủ đương đầu với thách thức Âu hóa, xét cho cùng, cũng là một đối thoại ngầm trước sự vội vã, háo hức quá mức của không ít người chủ trương tiêu trừ cái cũ, xiển dương cái mới.

Viết năm 1941, Một nền giáo dục Việt Nam mới xuất hiện vào đúng thời điểm cuộc canh tân có dấu hiệu hụt hơi. Đúng hơn, sau gần một thập niên đuổi theo Âu hóa, với sự nhập cuộc không thể náo nhiệt hơn của thế hệ trí thức “đoạn tuyệt” quá khứ mà Tự lực văn đoàn là điển hình, đường đi hiện đại hóa xã hội mất dần sức mạnh khiến giới trí thức, trong thái độ trầm tĩnh nhìn lại, phải tìm kiếm nguồn lực nào thật sự đắc dụng trong bối cảnh mới.

Thực chất, một lần nữa, áp lực của phương Tây hóa khiến giới tân học và nhà Nho duy tân tin rằng không có giá trị nào tuyệt đối lí tưởng nếu vẫn duy trì cái nhìn phiến diện, cực đoan, nếu chỉ thuần nhất “hậu cổ” hoặc “bạc kim”. Một nền giáo dục Việt Nam mới nằm trên pha dao động giữa hai vế. Lo xa và nghĩ sâu, Thái Phỉ đã bắt kịp chuyến tàu tâm tư của thời đại với chỗ ngồi có tên giáo dục, vị trí có lẽ còn lâu mới hết cảnh tượng người tới kẻ lui!
Là cha của bảy đứa con vừa trai vừa gái đang tuổi ăn học, là nhân chứng của nền học vấn hiện hành, là nhà báo và nhà giáo nhiều năm quen phân tích, phản biện, Thái Phỉ có sở cứ để luận bàn chuyện hay dở, thích hợp hay phản tác dụng của hệ thống giáo dục lúc bấy giờ.

Ông cả giận trường ốc cửa Khổng sân Trình vì đã tạo ra một hàng “nhà nho trí óc hẹp hòi và câu nệ, chỉ còng lưng cúi đầu làm nô lệ cái văn hóa Trung Quốc, chỉ tôn trọng tuyệt đối cái gì mà thánh hiền đã dạy ở kinh truyện”; ông chỉ ra sự nặng nề, quá tải của nội dung, “bắt thiếu niên phải ngốn vội vàng rất nhiều tri thức khó tiêu” trong nhà trường Pháp-Việt.

Ông cay đắng nói về số phận các trường tư “không khác gì mở một hiệu buôn” mà “muốn cho trường mình được vững vàng, tức là muốn cho có nhiều lời, tất phải chiều theo ít nhiều những thị hiếu của học sinh là những khách hàng rất khó tính”. Ông không ngần ngại phê phán “gia đình giáo dục” ở Việt Nam lúc đó “hầu như không có gì cả”.

Nhưng đáng báo động và lên án nhất, theo ông, chính là môi trường xã hội cuốn theo các trào lưu thời thượng đã làm hư hỏng, sa đọa thế hệ trẻ. Dường như chưa nguôi thịnh nộ, Thái Phỉ nhắc lại hàng loạt tệ hại, hệ lụy của thứ văn chương diễm tình, dâm uế và kiếm hiệp ba xu; của phong trào vui vẻ trẻ trung; cải cách y phục… Chúng khiến thanh niên ăn chơi, nhu nhược và đáng sợ hơn, “họ trối kệ tất cả, từ cái tiếng Tổ quốc thiêng liêng đến cái bản thân đáng trau tria của họ”. Dĩ nhiên, những phân tích của Thái Phỉ ở đây không hoàn toàn thuyết phục nhưng cũng như mọi thao tác phủ định, nó cần thiết để ông lấy làm sở cứ đứng lên tính chuyện “làm lại cả cái xã hội Việt Nam”.

Không rườm rà, dài dòng, Thái Phỉ đề đạt một mạch những tiêu chí, mục đích xây dựng, giáo dục “một người mới của xã hội Việt Nam mai sau”. Ngày nay nhìn lại, đa số các tiêu chí đó chẳng những còn nguyên tính cấp bách mà còn, dẫu có nhiều điều kiện thuận lợi hơn, vẫn đầy nan giải nếu muốn thực hiện thành công: về thể chất, phải “khỏe” và “sạch”; về tinh thần phải “vui vẻ”, “yêu đời”, “có tinh thần độc lập”, “có óc khoa học”, “có óc thực tế”, “trọng kỉ luật và trật tự”, “sống một cuộc đời thật giản dị”, “trí làm lớn và gan dạ”…

Rõ ràng, hình ảnh con người Việt Nam mới theo hình dung của Thái Phỉ được lồng trọn vẹn trong bộ khung “trí dục” và “đức dục”, còn giá đỡ, không bất ngờ, là căn nền “tinh thần gia tộc”, “ý thức quốc gia” cùng “một lý tưởng để mà phụng sự”. Lý tưởng lớn nhất, ông nhấn mạnh, là làm cho “xã hội Việt Nam được thịnh vượng, và xa hơn nữa, làm cho xã hội loài người được sung sướng”.

Tuy vậy, cuốn sách của Thái Phỉ cũng không giữ được nhịp đập hiện đại tuyệt đối. Từ điểm muốn khởi dựng một nền giáo dục mới, Thái Phỉ dần sa vào quán tính chỉ bảo, giáo huấn lối sống, phép tu thân, kĩ năng ứng xử. Điều này khiến người đọc lầm tưởng ông giương ngọn cờ đổi mới trong đôi tay hoài cổ, bảo thủ.

Thiết nghĩ, đặc điểm có thể coi là nhược điểm này của Thái Phỉ khá tiêu biểu cho tính cách trí thức An Nam, riêng ở phương diện duy tân, là bao giờ cũng nhanh nhạy, mẫn cảm nhưng chưa bao giờ đẩy đến tận cùng vấn đề, chưa mấy khi vượt qua mức độ vụn vặt, tiểu tiết để thiết lập một tổng thể dài hơi, viễn kiến. Trong nghĩa đó, đọc lại Một nền giáo dục Việt Nam mới cũng là cách, nói như Thái Phỉ, “đánh thức các nhà giáo dục” không ngừng thức nhận và hành động sáng suốt, thông thái hơn.