Tập tài liệu 2.200 năm tuổi được tìm thấy trong một ngôi mộ cổ của Trung Quốc là cuốn sách về giải phẫu người lâu đời nhất còn tồn tại đến ngày nay.
Nhóm nghiên cứu tại Đại học Bangor (Anh) và Đại học Howard (Mỹ) tiến hành phân tích một tập tài liệu cổ được phát hiện từ năm 1973, khi các nhà khảo cổ khai quật ngôi mộ của Tân Truy phu nhân [một quý tộc sống trong thời Hán] tại khu chôn cất Mã Vương Đôi ở tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Họ kết luận, đây là bản thảo chép tay lâu đời nhất về giải phẫu cơ thể người có niên đại từ thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên (TCN) đến thế kỷ thứ 2 TCN, cách đây khoảng 2.200 năm. Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí The Anatomical Record vào tháng 9/2020.
Tập tài liệu được viết trên lụa bằng phương ngữ dưới thời nhà Hán rất khó hiểu. Điều này khiến các chuyên gia gặp nhiều trở ngại trong việc lý giải nội dung. “Người ta phát hiện tập tài liệu từ cách đây hơn 40 năm, nhưng không ai biết nó là sách về giải phẫu học”, nhóm nghiên cứu cho biết. “Chúng tôi đã mất nhiều thời gian học ngôn ngữ cổ để đọc hiểu ký tự viết trên lụa, đồng thời thực hiện các cuộc điều tra giải phẫu nhằm xem xét lại cấu trúc cơ thể mà văn bản đề cập đến”.
Tập tài liệu được phát hiện ở Mã Vương Đôi là tiền thân của văn bản châm cứu nổi tiếng Hoàng Đế nội kinh. Mặc dù văn bản không đề cập rõ ràng đến các huyệt đạo, nhưng nó mô tả kinh lạc (meridian) và những con đường vận hành của khí huyết toàn thân. Đây là những khái niệm căn bản vẫn được sử dụng rộng rãi trong y học cổ truyền Trung Quốc ngày nay.
Các nhà khoa học đã so sánh các đặc điểm cơ thể được trình bày chi tiết trong tập tài liệu với những quan sát hiện đại về cơ thể người. Ví dụ, tài liệu mô tả một kinh lạc bắt đầu ở trung tâm của lòng bàn tay, đi dọc theo đường gân của cẳng tay tới tới nách và kết nối với tim. Nhóm nghiên cứu tin rằng mô tả này thực sự đề cập đến đường đi của động mạch trụ (ulnar), mạch máu chính của cẳng tay.
Một ví dụ khác là tập tài liệu mô tả một kinh lạc ở chân. Nó bắt đầu từ ngón chân cái, chạy dọc theo các cơ kết nối mắt cá chân, đầu gối, đùi và bụng. Kinh lạc này thực sự mô tả đường đi của tĩnh mạch hiển lớn (long saphenous vein), đường ống dẫn máu từ chân trở về tim.
Nhóm nghiên cứu nhận định, tập tài liệu được tạo ra với mục đích cung cấp mô tả súc tích về cấu tạo cơ thể người dành cho những người thực hành y học ở Trung Quốc cổ đại.
“Tác phẩm này là cơ sở nền tảng cho việc thực hành châm cứu trong hai thiên niên kỷ tiếp theo”, nhóm nghiên cứu nhận định. “Nó thách thức niềm tin phổ biến trước đây cho rằng phương pháp châm cứu không dựa trên cơ sở khoa học về mặt giải phẫu, bằng cách cho thấy các thầy thuốc đầu tiên viết về châm cứu đã biết khá rõ về cấu tạo cơ thể người”.
Mặc dù các nghiên cứu dựa trên bằng chứng đã xác nhận biện pháp châm cứu có khả năng kiểm soát cơn đau mãn tính, nhưng trong y học phương Tây, người ta vẫn nghi ngờ châm cứu là một phương pháp hiệu quả để điều trị nhiều bệnh lý khác. Tập tài liệu cổ ở Trung Quốc không chỉ đơn giản là một tác phẩm thần bí dựa trên những ý tưởng vô căn cứ, mà là một nỗ lực xác đáng để mô tả cấu trúc cơ thể người từ góc nhìn của một người sống trong nền văn hóa phương Đông cổ đại.
