Phải mất hơn một thập kỷ, các nhà khoa học mới phát triển thành công vaccine tiêm một mũi duy nhất có khả năng phòng ngừa bệnh sởi mà không gây sốt cao và phát ban. Sau đó, các quan chức y tế phải mất nhiều công sức để thuyết phục mọi người sử dụng nó.

Căn bệnh dễ truyền nhiễm

Tại Mỹ, trước khi vaccine sởi được cấp phép sử dụng vào năm 1963, căn bệnh này là nguyên nhân gây ra cái chết của 500 người mỗi năm, khiến 48.000 người phải nhập viện do gặp phải các biến chứng như nhiễm trùng tai, tiêu chảy, viêm phổi, viêm não. Ngay cả khi sống sót sau khi nhiễm sởi, bệnh nhân vẫn có nguy cơ tử vong do một biến chứng rất hiếm gặp gọi là viêm não xơ hóa bán cấp (SSPE). Các triệu chứng SSPE phát triển từ một đến hai thập kỷ, làm suy giảm dần chức năng não cho đến khi người bệnh hôn mê và tử vong.

“Sởi là một căn bệnh cổ xưa và dễ truyền nhiễm. Nó gần như lây lan từ người này sang người khác sau khi tiếp xúc”, Graham Mooney, phó giáo sư tại Viện Lịch sử Y học thuộc Đại học Johns Hopkins (Mỹ), cho biết.

Rhazes, một bác sĩ người Ba Tư, đã có những ghi chép sớm nhất về bệnh sởi vào thế kỷ thứ 9. Nhưng phải đến năm 1757, bác sĩ Francis Home người Scotland mới phát hiện sởi do một loại mầm bệnh gây ra. Home đã thử tìm cách phân lập mầm bệnh để chế tạo thuốc chữa nhưng thất bại.

Không lâu sau, sởi lây lan rất nhanh trên toàn thế giới. Số lượng người chết do bệnh sởi nhiều nhất nằm trong các quần thể dân cư bị cô lập, chẳng hạn như các quốc đảo. Năm 1848, một đợt bùng phát sởi ở Hawaii giết chết 1/3 số người sống trên đảo. Năm 1875, dịch sởi xảy ra ở đảo quốc Fiji cũng đã quét sạch 1/3 dân số chỉ trong 4 tháng.

Năm 1916, sởi giết chết gần 12.000 người tại Mỹ, trong số đó có 75% là trẻ em dưới 5 tuổi. Cũng trong năm đó, hai bác sĩ người Pháp đã tìm thấy kháng thể sởi trong máu của bệnh nhân. Họ đã chỉ ra làm thế nào để các kháng thể có thể giúp những người khác ngăn chặn sự phát triển của bệnh, đặt nền tảng cho việc phát triển vaccine sau này.

“Trong những năm 1950, tỷ lệ tử vong do bệnh sởi giảm xuống đáng kể nhờ vào các loại thuốc kháng sinh và những tiến bộ trong điều kiện vệ sinh, chăm sóc y tế, dinh dưỡng”, Paul Offit, trưởng khoa về bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Nhi đồng Philadelphia (Mỹ), cho biết.

Vaccine sởi đầu tiên rất độc hại

Vào tháng 1/1954, khi dịch sởi tấn công một trường nội trú dành cho nam ở thành phố Boston (Mỹ), John Enders – một nhà khoa học tại Bệnh viện Nhi đồng Boston – đã nhờ cộng sự Thomas Peebles đến ngôi trường này để lấy mẫu máu của những cậu bé bị nhiễm bệnh. Lúc tiến hành lấy máu, Peebles nói với các học sinh: “Này các chàng trai, các bạn đang đứng trên biên giới của khoa học. Máu của các bạn sẽ được dùng để phát triển ra loại thuốc ngừa bệnh sởi và tên của các bạn sẽ đi vào biên niên sử của loài người trong việc chống lại dịch bệnh”.

