Những ngày cuối của dòng Mekong hùng vĩ của Brian Eyler có “định dạng” du ký, nhưng là một lối viết du ký đa chiều đi xuyên qua những huyền thoại, tài liệu nhân học, ký ức cộng đồng, lịch sử môi trường đến những ghi chép thực địa.
Khởi đầu từ ngôi trường có tên Mekong ở vùng biên Chiang Khong, Thái Lan, do ông lão Khru Tee mở ra để vận động, giáo dục dân chúng bảo vệ nguồn cá trên sông cùng môi trường nước, Brian Eyler đưa người đọc đến thượng nguồn, nơi có “thiên đường hạ giới” Vũ Băng, rồi xuôi về vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long. Ông chấm trên dòng chảy sông Mekong 10 điểm nhấn chính yếu để khảo sát những thay đổi theo chiều hướng xấu về môi trường và đời sống con người trên lưu vực sông mà nguyên nhân chính là những con đập thủy điện.
Trong các cuộc khảo sát, tác giả thâm nhập sâu vào hồ sơ các dự án thủy điện để phân tích những hệ lụy kinh khủng mà chúng tạo ra. Những hứa hẹn ngọt ngào từ những dự án xây đập thủy điện mà các chính phủ đưa ra được tác giả “lật tẩy” thông qua các “case study” cụ thể. Ví dụ, ông nhìn lại lịch sử Mạn Loan, con đập thủy điện xây từ năm 1980 – được xem là con đập đầu tiên trên dòng Mekong. Dự án này hứa hẹn làm thay đổi đời sống cư dân nông nghiệp ở thung lũng Mạn Loan, nhưng kết quả là khiến 3.400 người, tức 1/2 dân cư, mất nhà, mất nguồn nước sạch và sinh kế, mất liên kết cộng đồng và rơi vào khủng hoảng sức khỏe. Nhiều di sản văn hóa và tâm linh bị nhấn chìm dưới lòng hồ, đó là những điều mà người dân không được báo trước.
Trong mô tả của tác giả, tham vọng khai thác thủy điện của chính phủ Trung Quốc là vô độ. Năm 2011, đập Tiểu Loan cao thứ 2 thế giới vẫn được chính phủ Trung Quốc cho xây trên dòng Mekong. Con đập này cộng hưởng cùng trào lưu du lịch đại chúng và nông nghiệp bẩn đã không chỉ làm ô nhiễm hồ Nhĩ Hải, tàn phá di sản Đại Lý vốn lấp lánh trong các tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung, mà còn làm thay đổi mực nước, nguồn cá của cư dân vùng Tam Giác Vàng.
Xuôi dòng Mekong về hạ nguồn, có điều cay đắng mà tác giả nhận ra: hết Trung Quốc dấn sâu vào cơn say thủy điện bất chấp, đến Lào, Thái Lan, Camphuchia cũng ra sức lên dự án thủy điện trong khi thủy điện đang gây ra hệ lụy cho môi trường và xã hội của những nước này. Đập Xayabury được xây ở miền bắc Lào; ngoài ra, còn có 50 đập lớn khác đã hoàn thành hoặc đang xây dựng. Lào và Campuchia có kế hoạch xây dựng hơn 180 đập trên các sông nhánh của Mekong. Cá heo nước ngọt trên sông dần vắng bóng, cá trê lớn cũng ít dần. Mùa cá linh trên Biển Hồ và vùng đồng bằng hạ lưu đang dần thưa thớt. Diện tích trồng lúa thu hẹp, và các vùng nuôi tôm thất bại bởi hạn mặn và lượng phù sa hằng năm không đủ để duy trì một hệ sinh thái đặc thù... Những điều đó cũng đang xảy ra ở lưu vực trên lãnh thổ Việt Nam.
Khru Tee, cụ ông điều hành trường Mekong, nói rằng, “Dòng sông không còn là dòng sông nữa, mà là một loạt hồ chứa”, “Sông Mekong đâu phải để bán!”. Còn theo cách nói của bà Maureen Harris, giám đốc chương trình sông ngòi Đông Nam Á: “Tác động của nhiều con đập được lũy tích dồn lại, làm tăng áp lực lên sinh thái mong manh và dân cư địa phương ở vùng này. Dù không quá muộn để thay đổi tiến trình, nhưng với mỗi dự án mới, lưu vực này lại chìm sâu hơn vào một nơi chưa từng được biết tới.” (trang 248).
Trong từng chương sách, bên cạnh nguy cơ đe dọa “ngày tàn của dòng Mekong”, tác giả song song đưa ra một cơ chế phản vệ tự nhiên đến từ những cư dân mà ông gọi là những Zomia mang dòng máu độc lập hay các tổ chức dân sự như trường Mekong, Grenn Watershed và các tổ chức chuyên môn như Ủy hội Sông Mekong (Mekong River Commission). Mặc dù các tổ chức dân sự và chuyên môn này đều chịu sức ép từ cơ chế chính trị, những thế lực đen cho đến khó khăn về nguồn viện trợ và những người tham gia đấu tranh thường bị chụp mũ “chống phá” nhưng sự kiên cường của họ đã góp phần ngăn những bi kịch sinh thái và xã hội lặp lại hoặc tệ hơn từ việc khai thác tài nguyên theo lối vị kỷ của các quốc gia nơi dòng Mekong đi qua.
Chính vì vậy, cuốn sách không hẳn là lời ai điếu cho một dòng sông mà nó ngầm cho thấy hy vọng từ những nỗ lực dân sự quyết liệt bảo vệ Mekong. Bản thân cuốn sách của Brian Eyler cũng có thể xem là một trong những nỗ lực ấy.
Tác giả Brian Eyler là Giám đốc chương trình Đông Nam Á của trung tâm Simson tại Washington, DC. Ông từng có thời gian quản lý các trung tâm du học ở Bắc Kinh và Côn Minh, Trung Quốc cho IES Abroad và dẫn đầu nhiều chuyến tham quan học tập trên khắp khu vực sông Mekong. |