“Chúng tôi tiếp cận bản thảo cổ xưa từ một góc độ hơi khác so với quan điểm của y học phương Tây hiện đại về hệ thống động mạch, tĩnh mạch và các dây thần kinh riêng biệt trong cơ thể. Chúng tôi đã xem xét cơ thể theo quan điểm của y học cổ truyền Trung Quốc, dựa trên khái niệm triết học về các mặt đối lập và bổ sung của âm và dương”, Vivien Shaw, thành viên của nhóm nghiên cứu tại Trường Khoa học Y tế thuộc Đại học Bangor, cho biết.
Ở Trung Quốc thời cổ đại, sự phát triển của giải phẫu thường được coi là không liên quan đến việc mổ xẻ. Điều này là do những tư tưởng của Nho giáo về lòng hiếu thảo, khiến người ta ngại đụng chạm đến thi thể của người đã khuất, đặc biệt là di cốt của tổ tiên. Mặt khác, tư tưởng này có tầm ảnh hưởng sâu rộng trong thời nhà Hán. Vì vậy, nhiều người tin rằng bất kỳ mô tả nào về cơ thể người trong các tác phẩm y học Trung Quốc đương thời đều không dựa trên khám nghiệm bên trong cơ thể người.
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cho biết thi thể của những kẻ vi phạm phạm pháp luật không phải lúc nào cũng được tôn trọng. Nhiều khả năng các nhà nghiên cứu y học Trung Quốc cổ đại đã mổ xẻ xác của các tù nhân bị hành quyết để giúp họ hiểu rõ cấu trúc cơ thể con người. Ví dụ, trong nội dung bộ sách Hán Thư chủ yếu kể về lịch sử của triều đại nhà Hán, người ta cũng ghi lại sự kiện mổ xẻ tên tội phạm Vương Tôn Thanh vào năm 16 sau Công nguyên.
“Chúng tôi có thể chỉ ra sự tương đồng đáng kể giữa các mô tả trong tập tài liệu cổ xưa và cấu trúc giải phẫu người. Điều thú vị là một số cấu trúc này chỉ có thể được nhìn thấy trong quá trình mổ xẻ. Đây là bằng chứng cho thấy người Trung Quốc đã bắt đầu mổ xẻ các thi thể để nghiên cứu y học”, Izzy Winder, thành viên của nhóm nghiên cứu, cho biết.
Cho đến nay, người ta tin rằng các tập bản đồ giải phẫu cơ thể người lâu đời nhất có nguồn gốc từ Hy Lạp cổ đại. Tác giả của chúng là những thầy thuốc nổi tiếng như Herophilus (335 – 280 TCN) và Erasistratus (304 – 250 TCN). Tuy nhiên, các tác phẩm này hiện nay đều đã bị thất lạc và chúng chỉ được biết đến thông qua lời kể của những tác giả cổ đại khác.
“Do đó, tập tài liệu cổ của Trung Quốc là tác phẩm viết về giải phẫu người lâu đời nhất còn tồn tại đến ngày nay. Nội dung của nó được xây dựng không phải dựa trên những điều huyền bí mà dựa trên các cuộc điều tra thực nghiệm”, nhóm nghiên cứu viết.
Ngoài ra, kết quả nghiên cứu cũng cho thấy những thành tựu vượt bậc của người Trung Quốc cổ đại về mặt khoa học và y học. “Triều đại nhà Hán là thời kỳ học tập và đổi mới liên tục trong nghệ thuật và khoa học. Vì vậy, loại hình khoa học giải phẫu ra đời trong bối cảnh này không có gì là quá bất ngờ”, Vivien Shaw, thành viên của nhóm nghiên cứu, cho biết.