Trong vòng một tháng, Peebles đã phân lập được virus sởi từ máu của cậu học sinh David Edmonston, 13 tuổi. Năm 1958, nhóm nghiên cứu của Enders và Peebles tiến hành tiêm vaccine sởi mà thành phần là virus sống đã giảm độc lực để thử nghiệm trên những trẻ em khuyết tật tại Trường Fernald và Trường Willowbrook, nơi có các điều kiện thuận lợi cho việc lây nhiễm bệnh sởi. Tuy nhiên, do virus trong vaccine chưa đủ yếu nên hầu hết học sinh tham gia thử nghiệm đều bị sốt cao và phát ban, tương tự như nhiễm sởi.

Enders đã chia sẻ kết quả thử nghiệm với các nhà khoa học khác, bao gồm Maurice Hilleman – nhà nghiên cứu hàng đầu tại công ty dược phẩm Merck. “Loại vaccine sởi này quá độc hại. Một số trẻ bị sốt cao đến nỗi lên cơn co giật”, Hilleman nhận định.

Ngay sau đó, Hilleman đã phát triển phương pháp nuôi cấy virus sởi an toàn trong trứng. Hilleman phát hiện ra rằng, khi tiêm đồng thời một mũi vaccine sởi do mình chế tạo kèm theo một mũi kháng thể sởi sẽ làm giảm các tác dụng phụ.

Maurice Hilleman (đứng giữa) là người có công rất lớn trong việc phát triển vaccine sởi. Ảnh: Time Magazine
Maurice Hilleman (đứng giữa) là người có công rất lớn trong việc phát triển vaccine sởi. Ảnh: Time Magazine

Ngày 21/3/1963, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép cho vaccine sởi virus sống đầu tiên của Merck gọi là Rubeovax. Năm 1968, Hilleman tinh chế Rubeovax thành một loại vaccine không có tác dụng phụ nghiêm trọng và không cần tiêm thêm kháng thể sởi, gọi là Attenuvax.

Vấn đề tiêm chủng

Sự thờ ơ của người dân khi đối mặt với bệnh truyền nhiễm luôn là vấn đề lớn đối với sức khỏe cộng đồng. “Sau khi chế tạo được vaccine. Một bước không kém phần quan trọng là thuyết phục phụ huynh tiêm chủng cho con. Nhiều bậc cha mẹ khi đó đã ưu tiên dùng tiền mua thực phẩm bổ dưỡng cho trẻ thay vì tiêm vaccine phòng ngừa bệnh sởi, đặc biệt là đối với những người Mỹ nghèo”, Mooney cho biết.

Đạo luật Hỗ trợ Tiêm chủng của Mỹ năm 1965 đã cung cấp kinh phí cho việc tiêm phòng sởi cho người dân, nhưng số tiền đã hết trong những năm 1970, góp phần làm gia tăng các trường hợp mắc bệnh.

“Nhiều bậc phụ huynh đơn giản là chưa được giáo dục về lợi ích và sự cần thiết của việc tiêm chủng”, Bộ Y tế Tiểu bang New York nhận định vào năm 1971. Cùng năm đó, Hilleman kết hợp vaccine sởi, quai bị và rubella thành một mũi tiêm duy nhất, gọi là MMR (Measles, Mumps, Rubella) để làm giảm số lần tiêm chủng cho trẻ em. Hiện nay, mũi tiêm MMR đang được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới.

Sau khi Mỹ ban hành các quy định tiêm chủng rộng rãi trong trường học và nguồn tài trợ từ quỹ liên bang dồi dào hơn, đất nước này đã chính thức loại trừ dịch sởi vào năm 2000. [Trong khi các trường hợp mắc sởi vẫn xuất hiện, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) định nghĩa dịch sởi được dập tắt khi không có sự lây truyền bệnh liên tục từ 12 tháng trở lên trong một khu vực địa lý cụ thể].