Cung điện Potala là một quần thể kiến trúc tiêu biểu cho Phật giáo Tây Tạng. Nó từng là nơi tu đạo vào mùa đông của các vị Đạt Lai Lạt Ma cũng như trụ sở của Chính phủ Tây Tạng
Công trình kiến trúc độc đáo
Potala là cung điện cao nhất thế giới nằm ở Lhasa, thủ đô của Tây Tạng, và nó được coi là biểu tượng của Phật giáo Tây Tạng. Theo tiếng sankrit, Potala nghĩa là “thánh địa của Phật”. Hiện nay, Cung điện Potala đóng vai trò là một bảo tàng lưu giữ văn hóa cổ, cũng như một Di sản Thế giới có vị trí đẹp. Mỗi năm, nơi đây thu hút rất nhiều khách du lịch tới chiêm ngưỡng các báu vật của Tây Tạng nói riêng và Phật giáo nói chung.
Cung điện Potala tọa lạc trên đỉnh đồi Marpo Ri (mang nghĩa là Đồi Đỏ) nhìn ra Thung lũng Lhasa từ độ cao 130 m. Nhưng nếu so với mực nước biển thì công trình này nằm ở độ cao 3.700 m.
Theo truyền thuyết, có một hang động linh thiêng bên trong ngọn đồi Marpo Ri từng là nơi ở của Quán Thế Âm (Avalokiteśvara), một vị bồ tát là hiện thân cho lòng từ bi của tất cả chư Phật. Hoàng đế Tây Tạng Songtsen Gampo đã sử dụng hang động này để hành thiền. Cũng trong thời gian ông cai trị, cung điện đầu tiên được xây dựng trên đồi Marpo Ri vào năm 637 sau Công nguyên. Theo một số tài liệu lịch sử, Cung điện Potala được hoàng đế xây dựng dành cho người vợ mới cưới, đó là công chúa Văn Thành (Wencheng) của triều đại nhà Đường.
Đến thế kỷ 17, Cung điện Potala được Đạt Lai Lạt Ma (Dalai Lama) thứ 5, Ngawang Lobsang Gyatso, tu tạo để có cấu trúc như hiện nay. Năm 1645, cung điện bắt đầu được xây rộng thêm. Ba năm sau, quần thể kiến trúc nhỏ hơn nằm trong Cung điện Potala là Bạch Cung hoàn thành. Đây là nơi tu đạo vào mùa đông của các Đạt Lai Lạt Ma.
Toàn bộ công trình cần thêm vài thập kỷ nữa để hoàn thiện. Ví dụ, Hồng Cung – nơi dành riêng cho việc nghiên cứu Phật giáo và cầu nguyện – được xây dựng xong trong khoảng thời gian từ năm 1690 đến năm 1694.
Bởi vì Đạt Lai Lạt Ma thứ 5 mất vào năm 1682 nên ông không thể chứng kiến Hồng Cung được hoàn thành. Các nhà sư khác lo ngại cái chết của Đạt Lai Lạt Ma thứ 5 sẽ khiến dự án bị hủy bỏ nên họ quyết định giữ bí mật về cái chết của ông trong hơn 10 năm, cho đến khi xây xong Hồng Cung. Trong khi đó, một tu sĩ có tướng mạo gần giống ông được bố trí làm người đóng giả.
Một trong những điểm nổi bật của Cung điện Potala là kiến trúc độc đáo của nó. Toàn bộ công trình được xây dựng bằng gỗ và đá. Đây là lối kiến trúc nổi bật cho phong cách Phật giáo Tây Tạng, mang đậm nét ảnh hưởng từ Trung Quốc, Ấn Độ và Nepal. Cung điện có hơn 1.000 phòng, bao gồm nhiều nhà nguyện, đại sảnh và những căn phòng nhỏ.
Cung điện Potala lưu giữ nhiều tác phẩm nghệ thuật độc đáo có thể khiến du khách phải kinh ngạc, trong đó có các bức tượng Phật, đồ cổ và những bức bích họa. Hơn 600 bức tranh được vẽ trên tường trong Cung điện Potala mô tả lại nhiều sự kiện quan trọng của lịch sử Tây Tạng, cũng như câu chuyện về cuộc sống của các vị Đạt Lai Lạt Ma trước đây.
Tính chất linh thiêng của Cung điện Potala còn được nâng cao hơn nữa bởi vì đây là nơi chôn cất của các Đạt Lai Lạt Ma tiền nhiệm. Lăng mộ của tám vị Đạt Lai Lạt Ma được đặt trong Hồng Cung, và bản thân chúng là những kỳ quan chứa đựng nhiều điều bí ẩn. Ví dụ, xác ướp của Đạt Lai Lạt Ma thứ 5 được đặt trong một bảo tháp (một cấu trúc hình mái vòm) ở phía tây của Hồng Cung. Bảo tháp này cao 5 tầng, phủ 4 tấn vàng và được nạm một lượng lớn đá bán quý.
Bảo tồn di sản
Năm 1959, người Tây Tạng nổi dậy chống lại chính quyền Trung Quốc nhưng không thành công. Đạt Lai Lạt Ma thứ 14, Tenzin Gyatso, phải lánh nạn sang Ấn Độ. Kể từ đó, Cung điện Potala không còn là nơi ở của các vị Đạt Lai Lạt Ma nữa.
Trong những năm 1960 và 1970, nhiều công trình kiến trúc tôn giáo trở thành nạn nhân của Hồng Vệ Binh (Red Guards) cuồng tín trong Cách mạng Văn hóa Trung Quốc. Tuy nhiên, Cung điện Potala vẫn tiếp tục tồn tại sau kiếp nạn này, bởi vì nó được bảo vệ bởi quân đội của Thủ tướng Chu Ân Lai. Cung điện Potala sau đó đã được Chính phủ Trung Quốc chuyển đổi thành bảo tàng quốc gia. UNESCO công nhận Cung điện Potala là Di sản Thế giới năm 1994.
Gần đây, Trung Quốc có kế hoạch chi 45 triệu USD để số hóa và bảo tồn các tài liệu cổ được cất giữ trong Cung điện Potala. Dự án sẽ kéo dài khoảng 10 năm. Tờ China Daily cho biết, các tài liệu tiếng Hán, Tây Tạng, Mãn, Mông Cổ, và tiếng Phạn viết về hơn 20 chủ đề được lưu trữ trong hơn 40.000 cuốn sách đặt tại các bảo tháp lăng mộ, tượng Phật, hội trường và một số thư viện.
“Các văn bản quý giá này chứa đựng gần như toàn bộ các tài liệu và văn học cổ đại của Tây Tạng. Nội dung của chúng bao gồm 3 bộ sưu tập về những lời dạy của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, 10 môn khoa học của Tây Tạng, tiểu sử, y học, lịch sử, opera, biên niên sử và thư mục”, Jondan, giám đốc văn phòng hành chính của Cung điện Potala, cho biết.
(Theo Ancient Origins)